Dự án “Chuyển dịch cơ cấu kinh tế - khu Ao Sen, thôn Thuận Quang” triển khai trên diện tích đất 7.200 m2 là dự án thu hồi đất ngay mặt đường Quốc lộ 5, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và giao đất cho hộ gia đình bà Nguyễn Thị Thìa được gần 20 năm (từ năm 2001).
Công dân đã đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng cho Dự án. Tháng 03/2020, toàn bộ khu đất 7.200 m2 bị Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm ‘giải phóng mặt bằng’ nhưng không có quyết định thu hồi đất, không bồi thường, hỗ trợ cho người bị thu hồi đất. Thậm chí, người bị thu hồi đất còn bị xử phạt vì hành vi ‘chiếm đất’.
Công ty Luật TNHH Everest, đơn vị cung cấp dịch vụ pháp lý cho hộ gia đình bà Nguyễn Thị Thìa đã chỉ ra: có dấu hiệu vi phạm về bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, mà người chịu trách nhiệm chính là Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm - Lê Anh Quân (nay là Bí thư huyện ủy huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội).
Bài tư vấn được thực hiện bởi: Luật sư Nguyễn Thị Yến - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198
Các tài liệu do hộ gia đình bà Nguyễn Thị Thìa cung cấp cho thấy:
Ngày 31/12/2001, Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm phê duyệt phương án “Chuyển dịch cơ cấu kinh tế - khu Ao Sen, thôn Thuận Quang, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm” nhằm phát triển kinh tế xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Ngày 02/01/2002, Ủy ban nhân dân xã Dương Xá và hộ gia đình ông Nguyễn Đắc Ích ký hợp đồng thuê đất số 03/2002 khu đồng Ao Sen thôn Thuận Quang, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, thời hạn thuê đất là 20 năm.
Do nguồn vốn đầu tư vào dự án là quá lớn, hộ gia đình ông Nguyễn Đắc Ích không đủ khả năng để đầu tư nên ngày 30/04/2002, hộ gia đình ông Nguyễn Đắc Ích (anh trai) chuyển nhượng Hợp đồng thuê đất khu Ao sen thôn Thuận Quang, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội cho bà Nguyễn Thị Thìa (em gái).
Ngày 15/09/2003, hộ gia đình bà Nguyễn Thị Thìa ký lại Hợp đồng thuê đất số 218/2003 thuê khu đồng Ao Sen, thôn Thuận Quang, xã Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội với Ủy ban nhân dân xã Dương Xá. Tại Điều 5 của Hợp đồng này có ghi rõ: “Thời hạn thuê đất là 20 năm (hai mươi năm) kể từ ngày phương án chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu Ao Sen thôn Thuận Quang, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội được Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm phê duyệt 30/12/2001”.
Ông Trần Thế Hoàng (chồng bà Nguyễn Thị Thìa) đã giải thích về “thời hạn thuê đất 20 năm” trong Hợp đồng thuê đất số 218/2003: Những năm 2000-2004, ông Trần Thế Hoàng và ông Nguyễn Đắc Ích đã nhiều lần làm việc với Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm và các cơ quan chuyên môn về triển khai Dự án “Chuyển dịch cơ cấu kinh tế - khu Ao Sen, thôn Thuận Quang”. Khi đó, khu đất thực hiện Dự án là vùng đất trũng, hôi thối, ô nhiễm, toàn rác và phế thải. Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm có chủ trương: khuyến khích công dân đầu tư tiền của, công sức cải tạo đất khu Ao Sen, nhưng thôn Thuận Quang không ai nhận. Khi đó, ông Trần Thế Hoàng đã báo cáo các cấp từ thôn, xã, huyện về việc xây dựng phương án triển khai Dự án “Chuyển dịch cơ cấu kinh tế - khu Ao Sen, thôn Thuận Quang”. Dự án được triển khai, chính quyền có thêm nguồn thu, khu dân cư không còn bị ô nhiễm, trở nên xanh sạch đẹp. Tuy nhiên do nguồn vốn đầu tư lớn, công dân kiến nghị thời hạn thực hiện Dự án tối thiểu phải là 20 năm, đảm bảo thu hồi vốn.
Ngày 02/12/2003, sau khi được sự đồng thuận của các cơ quan chức năng, hộ gia đình bà Nguyễn Thị Thìa gửi đơn tới Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm xin: “bổ sung phương án đầu tư dịch vụ ăn uống tại khu Ao Sen, thôn Thuận Quang …”.
Ngày 12/06/2004, hộ gia đình bà Nguyễn Thị Thìa tiếp tục tờ trình gửi Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm xin phê duyệt phương án bổ sung: “chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu Ao Sen thôn Thuận Quang…”.
Ngày 09/07/2004, Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm ban hành Quyết định số 492/QĐ-UB “Phê duyệt bổ sung phương án chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu Ao Sen, thôn Thuận Quang, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội”, nhưng thời hạn thực hiện Dự án chỉ được ghi nhận là: 10 năm.
Ngày 02/01/2013, hộ gia đình bà Nguyễn Thị Thìa và Ủy ban nhân dân xã Dương Xá ký lại hợp đồng thuê thầu đất công ích (thời hạn 05 năm): Hợp đồng số 01/HĐTT-UB ngày ký là 02/01/2013, ngày có hiệu lực là 01/01/2013. Bà Nguyễn Thị Thìa mang Hợp đồng số 01/HĐTT-UB về nhà xem kỹ lại, có một số điểm chưa thống nhất, chồng bà (ông Trần Thế Hoàng) có sửa và viết thêm vào Hợp đồng số 01/HĐTT-UB. Bà Nguyễn Thị Thìa mang lên ủy ban nhân dân xã Dương Xá báo cáo lại và nói rằng nhất trí với Hợp đồng số 01/HĐTT-UB, yêu cầu bổ sung thêm vào hợp đồng số 01 về trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên. Ủy ban nhân dân xã Dương Xá chấp nhận và ký lại với hộ gia đình bà Nguyễn Thị Thìa. Hợp đồng thuê thầu đất công ích số 02/HĐTT-UB, ngày có hiệu lực 03/08/2011. Đại diện cho Ủy ban nhân dân xã Dương Xá (ông Nguyễn Tiến Thoại) giải thích: thẩm quyền cho thuê đất của Ủy ban nhân dân xã Dương Xá tối đa 05 năm, đây chỉ là về hình thức. Quyền lợi của hộ gia đình bà Nguyễn Thị Thìa vẫn không có gì thay đổi, đề nghị hộ gia đình bà Nguyễn Thị Thìa hợp tác. Trên tinh thần thiện chí, bà Nguyễn Thị Thìa đã đồng ý ký lại hợp đồng thuê đất.
Ngày 19/08/2016, để đảm bảo thực hiện Dự án “Chuyển dịch cơ cấu kinh tế - khu Ao Sen, thôn Thuận Quang” và thu hồi vốn, hộ gia đình bà Nguyễn Thị Thìa đã gửi đơn đề nghị “cho thực hiện hết thời gian Hợp đồng Dự án chuyển đổi cơ cấu kinh tế cây trồng vật nuôi và dịch vụ tại cánh đồng trũng Ao Sen, thôn Thuận Quang”, theo đó đề nghị tiếp tục thực hiện nốt 06 năm của Dự án “Chuyển dịch cơ cấu kinh tế - khu Ao Sen, thôn Thuận Quang” - đến năm 2022.
Ngày 25/10/2017, hộ gia đình bà Nguyễn Thị Thìa tiếp tục làm đơn đề nghị được thực hiện hết hợp đồng thuê đất đến ngày 31/12/2022.
Ngày 07/12/2018, hộ gia đình bà Nguyễn Thị Thìa nhận được Thông báo số 219-UBND của Ủy ban nhân dân xã Dương Xá: yêu cầu hoàn trả lại khu đất Ao Sen trước ngày 15/12/2018, nếu không thực hiện sẽ lập hồ sơ Báo cáo Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm tổ chức cưỡng chế [?].
Tại các buổi làm việc về nội dung này, đại diện hộ gia đình bà Nguyễn Thị Thìa và các Luật sư Công ty luật TNHH Everest đề nghị Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm lập phương án bồi thường, hỗ trợ cho hộ gia đình bị thu hồi đất. Người bị thu hồi đất trình bày và đưa ra các chứng cứ thể hiện: Trong quá trình sử dụng đất từ năm 2001, người sử dụng đất đã đầu tư 04 (bốn) đợt, tổng số vốn khoảng 08 (tám) tỷ đồng. Tuy nhiên, Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm cho rằng: hợp đồng thuê đất đã hết hạn, Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm không có trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ cho người bị thu hồi đất. Cơ quan này khẳng định: không cần thiết phải ra quyết định thu hồi đất đối với hộ gia đình bà Nguyễn Thị Thìa.
Ngày 26/12/2018, Ủy ban nhân dân xã Dương Xá lập Biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai đối với hộ gia đình bà Nguyễn Thị Thìa.
Ngày 28/12/2018, Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm, đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 11036/QĐ-XPVPHC đối với hộ gia đình bà Nguyễn Thị Thìa có hành vi “chiếm đất” căn cứ “quy định tại Khoản 1, Điều 10 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai”. “...Phạt tiền với mức phạt là 2.000.000 đồng (hai triệu đồng)... Buộc trả lại 6.741 m2 tại vị trí đất công A2 ven đường Nguyễn Bình, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm...”.
Ngày 04/01/2019, hộ gia đình bà Nguyễn Thị Thìa gửi khiếu nại đối với Quyết định số 11036/QĐ-XPVPHC của Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm ngày 28/12/2018.
Ngày 29/01/2019, UBND huyện Gia Lâm ra Quyết định số 1325/QĐ-CCXP về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với hộ gia đình bà Nguyễn Thị Thìa.
Ngày 18/02/2019 hộ gia đình bà Nguyễn Thị Thìa tiếp tục khởi kiện đối với quyết định số 1325/QĐ-CCXP về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với bà Nguyễn Thị Thìa.
Ngày 08/03/2020, hộ gia đình nhà bà Nguyễn Thị Thìa phát hiện ra: toàn bộ tài sản, công trình trên diện tích 7.200m2 đất của Dự án “Chuyển dịch cơ cấu kinh tế - khu Ao Sen, thôn Thuận Quang” đã bị san phẳng. Bà Nguyễn Thị Thìa hỏi thì được biết: do Ủy ban nhân dân xã Dương Xá thực hiện, nhưng không thông báo để gia đình bà Nguyễn Thị Thìa có mặt làm việc, hoặc chứng kiến (nhà của bà Nguyễn Thị Thìa chỉ cách đó khoảng 300 m).
Toàn bộ tài sản, công trình trên diện tích 7.200m2 đất của Dự án “Chuyển dịch cơ cấu kinh tế - khu Ao Sen, thôn Thuận Quang” đã bị san phẳng. Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198
Ông Trần Thế Hoàng khẳng định: “Người dân đã đổ bao tiền của, công sức cải tạo khu đất hoang, ô nhiễm thành trang trại khang trang, thì Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm nói thu hồi là thu hồi, nhưng đến quyết định thu hồi đất cũng không có”.
Ngày 12/03/2020, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Dương Xá - ông Tô Hữu Vịnh mới thông báo: đề nghị được đến nhà ông Trần Thế Hoàng, bà Nguyễn Thị Thìa làm việc. Với thông báo này, ông Trần Thế Hoàng trả lời: “Các ông phá hết rồi, còn gì nữa mà bàn!”.
Các luật sư: Phạm Ngọc Minh, Nguyễn Duy Hội, Nguyễn Thị Yến - Công ty Luật TNHH Everest - bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hộ gia đình bà Nguyễn Thị Thìa nhận định về vụ việc: có sai sót trong quản lý đất đai, có dấu hiệu lạm quyền, vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Một là, không xác định rõ ràng nguồn gốc sử dụng đất.
Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm dù nhiều lần phê duyệt phương án bổ sung của Dự án “Chuyển dịch cơ cấu kinh tế - khu Ao Sen, thôn Thuận Quang” (diện tích thửa đất 7.200m2), nhưng từ năm 2001 cho tới nay chưa xác định rõ đất thực hiện dự án thuộc loại đất nào: ‘quỹ đất - 5% đất nông nghiệp’ (do Ủy ban nhân dân xã Dương Xá quản lý theo Điều 45 Luật Đất đai năm 1993) hay ‘đất chưa sử dụng’ (Điều 72 Luật Đất đai năm 1993).
Căn cứ các quyết định của Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm: “Phê duyệt phương án chuyển dịch cơ cấu kinh tế - khu Ao Sen, thôn Thuận Quang, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm” ngày 31/12/2001, Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm, “Phê duyệt bổ sung phương án chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu Ao Sen, thôn Thuận Quang, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội” ngày 09/07/2004, thì thửa đất 7.200m2 thực hiện Dự án đã trở thành “đất sử dụng cho kinh tế trang trại”.
Căn cứ các quy định của Luật Đất đai năm 2003 (có hiệu lực từ ngày 01/07/2004): Nhà nước khuyến khích hình thức ‘kinh tế trang trại của hộ gia đình, cá nhân’ nhằm khai thác có hiệu quả đất đai để phát triển sản xuất, mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong sản xuất nông nghiệp gắn với dịch vụ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm (theo Khoản 1 Điều 82). Hộ gia đình sử dụng đất làm kinh tế trang trại được chủ động chuyển đổi mục đích sử dụng các loại đất theo phương án sản xuất, kinh doanh đã được Uỷ ban nhân dân huyện Gia Lâm xét duyệt (theo Khoản 3 Điều 82). Uỷ ban nhân dân xã Dương Xá có trách nhiệm lập phương án giao đất và đề nghị Uỷ ban nhân dân huyện Gia Lâm ra quyết định giao đất cho hộ gia đình bà Nguyễn Thị Thìa (theo Điểm b Khoản 2 Điều 71). Đồng thời, quyết định giao đất thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm (thời hạn giao đất không quá 50 năm) theo thời hạn của Dự án “Chuyển dịch cơ cấu kinh tế - khu Ao Sen, thôn Thuận Quang” (theo Khoản 3 Điều 67 Luật Đất đai) mà không phải thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân xã Dương Xá - thời hạn 05 năm/lần.
Hai là, việc Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm kết luận hộ gia đình bà Nguyễn Thị Thìa 'chiếm đất’ hoàn toàn không có căn cứ.
Căn cứ vào quyết định của Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm: phê duyệt phương án “Chuyển dịch cơ cấu kinh tế - khu Ao Sen, thôn Thuận Quang” ngày 31/12/2001 của Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm, thì thời hạn thực hiện Dự án “Chuyển dịch cơ cấu kinh tế - khu Ao Sen, thôn Thuận Quang” là 10 năm. Sau khi kết thúc thời hạn thực hiện Dự án “Chuyển dịch cơ cấu kinh tế - khu Ao Sen, thôn Thuận Quang” (vào ngày 31/12/2011), hộ gia đình bà Nguyễn Thị Thìa có nhu cầu tiếp tục sử dụng, chấp hành đúng pháp luật về đất đai trong quá trình sử dụng và việc sử dụng đất phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt, Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm phải xem xét gia hạn sử dụng đất (theo Khoản 3 Điều 67 Luật Đất đai năm 2003), nhưng Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm không thực hiện.
Cần thấy rằng, hộ gia đình bà Nguyễn Thị Thìa đang là chủ sử dụng hợp pháp của Khu đất Ao Sen, thôn Thuận Quang cho tới khi cơ quan có thẩm quyền có quyết định thu hồi đất hợp pháp. Do đó, Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm kết luận: hộ gia đình bà Nguyễn Thị Thìa đã hết thời hạn thuê đất, ‘chiếm đất’ - nhưng không xác định rõ thời hạn của Dự án “Chuyển dịch cơ cấu kinh tế - khu Ao Sen, thôn Thuận Quang” (được gia hạn) - là hoàn toàn không có căn cứ.
Ba là, Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm có nghĩa vụ bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất đúng quy định của Luật Đất đai năm 2013.
Theo quy định tại Điều 66, Điều 69 Luật Đất đai năm 2013, thì Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm phải ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, nhưng cơ quan này không thực hiện.
Việc xác định đất bị thu hồi thuộc trường hợp nào (Điều 75, Điều 76, Điều 77 Luật Đất đai năm 2013) đến nay chưa được Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm xác định rõ. Lưu ý rằng, trường hợp thu hồi đất theo quy định tại Điều 76 của Luật Đất đai năm 2013 (đất thuê của Nhà nước), người sử dụng đất vẫn được ‘bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại’.
Căn cứ quy định tại Điều 89, Điều 89, Điều 90, Điều 91 Luật Đất đai năm 2013, Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm còn có nghĩa vụ bồi thường: (i) thiệt hại về tài sản, ngừng sản xuất, kinh doanh khi Nhà nước thu hồi đất; (ii) thiệt hại về nhà, công trình xây dựng trên đất khi Nhà nước thu hồi đất; (iii) thiệt hại đối với cây trồng, vật nuôi; (iv) chi phí di chuyển khi Nhà nước thu hồi đất.
Công dân đặt câu hỏi: Với chức năng quản lý nhà nước và có tham mưu nhiều cơ quan chuyên môn, liệu rằng Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm ‘quên luật’, ‘hiểu sai luật’ được không [?].
Xem thêm:
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm