Nhãn hiệu nổi tiếng theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ

Bởi Trần Thu Thủy - 17/04/2020
view 606
comment-forum-solid 0
Một tổ chức hoặc cá nhân sở hữu một nhãn hiệu nổi tiếng ngoài việc có những lợi thế lớn trong thương mại, thì còn được pháp luật bảo hộ ở mức độ cao hơn so với nhãn hiệu thông thường.

Những nhãn hiệu như Apple, Sony, Samsung, Honda... là những ví dụ về nhãn hiệu nổi tiếng. Hầu hết đây đều là những nhãn hiệu "ngoại". Nhiều nhãn hiệu khác của Việt Nam (nhãn hiệu nội) mặc dù được người tiêu dùng biết đến rộng rãi, nhưng vẫn chưa được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng.

Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi hy vọng sẽ mang tới cho quý Vị một số thông tin hữu ích về nhãn hiệu nổi tiếng, quy định của pháp luật Việt Nam về nhãn hiệu nổi tiếng, đặc điểm, tiêu chí đánh giá một nhãn hiệu là nhãn hiệu nổi tiếng.

Thứ nhất, một số quy định về nhãn hiệu nổi tiếng và bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng.

Theo Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009 (gọi tắt là Luật sở hữu trí tuệ), tại khoản 20 Điều 4, Giải thích từ ngữ: "20. Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam" 

Quyền sở hữu công nghiệp được xác lập như sau: "Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; đối với nhãn hiệu nổi tiếng, quyền sở hữu được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký" (điểm a khoản 3 Điều 6).

Khả năng phân biệt của nhãn hiệu: "Nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu nhãn hiệu đó là dấu hiệu thuộc một trong các trường hợp sau đây: ... i) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được coi là nổi tiếng của người khác đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự với hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng hoặc đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ không tương tự, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm ảnh hưởng đến khả năng phân biệt của nhãn hiệu nổi tiếng hoặc việc đăng ký nhãn hiệu nhằm lợi dụng uy tín của nhãn hiệu nổi tiếng" (điểm i khoản 2 Điều 74).

Chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp: "Chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là tổ chức, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp tương ứng. Chủ sở hữu nhãn hiệu là tổ chức, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hoặc có nhãn hiệu đã đăng ký quốc tế được cơ quan có thẩm quyền công nhận hoặc có nhãn hiệu nổi tiếng" (khoản 1 Điều 121).

Hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý: "Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng" (điểm d khoản 1 Điều 129)

Thứ hai, các đặc điểm cơ bản của nhãn hiệu nổi tiếng.

Nhãn hiệu nổi tiếng có những đặc điểm nổi bật, như sau:

Nhãn hiệu nổi tiếng mang đầy đủ các đặc điểm của nhãn hiệu: mang tính chỉ dẫn thương mại; đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh, cạnh tranh và phát triển thị trường của một doanh nghiệp; dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau; được cấu thành bởi nhiều yếu tố khác nhau; dễ bị xâm phạm quyền sở hữu như hàng giả hàng nhái…

Một nhãn hiệu nổi tiếng phải là một nhãn hiệu có tính phân biệt rất cao, thông qua một nhãn hiệu nổi tiếng, người tiêu dùng có thể phân biệt ngay loại hàng hóa dịch vụ mà nhãn hiệu đó được sử dụng.

Nhãn hiệu nổi tiếng thường có tính phổ biến cao, một nhãn hiệu nổi tiếng là một nhãn hiệu được biết đến ở nhiều khu vực địa lý khác nhau.

Nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng thường có giá trị kinh tế rất lớn, nó cấu thành một bộ phận tài sản quan trọng trong khối lượng tài sản của doanh nghiệp, trong thực tế một số doanh nghiệp còn có thể sử dụng nhãn hiệu nổi tiếng của mình như một loại vốn để đưa vào các hoạt động đầu tư kinh doanh.

Nhãn hiệu nổi tiếng là đối tượng dễ bị xâm phạm, bởi nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu có tính phổ biến và giá trị thương mại cao, tiềm tàng khả năng bị xâm phạm quyền SHTT.

Thứ ba, về tiêu chí để đánh giá một nhãn hiệu là nổi tiếng.

Căn cứ quy định tại Điều 75 của Luật Sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu được coi là nổi tiếng khi đáp ứng một trong các tiêu chí sau:

Một là, số lượng người tiêu dùng liên quan đã biết đến nhãn hiệu thông qua việc mua bán, sử dụng hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc thông qua quảng cáo;

Hai là, phạm vi lãnh thổ mà hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được lưu hành;

Ba là, doanh số từ việc bán hàng hoá hoặc cung cấp dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc số lượng hàng hoá đã được bán ra, lượng dịch vụ đã được cung cấp;

Bốn là, thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu;

Năm là, uy tín rộng rãi của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu;

Sáu là, số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu;

Bảy là, số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng;

Tám là, giá chuyển nhượng, giá chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu.

Khuyến nghị của công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật lao động được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 19006198, E-mail: info@everest.net.vn.

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
1.87500 sec| 1008.367 kb