1. Nếu tôi thu mua măng khô rồi bán ra thị trường thì sản phẩm này có phải đăng ký chất lượng hay không? Cơ quan nào quản lý vấn đề này? Thủ tục xin giấy phép ra sao? 2. Trong trường hợp tôi thu mua măng tươi rồi sơ chế thành măng khô thì có giống trường hợp 1 hay không? 3. Tôi muốn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho măng khô thì phải làm sao? Văn bản hướng dẫn cụ thể? 4. Hộ gia đình có được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hay không? Văn bản hướng dẫn cụ thể?

Kính mong luật sư tư vấn giúp!

Trả lời tư vấn:

1. Về thủ tục đăng ký kinh doanh và điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm:

Luật sư tư vấn pháp luật – Tổng đài tư vấn (24/7): 1900.6198

Thủ tục đăng ký kinh doanh hộ gia đình:

Theo điều 66 Nghị định 78/2015 về đăng kí doanh nghiệp:

"1. Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.

2. Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương.

3. Hộ kinh doanh có sử dụng từ mười lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định."

Khi hộ gia đình bạn đủ các điều kiện theo quy định trên thì có thể đăng ký kinh doanh theo hình thức hộ gia đình.

Để đăng ký kinh doanh mặt hàng măng khô, bạn nộp 1 bộ hồ sơ đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện theo thủ tục như sau:

Điều 71 Nghị định 78/2015/NĐ-CP. Hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký hộ kinh doanh

"1. Cá nhân, nhóm cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình gửi Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh. Nội dung Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh gồm: a) Tên hộ kinh doanh, địa chỉ địa điểm kinh doanh; số điện thoại, số fax, thư điện tử (nếu có); b) Ngành, nghề kinh doanh; c) Số vốn kinh doanh; d) Số lao động; đ) Họ, tên, chữ ký, địa chỉ nơi cư trú, số và ngày cấp Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân thành lập hộ kinh doanh đối với hộ kinh doanh do nhóm cá nhân thành lập, của cá nhân đối với hộ kinh doanh do cá nhân thành lập hoặc đại diện hộ gia đình đối với trường hợp hộ kinh doanh do hộ gia đình thành lập.

Kèm theo Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh phải có bản sao hợp lệ Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình và bản sao hợp lệ biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh đối với trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập.

2. Khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, nếu có đủ các điều kiện sau đây: a) Ngành, nghề kinh doanh không thuộc danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh; b) Tên hộ kinh doanh dự định đăng ký phù hợp quy định tại Điều 73 Nghị định này; c) Nộp đủ lệ phí đăng ký theo quy định.

Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện phải thông báo rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cho người thành lập hộ kinh doanh.

3. Nếu sau 03 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh mà không nhận được Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh thi người đăng ký hộ kinh doanh có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

4. Định kỳ vào tuần làm việc đầu tiên hàng tháng, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện gửi danh sách hộ kinh doanh đã đăng ký tháng trước cho cơ quan thuế cùng cấp, Phòng Đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý chuyên ngành cấp tỉnh."

Khi bạn thu mua măng tươi rồi sơ chế thành măng khô thì có nghĩa là bạn sản xuất măng khô từ măng tươi. Bạn có thể đăng ký kinh doanh là sản xuất và kinh doanh măng khô.

2.2. Đăng ký Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm

Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định:

"Điều 10. Điều kiện chung về bảo đảm an toàn đối với thực phẩm

1. Đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, tuân thủ quy định về giới hạn vi sinh vật gây bệnh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc thú y, kim loại nặng, tác nhân gây ô nhiễm và các chất khác trong thực phẩm có thể gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người.

2. Tùy từng loại thực phẩm, ngoài các quy định tại khoản 1 Điều này, thực phẩm còn phải đáp ứng một hoặc một số quy định sau đây:

a) Quy định về sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; b) Quy định về bao gói và ghi nhãn thực phẩm; c) Quy định về bảo quản thực phẩm.

Điều 12. Điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm đã qua chế biến

1. Tuân thủ các điều kiện quy định tại Điều 10 của Luật này; 2. Nguyên liệu ban đầu tạo nên thực phẩm phải bảo đảm an toàn và giữ nguyên các thuộc tính vốn có của nó; các nguyên liệu tạo thành thực phẩm không được tương tác với nhau để tạo ra các sản phẩm gây hại đến sức khoẻ, tính mạng con người; 3. Thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn phải đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi lưu thông trên thị trường.

Chính phủ quy định cụ thể việc đăng ký bản công bố hợp quy và thời hạn của bản đăng ký công bố hợp quy đối với thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn."

Như vậy, theo quy định trên thì sản phẩm măng khô sẽ phải đăng ký bản công bố hợp quy trước khi lưu thông trên thị trường.

Căn cứ vào Quyết định 50/2006/QĐ-TTg về việc ban hành danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chất lượng thì có thể thấy sản phẩm "măng khô" chưa có quy chuẩn kĩ thuật. Do đó, trong trường hợp này bạn sẽ phải chuẩn bị một bộ hồ sơ công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm bao gồm các giấy tờ sau: Bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; Bản thông tin chi tiết và sản phẩm; Kết quả kiểm nghiệm sản phẩm trong vòng 12 tháng, gồm các chỉ tiêu chất lượng chủ yếu, chỉ tiêu an toàn do phòng kiểm nghiệm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ định hoặc phòng kiểm nghiệm độc lập được công nhận cấp (bản gốc hoặc bản sao có công chứng); Kế hoạch kiểm soát chất lượng được xây dựng và áp dụng theo mẫu được quy định tại Mẫu số 04 ban hành kèm theo Nghị định này (có xác nhận của tổ chức, cá nhân); Kế hoạch giám sát định kỳ (có xác nhận của tổ chức, cá nhân); Mẫu nhãn sản phẩm (có xác nhận của tổ chức, cá nhân); Giấy đăng ký kinh doanh có ngành nghề kinh doanh thực phẩm hoặc chứng nhận pháp nhân đối với tổ chức, cá nhân (bản sao có xác nhận của tổ chức, cá nhân); Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở thuộc đối tượng phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định (bản sao có xác nhận của tổ chức, cá nhân); Chứng chỉ phù hợp tiêu chuẩn HACCP hoặc ISO 22000 hoặc tương đương trong trường hợp tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm có hệ thống quản lý chất lượng được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn HACCP hoặc ISO 22000 hoặc tương đương (bản sao có công chứng hoặc bản sao có xuất trình bản chính để đối chiếu).

(Khoản 2 Điều 6 Nghị định 38/2012/NĐ-CP).

Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ và cấp Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm trong trường hợp của bạn là Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm. (Khoản 2 Điều 7 Thông tư 19/2012/TT-BYT)

2. Về vấn đề đăng ký nhãn hiệu đối với mặt hàng măng khô

Chủ thể được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu

Điều 2 Nghị định 103/2006/NĐ-CP quy định về đối tượng áp dụng như sau:

"1. Cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác của pháp luật dân sự (sau đây gọi chung là tổ chức, cá nhân).

Như vậy, hộ gia đình cũng có quyền được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.

Thủ tục đăng ký nhãn hiệu:

Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu

Để đăng ký nhãn hiệu đối với hàng hóa là măng khô thì bạn sẽ phải nộp đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tại Cục Sở hữu trí tuệ.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 100 và Khoản 1 Điều 108 Luật Sở hữu trí tuệ thì: 01 đơn đăng ký sở hữu công nghiệp đầy đủ sẽ bao gồm các giấy tờ sau: Tờ khai đăng ký theo mẫu quy định; Tài liệu, mẫu vật, thông tin thể hiện đối tượng sở hữu công nghiệp đăng ký bảo hộ quy định tại các điều từ Điều 102 đến Điều 106 của Luật này; Giấy uỷ quyền, nếu đơn nộp thông qua đại diện; Tài liệu chứng minh quyền đăng ký, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác; Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên; Chứng từ nộp phí, lệ phí.

Hoặc ít nhất, đơn đăng ký sở hữu công nghiệp sẽ phải gồm các tài liệu sau: Tờ khai đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, trong đó có đủ thông tin để xác định người nộp đơn và mẫu nhãn hiệu, danh mục sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu đối với đơn đăng ký nhãn hiệu; Bản mô tả, trong đó có phạm vi bảo hộ đối với đơn đăng ký sáng chế; bộ ảnh chụp, bản vẽ, bản mô tả đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp; bản mô tả tính chất đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đối với đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý; Chứng từ nộp lệ phí nộp đơn.

Đăng ký sử dụng mã số mã vạch

Theo hướng dẫn tại Điều 7 Quyết định 15/2006/QĐ-BKHCN, nếu công ty bạn muốn sử dụng mã số mã vạch thì sẽ phải đăng ký sử dụng mã số mã vạch tại các cơ quan được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chỉ định tiếp nhận hồ sơ đăng ký sử dụng mã số mã vạch.

Hồ sơ đăng ký sử dụng mã số mã vạch gồm: Bản đăng ký sử dụng mã số mã vạch; Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, thương mại hoặc bản sao Quyết định thành lập đối với các tổ chức khác; Bảng Đăng ký danh mục sản phẩm sử dụng mã GTIN (Mã số thương phẩm toàn cầu); Phiếu đăng ký thông tin cho cơ sở dữ liệu của GS1 Việt Nam (Mạng GEPIR)

Đăng ký kiểu dáng bao bì hàng hóa

Theo hướng dẫn tại Thông tư 01/2007/TT-BKHCN thì đơn đăng ký kiểu dáng bao bì hàng hóa sẽ gồm các giấy tờ sau: Tờ khai đăng ký; Tài liệu, mẫu vật, thông tin thể hiện đối tượng sở hữu công nghiệp được đăng ký (bộ ảnh chụp, bộ bản vẽ và bản mô tả kiểu dáng công nghiệp); Chứng từ nộp phí, lệ phí.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

Bài viết trong lĩnh vực pháp luật doanh nghiệp được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: info@everest.net.vn.