Nội quy lao động theo quy định pháp luật hiện hành

Bởi Trần Thu Thủy - 08/01/2020
view 486
comment-forum-solid 0
Quy định về nội quy lao động có ý nghĩa rất lớn trong việc quản lý lao động và xử lý kỷ luật lao động, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động khi tham gia quan hệ lao động. Vậy bản chất của nội quy lao động là gì? Pháp luật quy định cụ thể như thế nào về nội quy lao động?

Luật sư tư vấn pháp luật doanh nghiệp Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 19006198

Nội quy lao động là gì?

Theo quy định tại Điều 119 Bộ luật Lao động năm 2012, nội quy lao động được hiểu là văn bản do người sử dụng lao động ban hành, quy định về các quy tắc xử sự mà người lao động có trách nhiệm bắt buộc phải tuân thủ khi tham gia quan hệ lao động nhằm xác lập trật tự lao động, chuẩn mực chung trong một doanh nghiệp. Từ đó, có thể thấy nội quy lao động là văn bản không thể thiếu đối với một doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc xây dựng nội quy lao động không phải hoàn toàn dựa trên mong muốn của doanh nghiệp, mà đòi hỏi phải tuân theo các quy định pháp luật có liên quan.

Đối tượng nào phải ban hành nội quy lao động?

Theo Khoản 1 Điều 119 Bộ Luật lao động năm 2012, người sử dụng lao động sử dụng từ 10 người lao động trở lên phải có nội quy lao động bằng văn bản. Nếu không tuân thủ quy định nói trên, người sử dụng lao động có thể bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng (Theo Khoản 2 Điều 15 Nghị định 95/2013/NĐ-CP và Khoản 12 Điều 1 Nghị định 88/2015/NĐ-CP quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội)

Đồng thời theo hướng dẫn tại Điều 28 Nghị định 05/2015/NĐ - CP, Điều 10 Thông tư 47/2015/TT - BLĐTBXH, Người sử dụng lao động sử dụng dưới 10 người lao động không phải đăng ký nội quy lao động; trường hợp ban hành nội quy lao động bằng văn bản thì hiệu lực của nội quy lao động do người sử dụng lao động quyết định trong nội quy lao động; trường hợp không ban hành nội quy lao động bằng văn bản thì người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận nội dung kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất và ghi trong hợp đồng lao động để thực hiện.

Nguyên tắc ban hành nội quy lao động

Các nguyên tắc để ban hành nội quy lao động được thể hiện trong các quy định tại Điều 119 Bộ luật Lao động 2012 như sau: Nội quy lao động phải được lập thành văn bản; Nội dung của nội quy lao động phải không được trái với pháp luật về lao động và quy định khác của pháp luật có liên quan; Trước khi ban hành nội quy lao động, người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở, tức Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở; Khi ban hành nội quy lao động, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm thông báo nội quy lao động đến người lao động, bằng cách niêm yết các nội dung chính của nội quy lao động ở những nơi cần thiết tại nơi làm việc, để người lao động biết rõ được các nội dung của nội quy lao động và tự lựa chọn cách xử sự cho phù hợp.

Nội dung cơ bản của nội quy lao động:

Về cơ bản, một nội quy lao động phải có những nội dung sau: Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; Trật tự tại nơi làm việc;  An toàn lao động, vệ sinh lao động tại nơi làm việc;  Việc bảo vệ tài sản và bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động;  Các hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động và các hình thức xử lý kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất.

Để tránh trường hợp người sử dụng lao động lạm quyền, đặt ra các quy định quá khắt khe đối với người lao động, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và nhằm đảm bảo các nguyên tắc khi ban hành, pháp luật cũng quy định các nội dung nêu trên của nội quy lao động phải tuân theo các quy định tương ứng tại Bộ luật Lao động 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành như Nghị định 43/2015/NĐ-CP, Nghị định 05/2015/NĐ-CP.

Thủ tục ban hành và đăng ký nội quy lao động

Tham khảo ý kiến người lao động và thống báo nội quy đến người lao động

Theo quy định tại Điều 119 của Bộ Luât lao động năm 2012, trước khi ban hành nội quy lao động thì người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.

Người sử dụng lao động có trách nhiệm thông báo nội quy lao động đến người lao động, bằng cách niêm yết các nội dung chính của nội quy lao động ở những nơi cần thiết tại nơi làm việc, để người lao động biết rõ được các nội dung của nội quy lao động và tự lựa chọn cách xử sự cho phù hợp.

Đăng ký nội quy lao động

Người sử dụng lao động cũng có nghĩa vụ phải đăng ký nội quy lao động tại cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh. Cụ thể khoản 2 Điều 120 Bộ Luât lao động năm 2012, Điều 28 Nghị định 05/2015/NĐ - CP quy định:

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ban hành nội quy lao động, người sử dụng lao động phải nộp hồ sơ đăng ký nội quy lao động cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh nơi đăng ký kinh doanh.

Khi nhận được đầy đủ hồ sơ đăng ký nội quy lao động, cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh cấp giấy xác nhận đã nhận hồ sơ đăng ký nội quy lao động cho người sử dụng lao động.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký nội quy lao động, nếu nội quy lao động có quy định trái với pháp luật thì cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh có văn bản thông báo và hướng dẫn người sử dụng lao động sửa đổi, bổ sung và đăng ký lại nội quy lao động.

Khi nhận được văn bản thông báo nội quy lao động có quy định trái với pháp luật, người sử dụng lao động sửa đổi, bổ sung nội quy lao động, tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và thực hiện đăng ký lại nội quy lao động.

Thời điểm có hiệu lực của nội quy lao động

Nội quy lao động có hiệu lực sau thời hạn 15 ngày, kể từ ngày cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh nhận được hồ sơ đăng ký hoặc hồ sơ đăng ký lại nội quy lao động.

Người sử dụng lao động có chi nhánh, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh đặt ở nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm gửi nội quy lao động sau khi có hiệu lực đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh nơi đặt chi nhánh, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Hồ sơ đăng ký nội quy lao động

Hồ sơ đăng ký nội quy lao động bao gồm: Văn bản đề nghị đăng ký nội quy lao động; Các văn bản của người sử dụng lao động có quy định liên quan đến kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất; Biên bản góp ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở; Nội quy lao động.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật doanh nghiệp được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: info@everest.net.vn.

 

 

 

 

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
0.56961 sec| 1014.648 kb