Vụ án hủy hoại cây trên đất của mình tại Lục Nam (Bắc Giang): bị cáo Vũ Văn Cấp kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm

Bởi Trần Thu Thủy - 11/12/2019
view 1861
comment-forum-solid 0
Bị cáo Vũ Văn Cấp, thường trú tại thôn Yên Thiện, xã Bảo Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang đã kháng cáo: toàn bộ Bản án hình sự sơ thẩm đã được Tòa án nhân dân huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang xét xử sơ thẩm ngày 22, 28 và 29/11/2019.

Lý do kháng cáo của bị cáo Vũ Văn Cấp: Bản án hình sự sơ thẩm do Tòa án nhân dân huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang xét xử sơ thẩm ngày 22, 28 và 29/11/2019 tuyên bị cáo Vũ Văn Cấp phạm tội “Hủy hoại tài sản” đưa ra kết luận không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án, có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc kết án oan người vô tội.

Luật sư Nguyễn Thị Yến - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Tóm tắt nội dung vụ án "hủy hoại cây trên đất của mình tại Lục Nam (Bắc Giang)"

Đầu năm 2012, ông Vũ Văn Cấp có thỏa thuận bằng miệng với ông Vũ Xuân Mơ về việc đổi đất nông nghiệp (thửa đất 99 m2 thuộc quyền sử dụng của ông Vũ Văn Cấp) lấy thửa đất có cùng diện tích ở giữa xứ Lò Gạch, thôn Yên Thiện, xã Bảo Sơn, huyện Lục Nam (thuộc quyền sử dụng của ông Vũ Xuân Mơ), thời hạn đổi đất là 02 (hai) năm từ năm 2012 đến hết năm 2013. Thỏa thuận này sau đó không lập thành văn bản. Sự việc này chỉ có một số người làm chứng như ông Vũ Văn Bao, bà Vũ Thị Duyệt… biết, nhưng chỉ do nghe ông Vũ Văn Cấp và ông Vũ Xuân Mơ nói chuyện hoặc kể lại sau đó. Sau khi đổi ruộng, ông Vũ Xuân Mơ đã tự ý đổ đất, tạo thành vườn trồng cây đào, cây bưởi (cây lâu năm) mà không được sự cho phép của chính quyền và sự đồng ý của ông Vũ Văn Cấp. Thời điểm này, vợ thứ nhất của ông Vũ Văn Cấp là bà Tạ Thị Ca (đã chết năm 2013) bị ung thư giai đoạn cuối. Hai vợ chồng ông Vũ Văn Cấp thường xuyên ở Hà Nội chữa bệnh, các con ông Vũ Văn Cấp đều đi học và làm việc xa nhà, nên không ai trong gia đình biết việc làm này của ông Vũ Xuân Mơ.

Sau khi về nhà và phát hiện ra sự việc ông Vũ Xuân Mơ tự ý cải tạo đất, trồng cây trái phép, ông Vũ Văn Cấp đã yêu cầu ông Vũ Xuân Mơ trả lại hiện trạng ban đầu - đất nông nghiệp trồng lúa. Ông Vũ Xuân Mơ nhiều lần hứa sẽ thực hiện nhưng sau đó lấy nhiều lý do để trì hoãn. Sự việc này ngoài ông Vũ Văn Bao, bà Vũ Thị Duyệt, thì Trưởng thôn thôn Yên Thiện lúc đó là ông Đào Văn Lung đã xác nhận tại phiên tòa sơ thẩm biết và đã nhắc ông Vũ Xuân Mơ. Tuy nhiên, chính quyền xã Bảo Sơn không có động thái quyết liệt buộc ông Vũ Xuân Mơ phải chấm dứt việc trồng cây trái phép, hoàn trả lại hiện trạng ban đầu của các thửa đất.

Năm 2015, ông Vũ Xuân Mơ tiếp tục xây tường bao quanh khu đất của thửa đất liền kề gia đình ông Vũ Xuân Mơ liền kề thửa đất 99 m2 của ông Vũ Văn Cấp. Khi phát hiện ra, ông Vũ Văn Cấp đã có ý kiến, thì ông Vũ Xuân Mơ đã dừng việc tiếp tục xây tường bao vào phần khu đất của ông Vũ Văn Cấp (móng bức tường trên phần diện tích đất 99 m2 của ông Vũ Văn Cấp vẫn còn). Từ đó, ông Vũ Văn Cấp tiếp tục yêu cầu ông Vũ Xuân Mơ thực hiện đúng cam kết, chuyển cây, trả lại đất, nhưng ông Vũ Xuân Mơ tiếp tục không thực hiện.

Tháng 03/2018, sau nhiều lần yêu cầu nhưng gia đình ông Vũ Xuân Mơ không trả lại thửa đất cho gia đình ông Vũ Văn Cấp. Khoảng 07 giờ 30 phút ngày 21/03/2018, ông Vũ Văn Cấp trên đường về nhà, đã gặp bà Trần Thị Toan (vợ của ông Vũ Xuân Mơ) nói về việc dọn cây thì bà Trần Thị Toan nói: “Đã chuyển được cây đâu mà trả” và thay đổi hoàn toàn thái độ, thách thức ông Vũ Văn Cấp chặt cây. Khoảng 08 giờ 00 phút cùng ngày, ông Vũ Văn Cấp về nhà lấy dao ra thửa đất nêu trên để chặt cây. Khi ông Vũ Văn Cấp bắt đầu chặt thì ông Vũ Văn Cấp thấy ông Vũ Xuân Mơ sử dụng điện thoại để quay lại. Trong thời gian chặt cây, ông Vũ Văn Cấp và ông Vũ Xuân Mơ có cãi vã (clip). Chặt được khoảng 08 (tám) đến10 (mười) phútthì ông Vũ Văn Cấp dừng lại và ra về. Khi ra về, trực tiếp ông Vũ Văn Cấp còn nghe thấy ông Mơ gọi điện thoại cho người khác (có thể là Vũ Văn Hoàng, Vũ Đức Hậu, là con của ông Vũ Xuân Mơ): “Chúng mày ở đâu, về nhà ngay, thằng Cấp nó chặt hết cây nhà mình”.

Các ngày 22, 28 và 29/11/2019, Tòa án nhân dân huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang xét xử vụ án “Hủy hoại tài sản”. Tại phiên toàn sơ thẩm, Tòa án đã tuyên ông Vũ Văn Cấp phạm tội hủy hoại tài sản, xử phạt ông Vũ Văn Cấp 09 (chín) tháng tù giam.

Bản án sơ thẩm kết luận ông Vũ Văn Cấp với tội danh: “Hủy hoại tài sản”, ông Vũ Văn Cấp cho rằng, mình không phạm tội, bởi các lý do sau

Thứ nhất, về việc xác định chủ sở hữu của tài sản.

- Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: Điều 105. Tài sản: “1- Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. 2- Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”; Điều 222. Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản có được từ lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp, hoạt động sáng tạo ra đối tượng quyền sở hữu trí tuệ: “Người lao động, người tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp có quyền sở hữu đối với tài sản có được từ lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp, kể từ thời điểm có được tài sản đó”.

- Luật đất đai năm 2013 quy định: Điều 10. Phân loại đất: “… 1- Nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây: (a) Đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác”; Điều 12. Những hành vi bị nghiêm cấm: “… 3- Không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích”.

Theo các quy định trên, việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản có được từ lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh của một chủ thể (cá nhân, pháp nhân) phải là hoạt động lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp. Ông Vũ Xuân Mơ đã từng lập hồ sơ đề nghị được chuyển mục đích sử dụng đất từ trồng cây hàng năm sang đất trang trại, trồng cây lâu năm, nhưng không được chính quyền địa phương chấp nhận - sự việc này chính ông Vũ Xuân Mơ và một số người làm chứng đã khai tại phiên tòa sơ thẩm (tuy có sai về mốc thời gian). Cụ thể, ông Đào Văn Lung (trưởng thôn Yên Thiện tại thời điểm đó) xác nhận: “… ông Vũ Xuân Mơ báo cáo tôi xin phép cải tạo ao đổ đất lên phần đất ruộng đã đổi cho ông Cấp và 240 m2 ruộng ông Vũ Xuân Mơ đổi cho bà Duyệt, ở cạnh ruộng của ông Cấp nhưng do diện tích quá nhỏ nên tôi không đồng ý cho ông Vũ Xuân Mơ thực hiện. Nhưng sau đó ông Vũ Xuân Mơ vẫn đổ đất lên phần ruộng trên và báo cáo với tôi là gửi nhờ đấy ở đó sau đó sẽ chuyển đi. Đến cuối năm 2010 thì ông Vũ Xuân Mơ tiến hành trồng cây đào, cây bưởi lên phần đất ruộng đã đổ đất ao lên” (Bút lục số 241).

Như vậy, việc sử dụng “đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác” để trồng cây lâu năm bị nghiêm cấm. Ông Vũ Xuân Mơ đã hiểu rõ, hành vi trồng cây lâu năm trên “đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác” không được pháp luật công nhận, bảo hộ.

Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Vũ Xuân Mơ đã khai báo gian dối: nói đổi đất (thửa đất 240 m2) năm 2009 cho anh Còi (là con của bà Vũ Thị Duyệt), trong khi anh Còi, hay bà Vũ Thị Duyệt đều không có đất nông nghiệp, anh Còi cũng không sinh sống bằng nghề nông và đã nhiều năm làm việc ở nước ngoài. Trong khi đó, chính quyền xã Bảo Sơn và nhiều người dân gồm lãnh đạo thôn Yên Thiện (ông Đào Văn Lung), nhiều hàng xóm, bà Vũ Thị Duyệt, ông Vũ Văn Bao… đều biết rõ: thửa đất 99 m2 là thuộc quyền sử dụng của ông Vũ Văn Cấp, đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thửa đất 240 m2 liền kề đã được xã Bảo Sơn và thôn Yên Thiện giao cho ông Vũ Văn Cấp sử dụng ổn định, không có tranh chấp từ năm 1992, đến nay là 27 năm.

Thứ hai, những quy định về “quyền bề mặt” trong Bộ luật Dân sự.

- Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về: Quyền bề mặt (các điều từ: Điều 267 đến Điều 273). Trong đó, đặc biệt lưu ý quy định tại Điều 273. Xử lý tài sản khi quyền bề mặt chấm dứt: “1- Khi quyền bề mặt chấm dứt, chủ thể quyền bề mặt phải trả lại mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất cho chủ thể có quyền sử dụng đất theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật. 2- Chủ thể quyền bề mặt phải xử lý tài sản thuộc sở hữu của mình trước khi quyền bề mặt chấm dứt, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp chủ thể quyền bề mặt không xử lý tài sản trước khi quyền bề mặt chấm dứt thì quyền sở hữu tài sản đó thuộc về chủ thể có quyền sử dụng đất kể từ thời điểm quyền bề mặt chấm dứt, trừ trường hợp chủ thể có quyền sử dụng đất không nhận tài sản đó. Trường hợp chủ thể có quyền sử dụng đất không nhận tài sản mà phải xử lý tài sản thì chủ thể có quyền bề mặt phải thanh toán chi phí xử lý tài sản”.

Theo quy định này, các “cây đào” và “cây bưởi” sau khi quyền bề mặt chấm dứt (hợp đồng đổi đất hết hạn) mà ông Vũ Xuân Mơ không tiến hành xử lý, thuộc về ông Vũ Văn Cấp mà không phải của ông Vũ Xuân Mơ. Sự thật là, ông Vũ Văn Cấp đã nhiều lần yêu cầu gia đình ông Vũ Xuân Mơ tự dọn dẹp cây cối nhưng gia đình ông Vũ Xuân Mơ không thực hiện, buộc ông Vũ Văn Cấp phải tự thực hiện. Sự việc này có người làm chứng là ông Vũ Văn Bao và bà Vũ Thị Duyệt đã khai tại phiên tòa sơ thẩm. Mặc dù không thừa nhận việc ông Vũ Văn Cấp đã yêu cầu ông Vũ Xuân Mơ chuyển cây, hoàn trả mặt bằng từ năm 2014, nhưng chính ông Vũ Xuân Mơ cũng thừa nhận: “Đến tháng 03/2018 thì anh Cấp có nói với tôi là đòi lại ruộng đã đổi từ năm 2009 (anh Cấp đòi đất và nói chuyện với tôi cách ngày hôm này (21/03/2018) khoảng 5 ngày” (Bút lục số 172). Các lời khai của bà Trần Thị Toan đều có nội dung khi ông Vũ Văn Cấp nói về việc trả lại đất thì bà này nói: “Đã chuyển được cây đâu mà trả” (từ Bút lục số 190 đến Bút lục số 198).

Như vậy, mục đích hành vi chặt cây của ông Vũ Văn Cấp: là nhằm dọn dẹp đất (“xử lý tài sản”) để khôi phục lại tình trạng ban đầu, có đất để trồng lúa (“sử dụng đất đúng mục đích”). Việc ”chặt cây” phù hợp với quy định tại Điều 273 Bộ luật dân sự năm 2015 mà không phải như nhận định của Viện kiểm sát “do mâu thuẫn trong việc đổi đất canh tác”. Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Vũ Văn Cấp và luật sư bào chữa đã tranh luận nội dung này với đại diện Viện kiểm sát và ông Vũ Xuân Mơ, nhưng Bản án đã bỏ ra ngoài hoàn toàn tiết quan trọng này.

Những vi phạm về tố tụng mà Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lục Nam và Viện kiểm sát nhân dân huyện Lục Nam đã truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội, nhưng không được xem xét khách quan, toàn diện, đầy đủ tại phiên tòa sơ thẩm

Thứ nhất, về xác định mức độ ‘mất giá trị sử dụng’ của các cây bị chặt phá.

Bản kết luận điều tra vụ án hình sự đề nghị truy tố số 88 ngày 09/10/2019 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lục Nam và Cáo trạng số 93/CT-VKS ngày 08/11/2019 của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Lục Nam cho rằng tất cả các cây bị chặt phá đều bị “hủy hoại”. Tuy nhiên, kể từ thời điểm xảy ra sự việc ngày 21/03/2018 đến nay, không có bất kỳ một kết luận giám định nào về mức độ “mất giá trị sử dụng” của các cây bị chặt phá. Trong khi, điều tra viên, kiểm sát viên, cán bộ điều tra trong vụ án đều không phải là chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp và không phải là người có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự để có thể đưa ra kết luận: các cây bị chặt phá trong vụ án là bị “hủy hoại” hay bị “hư hỏng”. Trong khi đó, các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án là Biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 21/03/2018 (Bảng mô tả đặc điểm 32 cây sau khi bị chặt về chiều cao còn lại, đường kính từng cành còn lại cách đất 15 cm - Bút lục 47, 48) và bản ảnh hiện trường chụp ngày 21/03/2018 (từ Bút lục 50 đến Bút lục 60) cho thấy: 32 cây được Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Lục Nam xác định do ông Vũ Văn Cấp chặt, đã bị ‘hủy hoại” đều đang còn sống - có thể dễ dàng quan sát được bằng mắt thường.

Ngoài ra, ông Vũ Văn Cấp đã khai rõ tại Cơ quan Cảnh sát điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm rằng ông Vũ Văn Cấp chỉ chặt “cành cây” chứ không chặt “thân cây” cây và file video có tên 20180321_074748.mp4 - là chứng cứ trong vụ án - được công bố, xem xét công khai tại phiên tòa sơ thẩm cho thấy: lời khai của ông Vũ Văn Cấp là đúng sự thật, ông Vũ Văn Cấp chỉ chặt vào cành cây, chưa chặt vào gốc cây. Với đặc tính của cây bưởi, cây đào (thông thường), thì việc cây bị chặt cành không thể dẫn tới bị hủy hoại hoàn toàn, mất 100% giá trị sử dụng. Nghĩa là, ông Vũ Văn Cấp không và không thể “hủy hoại” “cây đào”, “cây bưởi”.

Trong cấu thành tội phạm của tội “Hủy hoại tài sản”, việc xác định mức độ mất giá trị sử dụng của tài sản là rất quan trọng, là căn cứ để xác định có hay không hành vi hủy hoại tài sản (là hành vi làm mất hoàn toàn giá trị sử dụng của tài sản). Do đó, các Cơ quan tiến hành tố tụng cần phải tiến hành giám định mức độ mất giá trị sử dụng của các cây bị chặt phá. Tuy nhiên, các Cơ quan tiến hành tố tụng đã không trưng cầu giám định nội dung này. Do đó, ông Vũ Văn Cấp có căn cứ để cho rằng, việc xác định tài sản bị “hủy hoại”, “mất hoàn toàn giá trị sử dụng” chỉ là kết luận chủ quan của người tiến hành tố tụng. Đối chiếu với quy định tại Điều 205 Bộ luật tố tụng Hình sự và Điều 25 Luật Giám định tư pháp, đây là vi phạm tố tụng, gây ra những nhận định sai lầm về bản chất của vụ án. Nội dung này, các luật sư bào chữa và ông Vũ Văn Cấp tranh luận với đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa, nhưng Hội đồng xét xử hoàn toàn không căn cứ vào kết quả tranh tụng để đưa ra phán xét công bằng.

Ông Vũ Văn Cấp dọn dẹp đất (“xử lý tài sản”) để khôi phục lại tình trạng ban đầu, có đất để trồng lúa (“sử dụng đất đúng mục đích”)

Thứ hai, về việc ‘định danh tài sản’.

Bản kết luận điều tra vụ án hình sự đề nghị truy tố số 88 ngày 09/10/2019 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lục Nam và Cáo trạng số 93/CT-VKS ngày 08/11/2019 của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Lục Nam khẳng định: 32 cây được xác định do ông Vũ Văn Cấp chặt là “cây đào” (15 cây) và “cây bưởi” (17 cây). Ghi nhận tại xã Bảo Sơn, người dân chỉ có thể phân biệt (bằng kinh nghiệm) được giống bưởi (ví dụ: Bưởi Diễn, Bưởi Da xanh, Bưởi Năm roi…) khi cây đã có quả thu hoạch. Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Vũ Xuân Mơ đã khai rằng: loại cây bưởi mà ông trồng theo phương pháp triết cành, không rõ đó là loại bưởi gì (cây chưa ra quả nên không xác định được). Một sự thật, toàn bộ “cây bưởi” bị chặt đều chưa có quả (ông Vũ Xuân Mơ cho rằng cây đã trồng 10 năm đã có quả nhưng không có bất cứ chứng cứ nào, kể cả những làm chứng khẳng định cây có cho thu hoạch quả). Bên cạnh đó, toàn bộ các “cây đào” lấy hoa không được bán cành trong dịp Tết nguyên đán Mậu Tuất năm 2018. Ông Vũ Văn Cấp cho rằng, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lục Nam và Viện kiểm sát nhân dân huyện Lục Nam đã ‘định danh tài sản’ bằng trực giác, kinh nghiệm của mình, không giám định, không dựa trên cơ sở và hoạt động khoa học.

Như vậy, ông Vũ Văn Cấp có lý do để nghi ngờ rằng: các cây này chỉ là một loại cây có hình dáng giống “cây đào”, “cây bưởi” (có thể cùng phân chi, chi, họ). Để xác định chính xác vấn đề này, cần thực hiện giám định bổ sung. Và ông Vũ Văn Cấp cho rằng, phải giám định chính xác loại (bưởi, đào) để định giá cây (có những loại giá trị cao, có những loại không có giá trị).

Thứ ba, về số lượng cây bị chặt phá.

Bản kết luận điều tra vụ án hình sự đề nghị truy tố số 88 ngày 09/10/2019 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lục Nam và Cáo trạng số 93/CT-VKS ngày 08/11/2019 của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Lục Nam xác định ông Vũ Văn Cấp ngoài việc chặt 06 cây (được đánh kí hiệu là A1, A6, A20, A22, A23, A27) còn là người trực tiếp “hủy hoại” 26 cây còn lại. Trong khi đó, các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án chỉ thể hiện ông Vũ Văn Cấp chặt cây trong khoảng thời gian là 08 (tám) đến 10 (mười) phút, với tốc độ 03-04 cây trong thời gian gần 06 phút (các biên bản ghi lời khai của ông Vũ Văn Cấp và nội dung trong file video có tên 20180321_074748.mp4 (Bút lục 149). Tại phiên tòa sơ thẩm, khi Hội đồng xét xử hỏi ông Vũ Xuân Mơ về số cây bị chặt trước khi ông Vũ Xuân Mơ dùng điện thoại quay thì ông Vũ Xuân Mơ khai rằng khoảng 20 cây. Tuy nhiên, tại các biên bản ghi lời khai thì ông Vũ Xuân Mơ khai rằng khi ông Vũ Văn Cấp chặt 02 đến 03 cây thì ông Vũ Xuân Mơ dùng điện thoại quay lại (Bút lục số 171). File video có tên 20180321_074748.mp4 do ông Vũ Xuân Mơ cung cấp cho Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng thể hiện rằng hiện trường lúc đó không có ‘cây đổ ngổn ngang’ dưới đất – như trình bày của ông Vũ Xuân Mơ và một số người làm chứng.

Tại Bút lục số 62 xác định các cây được đánh kí hiệu là A1, A6, A20, A22, A23, A27 được hình thành từ con dao A0 (con dao do ông Vũ Văn Cấp sử dụng) có đường kính cây nhỏ nhất (A20 = 4,6 cm, cây Đào) và đường kính lớn nhất (A6 =11,7 cm, cây Đào). Với độ sắc của dao, ông Vũ Văn Cấp chỉ cần chặt 01 (một) nhát là cây đứt và xác định được các cây này do ông Vũ Văn Cấp chặt. Việc Viện kiểm sát nhân dân huyện Lục Nam kết luận ông Vũ Văn Cấp chặt lần lượt từ cây số 1 đến số 32 với cùng một con dao là không có căn cứ. Bởi, Cây A1- cây đầu tiên - vị trí gần đường liên thôn Yên Thiện và cây A27- vị trí giáp Ao nhà ông Mơ cùng một con dao gây ra nhưng các cây còn lại có đường kính như cây A12 = 4,1 cm, cây A32 = 3,9 cm lại “có dấu vết chặt chém trên các cành cây bị trồng chéo, đầu các cây bị dập vỡ” nên không xác định được là không phù hợp với tình tiết khách quan. Do đó, có căn cứ để cho rằng, đã có người khác, sử dụng con dao khác “bị cùn” - để chặt các cây còn lại, mục đích là đổ tội cho ông Vũ Văn Cấp.

Như vậy, ở đây có nghi vấn đó là: ‘khoảng trống’ về thời gian (từ khoảng 08h15 đến 09h00 và 11h00 đến 14h30 cùng ngày 21/03/2019), hoàn toàn có khảng năng khác, ngoài ông Vũ Văn Cấp còn có thể có người khác chặt tiếp số cây đến 09h00 có 29 cây bị chặt, còn từ 11h00 đến 14h30 có thêm 03 cây khác bị chặt. Về nội dung này, ông Vũ Văn Cấp đã trình bày tại phần xét hỏi có xác nhận của người làm chứng bà Vũ Thị Duyệt - nhìn thấy: khoảng thời gian từ 08h30 đến 09h30 cùng ngày 21/03/2019, anh Văn Hoàng, Vũ Văn Hậu (con của ông Vũ Xuân Mơ) cầm dao với “dọa” sẽ đánh, chém ông Vũ Văn Cấp tại khu vực xảy ra vụ án. Như vậy, ngoài ông Vũ Văn Cấp, có những người khác có sử dụng dao, không loại trừ có người khác chặt cây (còn lại). Sự việc này chưa được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lục Nam và Viện kiểm sát nhân dân huyện Lục Nam làm rõ, nhưng “suy đoán” theo hướng “có tội”, kết luận ông Vũ Văn Cấp đã chặt (hủy hoại) 32 cây.

Thứ tư, về việc ‘định giá tài sản’:

Tại Biên bản định giá tài sản ngày 30/03/2018 (lần thứ nhất, từ Bút lục 107 đến Bút lục 110), Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Lục Nam đã căn cứ vào biên bản ghi lời khai, căn cứ vào Quyết định số 869/2014/QĐ-UBND ngày 31/12/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang về việc “ban hành quy định một số điểm cụ thể về thu hồi đất bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất áp dụng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”, kết luận: “Tổng giá trị tài sản bị thiệt hại là 2.227.700 đồng (hai triệu, hai trăm, hai mươi bảy ngàn, bảy trăm đồng)”.

Tuy nhiên, tại Biên bản họp định giá tài sản ngày 10/06/2019 (lần thứ hai, từ Bút lục 124 đến Bút lục 127), Hội đồng lại dựa trên cơ sở “khảo sát và thu thập thông tin thị trường cùng thời điểm tài sản bị xâm hại” tại thị trấn Đồi Ngô huyện Lục Nam, kết luận: “Tổng giá trị tài sản bị thiệt hại là: 17.885.000 đồng (mười bảy triệu, tám trăm, tám mươi lăm ngàn đồng)”; Và: tại Biên bản họp định giá tài sản ngày 22/08/2018 (lần thứ ba, từ Bút lục 134 đến Bút lục 136), Hội đồng định giá dựa trên cơ sở khảo sát và thu thập thông tin thị trường cùng thời điểm tài sản bị xâm hại tại “thị trấn Đồi Ngô huyện Lục Nam” và bổ sung thêm tại “khu vực thành phố Bắc Giang” - không phải địa điểm tài sản bị xâm hại - xã Bảo Sơn, kết luận: “Tổng giá trị tài sản bị thiệt hại là: 17.938.000 đồng (mười bảy triệu, chín trăm, ba mươi tám ngàn đồng)”.

Như vậy, kết luận định giá tài sản lần thứ hai (ngày 10/06/2019) và lần thứ ba (ngày 22/08/2019) cho kết quả khác biệt hoàn toàn giá trị định giá ban đầu. Trên thực tế, “cây đào”, “cây bưởi” (loài thông thường) và các sản phẩm từ cây đào, cây bưởi đều được người dân khu vực xã Bảo Sơn giao dịch theo hình thức giao dịch dân sự nhỏ lẻ, không có hóa đơn tài chính, người giao dịch không kê khai thuế và nộp thuế, cơ quan quản lý không có hệ thống dữ liệu thống kê đầy đủ. Có một sự thật là, không có bất cứ người dân ở địa bàn xã Bảo Sơn bán những cây bưởi đã trồng một thời gian mà nếu có chỉ bán cây giống. Bởi giá trị của những cây này rất thấp và những cây tương tự những cây lớn nhất trong vụ án này, đường kính từ đến 15 cm chỉ cần trồng và chăm sóc tốt thì từ 02 đến 03 năm sẽ có. Còn những cây có đường kính nhỏ hơn dưới 05 cm, thực tế chỉ cần trồng chưa tới 01 năm. Và, giá trị của cây bưởi xác định ở phần “quả”. Do đó, không thể xác định thiệt hại về cây bưởi được. Tại Bút lục số 134, cây bưởi có giá trị gần 1.300.000 đồng, cao gấp nhiều lần so với giá trị thực tế. Để đem lại giá trị như vậy, cây bưởi phải trồng được ít nhất 03 (ba) đến 04 (bốn) năm và có quả đạt tỉ lệ cao.

Tại phiên tòa sơ thẩm, bản thân bị hại là ông Vũ Xuân Mơ và một số người tham dự phiên tòa đều khẳng định rằng, không thể định giá cây bưởi, cây đào vì trên thị trường không giao dịch - mua bán cả cây mà chỉ mua bán quả bưởi, mua bán cành đào. Do đó, không có cơ sở để định giá cây bưởi, cây đào theo phương pháp khảo sát và thu thập thông tin thị trường. Hành vi nêu trên của người tham gia định giá tài sản không chỉ làm ảnh hưởng tới kết luận của cơ quan tiến hành tố tụng, gây oan sai, mà còn có dấu hiệu của hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án (tội phạm quy định tại Điều 375 Bộ luật Hình sự).

Theo Cổng thông tin điện tử Bắc Giang đăng tải ngày 02/01/2019, thì một trong mười thành tựu kinh tế - xã hội nổi bật năm 2018 của tỉnh Bắc Giang là giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 6,8 %, giá trị sản xuất/1ha đất nông nghiệp đạt 103.000.000 đồng (một trăm linh ba triệu đồng). Như vậy, giá trị sản xuất/100 m2 đất nông nghiệp đạt 1.030.000 đồng. Do đó, nhận định tại Biên bản định giá ngày 22/08/2019 (Bút lục số 134) của Hội đồng định giá tỉnh Bắc Giang xác định giá trị của cây đào và cây bưởi là quá cao so với thực tế.

Do đó, ông Vũ Văn Cấp có lý do để cho rằng, Hội đồng định giá tài sản lần thứ hai (ngày 10/06/2019) và lần thứ ba (ngày 22/08/2019) đã tự suy diễn hoặc dùng các phương pháp trái quy định của pháp luật để định giá “cây đào”, “cây bưởi” vào những thời điểm đã xảy ra trước đó rất lâu: 01 năm và 71 ngày (lần thứ hai) và 01 năm 153 ngày (lần thứ ba).

Thứ năm, vi phạm quy định về khám nghiệm hiện trường.

Bộ luật tố tụng Hình sự quy định về việc khám nghiệm hiện trường: “.... Trong trường hợp không thể xem xét ngay được thì đồ vật và tài liệu thu giữ phải được bảo quản, giữ gìn nguyên trạng hoặc niêm phong đưa về nơi tiến hành điều tra” (Khoản 3 Điều 201).

Trong hồ sơ vụ án thể hiện, sau khi vụ án xảy ra, 10h00 ngày 21/03/2018, Ông Vũ Xuân Mơ và chính quyền địa phương đã lập “Biên bản phá hoại tài sản” (đại diện là Công an xã, trưởng thôn - Bút lục số 45). Tuy nhiên, kể từ thời điểm 10h30, hiện trường không được trông giữ, bảo quản, giữ nguyên hiện trạng. Biên bản khám nghiệm hiện trường được lập lúc 15h00 ngày 21/03/2018. Trong thời gian chưa lập biên bản này (10h30 đến 15h00), có ai đảm bảo rằng không có bất kỳ một tác động nào khác ảnh hưởng đến các tài sản đó? Theo lời khai của ông Nguyễn Văn Điều (Công an viên thông Yên Thiện) tại Bút lục số 245, sau khi lập biên bản sự việc, ông đã giao hiện trường cho chính bị hại là ông Vũ Xuân Mơ trông coi, bảo vệ.

Việc tranh tụng trong xét xử đã không được bảo đảm

Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, Điều tra viên, Kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người bị buộc tội, người bào chữa và người tham gia tố tụng khác đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án… Mọi chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, áp dụng điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự để xác định tội danh, quyết định hình phạt, mức bồi thường thiệt hại đối với bị cáo, xử lý vật chứng và những tình tiết khác có ý nghĩa giải quyết vụ án đều phải được trình bày, tranh luận, làm rõ tại phiên tòa. Bản án, quyết định của Tòa án phải căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa.” (Điều 26). “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án” (Điều 86).

Như vậy, chứng cứ phải có đầy đủ các đặc điếm: Chứng cứ là có thật, bảo đảm tính khách quan, chứng cứ có tính hợp pháp và chứng cứ phải liên quan đến vụ án. Như vậy, nếu thiếu một trong ba yếu tố trên thì sẽ không được xem là chứng cứ. Đồng thời, toàn bộ chứng cứ do người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng cung cấp đều đều xem xét kiểm tra, đánh giá bình đẳng.

Thế nhưng, các quy định này của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 tại phiên tòa sơ thẩm đã không được đảm bảo. Để ra Bản án sơ thẩm tuyên ông Vũ Văn Cấp phạm tội “Hủy hoại tài sản”, Hội đồng xét xử - Tòa án nhân dân huyện Lục Nam đã bác bỏ toàn bộ những lời khai có lợi cho ông Vũ Văn Cấp. Các lời khai của một số người làm chứng (bà Vũ Thị Duyệt, ông Vũ Văn Bao) chứng minh ông Vũ Văn Cấp không phạm tội đều không được ghi nhận. Trong khi đó, lời khai của những người làm chứng khác mặc dù không rõ ràng, liên tục sử dụng các cụm từ “hình như là”, “chắc là”, “theo tôi thì”… lại được Hội đồng xét xử chấp nhận và thể hiện trong phần nhận định của Bản án hình sự sơ thẩm - dùng làm chứng cứ buộc tội ông Vũ Văn Cấp. Ngoài ra, một số người tham gia tố tụng mà theo ông Vũ Văn Cấp và các Luật sư bào chữa: cần phải được triệu tập đến phiên tòa để làm rõ các vấn đề mà ông Vũ Văn Cấp trình bày như trên, nhưng không được triệu tập đến phiên tòa.

Bên cạnh đó, trong suốt quá trình tranh tụng (ngày 28 và 29/11/2019), luật sư bào chữa và ông Vũ Văn Cấp đã trình bày các căn cứ pháp luật và đối đáp toàn bộ những nhận định mang tính chủ quan, suy diễn theo hướng bị cáo có tội của đại diện Viện kiểm sát thực hiện quyền công tố, tuy nhiên Hội đồng xét xử hoàn toàn không căn cứ vào quá trình tranh tụng mà tuyên một bản án hầu hết dựa vào quan điểm của đại diện Viện kiểm sát.

Yêu cầu Tòa án nhân dân cấp phúc thẩm

Căn cứ quy định tại Điều 157 và Điều 359 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015: Bị cáo Vũ Văn Cấp yêu cầu hủy bản án sơ thẩm do Tòa án nhân dân huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang xét xử sơ thẩm ngày 22, 28 và 29/11/2019, tuyên bị cáo Vũ Văn Cấp không có tội và đình chỉ vụ án (Đơn kháng cáo của bị cáo Vũ Văn Cấp được tư vấn bởi Công ty Luật TNHH Everest).

Xem thêm các bài viết có liên quan:

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực hình sự (nêu trên) được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các luật sư, chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.net.vn.

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
1.16751 sec| 1128.281 kb