Bài tư vấn pháp luật dân sự được thực hiện bởi: Luật gia Nguyễn Văn Hoàng – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013, Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:
(i) Có Giấy chứng nhận; Trừ 02 trường hợp sau:
Trường hợp 1: Người nhận thừa kế mà tài sản là quyền sử dụng đất nhưng là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất thì không được cấp giấy chứng nhận nhưng được quyền tặng cho.
Trường hợp 2: Theo khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai 2013 được quyền tặng cho đất đai khi:
+ Trường hợp chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp thì người sử dụng đất được quyền tặng cho đất sau khi có quyết định giao đất, cho thuê đất;
+ Trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất được thực hiện quyền tặng cho khi có điều kiện để cấp giấy chứng nhận (chưa cần có giấy chứng nhận);
+ Trường hợp người sử dụng đất được chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc được ghi nợ nghĩa vụ tài chính thì phải thực hiện xong nghĩa vụ tài chính trước khi thực hiện các quyền.
(ii) Đất không có tranh chấp;
(iii) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
(iv) Trong thời hạn sử dụng đất.
Ngoài ra, việc tặng cho quyền sử dụng đất không thuộc các Trường hợp không được nhận tặng cho quyền sử dụng đất sau đây theo quy định tại Điều 191 Luật Đất đai:
(v) Hộ gia đình, cá nhân nhận tặng cho quyền sử dụng đất đối với trường hợp mà pháp luật không cho phép chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất.
(vi) Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận đất trồng lúa.
(vii) Hộ gia đình, cá nhân không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng.
Hình thức hợp đồng
Theo quy định tại Điều 167 Luật Đất đai 2013, Hợp đồng tặng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực. Như vậy có nghĩa, việc tặng cho quyền sử dụng đất phải được lập thành hợp đồng được công chứng hoặc chứng thực. Và để có thể công chứng hoặc chứng thực thì hiển nhiên, hợp đồng này phải được lập thành văn bản.
Nội dung của hợp đồng
Luật Đất đai 2013 không quy định về nội dung của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, về nội dung cũng như các quy định chung về hợp đồng này lại được điều chỉnh bởi Bộ luật dân sự 2015.
Nội dung của hợp đồng về quyền sử dụng đất không được trái với quy định về mục đích sử dụng, thời hạn sử dụng đất, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Công chứng, chứng thực hợp đồng
Việc công chứng thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng, việc chứng thực thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã. (Điểm d Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013)
Trình tự, thủ tục sang tên sổ đỏ được quy định tại Nghị định 43/2014/NĐ-CP.
Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ bao gồm các giấy tờ theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, được sửa đổi tại Khoản 2 Điều 7 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT:
– Đơn đăng ký biến động đất đai theo Mẫu số 09/ĐK ban hành kèm theo Thông tư 24/2014/TT-BTNMT;
– Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất;
– Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;
Bước 2. Nộp hồ sơ
Nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai trực thuộc Sở tài nguyên và môi trường Tỉnh. Nếu người sang tên sổ đỏ nộp hồ sơ tại UBND xã nơi có đất thì trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, UBND xã phải chuyển hồ sơ đó cho Văn phòng đăng ký đất đai.
Đối với nơi chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai thì nộp hồ sơ tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng tài nguyên môi trường huyện.
Lưu ý: Nếu hồ sơ không đáp ứng yêu cầu thì hồ sơ được trả lại cho người nộp trong thời hạn 03 ngày.
Bước 3. Thẩm định hồ sơ
Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất kiểm tra hồ sơ, nếu đủ điều kiện thực hiện các quyền theo quy định thì thực hiện các việc sau:
Trường hợp phải cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất;
Bước 4. Thực hiện nghĩa vụ tài chính
Người nộp hồ sơ yêu cầu sang tên sổ đỏ thực hiện nghĩa vụ tài chính theo Thông báo của cơ quan có thẩm quyền trước khi nhận Giấy chứng nhận.
Bước 5. Trả Giấy chứng nhận cho người nộp hồ sơ
Văn phòng đăng ký đất đai trao Giấy chứng nhận cho người nộp hồ sơ hoặc giao UBND xã trao cho người nộp hồ sơ nếu hồ sơ được người nộp hồ sơ nộp tại UBND xã.
Thời gian thực hiện thủ tục: không quá 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
Lưu ý:
Đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian thực hiện đối với từng loại thủ tục quy định tại Điều này được tăng thêm 10 ngày, trừ thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai.
Thời hạn 10 ngày được tính kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; không tính thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm