Cho thuê sim điện thoại phạm tội gì?

view 1766
comment-forum-solid 0
Cho thuê sim điện thoại không đúng quy định pháp luật có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với hình thức phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: bị thu hồi số thuê bao viễn thông và nộp lại số lợi bất hợp pháp.

1- Quy định pháp luật về cho thuê sim

Trước hết, sim điện thoại (thuật ngữ pháp lý là thuê bao viễn thông) là người sử dụng dịch vụ viễn thông có gắn với việc ấn định tài nguyên viễn thông hoặc đường truyền dẫn viễn thông cụ thể (Khoản 26 Điều 3 Luật Viễn thông năm 2009). Tập hợp các thuê bao viễn thông gọi là kho số viễn thông, thuộc quyền quản lý của Việt Nam, được quy hoạch thống nhất để thiết lập mạng viễn thông, cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông. Người sử dụng sim điện thoại chỉ có quyền sử dụng thuê bao viễn thông mà không có quyền sở hữu thuê bao viễn thông.

Cho thuê sim điện thoại (thuật ngữ pháp lý là cho thuê số) là việc doanh nghiệp viễn thông cho doanh nghiệp viễn thông khác thuê lại quyền sử dụng số thuê bao được phân bổ (Khoản 7 Điều 3 Thông tư 25/2015/TT-BTTTT ngày 09/09/2015 quy định về quản lý và sử dụng kho số viễn thông).

Nguyên tắc thuê và cho thuê số thuê bao viễn thông: 1- Doanh nghiệp viễn thông bán dịch vụ viễn thông cho một doanh nghiệp viễn thông khác thì được cho doanh nghiệp đó thuê lại số thuê bao viễn thông mà mình được phân bổ. Doanh nghiệp viễn thông mua dịch vụ viễn thông của một doanh nghiệp viễn thông khác để bán lại thì được cấp số thuê bao viễn thông mà mình thuê cho thuê bao viễn thông. Không được thuê, cho thuê số thuê bao viễn thông không gắn với việc bán lại dịch vụ viễn thông” (Khoản 1 Điều 25 Thông tư 25/2015/TT-BTTTT).

Theo quy định này, chỉ doanh nghiệp viễn thông được quyền cho thuê sim điện thoại. Việc cho thuê sim điện thoại phải gắn với việc bán lại dịch vụ viễn thông. Pháp luật nghiêm cấm hành vi cho thuê số thuê bao viễn thông không gắn với việc bán lại dịch vụ viễn thông 

Xem thêm: Dịch vụ luật sư bào chữa trong vụ án hình sự của Công ty Luật TNHH Everest

2 - Cho thuê sim điện thoại bản chất là dịch vụ 'bán lại dịch vụ viễn thông' - ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Về bản chất, trong dịch vụ cho cho thuê sim online, bên cho thuê giao quyền sử dụng số thuê bao viễn thông (sim - subscriber identity module) cho bên thuê (khách hàng) để sử dụng trong một thời hạn, bên thuê phải trả tiền thuê. Bên cho thuê sim, không chuyển giao sim vật lý, bởi bên thuê chỉ với mục đích lấy mã OTP (one time password - mật khẩu sử dụng một lần) từ đơn vị cung cấp dịch vụ trực tuyến. Hiện nay, dịch vụ cho thuê sim online là một hình thức của dịch vụ 'bán lại dịch vụ viễn thông'.

Đối chiếu các quy định pháp luật liên quan:

Mục số 118, Phụ Lục IV Luật Đầu tư năm 2020: “Kinh doanh dịch vụ viễn thông” thuộc Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Khoản 27 Điều 3 Luật Viễn thông: “Bán lại dịch vụ viễn thông là việc doanh nghiệp viễn thông, đại lý dịch vụ viễn thông cung cấp dịch vụ viễn thông cho người sử dụng dịch vụ viễn thông trên cơ sở thuê đường truyền dẫn hoặc mua lưu lượng viễn thông thông qua hợp đồng ký với doanh nghiệp viễn thông khác”.

Khoản 2 Điều 15 Luật Viễn thông: “Quyền, nghĩa vụ của đại lý dịch vụ viễn thông: Ngoài các quyền, nghĩa vụ quy định tại Luật thương mại, đại lý dịch vụ viễn thông còn có các quyền, nghĩa vụ sau đây: … 2. Thực hiện việc cung cấp, bán lại dịch vụ viễn thông theo quy định của Luật này”.

Nghị định số 25/2011/NĐ-CP: “Bán lại dịch vụ viễn thông: 1. Trước khi bán lại dịch vụ viễn thông cố định cho người sử dụng tại một địa điểm có địa chỉ và phạm vi xác định mà mình được quyền sử dụng hợp pháp, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ đăng ký kinh doanh, ký hợp đồng đại lý dịch vụ viễn thông với doanh nghiệp viễn thông. 2. Trước khi bán lại dịch vụ viễn thông cố định tại hai địa điểm trở lên có địa chỉ, phạm vi xác định mà mình được quyền sử dụng hợp pháp, trước khi bán lại dịch vụ viễn thông di động, doanh nghiệp phải có giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông. 3. Bộ Thông tin và Truyền thông quy định cụ thể việc bán lại dịch vụ viễn thông”.

Như vậy, cho thuê sim (online) cần được xác định là một hình thức của dịch vụ “bán lại dịch vụ viễn thông” - ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

3 - Hình thức cho thuê sim điện thoại phổ biến

Dịch vụ cho thuê sim điện thoại nhận code online: Dịch vụ này dành cho khách hàng có nhu cầu thuê và sử dụng sim số đẹp hoặc sim số bình thường để đăng nhập và nhận mã cài đặt của một số trang web mua sắm online như Sendo, Shoppe, Lazada… hay các trang mạng xã hội như Facebook, Viber, Zalo…nhằm quảng bá thương hiệu, tăng lượt tương tác và spam tin nhắn tới khách hàng. Chi phí và thủ tục thuê sim khá đơn giản, chỉ cần liên hệ đơn vị cung cấp, đặt cọc số tiền bằng với giá sim và xác nhận mã code bằng tin nhắn là có thể sử dụng để bình luận, nhắn tin thông qua phần mềm trên mạng.

Dịch vụ cho thuê sim điện thoại nhận code online ngày càng phổ biến. Người dùng có được nhiều lợi ích như: Quảng cáo thương hiệu một cách hiệu quả; tiết kiệm được chi phí; tốc độ xử lý tin nhắn của khách hàng nhanh.

Tuy nhiên, hiện nay xuất hiện nhiều đối tượng lợi dụng việc thuê sim điện thoại để tạo tài khoản trên các trang mạng xã hội thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác. Ví dụ, nhiều đối tượng tạo tài khoản ảo trên mạng xã hội Facebook để giao bán hàng giá rẻ nhằm mục đích lừa đảo, sau khi có khách hàng đặt cọc hoặc chuyển tiền mua hàng, các đối tượng này lập tức chặn tin nhắn, khóa tài khoản và mất dấu vết.

Xem thêm: Dịch vụ luật sư riêng của Công ty Luật TNHH Everest

4 - Cho thuê sim điện thoại không đúng quy định pháp luật bị xử lý thế nào?

Pháp luật không cho phép cho thuê sim điện thoại không gắn với việc bán lại dịch vụ viễn thông. Người có hành vi “thuê, cho thuê số thuê bao viễn thông không gắn với việc bán lại dịch vụ viễn thông” - vi phạm điều kiện kinh doanh dịch vụ viễn thông - vi phạm hành chính.

Điểm a Khoản 2 Điều 48 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử quy định: "2. Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: a) Thuê và cho thuê số thuê bao viễn thông không gắn với việc bán lại dịch vụ viễn thông".

Như vậy, cá nhân, tổ chức có hành vi cho thuê sim điện thoại không gắn với việc bán lại dịch vụ viễn thông có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với hình thức phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Ngoài ra, cá nhân, tổ chức vi phạm bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: bị thu hồi số thuê bao viễn thông và nộp lại số lợi bất hợp pháp.

Hành vi cho thuê sim điện thoại (cho thuê số thuê bao viễn thông không gắn với việc bán lại dịch vụ viễn thông) có phạm tội không?

Trong phạm vi bài viết, tác giả phân tích thêm: Hành vi cho thuê số điện thoại (cho thuê số thuê bao viễn thông) không gắn với việc bán lại dịch vụ viễn thông chưa đủ cấu thành Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 288 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017). 

Đối tượng của tội phạm này là thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông. Thông tin mạng máy tính, mạng truyền thông được hiểu là tập hợp phần cứng, phần mềm và cơ sở dữ liệu được thiết lập phục vụ mục đích tạo lập, cung cấp, truyền đưa, thu thập, xử lý, lưu trữ và trao đổi thông tin trên mạng của cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý hệ thống thông tin đó.

Người phạm tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông phải thực hiện một trong các hành vi sau:

a) Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điều 117, 155, 156 và 326 của Bộ luật hình sự;

b) Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó;

c) Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông.

Hành vi cho thuê sim điện thoại (cho thuê số thuê bao viễn thông) không gắn với việc bán lại dịch vụ viễn thông chỉ là vi phạm hành chính, không phải là hành vi đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng truyền thông nên chưa đủ yếu tố cấu thành Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông quy định tại Điều 288 Bộ luật hình sự năm 2015.

5 - Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

- Bài viết trong lĩnh vực hình sự (nêu trên) được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các luật sư, chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 024.66.527.527, E-mail: info@everest.org.vn.

Luật sư Nguyễn Bích Phượng

Luật sư Nguyễn Bích Phượng

https://everest.org.vn/luat-su-nguyen-bich-phuong/ Luật sư Nguyễn Bích Phượng có 4 năm kinh nghiệm làm việc tại Công ty Luật TNHH Everest: Xử lý các vụ án liên quan đến tranh chấp về thừa kế, hôn nhân- gia đình, dân sự, lao động, doanh nghiệp.

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
1.58969 sec| 1060.711 kb