Bảo vệ quyền hình ảnh của cá nhân, cần lưu ý gì?

view 1845
comment-forum-solid 0

Quyền hình ảnh của cá nhân là quyền nhân thân của mỗi người và được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Quyền cá nhân đối với hình ảnh có ý nghĩa rất lớn đối với mỗi cá nhân, đây là yếu tố tinh thần gắn liền với mỗi cá nhân, hình ảnh của mỗi cá nhân bị xâm phạm không chỉ ảnh hưởng về mặt tinh thần mà còn ảnh hưởng đên danh dự, nhân phẩm của người đó…

Cùng với sự phát triển bùng nổ của truyền thông, hình ảnh của cá nhân ngày càng có vai trò quan trọng, thậm chí trở thành một xu hướng kinh doanh mới, đem lại nguồn thu nhập không hề nhỏ.

Luật sư Nguyễn Hoài Thương - Luật sư Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình

Cá nhân hoàn toàn được phép định đoạt những gì mình muốn với hình ảnh của mình, không một ai được quyền ngăn cản hay được phép xâm phạm. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Nếu tự ý sử dụng hình ảnh cá nhân, người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Trường hợp sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác mà không cần sự đồng ý của người đó hoặc người đại diện theo pháp luật, gồm: (i) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; (ii) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và các hoạt động cộng đồng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm uy tín của người có hình ảnh (Khoản 1, 2 Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015).

Các hành vi xâm phạm hình ảnh của cá nhân

Hành vi xâm phạm hình ảnh cá nhân có thể là hành vi phát tán hình ảnh của cá nhân xâm hại tới danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó. Hành vi này thực hiện bằng cách khi có được hình ảnh của một người nào đó, nhất là hình ảnh thuộc về đời sống riêng tư của cá nhân, hình ảnh có tính chất “nhạy cảm” có thể xuất phát từ động cơ thiếu trong sáng do tư thù hoặc bất kỳ lí do nào họ đã đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, tạo hiệu ứng lan truyền nhanh trong cộng đồng, nhằm mục đích bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh hoặc chỉ để “trêu đùa”, “khoe khoang” mà không có dụng ý xấu. Các trường hợp này, người thực hiện hành vi đó phải chịu trách nhiệm.

Xâm phạm hình ảnh cá nhân còn được thể hiện thông qua việc một số các cơ quan báo chí công bố những hình ảnh được cá nhân thực hiện bảo mật. Hoạt động của báo chí đã xâm phạm quyền nhân thân đối với hình ảnh của cá nhân, sử dụng hình ảnh xâm phạm bí mật cá nhân, đời sống riêng tư. Hành vi này biểu hiện ở việc cá nhân bị phát tán những bức hình, cảnh quay thuộc đời sống sinh hoạt riêng tư của một người hoặc mặc dù là những hình ảnh bình thường nhưng cá nhân thực hiện vào việc bảo mật những bức ảnh đó thì việc công bố phát tán những bức ảnh, cảnh quay đó, hành vi này là xâm phạm tới bí mật cá nhân, đời sống riêng tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

Quy định trên có thể xem là phù hợp với xu hướng luật pháp quốc tế cũng như văn hóa của người Việt, khích lệ các hành xử nhân văn, nhân ái trong xã hội và bảo vệ tốt hơn quyền đối với hình ảnh của công dân và bảo đảm tính khách quan, có trách nhiệm hơn của các cơ quan báo chí, cộng đồng mạng xã hội.

Làm gì khi hình ảnh của cá nhân bị xâm phạm?

Các hành vi xâm phạm quyền của các cá nhân đối với hình ảnh trong nhiều trường hợp gây ảnh hưởng, tác động xấu đến tinh thần, danh dự và nhân phẩm của các cá nhân có hình ảnh. Trong trường hợp phát hiện bất kỳ hành vi nào xâm phạm đến quyền nhân thân đối với hình ảnh của mình cá nhân các quyền sau:

Khi chủ thể có hình ảnh bị xâm phạm trên mạng xã hội thì có quyền tự mình hoặc được quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người có hành vi xâm phạm phải chấm dứt hành vi xâm phạm. Biện pháp này chỉ phát huy hiệu quả khi mà người thực hiện hành vi xâm phạm đối với hình ảnh của cá nhân sớm nhận thức được hành vi trái pháp luật của mình.

Trong trường hợp người thực hiện hành vi xâm phạm không có những biện pháp chấm dứt ngay hành vi của mình và ngăn ngừa hậu quả xảy ra, thì chủ thể có quyền đối với hình ảnh bị xâm phạm phải áp dụng các biện pháp khác để bảo vệ quyền hình ảnh của mình như: khởi kiện ra Tòa án, yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn pháp luật dân sự (24/7): 1900 6198

Quyền của cá nhân đối với hình ảnh được pháp luật bảo vệ

Bản thân quyền nhân thân đối với hình ảnh là một quyền tuyệt đối của cá nhân. Quyền này hoàn toàn được bảo vệ một cách vô điều kiện khi cá nhân có hình ảnh thấy rằng hình ảnh của mình bị xâm phạm.

Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn” (Khoản 1 Điều 21).

Luật Báo chí năm 2016 có quy định cấm “Tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật” (Khoản 5 Điều 9).

Nghị định 51/2002/NĐ-CP ngày 26/4/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí, có quy định những điều không được thông tin trên báo chí: “Không được đăng, phát ảnh của cá nhân mà không có chú thích rõ ràng hoặc làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân đó (trừ ảnh thông tin các buổi họp công khai, sinh hoạt tập thể, các buổi lao động, biểu diễn nghệ thuật, thể dục thể thao, những người có lệnh truy nã, các cuộc xét xử công khai của Tòa án, những người phạm tội trong các vụ trọng án đã bị tuyên án)” (Khoản 3 Điều 5).

Nghị định số 56/2006/NĐ-CP ngày 06/6/2006 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa, thông tin có quy định: “phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: đăng, phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó hoặc thân nhân người đó, trừ các trường hợp tìm thân nhân của nạn nhân, ảnh của người đã bị khởi tố hình sự hoặc đang chấp hành hình phạt tù giam, ảnh thông tin về các hoạt động tập thể” (Điểm c Khoản 1 Điều 10).

Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí quy định: “Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: đăng, phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó, trừ các trường hợp pháp luật có quy định khác” (Điểm e Khoản 2 Điều 8).

Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình. Mà theo đó, theo điểm a khoản 1 Điều 5 của Nghị định quy định: "Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác".

Trường hợp sử dụng hình ảnh sai sự thật nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác trên mạng xã hội có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng về hành vi “Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật”.

Việc xâm phạm hình ảnh cá nhân với sự hỗ trợ của các phương tiện hiện đại như: các thiết bị máy quay, máy chụp ảnh hiện đại giúp người ta quay lén, chụp ảnh ở các góc độ đã ghi nhận lại những hình ảnh không đẹp của một số người. Chính điều này làm tăng tính chất nguy hiểm của hành vi xâm phạm hình ảnh đối với xã hội, từ đó hành vi xâm phạm hình ảnh của cá nhân đã không chỉ là xâm phạm tới quan hệ dân sự nữa mà chuyển sang xâm phạm tới quan hệ được pháp luật hình sự điều chỉnh, một số tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015, như: Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy (Điều 326); Tội làm nhục người khác (Điều 155); …

Xem thêm:

Bài viết được thực hiện bởi: Luật sư Nguyễn Thị Hoài Thương - Luật sư của Công ty Luật TNHH Everest

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật dân sự được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.net.vn.

Luật sư Nguyễn Hoài Thương

Luật sư Nguyễn Hoài Thương

https://everest.org.vn/luat-su-nguyen-hoai-thuong/ Luật sư Nguyễn Thị Hoài Thương được biết đến là một luật sư, chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn doanh nghiệp, hợp đồng, thương mại, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục. Luật sư Nguyễn Thị Hoài Thương gia nhập Công ty Luật TNHH Everest từ năm 2016 đến nay.

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
0.19593 sec| 1064.211 kb