Phụ lục bài viết
Việc đăng ký nhãn hiệu là việc làm cấp thiết, giúp bạn có thể sử dụng độc quyền nhãn hiệu trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Bên cạnh đó, giúp người tiêu dùng nhận diện thương hiệu của bạn, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Vì vậy, trong bài viết này Luật Thành công chia sẻ kinh nghiệm giúp bạn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thành công.
NHÃN HIỆU, ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU LÀ GÌ?
Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt các loại hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức và cá nhân khác nhau.
Đăng ký nhãn hiệu được hiểu cơ bản là việc các tổ chức, cá nhân tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để xác lập quyền độc quyền của mình đối với nhãn hiệu bao gồm: thương hiệu, logo, mẫu mã sản phẩm, slogan kèm nhãn hiệu của sản phẩm và dịch vụ mình đang kinh doanh, theo hướng dẫn của Cục Sở hữu trí tuệ năm 2022.
Nhãn hiệu có khả năng cấp giấy chứng nhận đăng kí nhãn hiệu phải là nhãn hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, chữ số, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp giữa các yếu tố đó được thể hiện dưới một hay một số màu sắc nhất định.
PHÂN LOẠI NHÓM SẢN PHẨM, DỊCH VỤ KHI ĐĂNG KÍ NHÃN HIỆU
Phân loại hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu chính là xác định phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu. Trong trường hợp chủ sở hữu đăng ký càng nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ thì phạm vi bảo hộ đối với nhãn hiệu sẽ càng rộng hơn. Song song với đó thì lệ phí nhà nước phải nộp càng cao, tương ứng với số nhóm hàng hóa, dịch vụ đăng ký. Việc phân loại nhóm hàng hóa, dịch vụ này sẽ được dựa trên bảng phân loại hàng hóa dịch vụ Ni xơ phiên bản 11 được quy định liên quan đến đăng ký nhãn hiệu.
Khi tiến hành nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu, cần phải xác định cụ thể loại sản phẩm, dịch vụ mà nhãn hiệu đi kèm. Bảng phân loại hàng hóa dịch vụ được chia thành 45 nhóm, từ nhóm 1 đến nhóm 34 là các nhóm về hàng hóa, từ nhóm 35 đến nhóm 45 là các nhóm về dịch vụ. Các sản phẩm, dịch vụ này được liệt kê cụ thể trong 45 nhóm theo Thỏa ước Nice 11.
HỒ SƠ ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU:
- Tờ khai đăng ký bảo hộ nhãn hiệu
Mẫu tờ khai đăng ký nhãn hiệu quy định tại Phụ lục A – Mẫu số 04-NH Thông tư số 16/2016/BKHCN
- Mẫu nhãn hiệu
05 mẫu nhãn hiệu kèm theo (phải giống mẫu nhãn hiệu dán trên tờ khai đăng ký kể nhãn hiệu cả về kích thước và màu sắc)
- Chứng từ nộp phí, lệ phí
- Các tài liệu khác (nếu có)
Tài liệu xác nhận được phép sử dụng các dấu hiệu đặc biệt (nếu nhãn hiệu yêu cầu bảo hộ có chứa các biểu tượng, cờ, huy hiệu của cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế…);
Tài liệu xác nhận quyền đăng ký;
Tài liệu xác nhận thụ hưởng quyền đăng ký từ người khác;
Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên (nếu đơn có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên),..
QUY TRÌNH ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU:
Bước 1: Tra cứu nhãn hiệu trước khi đăng ký
Thực hiện tra cứu nhãn hiệu trước khi nộp hồ sơ là một bước cực kỳ quan trọng, nhằm tra cứu xem có nhãn hiệu nào đã được nộp trước đó mà tương tự gây ra nhầm lẫn hoặc trùng với nhãn hiệu bên mình dự định thực hiện đăng ký hay không? Và đánh giá xem nhãn hiệu được dự định đăng ký có khả năng bị từ chối với những lý do hiển nhiên hay không?
Công cụ tra cứu thông tin đăng ký nhãn hiệu: Công báo SHCN, Sổ Đăng bạ quốc gia,…
Bước 2: Nộp hồ sơ và đóng lệ phí nhà nước
Người nộp đơn có thể lựa chọn hình thức nộp đơn trực tiếp, nộp qua đường bưu điện hoặc nộp trực tuyến qua Cổng dịch vụ công của Cục Sở hữu trí tuệ.
Lệ phí nhà nộp hồ sơ:
- Lệ phí nộp đơn: 150.000VNĐ
- Phí công bố đơn: 120.000VNĐ
- Phí tra cứu phục vụ thẩm định nội dung: 180.000VNĐ/01 nhóm sản phẩm, dịch vụ
- Phí tra cứu cho sản phẩm, dịch vụ thứ 7 trở đi: 30.000VNĐ/01 sản phẩm, dịch vụ
- Phí thẩm định nội dung: 550.000VNĐ/01 nhóm sản phẩm, dịch vụ
- Phí thẩm định nội dung cho sản phẩm/dịch vụ thứ 7 trở đi: 120.000VNĐ/01 sản phẩm, dịch vụ.
Bước 3: Thẩm định hình thức đơn đăng kí nhãn hiệu
Thời gian thẩm định: 1 tháng kể từ ngày nộp đơn.
Kiểm tra việc tuân thủ các quy định về hình thức đối với đơn đăng ký và từ đó đưa ra kết luận đơn đăng ký có được coi là hợp lệ theo quy định hay không (ra quyết định chấp nhận đơn hợp lệ/từ chối chấp nhận đơn đăng ký).
Trường hợp đơn hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành ra quyết định chấp nhận đơn hợp lệ. Trường hợp đơn đăng ký không hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành ra thông báo dự định từ chối chấp nhận đơn đăng ký hợp lệ trong đó nêu rõ các lý do, thiếu sót đẫn đến đơn đăng ký có thể bị từ chối chấp nhận và ấn định thời hạn 02 tháng để người nộp đơn có ý kiến hoặc sửa chữa những thiếu sót.
Trong trường hợp nếu người nộp đơn đăng ký không thực hiện sửa chữa thiếu sót/sửa chữa thiếu sót không đạt được các yêu cầu quy định/không có các ý kiến phản đối/ý kiến phản đối không được xác đáng thì Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành ra quyết định từ chối chấp nhận đơn.
Bước 4: Công bố đơn đăng ký nhãn hiệu
Sau khi có quyết định chấp nhận đơn đăng ký nhãn hiệu hợp lệ, đơn sẽ được công bố công khai trên website của Cục Sở hữu trí tuệ.
Thời gian công bố nhãn hiệu: 2 tháng kể từ ngày có thông báo chấp nhận đơn đăng kí hợp lệ.
Nội dung công bố đơn: các thông tin hợp lệ ghi trong thông báo chấp nhận đơn hợp lệ, mẫu nhãn hiệu và danh mục sản phẩm, dịch vụ.
Bước 5: Thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu
Đánh giá khả năng được bảo hộ của các đối tượng được nêu trong đơn theo các điều kiện bảo hộ được quy định, qua đó xác định được phạm vi bảo hộ tương ứng.
Thời hạn thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu theo quy định là 9 tháng. Tuy nhiên, thời gian xử lý thực tế có thể kéo dài từ 18 đến 21 tháng kể từ thời điểm công bố đơn.
Nếu đơn đáp ứng đủ điều kiện thì Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo dự định cấp văn bằng bảo hộ và yêu cầu nộp lệ phí. Nếu đơn không đáp ứng đủ điều kiện thì Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo dự định từ chối cấp văn bằng bảo hộ. Chủ đơn xem xét và gửi công văn trả lời, khiếu nại quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ. Chủ đơn đưa ra các căn cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là phù hợp.
Bước 6: Nộp phí, lệ phí cấp văn bằng bảo hộ
- Lệ phí cấp Văn bằng bảo hộ: 120.000 VNĐ
- Lệ phí đăng bạ: 120.000 VNĐ
- Phí công bố: 120.000 VNĐ
Nếu đơn đăng ký có nhiều nhóm sản phẩm, dịch vụ thì Lệ phí cấp Văn bằng bảo hộ cho nhóm sản phẩm, dịch vụ thứ 2 trở đi: 100.000 VNĐ/nhóm sản phẩm, dịch vụ.
Bước 7: Ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu
Nhãn hiệu đăng ký phải đáp ứng các yêu cầu về bảo hộ và người nộp đơn đăng ký đã nộp phí, lệ phí đầy đủ, đúng thời hạn thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, ghi nhận vào sổ đăng ký quốc gia về nhãn hiệu và công bố công khai trên trang Công báo Sở hữu công nghiệp trong khoảng từ 2-3 tháng kể từ ngày đóng phí, lệ phí.
Thông tin liên hệ:
Công ty: HÃNG LUẬT QUỐC TẾ THÀNH CÔNG
Địa chỉ: Số 29/31 Lê Đức Thọ, Phường 7, quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh
Website: https://luatthanhcong.com/
Email: congtyluatthanhcong@gmail.com
Báo Giá dịch vụ: 1900 633 710