Quấy rối tình dục tại nơi làm việc - Quy định và hình thức xử lý

view 1482
comment-forum-solid 0

Bộ luật lao động năm 2019 quy định về vấn đề quấy rối tình dục tại nơi làm việc, đây là một trong những điểm mới nổi bật so với Bộ luật lao động năm 2012. Theo đó, người vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự. 

 

1- Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là gì?

Hiện nay, tình trạng quấy rối tình dục tại nơi làm việc xảy ra rất nhiều, đây cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến việc người lao động xin nghỉ việc. Nghiên cứu cho thấy chủ yếu người bị quấy rối tình dục chủ yếu là nữ giới (lên tới 78,2%), tuy nhiên hiện nay việc nam giới bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc cũng xuất hiện nhiều và tăng nhanh. Vậy quấy rối tình dục tại nơi làm việc là như thế nào? Và làm thế nào để nhận biết?

Để làm rõ vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam công bố Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở Việt Nam. Các cơ quan, doanh nghiệp sẽ tiến hành lồng ghép những nội dung trên vào nội quy lao động, quy chế làm việc nhằm ngăn chặn và cảnh báo hành vi nêu trên.

Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc quy định như sau: "Quấy rối tình dục là hành vi có tính chất tình dục gây ảnh hưởng tới nhân phẩm của nữ giới và nam giới, đây là hành vi không được chấp nhận, không mong muốn và không hợp lý làm xúc phạm đối với người nhận, và tạo ra môi trường làm việc bất ổn, đáng sợ, thù địch và khó chịu".

Khoản 9 Điều 3 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: "Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động".

[a] Các hình thức quấy rối tình dục

Quấy rối tình dục có thể được thể hiện dưới các hình thức như sau:

  • Hành vi quấy rối thể chất: tiếp xúc, cố tình đụng chạm sờ mó, cấu véo thậm chí tấn công tình dục, cưỡng dâm...
  • Hành vi quấy rối tình dục bằng lời nói: nhận xét không phù hợp, viện dẫn, ngụ ý về tình dục, đề nghị, yêu cầu không được mong muốn một cách liên tục; gợi ý, đe dọa, ép buộc đổi quan hệ tình dục lấy bất kỳ lợi ích nào liên quan đến công việc;
  • Hành vi quấy rối phi lời nói: ngôn ngữ cơ thể không đúng đắn, nháy mắt, phô bày tài liệu khiêu dâm

[b] Nơi làm việc được định nghĩa như thế nào?

Nơi làm việc là bất cứ địa điểm nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động, bao gồm cả những địa điểm hay không gian có liên quan đến công việc như các hoạt động xã hội, hội thảo, tập huấn, chuyến đi công tác chính thức, bữa ăn, hội thoại trên điện thoại, các hoạt động giao tiếp qua phương tiện điện tử, phương tiện đi lại do người sử dụng lao động bố trí từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại, nơi ở do người sử dụng lao động cung cấp và địa điểm khác do người sử dụng lao động quy định.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực lao động của Công ty Luật TNHH Everest

2- Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi bị cấm

Điều 8 Bộ luật lao động năm 2019 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động như sau: "1. Phân biệt đối xử trong lao động; 2. Ngược đãi người lao động, cưỡng bức lao động; 3. Quấy rối tình dục tại nơi làm việc; 4. Lợi dụng danh nghĩa dạy nghề, tập nghề để trục lợi, bóc lột sức lao động hoặc lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người học nghề, người tập nghề vào hoạt động trái pháp luật...".

Quấy rối tình dục là hành vi bị nghiêm cấm tại nơi làm việc. Cơ quan, doanh nghiệp cần quy định về vấn đề quấy rối tình dục tại Nội quy lao động về các nội dung: Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Đây là trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc xây dựng và thực hiện các giải pháp phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

3- Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc 

Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động: "2. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp sau đây: a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này; b) Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 của Bộ luật này; c) Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động; d) Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc; đ) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật này; e) Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác; g) Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Bộ luật này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động".

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về hợp đồng hôn nhân của Công ty Luật TNHH Everest

4- Các hình thức xử lý đối với hành vi quấy rối tình dục nơi làm việc

[a] Xử lý kỷ luật lao động

Cơ quan, doanh nghiệp có trách nhiệm quy định chi tiết hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với người thực hiện hành vi quấy rối tình dục hoặc người tố cáo sai sự thật tương ứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.

Theo đó, người lao động có hành vi vi phạm được ghi nhận trong Nội quy lao động sẽ bị xử lý kỷ luật lao động tương ứng. Doanh nghiệp được quy định, áp dụng hình thức xử lý kỷ luật lao động cao nhất là sa thải với người lao động có hành vi quấy rối tình dục.

Cụ thể tại Khoản 2 Điều 125 Bộ luật lao động năm 2019: "Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong trường hợp sau đây: ...2. Người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động".

Như vậy, người lao động thực hiện hành vi quấy rối tình dục trong phạm vi nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động có thể sẽ bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải.

[b] Xử phạt vi phạm hành chính

Căn cứ Điểm a Khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Phòng, chống tệ nạn xã hội; Phòng cháy và chữa cháy; Phòng, chống bạo lực gia đình như sau: "Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng: 1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác..."

[c] Truy cứu trách nhiệm hình sự:

Tùy vào mức độ hành vi thỏa mãn các quy định được mô tả trong điều luật nào thì tội phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh tương ứng như sau:

(i) Tội hiếp dâm được quy định tại Điều 141 Bộ luật Hình sự năm 2015 cụ thể: "Điều 141. Tội hiếp dâm: 1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm..."

(ii) Tội cưỡng dâm được quy định tại Điều 143 Bộ luật hình sự năm 2015, cụ thể: "Điều 143. Tội cưỡng dâm: 1. Người nào dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”

Như vậy, tùy thuộc vào mô tả của hành vi, mức độ nghiêm trọng của hành vi, người vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, phạt hành chính, nghiêm trọng hơn là truy cứu trách nhiệm hình sự.

Xem thêm: 

5- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Quấy rối tình dục tại nơi làm việc - Quy định và hình thức xử lý được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viết Quấy rối tình dục tại nơi làm việc - Quy định và hình thức xử lý có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn

Luật sư Nguyễn Thị Yến

Luật sư Nguyễn Thị Yến

https://everest.org.vn/luat-su-nguyen-thi-yen/ Luật sư Nguyễn Thị Yến - Phó giám đốc Công ty Luật TNHH Everest. Luật sư Yến có hơn 5 năm trong lĩnh vực hôn nhân gia đình, đất đai, hình sự

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
0.96221 sec| 1071.609 kb