Vụ án lạm quyền trong khi thi hành công vụ tại Nam Định: Vì nhân dân quên mình, Vì nhân dân đi tù?

view 5314
comment-forum-solid 0

'Hưởng ứng, tham gia tích cực' triển khai Chương trình xây dựng Nông thôn mới, nhiều Bí thư chi bộ xóm, Trưởng xóm tại tỉnh Nam Định đã vướng vào lao lý. Điều đau xót, có những cán bộ chuyên cần, không chỉ góp công sức, mà còn đóng góp tài sản của mình, vì nhân dân phục vụ, nhưng bị truy cứu trách nhiệm hình sự "tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ" (Điều 357) - một trong bảy "tội phạm  tham nhũng” được quy định tại Bộ luật Hình sự (từ Điều 353 đến Điều 359).

‘Tội’ thì ‘dân chịu’, nhưng ‘công’ thì 'người khác hưởng'. Báo cáo của cơ quan chức năng tỉnh Nam Định: “Chương trình xây dựng Nông thôn mới tại địa phương được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân; với quyết tâm chính trị cao và sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở… Chương trình xây dựng nông thôn mới… kiểu mẫu, góp phần đưa địa phương phát triển hài hòa, bền vững và thực sự trở thành vùng quê đáng sống…” (nguồn: Văn phòng điều phối Nông thôn mới).

Các Luật sư của Công ty Luật TNHH Everest: Mục đích của hành vi tham nhũng là vụ lợi. Vụ lợi được hiểu là lợi ích vật chất hoặc lợi ích tinh thần mà người có chức vụ, quyền hạn đã đạt được hoặc có thể đạt được thông qua hành vi tham nhũng. Nếu không có vụ lợi thì không có tham nhũng. Tham nhũng là hành vi cố ý, do đó nếu chủ thể thực hiện hành vi không cố ý thì hành vi đó không là hành vi tham nhũng. Hiểu đúng tinh thần này, những vụ án ‘lạm quyền trong khi thi hành công vụ’ đã đang và có thể tiếp tục xảy ra tại Nam Định có dấu hiệu oan, sai rõ ràng.

https://www.youtube.com/watch?v=wOOH3LUsCn4

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: "huyện Hải Hậu tỉnh Nam Định là huyện Nông thôn mới kiểu mẫu của Việt Nam... Bài học Hải Hậu có thể nhân lên ở các địa phương khác"

- Cho thuê đất công để lấy tiền xây nhà văn hóa của xóm, sai phạm thì có, nhưng “vụ lợi” ở đâu?

Thông tin đăng trên Báo Đầu tư ngày 29/07/2020: năm 2013, ông Nguyễn Đức Thắng (sinh năm 1946) được bầu làm Bí thư chi bộ xóm 11, và ông Nguyễn Văn Minh (sinh năm 1957) giữ chức Phó bí thư chi bộ xóm 11, xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

Khoảng đầu tháng 06/2014, hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới, để có tiền để xây dựng nhà văn hóa, ông Nguyễn Đức Thắng chủ trì họp Chi ủy và đề ra Nghị quyết, thống nhất giao cho xóm 11 do ông Nguyễn Văn Minh đứng đầu để tổ chức 'cho thuê đất lâu dài' với thửa đất có diện tích 477 m2 để lấy số tiền 360 triệu đồng.

Thực hiện nghị quyết chi bộ, ông Nguyễn Văn Minh tổ chức buổi họp, thống nhất cho 03 hộ dân thuê thửa đất trên để ở lâu dài. Ông Nguyễn Văn Minh trực tiếp thu số tiền 360 triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa xóm.

Cơ quan điều tra trưng cầu giám định, xác định tại thời điểm năm 2014 thửa đất trên có giá 190,8 triệu đồng. Trước đó, Ủy ban nhân dân huyện Nghĩa Hưng đã phê duyệt, quy hoạch thửa đất trên thành đất ở. Ngày 16/11/2018, Ủy ban kiểm tra huyện Nghĩa Hưng ra quyết định thi hành kỷ luật đảng với ông Nguyễn Văn Minh, ông Nguyễn Đức Thắng bằng hình thức kỷ luật.

Cơ quan tố tụng xác định: ông Nguyễn Đức Thắng và ông Nguyễn Văn Minh đã cho thuê đất trái thẩm quyền, gây thiệt hại cho nhà nước 190,8 triệu đồng.

Tháng 10/2019, ông Nguyễn Văn Minh và ông Nguyễn Đức Thắng bị khởi tố, bắt tạm giam về “Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ”. Các bị cáo Nguyễn Đức Thắng, Nguyễn Văn Minh có thể phải nhận mức án 04 đến 05 năm tù giam. Đây có thể vụ án điển hình, tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ - khi bị cáo không phải là cán bộ công chức, mà là cán bộ thôn.

Công ty Luật TNHH Everest nhận lời mời của một số công dân tại sinh sống tại xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định hỗ trợ pháp lý. Trường hợp của họ Họ là Bí thư xóm, trưởng xóm thời điểm từ năm 2008 đến 2012, vì “hưởng ứng, tham gia tích cực” chương trình xây dựng Nông thôn mới, đã vướng vòng lao lý, bị quy kết tội danh “lạm quyền trong khi thi hành công vụ” (huyện Hải Hậu là một trong bốn huyện trong cả nước được Trung ương chọn để triển khai xây dựng mô hình Nông thôn mới kiểu mẫu).

Điều làm các luật sư hết sức bất ngờ: hồ sơ vụ việc cho thấy cả xóm ký ‘cho thuê đất dài hạn’ hoặc 'nhượng đất'. Toàn bộ số tiền thu được từ việc ‘cho thuê đất dài hạn’, hoặc ‘nhượng đất’ đều dành cho xây dựng nhà văn hóa và công trình của xóm. Bí thư chi bộ xóm và Trưởng xóm là những người bỏ nhiều công sức, vận động người dân đóng góp, tham gia Ban kiến thiết, kiểm tra, đôn đốc, giám sát công trình ngày đêm… Không những thế, có những cán bộ thôn còn gương mẫu đóng góp thêm hàng triệu đồng vì lợi ích chung của cộng đồng. Thế nhưng, họ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội danh ‘lạm quyền trong khi thi hành công vụ’ (tội phạm tham nhũng).

Luật sư tư vấn pháp luật hình sự - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Điều 357 Bộ luật hình sự: Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ: "1- Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà vượt quá quyền hạn của mình làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm... 4- Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm...".

Không có động cơ ‘vụ lợi’, không thể cấu thành hành vi ‘tham nhũng’.

Quy định pháp luật hình sự Việt Nam, ‘tham nhũng’ có những đặc trưng cơ bản như sau:

Mục đích của 'hành vi tham nhũng' là 'vụ lợi':

Hành vi tham nhũng là hành vi cố ý. Mục đích của hành vi tham nhũng là vụ lợi. Nếu chủ thể thực hiện hành vi không cố ý, thì hành vi đó không là hành vi tham nhũng. ‘Vụ lợi’ ở đây được hiểu là lợi ích vật chất hoặc lợi ích tinh thần mà người có chức vụ, quyền hạn đã đạt được hoặc có thể đạt được thông qua hành vi tham nhũng. Khi xử lý về hành vi tham nhũng, không bắt buộc chủ thể tham nhũng phải đạt được lợi ích.

Pháp luật Việt Nam hiện nay quy định việc đánh giá tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi tham nhũng chủ yếu dựa trên căn cứ xác định những lợi ích vật chất mà kẻ tham nhũng đạt được để từ đó quyết định mức độ xử lý. Lợi ích vật chất hiện nay trong cơ chế thị trường thể hiện ở rất nhiều dạng khác nhau, nếu chỉ căn cứ vào những tài sản phát hiện hoặc thu hồi được để đánh giá lợi ích mà kẻ tham nhũng đạt được thì sẽ là không đầy đủ. Thêm nữa, các lợi ích vật chất và tinh thần đan xen rất khó phân biệt; ví dụ như: việc dùng tài sản của Nhà nước để khuyếch trương thanh thế, gây dựng uy tín hay các mối quan hệ để thu lợi bất chính. Trong trường hợp này, mục đích của hành vi vừa là lợi ích vật chất, vừa là lợi ích tinh thần.

Đối với khu vực tư, khi có vụ việc tham nhũng xảy ra, pháp luật đã có những sự điều chỉnh nhất định. Tuy nhiên, cũng có trường hợp, người có chức vụ, quyền hạn trong các tổ chức, doanh nghiệp thuộc khu vực tư cấu kết, móc nối với những người thoái hoá, biến chất trong khu vực công hoặc lợi dụng ảnh hưởng của những người này để trục lợi. Trong trường hợp đó, họ trở thành đồng phạm khi người có hành vi tham nhũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chủ thể ‘tham nhũng’ là người có chức vụ, quyền hạn:

Đặc điểm của tham nhũng là: chủ thể thực hiện hành vi phải là người có chức vụ, quyền hạn. "Người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó, bao gồm: (a) Cán bộ, công chức, viên chức; (b) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân; (c) Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; (d) Người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức; (đ) Những người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó" (Khoản 2 Điều 3 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018).

Nhìn chung, nhóm đối tượng này có đặc điểm đặc thù so với các nhóm đối tượng khác như: họ thường là những người có quá trình công tác và cống hiến nên có nhiều kinh nghiệm; được đào tạo có hệ thống, là những chuyên gia trên nhiều lĩnh vực khác nhau; là những người có quan hệ rộng và có uy tín xã hội nhất định và thậm chí có thế mạnh về kinh tế.

Chủ thể tham nhũng lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao:

“Lợi dụng chức vụ, quyền hạn” để vụ lợi là đặc trưng thứ hai của tham nhũng. Khi thực hiện hành vi tham nhũng, kẻ tham nhũng phải sử dụng “chức vụ, quyền hạn của mình” như một phương tiện để mang lại lợi ích cho mình, cho gia đình mình hoặc cho người khác. Đây là yếu tố cơ bản để xác định hành vi tham nhũng. Một người có chức vụ, quyền hạn nhưng không lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó thì không thể có hành vi tham nhũng.

Tuy nhiên, không phải mọi hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó đều được coi là hành vi tham nhũng. Ở đây có sự giao thoa giữa hành vi này với các hành vi vi phạm, tội phạm khác. Do vậy, cần lưu ý khi phân biệt ‘hành vi tham nhũng’ với các ‘hành vi vi phạm pháp luật khác’.

Xét trong phạm vi các vụ án “lạm quyền trong khi thi hành công vụ” tại Nam Định nêu trên thì thấy rằng, có những dấu hiệu rõ ràng của vụ án oan, sai.

Thứ nhất, về hành vi khách quan.

Người bị buộc tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Trưởng xóm, Bí thư chi bộ xóm) đã có hành vi vượt quá quyền hạn của mình, tức là làm một việc ngoài phạm vi chức trách. Tuy nhiên, trường hợp này cần phân biệt rõ ràng: vi phạm của người bị buộc tội với vi phạm của những người khác, cũng như với hành vi vi phạm bị coi là 'lạm quyền'.

Thông tư của Bộ trưởng Bộ Nội vụ số 09/2017/TT-BNV ngày 29/12/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31/08/2012 hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố, quy định:

“Thôn, tổ dân phố không phải là một cấp hành chính mà là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư có chung địa bàn cư trú trong một khu vực ở một xã, phường, thị trấn (xã, phường, thị trấn sau đây gọi chung là cấp xã); nơi thực hiện dân chủ trực tiếp và rộng rãi để phát huy các hình thức hoạt động tự quản, tổ chức nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ cấp trên giao”.

Cộng đồng dân cư ở thôn, tổ dân phố bàn, quyết định chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng trong phạm vi cấp xã, thôn, tổ dân phố do nhân dân đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí và các công việc tự quản trong nội bộ cộng đồng dân cư phù hợp với quy định của pháp luật…”.

Nhiệm vụ của Trưởng thôn: "(a) Triệu tập và chủ trì hội nghị thôn, tổ dân phố; tổ chức thực hiện những công việc thuộc phạm vi thôn, tổ dân phố đã được nhân dân bàn và quyết định; bảo đảm các nội dung hoạt động của thôn, tổ dân phố… (d) Thực hiện việc lập biên bản về kết quả đã được nhân dân thôn, tổ dân phố bàn và quyết định trực tiếp những công việc của thôn, tổ dân phố; lập biên bản về kết quả đã được nhân dân thôn, tổ dân phố bàn và biểu quyết những công việc thuộc phạm vi cấp xã…”.

Với quy định viện dẫn trên có thể thấy rằng: Trưởng xóm (Trưởng thôn) đã vượt quá quyền hạn của mình (vi phạm) khi triệu tập và chủ trì Hội nghị về ‘cho thuê đất dài hạn’, hoặc ‘nhượng đất’. Tuy nhiên, cần phân biệt vi phạm của Trưởng xóm (Trưởng thôn) với vi phạm của tập thể hoặc/và của người khác. Về bản chất, thôn, xóm “không phải không phải là một cấp hành chính mà là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư”, Trưởng xóm (Trưởng thôn) là người đại diện cho cộng đồng dân cư. Việc “quyết định trực tiếp những công việc của xóm (thôn)” do nhân dân bàn và quyết định (không phải quyết định của Trưởng xóm, Trưởng thôn). Trưởng xóm (Trưởng thôn) chỉ là người “lập biên bản về kết quả đã được nhân dân thôn, tổ dân phố bàn và biểu quyết”. Người quyết định ‘cho thuê đất dài hạn’, hoặc ‘nhượng đất’ là nhân dân xóm, trong đó Trưởng xóm (trưởng thôn) cũng chỉ là một thành viên.

Thứ hai, về yếu tố lỗi và động cơ vi phạm.

Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, người phạm tội thực hiện hành vi của mình là cố ý (cố ý trực tiếp và cố ý gián tiếp). Nghĩa là, người bị buộc tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc cho hậu quả xảy ra.

Động cơ phạm tội của người bị buộc tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ là dấu hiệu bắt buộc. Điều này cũng được thể hiện ngay câu đầu tiên của điều văn: “… người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác…”. Nếu không xác định được động cơ (cá nhân) của người bị buộc tội thì hành vi lạm quyền trong khi thi hành công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của tổ chức xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân chưa cấu thành tội phạm này.

Xem xét cụ thể trong các vụ án này, người bị buộc tội (Trưởng xóm) có vi phạm, có lỗi. Tuy nhiên đây là lỗi vô ý - không thể là lỗi cố ý. Người bị buộc tội 'có lỗi' vì tích cực hưởng ứng, khi nhận được hướng dẫn của cấp trên (tỉnh, huyện, xã) về quy trình xây dựng, huy động kinh phí xây dựng Nhà văn hóa. Họ bị hạn chế về kiến thức pháp lý nên nhầm tưởng rằng, xóm (thôn) toàn quyền quyết định việc sử dụng đất được giao, nên đã ‘vô tư’ ‘cho thuê đất dài hạn, hoặc 'nhượng đất'. Người bi buộc tội (Trưởng xóm, Trưởng thôn) không “vụ lợi hoặc động cơ cá nhân”, việc họ nghĩ và thực sự đã làm là “vì nhân dân”.

Thứ ba, về hậu quả của vi phạm.

Hậu quả thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, là dấu hiệu bắt buộc tội lạm quyền trong khi người thi hành công vụ. Nếu hành vi lạm quyền chưa gây thiệt hại thì chưa cấu thành tội phạm này.

Trước đây, Điều 282 Bộ luật hình sự cũ (năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009) quy định: chỉ cần gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân (thiệt hại vật chất, hoặc thiệt hại phi vật chất) là cấu thành tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ; trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng là tình tiết tăng nặng định khung. Tuy nhiên, Điều 357 Bộ luật hình sự mới (năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017) định lượng rõ ràng về hậu quả của tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ: “gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng…”.

Xét trong 'vụ án lạm quyền trong khi thi hành công vụ' này thì thấy rằng: hành vi ‘cho thuê đất dài hạn, hoặc ‘nhượng đất’ là vi phạm, nhưng không gây thiệt hại vật chất (hoặc thiệt hại không đáng kể). Bởi, toàn bộ số tiền ‘cho thuê đất dài hạn, hoặc ‘nhượng đất’ đã chuyển thành Nhà văn hóa. Nghĩa là, tài sản này đã chuyển thành tài sản khác, mà không bị hao hụt, mất đi (thiệt hại).

Huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định là một (01) trong năm (05) huyện đầu tiên trên cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015.

Báo công: đến hết năm 2018, toàn tỉnh Nam Định có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

"Đến hết năm 2018, toàn tỉnh Nam Định có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới, tính bình quân mỗi xã tăng 13,2 tiêu chí so với năm 2010; đến tháng 07/2019 có 10/10 đơn vị cấp huyện đã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới, hoàn thành sớm 1,5 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XIX đề ra.

Tháng 10/2019, tỉnh Nam Định được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới, là một trong hai tỉnh dẫn đầu cả nước trong phong trào xây dựng Nông thôn mới, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba về thành tích xây dựng Nông thôn mới.

Tỉnh Nam Định xác định, xây dựng Nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, là cuộc vận động lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực với sự tham gia tích cực của người dân; xây dựng Nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc.

Sau khi các địa phương đạt chuẩn Nông thôn mới và tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới, tỉnh Nam Định tập trung xây dựng Nông thôn mới nâng cao và Nông thôn mới kiểu mẫu, góp phần xây dựng tỉnh Nam Định ngày càng giàu đẹp, văn minh, nông thôn Nam Định phồn thịnh, phát triển bền vững, hài hòa và thực sự là vùng quê đáng sống".

Xem thêm: Mua ban đất không công chứng

Khuyến nghị của công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

Luật sư Phạm Ngọc Minh

Luật sư Phạm Ngọc Minh

https://everest.org.vn/luat-su-pham-ngoc-minh/ Luật sư Phạm Ngọc Minh - CEO Công ty Luật TNHH Everest. Luật sư Minh có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật.

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
0.86631 sec| 1113.289 kb