Tiếp cận thông tin khi Nhà nước thu hồi đất - Quyền cơ bản của công dân

Bởi Trần Thu Thủy - 10/08/2020
view 816
comment-forum-solid 0
Tiếp cận thông tin khi Nhà nước thu hồi đất là quyền cơ bản của công dân. Quy định vừa đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất, vừa có ý nghĩa trong công tác giám sát thực thi pháp luật tại địa phương.

Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198

Cơ sở pháp lý của quyền tiếp cận thông tin khi Nhà nước thu hồi đất

Hiến pháp năm 2013

Điều 25 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.  Như vậy, tiếp cận thông tin là một quyền cơ bản của công dân, được ghi nhận tại Hiến pháp, không cá nhân, tổ chức nào có thể hạn chế quyền cơ bản này.

Về việc thu hồi đất, khoản 3 Điều 54 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật”. Như vậy, việc công khai, minh bạch trong quá trình thu hồi đất là yêu cầu có tính tiên quyết để người dân thực hiện quyền tiếp cận thông tin của mình.

Luật tiếp cận thông tin năm 2016 

Điểm g Khoản 1 Điều 17 Luật tiếp cận thông tin năm 2016 quy định về những thông tin phải được công khai, bao gồm: “…thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giá đất; thu hồi đất; phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan đến dự án, công trình trên địa bàn”. Theo quy định này, thông tin về việc thu hồi đất và phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư phải được niêm yết công khai, đảm bảo tất cả công dân biết và thực hiện.

Luật đất đai năm 2013

Điều 199 Luật Đất đai năm 2013 quy định quyền giám sát của công dân như sau: “Công dân có quyền tự mình hoặc thông qua các tổ chức đại diện thực hiện quyền giám sát và phản ánh các sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai”. Trong đó, công dân có quyền giám sát việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định pháp luật. Việc giám sát phải đảm bảo tính khách quan, trung thực và tuân thủ quy định pháp luật hiện hành.

Trách nhiệm cung cấp thông tin về thu hồi đất của Nhà nước

Điều 28 Luật Đất đai năm 2013 quy định trách nhiệm của Nhà nước trong việc xây dựng, cung cấp thông tin đất đai như sau: “1. Xây dựng, quản lý hệ thống thông tin đất đai và bảo đảm quyền tiếp cận của tổ chức, cá nhân đối với hệ thống thông tin đất đai; 2. Công bố kịp thời, công khai thông tin thuộc hệ thống thông tin đất đai cho tổ chức, cá nhân, trừ những thông tin thuộc bí mật theo quy định của pháp luật; 3. Thông báo quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai cho tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp; 4. Cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong quản lý, sử dụng đất đai có trách nhiệm tạo điều kiện, cung cấp thông tin về đất đai cho tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, việc cung cấp thông tin khi Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo các văn bản: thông báo thu hồi đất, quyết định thu hồi đất, quyết định cưỡng chế thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư… được chuyển đến cá nhân, hộ gia đình trong khu vực có đất bị thu hồi và công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Cụ thể, Điểm a khoản 1 Điều 69 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Thông báo thu hồi đất được gửi đến từng người có đất thu hồi, họp phổ biến đến người dân trong khu vực có đất thu hồi và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi”. Đối tượng được cung cấp thông tin là “người dân trong khu vực có đất thu hồi”.. Tuy nhiên, không có văn bản nào giải thích cụm từ “người dân trong khu vực có đất bị thu hồi” bao gồm những người nào. Ngoài đối tượng cơ bản là người có đất bị thu hồi, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần chú ý đến các đối tượng có nguy cơ chịu ảnh hưởng từ dự án như: (i) Chịu ảnh hưởng về các công trình hạ tầng kỹ thuật như: lối đi chung, nguồn nước chung…; (ii) Chịu ảnh hưởng về về các công trình hạ tầng xã hội: trường học, công viên, trạm y tế…; (iii) Chịu ảnh hưởng trực tiếp về môi trường: nguồn nước thải, không khí thải… khi các công trình trong dự án mới đi vào hoạt động. Do vậy, đối tượng có quyền được tiếp cận thông báo thu hồi đất là rất rộng, kể cả người dân có đất bị thu hồi và những người có liên quan.

Từ những quy định trên, việc công khai, minh bạch thông tin khi Nhà nước thu hồi đất cần được thực hiện ở 2 nội dung: Một là, công khai, minh bạch trong lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất địa phương thông qua việc công bố, niêm yết trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân có thể nắm bắt và theo dõi. Hai là, công khai minh bạch về tài chính và dự án đầu tư.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
1.62772 sec| 1015.461 kb