Điều kiện nhận nuôi con nuôi giữa cha dượng, mẹ kế với con riêng của một bên vợ, chồng

Bởi Nguyễn Văn Hoàng - 21/10/2020
view 702
comment-forum-solid 0

Vấn đề nuôi con nuôi giữa cha dượng với con riêng của vợ và giữa mẹ kế với con riêng của chồng là một vấn đề mới được ghi nhận tại điểm a khoản 1 Điều 5 của luật nuôi con nuôi. Có thể nói đây là một quy định hết sức tiến bộ vì nó thừa nhận một quan điểm mới và đảm bảo cho trẻ có một cuộc sống tốt hơn trong gia đình gốc của mình

Bài tư vấn pháp luật dân sự được thực hiện bởi: Luật gia Nguyễn Văn Hoàng – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Điều kiện đối với người được nhận nuôi  con riêng của một bên vợ, chồng

Theo Điều 8 Luật Nuôi con nuôi quy định chung về người được nhận làm con nuôi trong các trường hợp như sau:

  • Trẻ em dưới 16 tuổi
  • Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi;

b) Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.

Một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng. Nhà nước khuyến khích việc nhận trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác làm con nuôi.

Về độ tuổi của người được nhận làm con nuôi

Người được nhận làm con nuôi trong Luật Nuôi con nuôi 2010 là trẻ em dưới 16 tuổi. Trẻ em dưới 16 tuổi là người chưa có năng lực hành vi đầy đủ, họ chưa nhận thức được đầy đủ hành vi của mình, việc thiết lập quan hệ nuôi con nuôi sẽ được đảm bảo cho người con nuôi có được sự giám hộ của cha mẹ nuôi. Mục đích việc nuôi con nuôi là để gắn kết giữa những người nhận nuôi và người con nuôi, trẻ em được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trong môi trường gia đình, Luật quy định người nhận làm con nuôi là dưới 16 tuổi nhằm phù hợp với độ tuổi của trẻ em được quy định trong Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004. 

Hệ quả pháp lý của trường hợp nuôi con nuôi

Việc cha dượng hoặc mẹ kế nhận con nuôi là con riêng của một bên vợ, chồng lại là một trường hợp ngoại lệ về độ tuổi được quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật Nuôi con nuôi. Quy định này nhằm đảm bảo cho họ được chăm sóc, giáo dục trong một môi trường gia đình, đảm bảo tính nhân đạo của việc nuôi con nuôi. Nó tạo điều kiện cho trẻ được sống trong gia đình có mối quan hệ huyết thống, đây là môi trường sống mà trẻ đã quen thuộc nên việc hòa nhập với gia đình mới sẽ dễ dàng hơn.

Mặt khác, trong mối quan hệ giữa bố dượng, mẹ kế với con riêng thì quyền và nghĩa vụ giữa họ là rất hạn chế. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định bố dượng, mẹ kế và con riêng chỉ có một số quyền nhất định (Điều 79 Luật Hôn nhân và gia đình 2014), bao gồm:

  • “Bố dượng, mẹ kế có quyền và nghĩa vụ và quyền trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con riêng cùng sống chung với mình (theo quy định tại các điều 69, 71, 72 Luật Hôn nhân và gia đình 2014)”;
  • “con riêng có quyền và nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng bố dượng, mẹ kế cùng sống chung với mình (theo quy định tại các điều 70, 71, Luật Hôn nhân và gia đình 2014)”; bố dượng, mẹ kế và con riêng của vợ hoặc của chồng không được ngược đãi, hành hạ, xúc phạm nhau.

Do đó, nếu có những ưu tiên trong việc để cho bố dượng hoặc mẹ kế nhận con riêng của vợ hoặc chồng mình làm con nuôi thì giữa họ sẽ thiết lập quan hệ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi, giữa họ sẽ phát sinh và tồn tại tất cả các quyền và nghĩa vụ như cha mẹ đẻ và con đẻ. Điều này đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của cả hai bên chủ thể mà đặc biệt là quyền của người được nhận nuôi.

Chỉ được làm con của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng

Theo Khoản 3 Điều 8 Luật Nuôi con nuôi: “Một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng”. Quy định này chỉ cho phép một người độc thân hoặc cả hai người là vợ chồng nhận con nuôi. Vì vậy, người đang có vợ hoặc có chồng tự đứng ra nhận con nuôi riêng thì sẽ không được chấp nhận, việc nhận con nuôi cần có sự thống nhất của cả hai vợ chồng. Đây cũng là điều luật nhằm đảm bảo cho trẻ được cho làm con nuôi có một môi trường gia đình trọn vẹn.

Mặt khác, nếu được nhận nuôi, trẻ sẽ có sự chăm sóc, dạy dỗ đồng thời của cả bố và mẹ, qua đó nhân cách của trẻ cũng được hoàn thiện hơn. Quy định này cũng được hiểu một cặp vợ chồng chứ không phải là hai người chung sống với nhau như vợ chồng hoặc của một bên vợ, chồng.

Luật sư tư vấn pháp luật Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 19006198

Điều kiện đối với cha dượng, mẹ kế nhận con riêng của một bên vợ, chồng làm con nuôi

Điều kiện chung đối với người nhận con nuôi trong các trường hợp được quy định tại Điều 14 Luật Nuôi con nuôi 2010:

  • Người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên; Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi; Có tư cách đạo đức tốt.

  • Những người sau đây không được nhận con nuôi:

(i) Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên;

(ii) Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;

(iii) Đang chấp hành hình phạt tù;

(iv) Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thanh niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.

Trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì không áp dụng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này.

Về quy định không phải đáp ứng điều kiện sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi là để tạo điều kiện cho trẻ được sống cùng cha đẻ hoặc mẹ đẻ, đảm bảo được quyền lợi cho trẻ cũng như sự thích nghi môi trường mới thuận lợi hơn. Điều đó phù hợp với phong tục tập quán, truyền thống đạo đức của dân tộc, vừa phù hợp với các văn bản pháp lý quốc tế về nuôi con nuôi.

Phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

Theo Điều 19 Bộ luật dân sự 2015: “Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự”. Do đó, người nhận nuôi con nuôi phải đáp ứng đủ hai điều kiện: từ đủ 18 tuổi trở lên; không phải là người bị mất năng lực hành vi dân sự (bị mắc các bệnh không thể nhận thức, không làm chủ được hành vi của mình, bị tòa án tuyên mất năng lực hành vi dân sự) và không phải là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Quy định này đảm bảo sự thể hiện ý chí tự nguyện của người nhận nuôi con nuôi cũng như khả năng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con nuôi của cha mẹ nuôi. Nếu người nhận nuôi con nuôi không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, mất, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì không nhận thức được trách nhiệm làm cha, mẹ của họ.

Người nhận nuôi phải có tư cách đạo đức tốt

Tư cách đạo đức của cha mẹ nuôi ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Nhiều người nhận nuôi con nuôi đã không thực hiện trách nhiệm làm cha làm mẹ, phân biệt giữa con nuôi - con đẻ dẫn tới hành vi ngược đãi con nuôi hoặc tạo không khí nặng nề trong gia đình có trường hợp hoàn cảnh kinh tế khó khăn không đảm bảo được việc chăm sóc con cái.

Mặt khác, Luật Nuôi con nuôi 2010 cũng quy định rõ việc cấm ông bà nhận cháu làm con nuôi, cấm anh chị em ruột nhận nhau làm con nuôi tránh sự đảo lộn thứ bậc trong gia đình, ảnh hưởng tới thuần phong mỹ tục, đạo đức truyền thống của dân tộc.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
0.59670 sec| 1031.953 kb