Hiểu thế nào về lừa dối trong giao dịch dân sự ?

view 995
comment-forum-solid 0

Sự tự nguyện của các bên là yếu tố được bảo vệ khi xác lập giao dịch dân sự. Tự nguyện có thể hiểu là tự do định đoạt ý chí, không bị ép buộc, dọa nạt, lừa dối và không bị người khác áp đặt ý chí. Vi phạm sự tự nguyện của chủ thể là vi phạm pháp luật, giao dịch dân sự thiếu sự tự nguyện sẽ không có hiệu lực. Như vậy, là một trong những hành vi có thể tác động vào sự tự nguyện của các bên trong giao dịch, sự lừa dối trong giao dịch dân sự đã có những quy định cụ thể để bảo vệ quyền lợi của các bên trong giao dịch.

Luật sư Trần Đình Thanh - Công ty Luật TNHH Everest, Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900.6198

- Lừa dối trong giao dịch dân sự là gì?

Theo quy định tại Điều 127 Bộ luật Dân sự năm 2015, lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.

Cụ thể hơn, đó có thể là lừa dối về khả năng thực hiện giao dịch, điều kiện về tài sản, về chuyên môn, về kinh nghiệm của chủ thể giao dịch, đối tượng giao dịch không đạt tiêu chuẩn chất lượng, hình thức, giá trị, số lượng, phạm vi công việc …

Sự lừa dối có thể đến từ một bên của giao dịch hoặc người thứ ba khiến cho một bên của giao dịch sẽ hình dung sai về đối tượng xác lập, gây thiệt hại cho bên bị lừa dối.

Có thể lấy ví dụ như sau để dễ hình dung về hành vi lừa dối trong giao dịch dân sự: A bán cho B lô quần áo chất lượng kém do nước ngoài sản xuất nhưng nhãn mác lại gắn là hàng Việt Nam chất lượng cao và bán giá cao hơn.

- Hậu quả pháp lý của hành vi lừa dối trong giao dịch dân sự

Căn cứ quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015, một trong những điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực là chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện.

Như vậy, nếu như xuất hiện yếu tố không tự nguyện nói chung và hành vi lừa dối trong xác lập giao dịch dân sự nói riêng, giao dịch dân sự sẽ không có hiệu lực. Cụ thể hóa vấn đề này, Điều 127 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng nêu rõ : “Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.”

Như vậy, trong trường hợp có sự lừa dối trong giao dịch dân sự, các bên có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch được xác lập đó là giao dịch vô hiệu.

- Bảo vệ quyền lợi của các bên khi giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối

Căn cứ theo quy định tại Điều 131 Bộ luật Dân sự năm 2015:

“1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.

  1. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.

  1. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.
  2. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
  3. Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.”

Như vậy, đối với trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, sẽ phát sinh những hậu quả pháp lý cụ thể như sau:

(i) Giao dịch dân sự sẽ không phát sinh hiệu lực;

(ii) Các bên khôi phục lại trạng thái trước khi xác lập giao dịch, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận;

(iii) Bên có lỗi, cụ thể ở đây là bên có hành vi lừa dối sẽ phải bồi thường cho bên bị lừa dối.

Có thể thấy, quy định của pháp luật hiện hành được xây dựng đã cố gắng bảo đảm tốt nhất quyền lợi của các bên trong việc xác lập giao dịch dân sự, cụ thể ở đây là ý chí tự nguyện.

Xem thêm:

– Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật dân sự được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

Luật sư Trần Đình Thanh

Luật sư Trần Đình Thanh

http://phaptri.vn Luật sư Trần Đình Thanh là tác giả, cố vấn chuyên môn cho các bài viết tư vấn pháp luật tại website phaptri.vn

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
1.23733 sec| 1016.227 kb