Thu hồi đất sạt lở tại Quảng Ninh: 'dân' kiện 'quan', vì sao?

Bởi Trần Thu Thủy - 02/12/2019
view 3313
comment-forum-solid 0

Công ty Luật TNHH Everest cung cấp dịch vụ pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của một số hộ dân sinh sống tại Tổ 30, khu 4A, phường Hà Phong, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh). Các hộ dân cho rằng, nhà và đất của họ đã bị Nhà nước thu hồi nhưng bồi thường trái luật.

“Dự án thu hồi các thửa đất sạt lở, vị trí nguy hiểm không thể ở, đe dọa tính mạng con người và tài sản của các hộ gia đình, cá nhân tại phường Hà Phong, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh do Công ty Cổ phần Than Hà Tu - Vinacomin làm chủ đầu tư” - theo thông tin chính thức từ các cơ quan chức năng thành phố Hạ Long nhằm: 'bảo vệ tính mạng và tài sản của công dân'.

Câu hỏi đặt ra: Tại sao một dự án với chủ trương tốt đẹp nhằm “bảo vệ tính mạng và tài sản của công dân…”, nhưng lại liên tục bị công dân kiến nghị, khiếu nại, khởi kiện trong suốt một thời gian dài (?).

Nhận định của Công ty Luật TNHH Everest:

Quyết định số 1357/QĐ-UBND ngày 04/05/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh phê duyệt “Đề án di dân tổng thể ra khỏi vùng sạt lở, ngập lụt nguy hiểm và quy hoạch bố trí dân cư phòng tránh thiên tai trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025” đã đưa nội dung “sạt lở, ngập lụt nguy hiểm”, “do ảnh hưởng tuyến đường từ khai trường mỏ Hà Tu sang mỏ than Núi Béo” (tức là 'Nhân họa'), mà không phải do 'Thiên tai' - là cơ sở (sai) để Ủy ban nhân dân thành phố Hạ Long thực hiện "Dự án thu hồi các thửa đất sạt lở, vị trí nguy hiểm không thể ở, đe dọa tính mạng con người và tài sản của các hộ gia đình, cá nhân tại phường Hà Phong, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh”. Bởi:

Quyết định số 1357/QĐ-UBND ngày 04/05/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh phê duyệt đã có những nội dung trái với quy định tại Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ “phê duyệt Chương trình Bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020” và Thông tư số 03/2014/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 25/01/2014 "hướng dẫn thực hiện quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “chương trình bố trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020”. Nội dung này, chúng tôi phân tích chi tiết trong bài viết: "Thu hồi đất sạt lở tại Quảng Ninh: Có “cài đặt” “lợi ích nhóm” trong Quyết định số 1357/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh?).

Ngoài tính chất pháp lý “mập mờ” của Dự án “thu hồi các thửa đất sạt lở, vị trí nguy hiểm không thể ở…”, thì mấu chốt của vấn đề công dân kiến nghị, khiếu nại, khởi kiện, không đồng ý với các quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường hỗ trợ tái định cư, đồng thời họ kiên quyết không di dời, bàn giao mặt bằng vì quyền lợi của công dân bị xâm phạm nghiêm trọng: tài sản bị thu hồi, nhưng không được bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật đất đai.

Ông Vũ Bá Quang tổ chức họp báo, công khai những 'điểm mờ' của Dự án thu hồi đất sạt lở

Các hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi trong Dự án bị “mất” những gì (?)

Theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của “Dự án thu hồi các thửa đất sạt lở, vị trí nguy hiểm không thể ở, đe dọa tính mạng con người và tài sản…”, được Ủy ban nhân dân thành phố Hạ Long phê duyệt và đã thực hiện gần xong, thì thấy rằng các hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi trong Dự án bị “mất” quá nhiều, cụ thể:

Trường hợp thứ nhất: Hộ gia đình ông Vũ Bá Quang bị thu hồi thửa đất có diện tích 779,1 m2, thuộc tờ bản đồ số 33/GPMB 25+28/1/GPMB, nhưng UBND thành phố Hạ Long chỉ bồi thường bằng tiền đối với 200 m2 đất ở (860.000 đồng/m- rẻ hơn nhiều lần so với giá thị trường), cấp đất tái định cư 85 m2, còn lại UBND thành phố Hạ Long xác định: 324 m2 đất trồng cây lâu năm chỉ bồi thường bằng tiền đối với đất nông nghiệp (65.000 đồng/m2), 125 m2 đất nằm ngoài hành lang đường sắt không được bồi thường. Ngôi nhà 03 tầng của hộ gia đình ông Vũ Bá Quang xây dựng trên diện tích đất thu hồi không được bồi thường, đã bị cưỡng chế, phá hủy toàn bộ.

Trong khi đó xét về nguồn gốc đất thì: Thửa đất có diện tích 779,1 m2 của hộ gia đình ông Vũ Bá Quang có nguồn gốc sử dụng: Năm 1975, ông Đản (không rõ đầy đủ họ tên) xây nhà ở. Năm 1991, ông Đản chuyển nhượng lại cho ông Đinh Văn Giang và bà Nguyễn Thị Nga. Năm 2006, ông Đinh Văn Giang và bà Nguyễn Thị Nga chuyển nhượng lại cho ông Vũ Bá Quy. Năm 2010, ông Vũ Bá Quy chuyển nhượng lại cho hộ gia đình ông Vũ Bá Quang (con trai). Hệ thống đường sắt có sau năm 1975.

Trường hợp thứ hai: Hộ gia đình ông Vũ Bá Quy bị thu hồi thửa đất diện tích là 309,9 m2 thuộc tờ bản đồ số 23/1/GPMB, nhưng UBND thành phố Hạ Long chỉ bồi thường bằng tiền đối với 73,8 m2 đất ở (860.000 đồng/m2), cấp đất tái định cư 85 m2, còn lại 235,2 mđược xác định là đất trồng cây lâu năm chỉ bồi thường bằng tiền bằng giá đất nông nghiệp (65.000 đồng/m2, 0,9 m2 được xác định là đất giao thông không bồi thường; Diện tích 203,2 m2 thuộc tờ bản đồ số 16+81/1/GPMB, UBND thành phố Hạ Long xác định là đất vườn, đất hoang và bồi thường bằng tiền, giá 59.000 đồng/m2.

Trong khi đó xét về nguồn gốc đất thì: Thửa đất có diện tích 309,9 m2 bị thu hồi của hộ gia đình ông Vũ Bá Quy có nguồn gốc: ông Bách sử dụng từ khoảng năm 1970. Năm 1998, ông Bách chuyển nhượng lại cho hộ gia đình ông Vũ Bá Quy, sử dụng để ở cho tới thời điểm bị thu hồi.

Ủy ban nhân dân thành phố Hạ Long ban hành Quyết định số 6871/QĐ-UBND ngày 06/07/2017 về việc “phê duyệt phương án bổ sung hỗ trợ ngoài chính sách thu hồi các thửa đất sạt lở, vị trí nguy hiểm không để ở, đe dọa tính mạng con người và tài sản của các hộ gia đình, cá nhân tại phường Hà Phong, thành phố Hạ Long”. Công ty Cổ phần Than Hà Tu - Vinacomin đã căn cứ vào Quyết định số 6871/QĐ-UBND (nêu trên) đã tự ấn định số tiền chi trả cho hộ gia đình ông Vũ Bá Quy theo khung giá đất nông nghiệp của tỉnh Quảng Ninh (59.000 đồng/m2) để lấy 203,2 m2 đất nông nghiệp mà không cần thỏa thuận với người bị thu hồi đất.

Trường hợp thứ ba: Hộ gia đình ông Vũ Đình Mão bị thu hồi thửa đất có diện tích là 500 m2 thuộc tờ bản đồ số 33/GPMB, nhưng UBND thành phố Hạ Long chỉ bồi thường bằng tiền đối với 160 m2 đất ở (giá 860.000 đồng/m2), cấp đất tái định cư 85 m2, còn lại 340 m2 đất UBND thành phố Hạ Long không được bồi thường với lý do: nằm trong hành lang an toàn đường sắt và đất nằm trong khu do tỷ lệ 1/5000.

Trong khi đó xét về nguồn gốc đất thì: Thửa đất có diện tích 500 m2 bị thu hồi của hộ gia đình ông Vũ Đình Mão có nguồn gốc được ông Vũ Đình Kiêm và bà Đoàn Thị Út sử dụng từ khoảng năm 1970. Năm 2006, ông Vũ Đình Kiêm và bà Đoàn Thị Út chuyển nhượng lại cho ông Vũ Bá Quy. Năm 2013, ông Vũ Bá Quy chuyển nhượng lại cho hộ gia đình ông Vũ Đình Mão. Đường sắt có sau năm 1975.

Từ 'Nhà cao, Cửa rộng', sau thu hồi đất nhiều hộ dân rơi vào cảnh 'Màn trời, Chiếu đất'

Trường hợp thứ tư: Hộ gia đình ông Vũ Như Báu bị thu hồi tổng diện tích là 443,2 m2 thuộc tờ bản đồ số 27/1/GPMB, nhưng UBND thành phố Hạ Long chỉ bồi thường bằng tiền đối với 200 m2 đất ở (860.000 đồng/m2), cấp đất tái định cư 85 m2, còn lại 59,6 m2 xác định là đất trồng cây lâu năm chỉ bồi thường bằng tiền đối với đất nông nghiệp (65.000 đồng/m2), 183,6 m2 đất nằm trong hành lang đường sắt không bồi thường.

Trong khi đó xét về nguồn gốc đất thì: Thửa đất có diện tích 443,2 m2 bị thu hồi của gia đình ông Vũ Như Báu 443,2 m2 có nguồn gốc sử dụng: Bà Nguyễn Thị Hương sử dụng từ khoảng năm 1975. Năm 2004, bà Nguyễn Thị Hương chuyển nhượng cho ông Vũ Bá Quy. Năm 2014, ông Vũ Bá Quy chuyển nhượng lại cho hộ gia đình ông Vũ Như Báu. Đường sắt có sau năm 1975.

Trường hợp thứ năm: Bà Đoàn Thị Thái bị thu hồi tổng diện tích là 140,3 m2 thuộc tờ bản đồ số 74/1/GPMB nhưng UBND thành phố Hạ Long chỉ bồi thường bằng tiền đối với 44,5 m2 đất suối, đất hoang có xây dựng nhà ở theo giá đất nông nghiệp (65.000 đồng/m2), không cấp đất tái định cư, còn lại 95,8 m2 nằm trong hành lang đường điện, đường sắt không bồi thường.

Xét về nguồn gốc đất, thửa đất bị thu hồi của bà Đoàn Thị Thái có nguồn gốc sử dụng: hộ gia đình ông Nguyễn Văn Khiêm sử dụng từ những năm 1970. Năm 2000, ông Khiêm chuyển nhượng lại cho hộ gia đình bà Đoàn Thị Thái. Đường điện và đường sắt đều có sau năm 1975.

Cần bồi thường thiệt hại đúng, đủ cho hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất (!)

Đối chiếu với các quy định tại Luật Đất đai năm 2013, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, Nghị định số 47/2014/NĐ-CP, thì thấy rằng:

Một là, việc bồi thường về đất bị thu hồi sai nguyên tắc: "giao đất có cùng mục đích sử dụng".

Về việc xác định diện tích đất ở bị thu hồi đối với trường hợp của hộ gia đình bà Đoàn Thị Thái: thửa đất có vườn, ao gắn liền với nhà ở được hình thành trước ngày 18/12/1980, người đang sử dụng có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP mà trong giấy tờ đó chưa xác định rõ diện tích đất ở thì diện tích đất ở được công nhận không phải nộp tiền sử dụng đất bằng diện tích thực tế của thửa đất là: 140,3 m2 (diện tích thửa đất nhỏ hơn 05 lần hạn mức giao đất ở tại thành phố Hạ Long) - căn cứ quy định tại Điều 103 Luật Đất đai; Khoản 3 Điều 24 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP.

Về việc xác định diện tích đất ở bị thu hồi đối với trường hợp các hộ gia đình ông Vũ Bá Quy, ông Vũ Bá Quang, ông Vũ Như Báu, ông Vũ Đình Mão: thửa đất ở của bốn (04) hộ gia đình có vườn, ao đã được cấp Giấy chứng nhận trước ngày 01/07/2014 và tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận người sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ quy định tại các Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP nhưng diện tích đất ở chưa được xác định theo quy định tại các Khoản 2, 3 và 4 Điều 103 của Luật Đất đai, Khoản 3 Điều này và chưa được xác định lại theo quy định tại Điểm b và Điểm c Khoản 1 Điều 45 của Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004, nay Nhà nước thu hồi đất thì diện tích đất ở được xác định lại theo quy định tại các Khoản Khoản 2, Khoản 3 và 4 Điều 103 của Luật Đất đai và Khoản 3 Điều 24 Nghị định 43/2014/NĐ-CP; hộ gia đình không phải nộp tiền sử dụng đất, được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất đối với diện tích đã được xác định lại là đất ở, lần lượt là: 309,9 m2, 500 m2, 443,2 m2, 779,1 m2 - căn cứ quy định tại Điều 103 Luật Đất đai; Khoản 5 Điều 24 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP.

Như vậy căn cứ theo quy định của pháp luật, toàn bộ diện tích đất bị thu hồi của 05 hộ dân nêu trên đều được xác định là đất ở và nguyên tắc việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi (tức 05 hộ dân nêu trên phải được bồi thường hoàn toàn diện tích đất thu hồi bằng đất ở - không phải bồi thường bằng tiền như phương án trước đó) - căn cứ quy định tại Điều 74, Điều 103 Luật Đất đai; Điều 24 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP.

Hai là, việc cưỡng chế thu hồi đất sai với quy định phải "bố trí tái định cư, tạm cư" trước.

UBND thành phố Hạ Long (cơ quan có thẩm quyền) chưa thực hiện việc bố trí nơi ở tạm và thực hiện tái định cư trước khi cưỡng chế di dời đối với các hộ gia đình bị thu hồi đất quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 65 của Luật Đất đai - căn cứ quy định tại Khoản 5 Điều 71, Khoản 3 Điều 85 Luật Đất đai; Điểm c Khoản 2 Điều 65 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, cho đến nay, sau gần hai (02) năm bị thu hồi đất các hộ: ông Vũ Bá Quy, ông Vũ Bá Quang, ông Vũ Như Báu không có chỗ ở, không có việc làm ổn định.

Ba là, việc không bồi thường về đất cho các hộ gia đình sử dụng đất ở nằm trong hành lang an toàn đường sắt, đường điện là trái với quy định của pháp luật đất đai.

Khi xây dựng công trình công cộng có hành lang bảo vệ an toàn phải di chuyển chỗ ở mà không có chỗ ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất trong hành lang an toàn thì được bố trí tái định cư; được bồi thường chi phí di chuyển và được hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất - căn cứ quy định tại Khoản 5 Điều 94 Luật Đất đai; Điều 56 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, Điều 10 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP.

Bốn là, việc không bồi thường về nhà ở đối với hộ gia đình ông Vũ Bá Quang là trái quy định.

Đây là trường hợp nhà ở hình thành thông qua hình thức đầu tư xây dựng - hợp pháp căn cứ quy định tại Điều 8, Điều 9 Luật Nhà ở. Việc không bồi thường về trái với quy định tại Điều 89 Luật Đất đai năm 2013 - bồi thường thiệt hại về nhà, công trình xây dựng trên đất khi Nhà nước thu hồi đất.

Năm là, việc Ủy ban nhân dân thành phố Hạ Long ban hành Quyết định số 6871/QĐ-UBND ép công dân 'bán đất' với giá rẻ.

Công ty Cổ phần Than Hà Tu - Vinacomin đã căn cứ vào Quyết định số 6871/QĐ-UBND ngày 06/07/2017 về việc “phê duyệt phương án bổ sung hỗ trợ ngoài chính sách thu hồi các thửa đất sạt lở, vị trí nguy hiểm không để ở, đe dọa tính mạng con người và tài sản của các hộ gia đình, cá nhân tại phường Hà Phong, thành phố Hạ Long” đã tự ấn định số tiền chi trả (theo khung giá đất nông nghiệp do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh ban hành) cho hộ gia đình ông Vũ Bá Quy để lấy 203,2 m2 đất nông nghiệp mà không cần thỏa thuận với người bị thu hồi đất, là trái quy định của pháp luật.

"Thu hồi đất giá rẻ, bán giá đắt: dân không chịu đâu":

Ông Phạm Hữu Văn - Phó trưởng Ban Kinh tế (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) phát biểu tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi do Trung ương Hội Nông dân VN tổ chức:

"Bất cập ở chỗ công tác quản lý nhà nước về đất đai còn nhiều yếu kém. Bất cập ở chỗ lĩnh vực đất đai đang là mảnh đất màu mỡ cho biểu hiện của tham nhũng. Bất cập ở chỗ đất đai đã và đang tác động đến sự phân hóa giàu, nghèo và gây ra những bất ổn định cho xã hội. Tôi xin nói chỉ có số ít người trở nên giàu có từ đất, nhưng có số đông người dân mất đất, và đã mất đất là cuộc sống trở nên khó khăn hơn”.

“Nhiều quyết định của chính quyền không hợp lòng dân khiến người dân bất bình, nhiều nơi cán bộ vô cảm làm ngơ trước lợi ích của dân. Rất nhiều vụ việc tố cáo có liên quan đến tiêu cực, tham nhũng và có nguyên nhân do cấp trên nể nang, bao che cho cấp dưới làm sai, dẫn đến khiếu kiện kéo dài. Ngay việc đền bù, bồi thường tái định cư, cũng cho thấy đa phần đơn thư đều xuất phát từ việc người dân không đồng tình với quyết định của chính quyền. Những quyết định đó nếu có đúng quy định mà dân vẫn kiện thì điều đó chứng tỏ lỗi chính sách pháp luật về đất đai không hợp lý nữa rồi".

Kiến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

Ngày 10/10/2019, Công ty Luật TNHH Everest có Công văn số 103-2019/CV-EVER gửi tới: Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Ninh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh, "kiến nghị giám sát việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với 05 hộ dân tại Tổ 30, khu 4A, phường Hà Phong".

Ngày 16/10/2019, Công ty Luật TNHH Everest có Công văn số 109-2019/CV-EVER gửi tới: Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội, "kiến nghị giám sát, đôn đốc cơ quan thẩm quyền giải quyết đơn của công dân trong Dự án thu hồi đất sạt lở tại tổ 30, khu 4A, phường Hà Phong, thành phố Hạ Long".

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
0.43439 sec| 1080.414 kb