Ký hợp đồng với đại diện của nhóm người lao động, những điểm lưu ý

Bởi Nguyễn Thị Ngân - 21/04/2020
view 1824
comment-forum-solid 0

Đối với công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì nhóm người lao động có thể ủy quyền cho một người lao động trong nhóm để giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản; trường hợp này hợp đồng lao động có hiệu lực như giao kết với từng người.

1- Căn cứ pháp lý đối với trường hợp người sử dụng lao động giao kết hợp đồng với đại diện của nhóm người lao động

[a] Quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019:

Về nghĩa vụ giao kết hợp đồng lao động, quy định tại Điều 18 như sau: "1. Người lao động trực tiếp giao kết hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. 2. Đối với công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên có thể ủy quyền cho một người lao động trong nhóm để giao kết hợp đồng lao động; trong trường hợp này, hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và có hiệu lực như giao kết với từng người lao động. Hợp đồng lao động do người được ủy quyền ký kết phải kèm theo danh sách ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú và chữ ký của từng người lao động. 3. Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động là người thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật; b) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật; c) Người đại diện của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật; d) Cá nhân trực tiếp sử dụng lao động. 4. Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động là người thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên; b) Người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người đó; c) Người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó; d) Người lao động được những người lao động trong nhóm ủy quyền hợp pháp giao kết hợp đồng lao động. 5. Người được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động không được ủy quyền lại cho người khác giao kết hợp đồng lao động".

[b] Quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015:

Về việc đại diện theo uỷ quyền: "(1) Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. (2) Các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân có thể thỏa thuận cử cá nhân, pháp nhân khác đại diện theo ủy quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân. (3) Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện" (Điều 138).

Về hậu quả pháp lý của hành vi đại diện: "(1) Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện với người thứ ba phù hợp với phạm vi đại diện làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện. (2) Người đại diện có quyền xác lập, thực hiện hành vi cần thiết để đạt được mục đích của việc đại diện. (3) Trường hợp người đại diện biết hoặc phải biết việc xác lập hành vi đại diện là do bị nhầm lẫn, bị lừa dối, bị đe dọa, cưỡng ép mà vẫn xác lập, thực hiện hành vi thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện, trừ trường hợp người được đại diện biết hoặc phải biết về việc này mà không phản đối" (Điều 139).

Xem thêm: Dịch vụ Luật sư hợp đồng của Công ty Luật TNHH Everest

2- Người sử dụng lao động giao kết hợp đồng với đại diện của nhóm người lao động, cần lưu ý gì?

Nếu giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ với các nhóm người lao động, người sử dụng lao động có thể ký với người đại diện của nhóm (không bắt buộc phải ký với toàn bộ người lao động). Hợp đồng lao động mùa vụ (hay hợp đồng thuê khoán nhân công) do người đại diện xác lập, thực hiện với người sử dụng lao động phù hợp với phạm vi đại diện sẽ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện.

Đồng thời, người sử dụng lao động cần lưu ý các vấn đề sau (Điều 18 Bộ luật Lao động năm 2019):

Một là, việc giao kết hợp đồng với nhóm người lao động chỉ thực hiện đối với những công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng và phải thể hiện bằng văn bản.

Hai là, người đại diện theo ủy quyền của nhóm người lao động phải là người đã thành niên, từ 18 tuổi trở lên.

Ba là, hợp đồng giao kết với người đại diện nhóm người lao động phải kèm theo danh sách ghi rõ họ tên, tuổi, giới tính, địa chỉ thường trú, nghề nghiệp và chữ ký của từng người lao động trong nhóm.

Nhiều trường hợp người sử dụng lao động không thuê lao động theo hình thức hợp đồng lao động, mà ký hợp đồng giao khoán nhân công. Đối với trường hợp hợp đồng giao khoán nhân công, người sử dụng lao động có quyền giao kết hợp đồng với từng người lao động hoặc người được nhóm người lao động ủy quyền giao kết hợp đồng lao động.

Về mặt nguyên tắc, tất cả các loại hợp đồng đều được soạn thảo theo quy định của pháp luật dân sự. Đối với khái niệm "hợp đồng giao khoán" hay "khoán việc" thì lại không được quy định cụ thể theo quy định pháp luật lao động. Bộ Luật Lao động 2019 lại không có khái niệm về loại hợp này và chỉ có quy định về hình thức trả lương khoán theo hợp đồng lao động. Do đó, về mặt hình thức, hợp đồng giao khoán hay hợp đồng khoán việc không đáp ứng tiêu chuẩn của một hợp đồng lao động mà chỉ là một loại hợp đồng dân sự.

 

Hợp đồng giao khoán nhân công có thể được thực hiện ở các dạng sau:

Dạng 1: Doanh nghiệp ký hợp đồng giao khoán nhân công với từng người lao động.

Dạng 2: Doanh nghiệp ký hợp đồng giao khoán nhân công với một nhóm người lao động (Hợp đồng được ký với tất cả thành viên trong nhóm nhưng có một người đại diện nhóm và được các cá nhân trong nhóm ủy quyền cho người đại diện thực hiện các giao dịch với doanh nghiệp). Trong trường hợp này, người đại diện của nhóm sẽ là người cung cấp danh sách nhân sự cho doanh nghiệp.

Dạng 3: Doanh nghiệp ký hợp đồng giao khoán với chỉ một người đại diện (Người này có trách nhiệm tìm kiếm lao động để thực hiện các công việc trong hợp đồng giao khoán. Doanh nghiệp không cần danh sách những cá nhân lao động trong nhóm). Trường hợp này người đại diện nhóm như một cá nhân kinh doanh.

Quy định về việc tính thuế thu nhập cá nhân đối với người sử dụng lao động giao kết hợp đồng thuê khoán nhân công:

Dạng 1: Theo biểu thuế toàn phần 10% trên thu nhập và không được giảm trừ.

Dạng 2: Trước khi trả tổng lương của nhóm cho người đại diện nhóm, kế toán phải thực hiện khấu trừ thuế TNCN theo biểu toàn phần 10%.

Dạng 3: Theo quy định tại điểm 1 khoản 1 Điều 2 Thông tư số 92/2015/TT-BTC quy định về nguyên tắc tính thuế với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán như sau:“(a) Cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán (sau đây gọi là cá nhân nộp thuế khoán) là cá nhân kinh doanh có phát sinh doanh thu từ kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh trừ cá nhân kinh doanh hướng dẫn tại Điều 3, Điều 4 và Điều 5 Thông tư này. (b) Đối với cá nhân nộp thuế khoán thì mức doanh thu 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế giá trị gia tăng, không phải nộp thuế thu nhập cá nhân là doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân của năm... (c) Trường hợp cá nhân kinh doanh theo hình thức nhóm cá nhân, hộ gia đình thì mức doanh thu 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế giá trị gia tăng, không phải nộp thuế thu nhập cá nhân được xác định cho một (01) người đại diện duy nhất trong năm tính thuế”(điểm 1 khoản 1 Điều 2).

Căn cứ tính thuế đối với cá nhân nộp thuế khoán được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 2 Thông tư số 92/2015/TT-BTC, như sau:“(a) Doanh thu tính thuế: (a.1) Doanh thu tính thuế là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ. Trường hợp cá nhân nộp thuế khoán có sử dụng hoá đơn của cơ quan thuế thì doanh thu tính thuế được căn cứ theo doanh thu khoán và doanh thu trên hoá đơn. (a.2) Trường hợp cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu tính thuế khoán hoặc xác định không phù hợp thực tế thì cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định doanh thu tính thuế khoán theo quy định của pháp luật về quản lý thuế”(điểm a khoản 2 Điều 2).

Căn cứ tính thuế đối với cá nhân nộp thuế khoán được quy định tại điều 2, khoản 2 điểm b Thông tư 92/2015/TT-BTC, như sau:“(b) Tỷ lệ thuế tính trên doanh thu: (b.1) Tỷ lệ thuế tính trên doanh thu gồm tỷ lệ thuế giá trị gia tăng và tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân áp dụng đối với từng lĩnh vực ngành nghề như sau: Phân phối, cung cấp hàng hóa: tỷ lệ thuế giá trị gia tăng là 1%; tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 0,5%; Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: tỷ lệ thuế giá trị gia tăng là 5%; tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 2%; Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: tỷ lệ thuế giá trị gia tăng là 3%; tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 1,5%; Hoạt động kinh doanh khác: tỷ lệ thuế giá trị gia tăng là 2%; tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 1%”.

Căn cứ quy định trên thì: Nếu tiền thuê khoán nhân công trong năm của nhóm người lao động do đội trưởng làm đại diện, dưới 100 triệu đồng/ năm, thì không phải kê khai nộp thuế. Đội trưởng có thể thay mặt nhóm người lao động của mình để nhận tiền thuê khoán của người sử dụng lao động. người sử dụng lao động khấu trừ thuế của đội trưởng, trước khi chi trả (Cơ quan thuế hiên nay không cấp hóa đơn lẻ cho những trường hợp cá nhân mua hóa đơn). Thuế được tính trên tổng giá trị hợp đồng thuê khoán với ” tỷ lệ thuế giá trị gia tăng là 5%; tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 2%”.

Như vậy, đối với trường hợp không mua hóa đơn ở cơ quan thuế, thì trước khi chi trả tiền cho đội trưởng thì người sử dụng lao động sẽ khấu trừ tại nguồn là 7% trên tổng số tiền chi trả.

Xem thêm:

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Ký hợp đồng với đại diện của nhóm người lao động, những điểm lưu ý được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viết Ký hợp đồng với đại diện của nhóm người lao động, những điểm lưu ý  có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư  vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn

Nguyễn Thị Ngân

Nguyễn Thị Ngân

https://everest.org.vn/chuyen-vien-nguyen-thi-ngan Chuyên viên Nguyễn Thị Ngân có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đất đai, thừa kế,... và đã tham gia thực hiện các vụ án nổi bật như: Kinh doanh thương mại, Hình sự.

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
1.56087 sec| 1067.695 kb