Thu hồi đất sạt lở tại Quảng Ninh: Quyết định số 1357/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, có bị cài đặt 'lợi ích nhóm'?

view 3340
comment-forum-solid 0

Căn cứ pháp lý quan trọng để Ủy ban nhân dân thành phố Hạ Long ban hành các quyết định thu hồi đất thực hiện: “Dự án thu hồi các thửa đất sạt lở, vị trí nguy hiểm không thể ở, đe dọa tính mạng con người và tài sản của các hộ gia đình, cá nhân tại phường Hà Phong, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh do Công ty Cổ phần Than Hà Tu - Vinacomin làm chủ đầu tư” (gọi tắt: “Dự án thu hồi các thửa đất sạt lở… tại phường Hà Phong”), là Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ , Thông tư số 03/2014/TT-BNNPTNT ngày 25/01/2014 ngày 04/05/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Quyết định số 1357/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh.

Từ 'Nhà cao, Cửa rộng', sau 'thu hồi đất' nhiều hộ dân rơi vào cảnh 'Màn trời, Chiếu đất'

Quyết định số 1357/QĐ-UBND “Phê duyệt Đề án di dân tổng thể ra khỏi vùng sạt lở, ngập lụt nguy hiểm và quy hoạch bố trí dân cư phòng tránh thiên tai trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025” có hai nội dung: Một là, triển khai Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ “phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn… giai đoạn 2013 - 2015…” (nội dung chính); Hai là, “di dân” vùng “sạt lở chân bãi thải, khai trường khai thác than…”. Quyết định này là cơ sở pháp lý để thành phố Hạ Long thực hiện “Dự án thu hồi các thửa đất sạt lở… tại phường Hà Phong”.

Đối với nội dung thứ nhất: triển khai Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ “phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn… giai đoạn 2013 - 2015…” có cơ sở pháp lý rõ ràng: Điểm e Khoản 1 Điều 65 Luật Đất đai năm 2013 (chúng tôi phân tích rõ hơn ở phần sau).

Đối với nội dung thứ hai: di dân khỏi vùng sạt lở “chân bãi thải, khai trường khai thác than…”, thì không thể áp dụng căn cứ pháp lý - Điểm e Khoản 1 Điều 65 Luật Đất đai. Bởi về bản chất, đây là hoạt động kinh doanh (có lợi nhuận). Doanh nghiệp phải thỏa thuận với người bị mất đất về phương án và đơn giá bồi thường. Nhà nước không thể dùng quỹ đất tái định cư, tiền ngân sách - để bồi thường ‘hộ’ cho doanh nghiệp.

Thế nhưng, Quyết định số 1357/QĐ-UBND ngày 04/05/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, không có sự phận biệt rõ ràng giữa các nội dung nêu trên, đặc biệt không phân định rõ ràng trường hợp 'sạt lở, ngập lụt nguy hiểm' do 'Thiên tai' và 'sạt lở, ngập lụt nguy hiểm' do 'Nhân họa'. Nhà nước 'thu hồi đất' (cưỡng chế, bắt buộc) để thực hiện 'Đề án di dân' trong cả trường hợp do 'Nhân họa' (trong vụ việc này là do Công ty Cổ phần Than Hà Tu - Vinacomin - Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam gây ra). Người bị mất đất không được thực hiện 'cơ chế thỏa thuận' với doanh nghiệp. Do đó, chúng tôi cho rằng, cần thiết phải làm rõ câu hỏi: Quyết định số 1357/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh có bị 'cài đặt' 'lợi ích nhóm' hay không [?].

'Dấu ấn' của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam trong Quyết định số 1357/QĐ-UBND:

Quyết định số 1357/QĐ-UBND ngày 04/05/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh có nội dung về chi phí (mục 4.2): “(a) Giai đoạn năm 2016: Tổng chi phí thực hiện: 354,32 tỷ đồng, bao gồm: Chi phí thực hiện Đề án di dân: 224,26 tỷ đồng (cho 291 hộ dân), trong đó: … Chi phí thực hiện Đề án di dân ra khỏi khu vực sạt lở chân bãi thải, khai trường khai thác than: 147,96 tỷ đồng... do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam… thực hiện”; (b) Giai đoạn năm 2017-2018:... Chi phí thực hiện đề án di dân ra khỏi khu vực sạt lở chân bãi thải, khai trường khai thác than: 208,72 tỷ đồng... do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam thực hiện”; (c) Giai đoạn năm 2019 - 2020: ... Chi phí thực hiện đề án di dân ra khỏi khu vực sạt lở chân bãi thải, khai trường khai thác than: 6,33 tỷ đồng cho 09 hộ dân do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam thực hiện”.

Như vậy, tổng cộng nguồn vốn Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam trong Chương trình bố trí dân cư theo Quyết định số 1357/QĐ-UBND giai đoạn 2016 là 141,63 tỷ đồng, giai đoạn 2017-2018 là 208,72 tỷ đồng, giai đoạn 2019-2020 là 6,33 tỷ đồng, tổng cộng các giai đoạn là: 356,67 tỷ đồng.

Về tổ chức thực hiện, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam: “… Tổ chức rà soát, điều chỉnh các quy hoạch có liên quan; điều chỉnh quy mô, cao độ, ranh giới các bãi đổ thải mỏ, khai trường khai thác than để hạn chế ảnh hưởng của hoạt động khai thác than, nguy cơ sạt lở đến khu dân cư… Chủ trì, phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện Đề án, tổ chức di dời dân cư ra khỏi các khu vực sạt lở, ngập lụt nguy hiểm chân bãi thải, khai trường, khai thác than do đơn vị quản lý…”.

Riêng đối với “Dự án thu hồi các thửa đất sạt lở… tại phường Hà Phong”, Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam thực hiện: “Di dời, bố trí tái định cư cho 29 hộ dân (90 nhân khẩu) tại phường Hà Phong nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt nguy hiểm do ảnh hưởng tuyến đường từ khai trường mỏ than Hà Tu sang mỏ than Núi Béo (hình thức tái định cư tập trung)”.

Luật sư Phạm Ngọc Minh và Luật sư Nguyễn Thị Yến - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài (24/7): 1900 6198

Quyết định số 1357/QĐ-UBND đã đi ‘chệch' hướng dẫn tại Quyết định số 1776/QĐ-TTg, Thông tư số 03/2014/TT-BNNPTNT

Chúng tôi sẽ phân tích rõ các quy định của pháp luật có liên quan, trực tiếp là: Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 03/2014/TT-BNNPTNT ngày 25/01/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thấy rằng: Thu hồi đất theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 65 của Luật Đất đai năm 2013 được cụ thể hóa tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan và hướng dẫn thi hành đều chỉ áp dụng đối với trường hợp: 'thiên tai', 'đặc biệt khó khăn', 'biên giới, hải đảo', 'di cư tự do', 'khu rừng đặc dụng', hoàn toàn không có áp dụng đối với trường hợp do 'Nhân họa':

  • Quy định tại Quyết định số 1776/QĐ-TTg:

Quyết định số 1776/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020 (gọi tắt là 'Chương trình Bố trí dân cư').

- Mục tiêu chung của 'Chương trình Bố trí dân cư': “Thực hiện quy hoạch, bố trí ổn định dân cư tại các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, ổn định dân di cư tự do, khu rừng đặc dụng, nhằm ổn định và nâng cao đời sống của người dân, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, di cư tự do; giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo, bảo vệ môi trường và củng cố an ninh, quốc phòng” (Điểm a Khoản 1 Điều 1).

- Phạm vi áp dụng của 'Chương trình Bố trí dân cư': “Chương trình này áp dụng cho việc bố trí ổn định dân cư theo quy hoạch, kế hoạch của Nhà nước tại các vùng: Thiên tai (sạt lở đất, sụt lún đất, lốc xoáy, lũ quét, lũ ống, ngập lũ, xâm nhập mặn, sóng thần, nước biển dâng); đặc biệt khó khăn (thiếu đất, thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt, thiếu cơ sở hạ tầng, tác động phóng xạ, ô nhiễm môi trường, các làng chài trên sông nước, đầm phá); biên giới, hải đảo (gồm cả khu kinh tế quốc phòng); vùng di cư tự do đến đời sống quá khó khăn và khu rừng đặc dụng trên địa bàn cả nước đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020” (Điểm a Khoản 2 Điều 1).

- Đối với trường hợp 'Thiên tai' thì đối tượng áp dụng của 'Chương trình Bố trí dân cư': “Hộ gia đình bị mất nhà ở, đất ở, đất sản xuất do sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, sụt lún đất, lốc xoáy; hộ gia đình sinh sống ở vùng có nguy cơ bị sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, sụt lún đất, ngập lũ, lốc xoáy, sóng thần, xâm nhập mặn, nước biển dâng” (Điểm b Khoản 2 Điều 1).

  • Quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BNNPTNT:

Thông tư số 03/2014/TT-BNNPTNT ngày 25/01/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: "hướng dẫn thực hiện quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của thủ tướng chính phủ phê duyệt “chương trình bố trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020”, đã quy định rất rõ ràng: thế nào là ‘Thiên tai’, thế nào là ‘Vùng thiên tai’ và cụ thể của ‘Các dự án của Chương trình bố trí dân cư’:

- Giải thích từ ngữ và tiêu chí lựa chọn vùng bố trí dân cư: “Vùng thiên tai (theo quy định tại Điều 3 Luật Phòng, chống thiên tai số 33/2013/QH13): là vùng có hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế xã hội bao gồm: sạt lở đất bờ sông, bờ biển, lũ, lụt, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất núi, sụt lún đất, ngập lụt, xâm nhập mặn, nước biển dâng, tố, lốc, động đất, sóng thần và các loại thiên tai khác” (Khoản 1 Điều 3).

- Các dự án của chương trình: “1- Chương trình bố trí dân cư giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020 có 4 nhiệm vụ. Nhiệm vụ của Chương trình được thực hiện bằng các dự án cụ thể quy định tại Điều 2 của Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21 tháng 11 năm 2012. Để thực hiện mục tiêu của Chương trình, trước hết trong giai đoạn từ nay đến năm 2015, cần sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án như sau: (a) Dự án bố trí ổn định dân cư ở vùng thiên tai; (b) Dự án bố trí ổn định dân cư ở vùng biên giới, hải đảo; (c) Dự án bố trí ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn; (d) Dự án bố trí ổn định dân di cư tự do, khu rừng đặc dụng. 2- Trường hợp trên một địa bàn quy hoạch bố trí dân cư có nhiều đối tượng cần bố trí ổn định như: vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, di cư tự do, biên giới, hải đảo, khu rừng đặc dụng thì xây dựng Dự án kết hợp nhiều đối tượng và lấy đối tượng có số hộ nhiều nhất để gọi tên theo 1 trong 4 loại Dự án nêu trên (Điều 4).

Luật sư Phạm Ngọc Minh

Luật sư Phạm Ngọc Minh

https://everest.org.vn/luat-su-pham-ngoc-minh/ Luật sư Phạm Ngọc Minh - CEO Công ty Luật TNHH Everest. Luật sư Minh có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật.

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
0.78440 sec| 1062.445 kb