Quyền bào chữa của bị can, bị cáo, nhìn từ những vụ án chống người thi hành công vụ phòng dịch COVID-19

view 1531
comment-forum-solid 0

Vụ án chống người thi hành công vụ phòng dịch COVID-19 đầu tiên được đưa ra xét xử tại huyện Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh). Toàn bộ quá trình điều tra, truy tố, xét xử cấp sơ thẩm chỉ trong có 04 ngày. Từ góc độ bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, với quá trình điều tra, truy tố, xét xử “siêu tốc” như vậy, câu hỏi đặt ra: quyền của bị can, bị cáo có được đảm bảo hay không?

1- Thông tin từ báo chí:

Ngày 04/04/2020, chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 liên xã Đông Hải - Đông Ngũ (huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) đang làm nhiệm vụ thì phát hiện Đào Xuân Anh (30 tuổi) không đeo khẩu trang nên nhắc nhở, yêu cầu thực hiện đúng Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ và quy định của tỉnh Quảng Ninh. Đào Xuân Anh không những không chấp hành mà còn có hành vi xúc phạm, dùng mũ cối đánh cán bộ trong chốt kiểm soát, sau đó bỏ về nhà. Ngày 06/04/2020, Viện kiểm sát nhân dân huyện Tiên Yên phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam Đào Xuân Anh về tội "Chống người thi hành công vụ". Ngày 10/04/2020, bị cáo Đào Xuân Anh bị Tòa án nhân dân huyện Tiên Yên tuyên án phạm tội chống người thi hành công vụ theo Điều 330 Bộ luật hình sự, phạt 09 tháng tù.

Ngày 14/04/2020, tại Thái bình, Tòa án nhân dân huyện Hưng Hà đã xét xử vụ án hình sự "Chống người thi hành công vụ" xảy ra ngày 08/04/2020. Bị cáo Trần Văn Mạnh bị tuyên phạm tội theo Khoản 1 Điều 330 Bộ luật hình sự, phạt 09 tháng tù giam.

Chúng tôi tin rằng, những người tiến hành tố tụng trong vụ án này chắc chắn sẽ được ‘khen thưởng’ vì xử lý nhanh, dứt điểm vụ án. Tuy nhiên, từ góc độ bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, thì với quá trình điều tra, truy tố, xét xử “siêu tốc” (bình quân, mỗi giai đoạn là 1,3 ngày) như vậy, chúng tôi đặt ra câu hỏi: quyền của bị can, bị cáo có được đảm bảo hay không? Với thời gian ngắn như vậy, trên thực tế, bị can, bị cáo hầu như bị tước đi cơ hội mời luật sư bào chữa, bảo vệ quyền lợi của mình. Việc tự bào chữa chắc chắn sẽ bị hạn chế trong điều kiện bị can, bị cáo bị tạm giam.

Các chốt kiểm dịch tại các cửa ngõ Thái Bình (minh họa)

2- Về chế định quyền bào chữa và việc bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo:

Để đảm bảo cho việc giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện và đầy đủ, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội thì việc bào chữa là cần thiết, nó giúp cơ quan tiến hành tố tụng xác định sự thật khách quan của vụ án. Lưu ý rằng, việc tranh tụng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự không chỉ có buộc tội mà nó chỉ có thể đạt hiệu quả cao khi tồn tại song song hai chức năng buộc tội và gỡ tội.

Hiến pháp năm 2013 quy định về quyền bào chữa và những bảo đảm cần thiết để quyền đó được thực hiện (Điều 31). Các Hiến pháp trước đó (năm 1946, năm 1959, năm 1980, năm 1992) cũng đều quy định về quyền bào chữa - cho thấy tầm quan trọng của chế định này. Trong các giai đoạn phát triển khác nhau, nhà nước luôn có những quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Những quyền cơ bản đó được nhà nước đảm bảo thực hiện đồng thời công dân cũng có nghĩa vụ tôn trọng và bảo đảm quyền lợi của người khác.

Điều 16 Bộ luật tố tụng hình sự quy định và ghi nhận quyền bào chữa của bị can, bị cáo, nhằm đảm bảo rằng: không để bất kì người nào có thể bị hạn chế hay tước quyền cơ bản mà pháp luật đã dành cho họ: “Người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm cho người bị buộc tội… thực hiện đầy đủ quyền bào chữa… của họ theo quy định của bộ luật này”.

Nhiệm vụ của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng: Để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người bị buộc tội trong những trường hợp do pháp luật quy định, nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải yêu cầu đoàn luật sư phân công văn phòng luật sư cử người bào chữa cho họ.

Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử trợ giúp viên pháp lý, yêu cầu luật sư bào chữa cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý hoặc đề nghị Uỷ ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử người bào chữa cho thành viên của tổ chức mình trong những trường hợp theo quy định tại Khoản 1 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Quyền bào chữa của người bị buộc tội bào gồm quyền tự bào chữa và quyền nhờ người bào chữa. Hai quyền này có thể song song tồn tại mà không loại trừ lẫn nhau.

Quyền tự bào chữa: Người bị buộc tội có quyền tự bào chữa đồng thời có quyền nhờ người bào chữa. Trong trường hợp nhờ người bào chữa thì họ vẫn có quyền tự bào chữa. Luật tố tụng hình sự không chỉ quy định người bị buộc tội có quyền bào chữa mà còn quy định những bảo đảm cần thiết để quyền bào chữa được thực hiện. Cụ thể, họ phải được giao nhận quyết định khởi tố, bản kết luận điều tra sau khi kết thúc điều tra, quyết định truy tố, quyết định đưa vụ án ra xét xử... để chuẩn bị bào chữa. Trong quá trình bào chữa họ có thể sử dụng mọi biện pháp hợp pháp để chứng minh sự vô tội hoặc giảm nhẹ tội. Thực hiện quyền bào chữa của người bị buộc tội là điều kiện cần thiết để cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xử lý vụ án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Luật sư Phạm Ngọc Minh - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

3- Liệu có bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, với 'quy trình' điều tra, truy tố, xét xử 'siêu tốc' không?

Trước hết, chúng tôi không không khẳng định hay phủ định: xét xử các vụ án "Chống người thi hành công vụ" trong phòng dịch COVID-19 nêu trên là đúng người đúng tội hay không. Bởi, chúng tôi không có đầy đủ thông tin. Tuy nhiên, chúng tôi lưu ý, những thông tin công bố trên báo chí của các vụ án nêu trên hầu hết chỉ từ nguồn cơ quan tiến hành tố tụng.

- ‘Nghe hai tai’:

Nhiều vụ án mà thông tin ban đầu chúng tôi tiếp cận khác. Ví dụ: có những vụ án "cố ý gây thương tích", tài liệu, chứng cứ của cơ quan điều tra cho thấy, bị can liều lĩnh, ra tay lạnh lùng, quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng. Nhưng sau đó, những chứng cứ mà luật sư thu thập được thấy rằng, lỗi của họ không nghiêm trọng, thậm chí họ chỉ phòng vệ. Có vụ án "chống người thi hành công vụ", sau khi có luật sư tham gia, cơ quan điều tra đã phải ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự, hoặc đã khởi tố thì ra quyết định đình chỉ vụ án…

Thực tế, từ kinh nghiệm hành nghề luật sư cho thấy, oan, sai, tình trạng bức cung, nhục hình trong vụ án hình sự tại Việt Nam hiện nay không còn hiếm. Tình trạng này không chỉ trực tiếp xâm phạm quyền tự do, danh dự, nhân phẩm... mà trong nhiều trường hợp, còn tước đoạt cả quyền được sống của con người.

Phòng chống dịch Covid19 - luật sư cũng bị 'làm khó':

Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/03/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, nêu rõ: “cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động… bổ trợ doanh nghiệp như công chứng, luật sư... được tiếp tục hoạt động”. Với quy định này, các luật sư của Công ty Luật TNHH Everest đã tuân thủ, đối với những trường hợp không cấp thiết không di chuyển ra ngoài phạm vi Hà Nội.

Thế nhưng, trong tháng 04/2020, đối vụ việc cấp thiết các luật sư của của Công ty Luật TNHH Everest công tác một số tỉnh: Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc… Hầu hết trường hợp thẩy rằng, các chốt kiểm dịch sau khi kiểm tra giấy tờ, đo thân nhiệt, đều không gây khó khăn cho luật sư.

Tuy nhiên, vào chiều ngày 17/04/2020, trong chuyến công tác về tỉnh Thái Bình, tới chốt kiểm dịch Thái Hà (Trạm thu phí cầu Thái Hà) thì xe của luật sư Công ty Luật TNHH Everest đã buộc phải quay về Hà Nội: chốt này viện dẫn tới Công điện số 08/CĐ-UBND ngày 16/04/2020 của Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh Thái Bình, mặc dù Công điện này đã nêu rất rõ: “đối với những người có nhu cầu thiết yếu, trừ trường hợp đi công vụ, đi làm việc tại các doanh nghiệp…”, nhưng những người thi hành công vụ tại Chốt Cầu Thái Hà vẫn viện đủ ra những lý do phi lý, thể hiện sự lạm dụng quyền lực. Liệu rằng, họ (những người thi hành công vụ) hiểu được rằng, đây là hành vi “cản trở hoạt động hành nghề của luật sư”, bị pháp luật nghiêm cấm (?!).

Lời kết: Chúng tôi nêu một ví dụ cụ thể minh chứng rằng: Trong phòng dịch COVID-19, ngay cả luật sư còn bị 'làm khó'. Do đó, chúng tôi có lý do để tin rằng, sẽ có không ít người thi hành công vụ lạm quyền, hoặc lợi dụng quyền lực được giao để vụ lợi. Vì vậy, ngoài việc xử lý người vụ án chống người thi hành công vụ phòng dịch COVID-19, thì cần thiết xử lý người thi hành công vụ lạm quyền, lợi dụng công vụ để trục lợi.

Bài viết thực hiện bởi: Luật sư Phạm Ngọc Minh - Công ty Luật TNHH Everest.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.net.vn.

Luật sư Phạm Ngọc Minh

Luật sư Phạm Ngọc Minh

https://everest.org.vn/luat-su-pham-ngoc-minh/ Luật sư Phạm Ngọc Minh - CEO Công ty Luật TNHH Everest. Luật sư Minh có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật.

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
0.58163 sec| 1043.922 kb