Có được giành quyền nuôi con sau ly hôn khi mà chồng ngoại tình?

Bởi Trần Thu Thủy - 07/01/2020
view 580
comment-forum-solid 0

Nội dung bài viết [Ẩn]

Câu hỏi tư vấn:

Mọi tài sản đều đứng tên chồng, tôi muốn ly hôn nhưng sợ phải ra đi tay trắng và không được quyền nuôi con. (Trang Ly)

Tôi phát hiện chồng ngoại tình, còn mua nhà cho bồ nhí. Tôi muốn ly hôn nhưng hiện tại hoàn toàn phụ thuộc kinh tế vào chồng. Anh có vị trí cao trong một cơ quan lớn. Tôi đã nghỉ làm sau khi sinh con trai thứ hai.

Chúng tôi có 3 ngôi nhà nhưng đều đứng tên chồng. Hiện tại, tôi biết nếu ly hôn, tôi ở thế yếu, khó mà đòi được chia tài sản hay giành quyền nuôi con. Chồng tôi không mấy quan tâm tới con cái nhưng anh ấy là người chu cấp tài chính để các cháu được học trường tốt. Anh ấy có tính sở hữu cao và chắc chắn sẽ không chịu nhường cho tôi quyền nuôi con.

Biết rõ tình thế của mình, từ khi biết chồng có bồ nhí, tôi không nói gì nhưng không thể chịu đựng được mãi như thế này. Nếu muốn chắc chắn được nuôi con sau khi ly hôn, tôi cần chuẩn bị những gì? Liệu nếu tôi thu thập chứng cứ về việc chồng ngoại tình thì đó có được coi là lợi thế của tôi?

Luật sư trả lời

Theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình thì khi giải quyết một vụ án về ly hôn thì thông thường phải giải quyết 3 vấn đề là tình cảm, con cái và tài sản.

Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại tòa án không thành thì tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

Việc chứng minh mâu thuẫn vợ chồng đã đến mức phải ly hôn thuộc về đương sự (người có yêu cầu được ly hôn). Trường hợp vợ hoặc chồng ngoại tình, người kia có thể thu thập chứng cứ nhưng pháp luật không bắt buộc phải xuất trình được chứng cứ về sự ngoại tình đó. Lời trình bày của đương sự mà phù hợp với các chứng cứ khác có trong hồ sơ cũng được tòa án chấp nhận làm căn cứ khi giải quyết vụ án.

Về con chung, theo quy định tại khoản 2 điều 81 vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

Việc giao con cho ai nuôi phải căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của đứa trẻ chứ không chỉ căn cứ vào yếu tố thu nhập. Các yếu tố thường được xem xét gồm: tư cách, lối sống, thời gian dành cho con, lứa tuổi, giới tính của con, việc làm, thu nhập, chỗ ở của cha, mẹ sau ly hôn... Do vậy, sẽ không có một sự đảm bảo chắc chắn nào bạn sẽ được nuôi con bởi còn phụ thuộc vào khả năng, điều kiện của các bên.

Về tài sản, theo quy định tại điều 33 về tài sản chung của vợ chồng, tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 điều 40 của Luật này (phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân); tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

Với quy định nói trên, nếu 3 ngôi nhà được hình thành trong thời kỳ hôn nhân thì là tài sản chung vợ chồng. Nếu chồng bạn cho rằng đó là tài sản riêng thì anh ấy phải chứng minh. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.

Về chia tài sản, theo quy định tại khoản 2 điều 59, khi ly hôn tài sản chung của vợ chồng được chia đôi (trừ trường hợp áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận) nhưng có tính đến các yếu tố sau:

a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

Như vậy, với quy định tại điểm d nói trên, lỗi của mỗi bên sẽ tác động trực tiếp đến việc chia tài sản khi ly hôn. Nói cách khác, bên nào có lỗi nhiều hơn dẫn đến việc ly hôn thì có thể được chia phần tài sản ít hơn so với phần đáng lẽ mà họ được hưởng.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật Hôn nhân gia đình được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.net.vn.

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
0.42947 sec| 1000.453 kb