Doanh nghiệp sử dụng lao động chưa thành niên cần 'đúng việc, đúng luật'

view 1047
comment-forum-solid 0

Doanh nghiệp sử dụng lao động chưa thành niên cần lưu ý: Không phải tất cả công việc đều được sử dụng lao động chưa đủ 18 tuổi. Việc phân công công việc, bố trí giờ, nơi làm việc cho đối tượng người lao động này phải đảm bảo không gây tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa thành niên n và tuân thủ các theo quy định của pháp luật.

Bài tư vấn được thực hiện bởi: Luật sư Nguyễn Thị Yến - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Lao động chưa thành niên là ai?

Khoản 1 Điều 143 Bộ luật lao động năm 2019 quy định: "Lao động chưa thành niên là người lao động chưa đủ 18 tuổi". Theo điều luật này, luật chỉ quy định độ tuổi tối đa đối với lao động chưa thành niên mà không quy định về độ tuổi tối thiểu của người lao động này. Như vậy, có thể hiểu người chưa đủ 18 tuổi đều có thể trở thành người lao động, có thể làm việc cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động. Tuy nhiên, việc sử dụng lao động chưa thành niên cần tuân thủ đúng quy định về công việc, nơi làm việc, giờ làm việc nhất định.

So sánh với người lao động khác, người lao động chưa thành niên có một số đặc điểm cơ bản như: chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tinh thần; người lao động chưa thành niên được pháp luật bảo vệ ở mức độ cao hơn so với người lao động thành niên; người lao động chưa thành niên bị hạn chế một phần năng lực hành vi khi giao kết hợp đồng lao động trong những trường hợp nhất định. 

Pháp luật có quy định đặc thù đối với người lao động chưa thành niên nhằm tạo ra một hành lang pháp lý để bảo vệ họ trong điều kiện, môi trường lao động an toàn, đảm bảo sự phát triển thể lực, trí lực, được hưởng thành quả lao động, hạn chế được những tác động tiêu cực trong quá trình hội nhập quốc tế tới quá trình phát triển kinh tế.

Nguyên tắc sử dụng lao động chưa thành niên

Thứ nhất, doanh nghiệp sử dụng lao động chưa thành niên thì chỉ được phân công công việc phù hợp với sức khỏe để bảo đảm sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của lao động này. 

Thứ hai, doanh nghiệp có trách nhiệm quan tâm chăm sóc người lao động về các mặt lao động, sức khỏe, học tập trong quá trình lao động.

Thứ ba, khi sử dụng lao động chưa thành niên, doanh nghiệp phải có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ; lập sổ theo dõi riêng, ghi đầy đủ họ tên, ngày tháng năm sinh, công việc đang làm, kết quả những lần kiểm tra sức khỏe định kỳ và xuất trình khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

Thứ tư, doanh nghiệp phải tạo cơ hội để lao động chưa thành niên được học văn hóa, giáo dục nghề nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

Công việc được sử dụng lao động chưa đủ 13 tuổi

Doanh nghiệp được sử dụng lao động chưa đủ 13 tuổi vào các công việc nghệ thuật, thể dục, thể thao đồng thời không làm tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách lao động này. Ngoài ra, việc sử dụng đối tượng lao động này phải có sự đồng ý của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Công việc được sử dụng người lao động từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi

Đối với lao động ở độ tuổi này, doanh nghiệp chỉ được sử dụng vào các công việc có tính chất đơn giản: Biểu diễn nghệ thuật; Vận động viên thể thao; Lập trình phần mềm; Các nghề truyền thống; Các nghề thủ công mỹ nghệ; Đan lát, làm các đồ gia dụng, đồ thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu tự nhiên; Gói nem, gói kẹo, gói bánh (trừ việc vận hành hoặc sử dụng các máy, thiết bị, dụng cụ đóng gói); Nuôi tằm; Làm cỏ vườn rau sạch; thu hoạch rau, củ, quả sạch theo mùa; Chăn thả gia súc tại nông trại; Phụ gỡ lưới cá, đan lưới cá, phơi khô thủy sản; Cắt chỉ, đơm nút, thùa khuyết, đóng gói vào hộp các sản phẩm dệt thủ công.

Nghiêm cấm sử dụng người lao động từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi làm việc ở các nơi sau đây: a) Dưới nước, dưới lòng đất, trong hang động, trong đường hầm; b) Công trường xây dựng; c) Cơ sở giết mổ gia súc; d) Sòng bạc, quán bar, vũ trường, phòng hát karaoke, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở tắm hơi, cơ sở xoa bóp; điểm kinh doanh xổ số, dịch vụ trò chơi điện tử.

Lưu ý khi sử dụng lao động chưa đủ 15 tuổi

Một, doanh nghiệp phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó. Doanh nghiệp cần đảm bảo: Có phiếu lý lịch tư pháp được cấp không quá 06 tháng kể từ ngày cấp đến ngày giao kết hợp đồng lao động, trong đó không có án tích về hành vi xâm hại trẻ em; Có cam kết chưa từng bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xâm hại trẻ em. Hợp đồng được thể hiện rõ thông tin nhân thân của người lao động chưa đủ 15 tuổi, chỗ ở đối với người chưa đủ 15 tuổi làm việc xa gia đình và cam kết bảo đảm điều kiện học tập cho đối tượng này.

Hai, về thời gian làm việc: không được quá 04 giờ trong 01 ngày và 20 giờ trong 01 tuần; không được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm. Ngoài ra, doanh nghiệp cần bố trí cho người lao động chưa đủ 15 tuổi các đợt nghỉ giải lao và ghi vào nội quy lao động.

Ba, doanh nghiệp cần tuân thủ quy định về khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp và bảo đảm điều kiện làm việc, an toàn, vệ sinh lao động. Cần phải có giấy khám sức khỏe của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền xác nhận sức khỏe của người chưa đủ 15 tuổi phù hợp với công việc và tổ chức kim tra sức khỏe định kỳ ít nhất một lần trong 06 tháng và bảo đảm điều kiện làm việc, an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với lứa tuổi.

Công việc sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi

Về cơ bản, doanh nghiệp được sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi vào nhiều công việc khác nhau, trừ một số công việc sau: a) Mang, vác, nâng các vật nặng vượt quá thể trạng của người chưa thành niên; b) Sản xuất, kinh doanh cồn, rượu, bia, thuốc lá, chất tác động đến tinh thần hoặc chất gây nghiện khác; c) Sản xuất, sử dụng hoặc vận chuyển hóa chất, khí gas, chất nổ; d) Bảo trì, bảo dưỡng thiết bị, máy móc; đ) Phá dỡ các công trình xây dựng; e) Nấu, thổi, đúc, cán, dập, hàn kim loại; g) Lặn biển, đánh bắt thủy, hải sản xa bờ; h) Công việc khác gây tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa thành niên.

Về nơi làm việc: Cấm sử dụng người lao động thuộc độ tuổi này tại các nơi làm việc như: Dưới nước, dưới lòng đất, trong hang động, trong đường hầm; Công trường xây dựng; Cơ sở giết mổ gia súc; Sòng bạc, quán bar, vũ trường, phòng hát karaoke, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở tắm hơi, cơ sở xoa bóp; điểm kinh doanh xổ số, dịch vụ trò chơi điện tử; Nơi làm việc khác gây tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa thành niên.

Lương của lao động chưa thành niên như thế nào?

Pháp luật hiện hành quy định về lương dựa trên lương tối thiểu. Đây là mức lương thấp nhất theo quy định mà người sử dụng lao động có nghĩa vụ trả cho người lao động. Đối với lao động chưa thành niên quy định này càng có ý nghĩa quan trọng, khi họ chưa phát triển đầy đủ về mặt trí tuệ để có thể thoả thuận với người sử dụng lao động mức lương tương xứng với công sức lao động. Người lao động chưa thành niên do có đặc điểm riêng là chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tinh thần, thời gian làm việc của họ có thể được rút ngắn, doanh nghiệp có thể áp dụng cách tính lương tối thiểu theo giờ đối với người lao động chưa thành niên.

Doanh nghiệp vi phạm các quy định về lao động chưa thành niên bị xử phạt hành chính

Doanh nghiệp có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng nếu: không lập sổ theo dõi riêng hoặc có lập sổ theo dõi riêng nhưng không ghi đầy đủ nội dung theo quy định khi sử dụng lao động chưa thành niên hoặc không xuất trình sổ theo dõi khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

Doanh nghiệp có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu: không ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người đại diện theo pháp luật của người đó hoặc không được sự đồng ý của người đó; vi phạm quy định về giờ làm việc, giờ làm thêm.

Doanh nghiệp có thể bị phạt tiền từ từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng nếu: sử dụng lao động chưa thành niên làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc chỗ làm việc, công việc, ảnh hưởng xấu đến nhân cách của họ; vi phạm điều cấm về công việc và nơi làm việc đối với lao động chưa thành niên.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật lao động được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

Luật sư Nguyễn Thị Yến

Luật sư Nguyễn Thị Yến

https://everest.org.vn/luat-su-nguyen-thi-yen/ Luật sư Nguyễn Thị Yến - Phó giám đốc Công ty Luật TNHH Everest. Luật sư Yến có hơn 5 năm trong lĩnh vực hôn nhân gia đình, đất đai, hình sự

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
1.70842 sec| 1063.258 kb