Nhượng quyền thương mại, các vấn đề pháp lý phải biết

view 2680
comment-forum-solid 0

Nhượng quyền thương mại đã không còn là khái niệm xa lạ đối với nhà đầu tư nói riêng và thị trường Việt Nam nói chung. Nhượng quyền thương mại là một phương pháp chiếm lĩnh thị phần nhanh nhưng vẫn đảm bảo lợi nhuận cho thương nhân nhượng quyền. Để khai thác tối đa hình thức kinh doanh nhượng quyền thương mại, hạn chế rủi ro, doanh nghiệp cần lưu ý một số vấn đề:

Bài viết được thực hiện bởi: Luật sư Nguyễn Hoài Thương – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Nhượng quyền thương mại theo pháp luật Việt Nam

Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây: (1) Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền; (2) Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.

Đặc điểm nổi bật của hoạt động nhượng quyền thương mại

Thứ nhất, đối tượng của hợp đồng nhượng quyền thương mại là các "quyền thương mại".

Đối tượng của hợp đồng nhượng quyền thương mại là các quyền thương mại, chứ không phải là các đối tượng cụ thể gắn với sản phẩm, dịch vụ như nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí quyết kinh doanh, công nghệ sản xuất sản phẩm. Các quyền thương mại thường gắn liền với một hệ thống kinh doanh bao gồm tổng hợp các yếu tố như sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu (nhãn hiệu hàng hóa, biểu tượng, biểu trưng…), công nghệ sản xuất sản phẩm, quy trình cung cấp dịch vụ, tiêu chuẩn sản phẩm, dịch vụ, chiến lược kinh doanh, chính sách khách hàng, kế hoạch đào tạo nhân viên, hệ thống lưu trữ, chế độ kế toán, kiểm toán.

Thứ hai, giữa bên nhượng quyền và bên nhận quyền luôn tồn tại một mối quan hệ hỗ trợ mật thiết.

Trong nhượng quyền thương mại luôn tồn tại mối quan hệ hỗ trợ mật thiết giữa Bên nhượng quyền và bên nhận quyền, nếu không có điều đó, thì đã thiếu đi một điều kiện tiên quyết để xác định hoạt động đấy có phải là nhượng quyền thương mại hay không. Kể từ thời điểm hình thành quan hệ nhượng quyền thương mại Bên nhượng quyền phải tiến hành việc cung cấp tài liệu, đào tạo nhân viên của bên nhận quyền thậm chí Bên nhượng quyền còn thường xuyên trợ giúp kỹ thuật, đào tạo nhân viên của bên nhận quyền đối với những ứng dụng mới áp dụng chung cho cả hệ thống.

Thứ ba, luôn có sự kiểm soát của bên nhượng quyền đối với việc điều hành công việc của bên nhận quyền.

Quyền kiểm soát được thể hiện dưới dạng bên nhượng quyền có thể định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra việc thực hiện các quyền thương mại của Bên nhận quyền. Khả năng này của bên nhượng quyền tạo nên chất kết dính quan trọng trong việc xây dựng tính thống nhất của hệ thống nhượng quyền thương mại và sự ổn định về chất lượng hàng hoá và dịch vụ.

Bài viết được thực hiện bởi: Luật sư Nguyễn Hoài Thương – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Những vấn đề pháp lý doanh nghiệp nhượng quyền cần lưu ý

Nhượng quyền thương mại có thể giúp cho doanh nghiệp nhượng quyền tạo dựng một hệ thống liên kết mạnh về thương mại và tài chính. Thông qua hệ thống liên kết này, doanh nghiệp có khả năng thu được một nguồn thu tương đối ổn định từ khoản phí nhượng quyền cùng với phần trăm doanh thu hàng năm từ phía các bên nhận nhượng quyền. Đây cũng được coi là một kênh huy động nguồn lực tài chính vô cùng hiệu quả và đáng tin cậy cho doanh nghiệp nhượng quyền trong việc xây dựng và triển khai các chiến lược đầu tư kinh doanh của mình.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích có thể thu được, doanh nghiệp nhượng quyền cũng cần phải nhận thức được những rủi ro có thể phát sinh trong quá trình thực hiện chiến lược kinh doanh thông qua mô hình nhượng quyền thương mại:

  • Khả năng nhãn hiệu, tên thương mại bị các bên nhận nhượng quyền của mình làm tổn hại

Thông thường, các doanh nghiệp nhận nhượng quyền thương mại phải tuân thủ một cách hết sức chặt chẽ những tiêu chuẩn bắt buộc về giá cả, chất lượng hàng hoá dịch vụ được cung cấp, quy cách phục vụ và thậm chí cả về quy mô kinh doanh do bên nhượng quyền đặt ra. Tuy nhiên, doanh nghiệp nhượng quyền vẫn có thể cho phép có những thay đổi, cải tiến nhất định trong phong cách phục vụ, thậm chí là tiêu chuẩn hàng hoá, dịch vụ … để có thể nhanh chóng xâm nhập vào thị trường và để phù hợp với thói quen tiêu dùng ở mỗi khu vực khác nhau. Trong những trường hợp này, nếu doanh nghiệp nhượng quyền không kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh của hệ thống các bên nhận nhượng quyền thì rất có thể uy tín và thương hiệu của chính doanh nghiệp đó sẽ bị tổn hại nghiêm trọng và buộc phải đối mặt với nguy cơ bị mất thị trường.

  • Rủi ro về quyền sở hữu trí tuệ 

Mô hình nhượng quyền thương mại luôn luôn đi kèm với việc bên nhượng quyền cho phép bên nhận nhượng quyền được quyền sử dụng một số tài sản thuộc quyền sở hữu trí tuệ của bên nhượng quyền như nhãn hiệu, kiểu dáng hoặc sáng chế. Đây được coi là một trong những điều kiện không thể thiếu để tạo điều kiện cho bên nhận nhượng quyền có thể tạo lập cơ sở kinh doanh. Tuy nhiên, việc chấp nhận trao quyền sử dụng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ cũng đồng nghĩa với việc bên nhượng quyền phải chấp nhận khả năng bên nhận nhượng quyền trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp của mình ngay trên một thị trường thứ ba khác do ảnh hưởng của cơ chế cạn quyền trong sở hữu trí tuệ.

  • Rủi ro về bảo mật thông tin, bí mật kinh doanh

Các bí mật trong hoạt động kinh doanh được coi là phần quan trọng trong hệ thống nhượng quyền thương mại. Những bí mật trong kinh doanh không bao gồm các thông tin được công khai, có khả năng tiếp cận đối với công chúng mà chỉ bao gồm những thông tin cần giữ bí mật vì lợi ích kinh tế và thương mại của bên nhượng quyền. Về nội dung các bí mật trong hoạt động kinh doanh bao gồm các bí mật kinh doanh, quy  trình vận hành hệ thống và bí quyết công nghệ. Giá trị thương mại của các bí quyết công nghệ và kinh doanh trong hệ thống nhượng quyền sẽ phụ thuộc vào việc các thông tin này có được giữ bí mật hay không. Do vậy, để bảo vệ toàn bộ hệ thống nhượng quyền, các bí quyết công nghệ, bí quyết kinh doanh và vận hành hệ thống phải được giữ bí mật đối với bên thứ ba. Nếu các bí quyết công nghệ và bí mật kinh doanh không được bảo vệ toàn bộ hệ thống nhượng quyền có nguy cơ sớm bị tan rã.

Để bảo vệ các bí mật kinh doanh, thương mại của hệ thống nhượng quyền, nghĩa vụ bảo mật thông tin thường được áp dụng ngay từ giai đoạn tiền hợp đồng, trong thời gian thực hiện hợp đồng và sau khi các bên chấm dứt quan hệ hợp đồng.

Những vấn đề pháp lý cần lưu ý đối với bên nhận nhượng quyền

Lơi ích mà bên nhận nhượng quyền có thể thu được trong việc triển khai kinh doanh theo mô hình nhượng quyền thương mại thường rất lớn. Thay vì phải tốn công sức vào việc thiết lập một dự án kinh doanh thì doanh nghiệp chỉ việc mua lại công nghệ kinh doanh từ bên giao, tiếp tục ý tưởng đã được thử nghiệm và thực hiện thành công. Đồng thời, bên nhận nhượng quyền có thể tận dụng và phát huy những lợi thế kinh doanh từ thương hiệu, công nghệ sản xuất… đã được bên nhượng quyền tạo lập, hoàn thiện trong nhiều năm để nhanh chóng xâm nhập và tạo dựng chỗ đứng vững chắc của mình trên thị trường.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm thuận lợi có thể khai thác được từ mô hình kinh doanh franchise, doanh nghiệp phía nhận nhượng quyền thương mại cũng buộc phải chịu chấp nhận sự kiểm soát tương đối chặt chẽ của bên nhượng quyền đối với một số vấn đề trong hoạt động kinh doanh của mình, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến quy trình sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm, việc nhập khẩu nguyên liệu… Ngoài ra, bên nhượng quyền thường bảo lưu quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và yêu cầu bên nhận nhượng quyền ngay lập tức chấm dứt toàn bộ hoạt động kinh doanh dưới nhãn hiệu hoặc mô hình kinh doanh đã được nhượng quyền trước đó nếu bên nhận nhượng quyền không đáp ứng được một số điều kiện nhất định do bên nhượng quyền đưa ra. Trong trường hợp này, rủi ro mà doanh nghiệp nhận nhượng quyền có thể rất lớn, đặc biệt là trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến hàng hoá hoặc các đơn đặt hàng còn đang tồn đọng…

Vì vậy, trước khi chính thức ký kết hợp đồng để trở thành bên nhận nhượng quyền thương mại, các doanh nghiệp cũng cần phải xem xét và nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng đối với một số vấn đề và điều khoản quan trọng như: Thế mạnh về thị trường, tài chính và thương hiệu của bên giao tiềm năng, chất lượng đào tạo ban đầu và trong quá trình triển khai mô hình franchise, quy trình kiểm tra, giám sát của bên giao và các quy chuẩn bắt buộc phải tuân thủ, trách nhiệm về các hoạt động quảng cáo và phát triển thương hiệu của bên giao, quyền phân phối sản phẩm, dịch vụ của bên nhận… Ngoài ra để đảm bảo tối đa sự linh hoạt và độc lập trong hoạt động kinh doanh của bên nhận, doanh nghiệp cũng cần phải nghiên cứu một cách kỹ lưỡng hình thức pháp lý của hợp đồng sẽ được ký kết giữa hai bên. Thông thường, trong trường hợp này, các doanh nghiệp nên tìm đến sự hỗ trợ của một bên tư vấn pháp lý độc lập để tránh những bất lợi không đáng có xảy ra.

Xem thêm: Dịch vụ thư ký luật dành cho doanh nghiệpDịch vụ pháp lý thường xuyên dành cho doanh nghiệp

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật doanh nghiệp được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

Luật sư Nguyễn Hoài Thương

Luật sư Nguyễn Hoài Thương

https://everest.org.vn/luat-su-nguyen-hoai-thuong/ Luật sư Nguyễn Thị Hoài Thương được biết đến là một luật sư, chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn doanh nghiệp, hợp đồng, thương mại, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục. Luật sư Nguyễn Thị Hoài Thương gia nhập Công ty Luật TNHH Everest từ năm 2016 đến nay.

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
1.67574 sec| 1072.414 kb