Chia tài sản chung khi ly hôn: Yếu tố lỗi ảnh hưởng như thế nào?

view 3471
comment-forum-solid 0
Khi giải quyết yêu cầu chia tài sản chung khi ly hôn, Toà án sẽ xem xét một số yếu tố, trong đó có yếu tố lỗi để xác định tỷ lệ tài sản mỗi bên vợ, chồng được chia.

1- Quy định về chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 ghi nhận 02 (hai) chế độ tài sản của vợ chồng: chế độ tài sản theo thỏa thuận và chế độ tài sản theo luật định. Khi giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn cần xác đinh chế độ tài sản được áp dung là chế độ tài sản nào. Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn được quy định:

(i) Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 59 và tại: Điều 60, Điều 61, Điều 62, Điều 63 và  Điều 64 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 để giải quyết.

(ii) Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các Khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 59 và tại: Điều 60, Điều 61, Điều 62, Điều 63 và Điều 64 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.

Khi giải quyết yêu cầu chia tài sản chung khi ly hôn, Toà án sẽ xem xét một số yếu tố, trong đó có yêu tố lỗi để xác định tỷ lệ tài sản mỗi bên vợ, chồng được chia. "Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng" là một yếu tố mới được bổ sung trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Dù là chế độ tài sản theo thỏa thuận hay chế độ tài sản theo luật định thì về nguyên tắc, tài sản được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây để xác định tỉ lệ tài sản mà vợ chồng được chia: Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung; Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập; Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

Xem thêm: Dịch vụ luật sư ly hôn của Công ty Luật TNHH Everest.

2- Xác định yếu tố lỗi trong việc chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn

Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06 tháng 01 năm 2016 của Tòa án nhân dân tối cao – Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Bộ tư pháp về việc hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì “Lỗi của mỗi bên trong vphạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng là lỗi của vợ hoặc chồng vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của vợ chồng dẫn đến ly hôn. 

Vậy các hành vi như thế nào được xem là lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ vợ chồng? Hành vi có lỗi có thể là không chăm lo làm ăn, cố tình tẩu tán tài sản, cờ bạc, rượu chè, có hành vi ngoại tình, bạo lực gia đình… Các hành vi có lỗi này chỉ được xem xét khi giải quyết yêu cầu phân chia tài sản nếu các lỗi này là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến ly hôn. Nếu một bên có lỗi nhưng không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến ly hôn thì không xem xét, đánh giá khi chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn.

Tuy nhiên, để chứng minh được lỗi của bên đối phương thì chủ thể bên kia phải cung cấp được chứng cứ chứng minh cho Tòa án về những lỗi vi phạm quyền, nghĩa vụ đó. Tòa án xem xét mức độ lỗi vi phạm quyền, nghĩa vụ để ra phán quyết phân chia tài sản đối với các bên.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về hợp đồng hôn nhân của Công ty Luật TNHH Everest.

3- Yếu tố lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng không dễ áp dụng

Việc chứng minh lỗi của một bên trong quan hệ vợ chồng dẫn đến ly hôn gây khó khăn cho cả đương sự và người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp. 

Thứ nhất, khó xác định hành vi vi phạm liên quan đến quyền, nghĩa vụ trong quan hệ nhân thân của vợ chồng.

Trong quan hệ nhân thân, Điều 19 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình; Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác. Vậy, biểu hiện của sự không thương yêu, không quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau như thế nào thì bị coi là vi phạm nghĩa vụ? Bản tính của mỗi người là khác nhau, cách thể hiện tình cảm của mỗi người là không giống nhau. Liệu một người đứng ngoài cuộc hôn nhân có thể kết luận chắc chắn hành vi của một bên vợ (chồng) là đang vi phạm nghĩa vụ theo quy định?

Thứ hai, khó có thể xác định được mức độ lỗi của một bên trong quan hệ vợ chồng.

Trong mối quan hệ tình cảm, mọi ranh giới đều không rõ ràng. Khi vợ chồng xảy ra mâu thuẫn, thông thường nguyên nhân xuất phát từ cả hai bên. Vợ khai người chồng thiếu quan tâm, chăm sóc, không sống chung nên người vợ mới đi ngoại tình. Chồng cho rằng do vợ thường xuyên xúc phạm nên họ mới không quan tâm đến người vợ … Có nhiều lý do được nêu ra, nguyên nhân này là tiền đề của mâu thuẫn gia đình, rồi chính mâu thuẫn đó lại là nguyên nhân, là tiền đề của mâu thuẫn khác. Vậy nên khó có thể xác định được lỗi thuộc về ai, ai là người nhiều lỗi hơn. 

Thứ ba, khó có thể đưa ra được chứng cứ cụ thể liên quan đến lỗi của bên vi phạm.

Để được Tòa án xem xét đến vấn đề lỗi khi phân chia tài sản chung, người bị vi phạm phải đưa ra được chứng cứ về lỗi của người vi phạm. Ví dụ, nếu một người yêu cầu ly hôn vì lý do người kia ngoại tình thì phải đưa ra được bằng cớ về hành vi ngoại tình của người kia như hình ảnh, tin nhắn, ghi âm, biên bản ghi sự việc có người chứng kiến.... Tuy nhiên, trong mối quan hệ hôn nhân, có rất nhiều chuyện tế nhị mà không thể chứng minh được bằng những chứng cứ “tai nghe mắt thấy” được.

Thứ tư, lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng không phải là căn cứ để Toà án giải quyết cho các bên ly hôn, dẫn đến Tòa án không nhận định về lỗi trong Bản án nên không có cơ sở nhận định phân chia tài sản.

Căn cứ để Toà án cho vợ chồng ly hôn được quy định tại Điều 5556 Luật Hôn nhân và gia đình. Khoản 1 Điều 56 quy định: Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. Theo đó, lỗi mỗi bên không phải là một căn cứ để Toà án giải quyết cho ly hôn. Nếu không phải là một căn cứ để cho ly hôn thì Toà án không nhận định trong bản án về lỗi nên không có cơ sở nhận định việc chia tài sản cho vợ hay chồng được hưởng nhiều hơn do người kia có lỗi trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình của Công ty Luật TNHH Everest.

4- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Chia tài sản chung khi ly hôn: Yếu tố lỗi ảnh hưởng như thế nào? được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viết Chia tài sản chung khi ly hôn: Yếu tố lỗi ảnh hưởng như thế nào? có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

Luật sư Nguyễn Thị Yến

Luật sư Nguyễn Thị Yến

https://everest.org.vn/luat-su-nguyen-thi-yen/ Luật sư Nguyễn Thị Yến - Phó giám đốc Công ty Luật TNHH Everest. Luật sư Yến có hơn 5 năm trong lĩnh vực hôn nhân gia đình, đất đai, hình sự

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
0.32445 sec| 1048 kb