Thu hồi đất tại Cát Hải (Dự án Deep C III): 'Phát canh thu tô', 'cố ý làm trái', 'mờ mờ - ảo ảo'...và 'dân tay trắng'

view 7160
comment-forum-solid 0

Năm 2016, Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Dự án Deep C HP III) được thành lập với quy mô 520 hecta, giá trị 5.400 tỉ đồng (260 triệu USD). Trước đó, Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C gồm: Dự án Khu công nghiệp Đình Vũ (DEEP C HP I) được thành lập năm 1997 với quy mô 541 hecta, dự án Khu công nghiệp Nam Đình Vũ II (DEEP C HP II) được thành lập năm 2014 với quy mô 613 hecta.

Như vậy, cho đến nay, Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C HP rộng 1.700 hecta thuộc Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, được phát triển với hệ thống hạ tầng tiện ích, hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C HP góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, đưa thành phố Hải Phòng trở thành thành phố Cảng và Công nghiệp trọng điểm của miền Bắc.

Thế nhưng, đồng thời Dự án Deep C HP (III) được triển khai, hàng trăm hộ gia đình, cá nhân nuôi trồng thủy sản, có cuộc sống ổn định, sung túc, trở thành mất việc làm. Công cụ mưu sinh của họ là những thửa đất nuôi trồng thủy sản nhưng chỉ được bồi thường với giá rẻ mạt, mỗi mét vuông 9.600 đồng - chưa bằng mớ rau muống.

Các Luật sư của Công ty Luật TNHH Everest - cung cấp dịch vụ pháp lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp người bị thu hồi đất trong “Dự án Deep C HP III” đã chỉ ra: chính quyền huyện Cát Hải đã để xảy ra quá nhiều sai phạm, liên tiếp qua nhiều thời kỳ. Điều này dẫn đến hệ quả làm sai lệch nguồn gốc sử dụng đất, xác định sai người sử dụng đất, áp dụng sai quy định của pháp luật đất đai về bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, dẫn đến ‘người dân mất đất’ không được bù đắp thỏa đáng.

- Giai đoạn 1987 - 1993: ‘tích tụ ruộng đất’ để ‘phát canh thu tô’:

Những năm 1984-1986, các hộ dân tại xã Đồng Bài, Vân Phong, Cát Hải... (huyện Cát Hải) đã đánh bắt thủy sản tự nhiên tại các đầm, hồ ven biển. Những năm 1989-1990, người dân đã phân định ranh giới, vây lưới để nuôi thả rau câu,… sau đó là be bờ, đắp đập, đào đầm để nuôi trồng thủy sản.

Khi Luật đất đai năm 1987 có hiệu lực, đúng ra phải áp dụng Điều 28: “giao đất ổn định, lâu dài để sản xuất nông nghiệp… trên cơ sở đất đai đang sử dụng” cho các hộ gia đình, cá nhân, thì huyện Cát Hải áp dụng Điều 29, Điều 30 Luật đất đai năm 1987, coi đây là “đất chưa sử dụng”.

Ngày 04/04/1990, Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải ban hành Quyết định số 143/QĐ-UB về việc “thành lập Ban quản lý thầu hồ nuôi trồng thủy sản”, đồng thời thông báo tới người dân dừng khai thác đầm, hồ nuôi trồng thủy sản trái phép.

Ban quản lý thầu hồ nuôi trồng thủy sản tiếp đó đã ký các hợp đồng thuê khoán có thời hạn 05 năm, để giao phần lớn diện tích đất đầm, hồ (nuôi trồng thủy sản) cho một số ít hộ gia đình, cá nhân sử dụng. Cụ thể: tại thị trấn Cát Hải ông Nguyễn Văn Trường được thuê diện tích 13,2 hecta Đầm Lương Năng; ông Vũ Văn Cường được thuê diện tích 17,8 hecta Đầm Công an, ông Phạm Văn Phùng được thuê 55 hecta Đầm Trưng Phát… Hệ lụy: một số hộ gia đình, cá nhân được sử dụng hàng chục hecta đầm, hồ, nhưng phần lớn hộ gia đình, cá nhân khác không có đất sản xuất.

Quyết định số 143/QĐ-UB về việc “thành lập Ban quản lý thầu hồ nuôi trồng thủy sản”, đồng thời thông báo tới người dân dừng khai thác đầm, hồ nuôi trồng thủy sản trái phép. Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

- Giai đoạn 1993 - 2003: ‘quên’ triển khai thực hiện Nghị định số 64-CP:

Sau khi Luật Đất đai năm 1993 có hiệu lực thi hành, Chính phủ ban hành Nghị định số 64-CP “về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp” (ngày 27/09/1993). Để triển khai Nghị định số 64-CP, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã ban hành Quyết định số 03/QĐ-UB-UB (ngày 04/01/1994).

Thế nhưng, thay vì: “hộ gia đình và cá nhân được Nhà nước giao đất nông nghiệp để sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp. Toàn bộ đất nông nghiệp đang được sử dụng thì giao hết cho hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp…” (Điều 1); “… 3- Đất giao cho hộ gia đình, cá nhân theo Quy định này là giao chính thức và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ổn định lâu dài” (Điều 3), thì: “Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải chỉ tiến hành giao đất làm muối cho các hộ gia đình, cá nhân các xã khu vực Cát Hải… không giao đất nuôi trồng thủy sản (một loại đất nông nghiệp)”.

Đây sai phạm cơ bản, có thể huyện Cát Hải là địa phương duy nhất Việt Nam không giao đất nông nghiệp (với quy mô lớn) đúng tinh thần của Nghị định số 64-CP.

Quyết định số 03/QĐ-UB-UB (ngày 04/01/1994) về việc “ban hành bản quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp”. Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

- Giai đoạn 2003 - 2013: đánh tráo khái niệm “thuê đất” thành “thuê nước”:

Sau khi Luật đất đai năm 2003 có hiệu lực, đáng lẽ áp dụng quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 71 của Luật: “… những địa phương chưa giao đất cho hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật về đất đai thì Uỷ ban nhân dân xã… nơi có đất lập phương án giao đất và đề nghị Uỷ ban nhân dân huyện… quyết định giao đất”, thì Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải tiếp tục ‘lờ’ đi quy định này.

Có thể sau khi rà soát lại các “hợp đồng thuê khoán” (nuôi trồng thủy sản), Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải đã thấy rằng: không có căn cứ để tiếp tục cho thuê các thửa đất “nuôi trồng thủy sản” (nếu áp dụng đúng luật). Thay vì bị ‘hủy bỏ’, thì các “hợp đồng thuê đất” được ‘sửa’ thành “hợp đồng thuê cơ sở mặt nước nuôi trồng thủy sản”.

Ông Hoàng Trung Cường - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải - trong quá trình giải quyết các vụ án hành chính đã thừa nhận: “hợp đồng thuê cơ sở mặt nước nuôi trồng thủy sản” không phải là “hợp đồng thuê đất”. Kiểm sát viên Phạm Thị Hồng Thúy - Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng - trong vụ án hành chính “khiếu nại quyết định hành chính thu hồi đất” xác nhận: “có sai sót” trong các “hợp đồng thuê cơ sở mặt nước nuôi trồng thủy sản”.

- Giai đoạn sau 2013: nông dân ‘mất đất’ phải được bồi thường, hỗ trợ:

Đối chiếu với các quy định tại Khoản 2 Điều 77 Luật Đất đai năm 2013, những trường hợp không giao đất nuôi trồng thủy sản tuy không được Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải giao đất nông nghiệp - nuôi trồng thủy sản, nhưng căn cứ quá trình sử dụng đất: các hộ gia đình, cá nhân đã: (i) trực tiếp sản xuất nông nghiệp - nuôi trồng thủy sản, (ii) sử dụng đất trước ngày 01/07/2004 - các hộ gia đình, cá nhân trực tiếp nuôi trồng thủy sản đạt đủ các điều kiện được bồi thường về đất. Ngoài ra, hộ gia đình, cá nhân này để được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm - quy định tại Khoản 1 Điều 83 Luật Đất đai năm 2013.

Lưu ý, nếu xem xét tổng thể các quy định Luật đất đai: năm 1987, năm 1993, năm 2003, năm 2013 thì thấy rõ: ‘Người cày Có ruộng’ - là tinh thần, chủ trương xuyên suốt các thời kỳ, được thể chế thành các quy định của Luật Đất đai. Thế nhưng qua nhiều thời kỳ, chính quyền Cát Hải đều không thực hiện đúng.

Người dân ở Cát Hải không có việc làm sau khi bị thu hồi đất (VTV). Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

- Triển khai Dự án DEEP C III: Thiếu minh bạch:

Dự án Deep C HP III nằm trong phạm vi Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải - hiện chỉ có Quyết định 1438/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 03/10/2012 về việc “phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, thành phố Hải Phòng đến năm 2025”  - áp dụng theo Luật đất đai năm 2003, Luật Đầu tư năm 2005. Quy định của pháp luật đầu tư, thủ tục “phê duyệt quy hoạch” khác với thủ tục “chấp thuận, quyết định đầu tư”.

Luật Đất đai năm 2013 quy định: thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 62) thực hiện đối với các dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư, hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận đầu tư. Dự án Deep C HP III thực tế chưa thực hiện các quy trình này.

Các luật sư cho rằng, thu hồi đất cho Dự án DEEP C III theo Điều 62 Luật Đất đai năm 2013 là chưa chính xác. Đúng ra, chủ đầu tư cần thấy trách nhiệm thỏa thuận, đền bù (hỗ trợ) phù hợp với hộ gia đình, cá nhân bị mất đất nông nghiệp. Chúng tôi lưu ý rằng, trong trường hợp có đàm phán, thỏa thuận, những người nông dân khiếu kiện chưa bao giờ yêu cầu Nhà nước hay Chủ đầu tư chi trả bồi thường, hỗ trợ nhiều hơn mức định khung của Nhà nước.

Điều người khiếu kiện bức xúc, trong quá trình triển khai và thực hiện thu hồi đất, họ đã nhiều lần đề nghị Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải, các cơ quan chức năng công khai thông tin liên quan đến Dự án Deep C HP III, tổ chức đối thoại và trả lời bằng văn bản về Dự án nhưng không được đáp ứng thỏa đáng. Thông báo thu hồi đất từ cơ quan có thẩm quyền đều mập mờ, không rõ ràng.

Ông Trần Đức Vệ - một trong số các hộ dân bị thu hồi đất liên quan đến Dự án Deep C  HP III. Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

- Đất nuôi trồng thủy sản bị thu hồi - bản chất là đất “khai hoang”:

Lý giải vì sao: huyện Cát Hải “không giao đất nuôi trồng thủy sản” cho nông dân, đại diện của Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải nhiều lần khẳng định: đây là đất sử dụng cho mục đích công cộng (hồ điều hòa, dự trữ nước, tiêu thoát nước…). Thế nhưng, cơ quan này không thể giải thích rõ ràng: vì sao trong các văn bản của Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải, đặc biệt là Quyết định số 143/QĐ-UB (năm 1990) “thành lập Ban quản lý thầu hồ nuôi trồng thủy sản” và các “hợp đồng thuê khoán” (nuôi trồng thủy sản), đều thể hiện: các đầm, hồ dùng để nuôi trồng thủy sản và mục đích sử dụng đất không thay đổi suốt gần 30 năm.

Một số thửa đất, đã được Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải vận dụng: “quỹ đất nông nghiệp 5%” để cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân - nhưng cũng cần thấy rằng, lập luận này có ‘lỗ hổng’: quỹ  đất nông nghiệp 5% dành cho nhu cầu công ích của xã chỉ hình thành sau khi đã hoàn thành giao đất nông nghiệp (95%) cho hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp.

Theo quan điểm của các Luật sư Công ty Luật TNHH Everest: đất nuôi trồng thủy sản - bị thu hồi cho Dự án DEEP C HP III - phải xác định là đất “khai hoang”. Hoạt động “khai hoang” đất (Từ điển tiếng Việt - Nhà xuất bản Hồng Đức: (i) “khai” - “mở cho lối thoát, bằng cách gạt bỏ những vật chắn, vật cản trở”; “Mở ra, làm cho bắt đầu tồn tại và hoạt động”; (ii) “khai hoang” - “khai phá vùng đất hoang”). Thực tế, tại huyện Cát Hải, một số trường hợp đã ‘vận dụng’ quy định “đất khai hoang” để cấp Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất. Ví dụ: tại “Đầm Công an”, nhưng một phần diện tích lại xác định là “khai hoang” (diện tích do ông Bùi Đức Chỉnh), một phần diện tích khác lại xác định là “hồ dự trữ nước và tiêu thoát nước” - trái với thực tế khách quan.

 Những 'nông dân không đất'  tại huyện Cát Hải phản ánh với Đài truyền hình Việt Nam (VTV). Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

- Bồi thường, hỗ trợ sai vì xác định sai đối tượng sử dụng đất:

Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải, căn cứ vào các “hợp đồng thuê cơ sở mặt nước nuôi trồng thủy sản” Ủy ban nhân dân xã đã ký với một số hộ gia đình, cá nhân cho rằng, đây thuộc trường hợp “đất được Nhà nước cho thuê trả tiền thuê đất hàng năm”  và hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất là đã “tự ý thuê lại” để không công nhận tư cách người sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp - nuôi trồng thủy sản. Ví dụ: thu hồi đất Đầm Trưng Phát, ông Nguyễn Văn Nhuần, bà Ninh Thị Khanh, chỉ xác định là “đối tượng thuê lại đầm của ông Nguyễn Đức Khoát” (chỉ có quyền lợi liên quan - không phải là người sử dụng đất).

Thế nhưng, có một sự thật không thể phủ nhận: Các hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp - nuôi trồng thủy sản - từ những trước năm 1993, ranh giới thửa đất ổn định, không có tranh chấp trong suốt 30 năm qua.

Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính: Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải từng ‘ngụy biện’ rằng, người dân tự ý ‘mua đi, bán lại’ đầm, không thông báo với chính quyền. Và sự việc này Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải chỉ biết (“phát hiện”) việc: người dân nuôi trồng thủy sản khi thực hiện kiểm đếm thu hồi đất. Thế nhưng, cần nhớ rằng, Cát Hải là huyện đảo, giao thông thuận lợi khi Cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện hoàn thành vào năm 2017. Việt Nam cũng là một trong số rất ít nước quản lý bằng hộ khẩu. Và: hộ khẩu đã ghi rõ nghề nghiệp của người bị thu hồi đất là ‘nghề nông’, thế thì người dân làm ‘nghề nông’ như thế nào nếu không có đất nông nghiệp [?]. Việc Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải không có số liệu cụ thể về người sử dụng đất chỉ chứng tỏ: quản lý nhà nước đã bị buông lỏng.

Các Luật sư của Công ty Luật TNHH Everest làm việc với các hộ dân bị thu hồi đất tại Cát Hải. Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

- Áp dụng “hạn mức bình quân” - không có căn cứ pháp luật:

Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải (Phòng Tài nguyên và Môi trường) xác nhận: trong suốt thời gian các năm 1993-2008, huyện Cát Hải không có quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, không xác định hạn mức đất nông nghiệp giao cho hộ gia đình.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp đất nông nghiệp nuôi trồng thủy sản - đã được cấp Giấy chứng nhận - sau đó bị thu hồi đất, Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải đề xuất “áp dụng hạn mức bình quân” của từng xã, cách tính: lấy diện tích đất nông nghiệp của từng xã chia cho số nhân khẩu lao động nông nghiệp năm 1995. Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đồng ý cách áp dụng hạn mức bình quân này (bằng công văn).

Cụ thể: hộ gia đình anh Lê Đức Trọng (xã Nghĩa Lộ, huyện Cát Hải) bị thu hồi gần 1,2 hecta đầm nuôi trồng thủy sản. Xã Nghĩa Lộ xác định “hạn mức bình quân” để tính bồi thường là 1.706 m2/nhân khẩu. Hộ gia đình anh Lê Đức Trọng có hai nhân khẩu, chỉ được 3.412 m2 nằm trong hạn mức - được bồi thường 100% (với giá 48.000 đồng/m2). Diện tích còn lại chỉ được hỗ trợ bằng 20% (giá 9.600 đồng/m2).

Đối chiếu với quy định của về bồi thường, hỗ trợ: khi Nhà nước thu hồi đất, diện tích được hỗ trợ không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp tại địa phương (Điều 129 Luật Đất đai 2013). Cụ thể, hạn mức giao đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối không quá 02 hecta. Như vậy, việc áp dụng “hạn mức bình quân” mà huyện Cát Hải áp dụng sai với quy định của pháp luật.

Các hộ dân Cát Hải kiến nghị Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải tạm dừng việc cưỡng chế thu hồi đất tại buổi đối thoại. Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

- Tổ chức họp báo: 'Quan' - chấp nhận, 'Dân' - từ chối:

Liên quan tới việc người bị thu hồi đất khiếu kiện các quyết định thu hồi đất của Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải, 03 nông dân: ông Nguyễn Đức Khoát, ông Nguyễn Văn Nhuần, bà Ninh Thị Khanh đã đăng ký tổ chức Họp báo (lần thứ nhất vào ngày 27/03/2019, lần thứ hai vào ngày 11/04/2019) công bố thông tin liên quan vụ việc: 'Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải thu hồi đất nuôi trồng thủy sản của họ cho Dự án Deep C HP III', nhưng đền bù với giá rẻ mạt: 'mỗi mét vuông đất đổi ngang mớ rau muống'. Cả hai lần, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hải Phòng đều từ chối.

Điều mà công luận băn khoăn, trong khi từ chối công dân tổ chức họp báo, thì ngày 24/04/2019, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hải Phòng cấp phép cho Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải tổ chức họp báo. Tại cuộc họp báo, Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải khẳng định, quá trình thực hiện thủ tục thu hồi đất thực hiện giải phóng mặt bằng của Dự án Deep C HP III là đúng pháp luật. Khi đại diện của 03 nông dân: ông Nguyễn Đức Khoát, ông Nguyễn Văn Nhuần, bà Ninh Thị Khanh đề nghị phản biện, thì Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải, không đồng ý, thông báo ‘kết thúc họp báo’.

Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hải Phòng không đồng ý cho các hộ dân tổ chức họp báo. Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

- Quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm: Những bản án bỏ túi:

Trong tháng 11/2019, Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng đã xét xử 09 vụ án hành chính, các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất khiếu kiện các quyết định thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất.

Những chứng cứ và căn cứ của người khởi kiện thể hiện nội dung và yêu cầu khởi kiện đã không được Tòa án xem xét đầy đủ, không được ghi nhận trong bản án. Đặc biệt, toàn bộ phần luận cứ của các Luật sư Phạm Ngọc Minh, Nguyễn Duy Hội, Nguyễn Thị Yến - Công ty Luật TNHH Everest - trình bày, chỉ được ghi ngắn gọn trong Bản án: “người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện thống nhất với lời trình bày của người khởi kiện… (hết)”.

Các Luật sư Công ty Luật TNHH Everest bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các hộ dân trong phiên Toà sơ thẩm. Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

Tòa án bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện chỉ thể hiện: quyết định của bản án không căn cứ trên kết quả tranh tụng. Người bị thu hồi đất đương nhiên không chấp nhận những bản án bỏ túi này, họ tuyên bố: có đủ căn cứ pháp lý để kháng cáo. Việc khiếu kiện tiếp tục kéo dài, làm hao tốn nguồn lực của nhà nước, doanh nghiệp, người bị thu hồi đất, cho thấy sự lệ thuộc của cơ quan tư pháp vào cơ quan hành pháp, suy giảm niềm tin của công dân vào công lý.

- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

Luật sư Phạm Ngọc Minh

Luật sư Phạm Ngọc Minh

https://everest.org.vn/luat-su-pham-ngoc-minh/ Luật sư Phạm Ngọc Minh - CEO Công ty Luật TNHH Everest. Luật sư Minh có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật.

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
1.07808 sec| 1105.391 kb