Vụ án hủy hoại cây trên đất của mình tại Lục Nam (Bắc Giang): từ 'bị hại' trở thành 'bị cáo'

Bởi Trần Thu Hoài - 28/08/2021
view 315
comment-forum-solid 0

Quá trình bào chữa cho cho người bị buộc tội (bị can, bị cáo Vũ Văn Cấp) trong vụ án: “Hủy hoại tài sản” ngày 21/03/2018 tại thôn Yên Thiện, xã Bảo Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang”, các Luật sư của Công ty Luật TNHH Everest thu thập và chứng minh người bị buộc tội không có tội; quá trình tố tụng có vi phạm nghiêm trọng, thể hiện sự không khách quan, vô tư của người tiến hành tố tụng; có dấu hiệu của hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án.

Trường hợp di chúc không có hiệu lực Bài viết được thực hiện bởi: Luật gia Trần Thị Thu Hoài - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đai tư vấn (24/7): 1900 6198

Diễn biến vụ án "Hủy hoại cây trên đất của mình tại Lục Nam (Bắc Giang)"

Đầu năm 2012, ông Vũ Văn Cấp có thỏa thuận bằng miệng với ông Vũ Xuân Mơ về việc đổi đất nông nghiệp (thửa đất có diện tích 99 m2 thuộc quyền sử dụng của ông Vũ Văn Cấp) lấy thửa đất có cùng diện tích ở giữa xứ Lò Gạch, thôn Yên Thiện, xã Bảo Sơn, huyện Lục Nam (thuộc quyền sử dụng của ông Vũ Xuân Mơ), thời hạn đổi đất là 02 (hai) năm từ năm 2012 đến hết năm 2013. Thỏa thuận này sau đó không lập thành văn bản. Sự việc này chỉ có một số người làm chứng như ông Vũ Văn Bao, bà Vũ Thị Duyệt… biết, do nghe ông Vũ Văn Cấp và ông Vũ Xuân Mơ nói chuyện hoặc kể lại sau đó.

Sau khi đổi ruộng, ông Vũ Xuân Mơ đã tự ý đổ đất, tạo thành vườn trồng cây đào, cây bưởi (cây lâu năm) mà không được sự cho phép của chính quyền và sự đồng ý của ông Vũ Văn Cấp. Thời điểm này, vợ thứ nhất của ông Vũ Văn Cấp là bà Tạ Thị Ca (đã chết năm 2013) bị ung thư giai đoạn cuối. Hai vợ chồng ông Vũ Văn Cấp thường xuyên ở Hà Nội chữa bệnh, các con ông Vũ Văn Cấp đều đi học và làm việc xa nhà, nên không ai trong gia đình biết việc làm này của ông Vũ Xuân Mơ.

Sau khi về nhà và phát hiện ra sự việc ông Vũ Xuân Mơ tự ý cải tạo đất, trồng cây trái phép, ông Vũ Văn Cấp đã yêu cầu ông Vũ Xuân Mơ trả lại hiện trạng ban đầu – đất nông nghiệp trồng lúa. Ông Vũ Xuân Mơ nhiều lần hứa sẽ thực hiện nhưng sau đó lấy nhiều lý do để trì hoãn. Sự việc này ngoài ông Vũ Văn Bao, bà Vũ Thị Duyệt, thì Trưởng thôn thôn Yên Thiện lúc đó là ông Đào Văn Lung đã xác nhận tại phiên tòa sơ thẩm biết và đã nhắc ông Vũ Xuân Mơ. Tuy nhiên, chính quyền xã Bảo Sơn không có động thái quyết liệt buộc ông Vũ Xuân Mơ phải chấm dứt việc trồng cây trái phép, hoàn trả lại hiện trạng ban đầu của các thửa đất.

Năm 2015, ông Vũ Xuân Mơ tiếp tục xây tường bao quanh khu đất của thửa đất liền kề gia đình ông Vũ Xuân Mơ liền kề thửa đất 99 m2 của ông Vũ Văn Cấp. Khi phát hiện ra, ông Vũ Văn Cấp đã có ý kiến, thì ông Vũ Xuân Mơ đã dừng việc tiếp tục xây tường bao vào phần khu đất của ông Vũ Văn Cấp (móng bức tường trên phần diện tích đất 99 m2 của ông Vũ Văn Cấp vẫn còn). Từ đó, ông Vũ Văn Cấp tiếp tục yêu cầu ông Vũ Xuân Mơ thực hiện đúng cam kết, chuyển cây, trả lại đất, nhưng ông Vũ Xuân Mơ tiếp tục không thực hiện.

Tháng 03/2018, sau nhiều lần yêu cầu nhưng gia đình ông Vũ Xuân Mơ không trả lại thửa đất cho gia đình ông Vũ Văn Cấp. Khoảng 07 giờ 30 phút ngày 21/03/2018, ông Vũ Văn Cấp trên đường về nhà, đã gặp bà Trần Thị Toan (vợ của ông Vũ Xuân Mơ), yêu cầu dọn cây, tuy nhiên bà Toan không đồng đồng ý, thay đổi hoàn toàn thái độ, thách thức ông Vũ Văn Cấp chặt cây. Khoảng 08 giờ 00 phút cùng ngày, ông Vũ Văn Cấp về nhà lấy dao ra thửa đất nêu trên để chặt cây. Khi ông Vũ Văn Cấp bắt đầu chặt thì ông Vũ Văn Cấp thấy ông Vũ Xuân Mơ sử dụng điện thoại để quay lại. Trong thời gian chặt cây, ông Vũ Văn Cấp và ông Vũ Xuân Mơ có cãi vã. Chặt được khoảng 08 (tám) đến 10 (mười) phút thì ông Vũ Văn Cấp dừng lại và ra về. Khi ra về, trực tiếp ông Vũ Văn Cấp còn nghe thấy ông Mơ gọi điện thoại cho người khác (có thể là Vũ Văn Hoàng, Vũ Đức Hậu, là con của ông Vũ Xuân Mơ): “Chúng mày ở đâu, về nhà ngay, thằng Cấp nó chặt hết cây nhà mình”.

Các ngày 22, 28 và 29/11/2019, Tòa án nhân dân huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang xét xử vụ án “Hủy hoại tài sản”. Tại phiên toà sơ thẩm, Tòa án đã tuyên ông Vũ Văn Cấp phạm tội hủy hoại tài sản, xử phạt ông Vũ Văn Cấp 09 (chín) tháng tù giam. Không đồng ý với Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Lục Nam, ông Vũ Văn Cấp đã làm đơn kháng cáo lên Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang.

Tuy nhiên, Tòa án nhân dân cấp phúc thẩm - Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang vẫn giữ nguyên Bản án sơ thẩm, tuyên phạt ông Vũ Văn Cấp 09 (chín) tháng tù giam.

- Những vấn đề pháp lý trong vụ án "Hủy hoại cây trên đất của mình tại Lục Nam (Bắc Giang)"

Khi tham gia nghiên cứu vụ án, các Luật sư Công ty Luật TNHH Everest đã chỉ ra những vấn đề pháp lý quan trọng trong vụ án, có tính quyết định trong vụ án, cụ thể:

Thứ nhất, về xác định mức độ mất giá trị sử dụng của các cây bị chặt phá.

Cáo trạng số 93/CT-VKS ngày 08/11/2019 của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Lục Nam cho rằng tất cả các cây bị chặt phá đều bị “hủy hoại”. Từ đó, kết luận ông Vũ Văn Cấp phạm tội "Hủy hoại tài sản" là không đúng với thực tế khách quan.

Tuy nhiên, Cơ quan cảnh sát điều tra không có bất kì một kết luận giám định nào về mức độ “mất giá trị sử dụng” của các cây bị chặt phá. Các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án là Biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 21/03/2018 (Bảng mô tả đặc điểm 32 cây sau khi bị chặt về chiều cao còn lại, đường kính từng cành còn lại cách đất 15 cm) và bản ảnh hiện trường chụp ngày 21/03/2018) cho thấy: 32 cây được Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Lục Nam xác định do bị cáo Vũ Văn Cấp chặt, đã bị hủy hoại đều đang còn sống - có thể dễ dàng quan sát được bằng mắt thường.

Hủy hoại tài sản là việc làm mất hoàn toàn giá trị sử dụng của tài sản, khi có căn cứ xác định tài sản mất hoàn toàn giá trị sử dụng mới có thể kết luận về tội hủy hoại tài sản. Tuy nhiên, Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an huyện Lục Nam đã không trưng cầu giám định nội dung này. Do đó, có căn cứ để cho rằng, việc xác định tài sản bị “hủy hoại”, “mất hoàn toàn giá trị sử dụng” chỉ là kết luận chủ quan của người tiến hành tố tụng.

Hình ảnh thể hiện các cây bị chặt vẫn còn sống tốt tại thời điểm ngày 20/02/2020, sau thời điểm xảy ra vụ án ngày 21/03/2018 hai năm

Thứ hai, về việc định giá tài sản

Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Lục Nam đã căn cứ vào biên bản ghi lời khai, căn cứ vào Quyết định số 869/2014/QĐ-UBND ngày 31/12/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang về việc “ban hành quy định một số điểm cụ thể về thu hồi đất bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất áp dụng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”, kết luận: “Tổng giá trị tài sản bị thiệt hại là 2.227.700 đồng".

Tuy nhiên, tại Biên bản họp định giá tài sản ngày 10/06/2019 (lần thứ hai), Hội đồng lại dựa trên cơ sở “khảo sát và thu thập thông tin thị trường cùng thời điểm tài sản bị xâm hại” tại thị trấn Đồi Ngô huyện Lục Nam, kết luận: “Tổng giá trị tài sản bị thiệt hại là: 17.885.000 đồng”; Và: tại Biên bản họp định giá tài sản ngày 22/08/2018, Hội đồng định giá dựa trên cơ sở khảo sát và thu thập thông tin thị trường cùng thời điểm tài sản bị xâm hại tại “thị trấn Đồi Ngô huyện Lục Nam” và bổ sung thêm tại “khu vực thành phố Bắc Giang” - không phải địa điểm tài sản bị xâm hại - xã Bảo Sơn, kết luận: “Tổng giá trị tài sản bị thiệt hại là: 17.938.000 đồng”.

Như vậy, kết luận định giá tài sản lần thứ hai (ngày 10/06/2019) và lần thứ ba (ngày 22/08/2019) cho kết quả khác biệt hoàn toàn giá trị định giá ban đầu. Trên thực tế, “cây đào”, “cây bưởi” (loài thông thường) đều được người dân khu vực xã Bảo Sơn giao dịch theo hình thức giao dịch dân sự nhỏ lẻ, không có hóa đơn tài chính, người giao dịch không kê khai thuế và nộp thuế, cơ quan quản lý không có hệ thống dữ liệu thống kê đầy đủ. Do đó, chúng tôi có lý do để cho rằng, Hội đồng định giá tài sản lần thứ hai (ngày 10/06/2019) và lần thứ ba (ngày 22/08/2019) đã tự suy diễn hoặc dùng các phương pháp trái quy định của pháp luật để định giá “cây đào”, “cây bưởi” vào những thời điểm đã xảy ra trước đó rất lâu: 01 năm và 71 ngày (lần thứ hai) và 01 năm 153 ngày (lần thứ ba).

Cấu thành của tội hủy hoại tài sản là cấu thành vật chất, hậu quả của tội phạm này được xác định là thiệt hại từ 2.000.000 đồng trở lên (hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng trong các trường hợp do pháp luật quy đinh). Như vậy, việc định giá sai giá trị tài sản "cây bưởi", "cây đào" dẫn đến ảnh hưởng đến việc xác định tội phạm.

Thứ ba, về số lượng cây bị chặt phá.

Cáo trạng số 93/CT-VKS ngày 08/11/2019 của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Lục Nam xác định bị cáo Vũ Văn Cấp ngoài việc chặt 06 cây, còn là người trực tiếp “hủy hoại” 26 cây còn lại. Trong khi đó, các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án chỉ thể hiện bị cáo Vũ Văn Cấp chặt cây trong khoảng thời gian là 10 phút, với tốc độ 03 cây/05 phút (các biên bản ghi lời khai của Vũ Văn Cấp và nội dung trong file video.

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian ngắn chỉ vỏn vẹn 10 phút, bị cáo Vũ Văn Cấp không thể chặt được 29 cây. Việc này, chưa được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lục Nam và Viện kiểm sát nhân dân huyện Lục Nam làm rõ, nhưng “suy đoán” theo hướng “có tội”, kết luận Vũ Văn Cấp chặt (hủy hoại) 32 cây.

Sơ đồ thửa đất đã xảy ra vụ án: Bản do Cơ quan điều tra lập (trái), Bản do Luật sư Công ty Luật TNHH Everest lập (phải).

Qúa trình bảo vệ quyền và lợi ích cho khách hàng

Các Luật sư của Công ty Luật TNHH Everest tham gia vụ án với tư cách người bào chữa cho ông Vũ Văn Cấp. Trong quá trình bảo vệ quyền lợi khách hàng, Công ty Luật TNHH Everest đã:

  • Tư vấn, đưa ra các căn cứ pháp lý trong vụ án

Thực hiện tư vấn pháp luật, các Luật sư của Công ty Luật TNHH Everest nhận định: Người bị buộc tội - ông Vũ Văn Cấp không có tội, các kết luận của cơ quan tố tụng trái với thực tế khách quan, trái với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, cho thấy: đây là vụ án oan sai; Và: sai sót không phải do nghiệp vụ, mà có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp: truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội.

  • Các Luật sư chỉ ra những vi phạm tố tụng nghiêm trọng trong vụ án

Những vi phạm về tố tụng mà Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lục Nam và Viện kiểm sát nhân dân huyện Lục Nam đã truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội, nhưng không được xem xét khách quan, toàn diện, đầy đủ tại phiên tòa sơ thẩm

Thứ nhất, tài sản bị hủy hoại không được giám định: Cơ quan tiến hành tố tụng đã không trưng cầu giám định để xác định chính xác loại (bưởi, đào) làm căn cứ định giá cây.

Thứ hai, không có căn cứ chứng minh: con dao của bị cáo Vũ Văn Cấp chặt toàn bộ 15 cây đào, 17 cây bưởi. Bị cáo Vũ Văn Cấp chỉ xác nhận chặt khoảng 06 đến 08 cây. Kết luận giám định chỉ thể hiện con dao của bị cáo Vũ Văn Cấp chỉ chặt 06 cây, còn lại không xác định chính xác các cây khác có bị chặt bởi con dao của bị cáo Vũ Văn Cấp hay không.

Thứ ba, việc định giá tài sản có nhiều bất thường.

Thứ tư, có hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp của điều tra viên và cán bộ điều tra trong quá trình giải quyết vụ án.

Bị cáo Vũ Văn Cấp khẳng định Biên bản ghi lời khai ngày 16/08/2018 gồm 04 (bốn) trang - chữ ký “Cấp” và dòng chữ viết “Vũ Văn Cấp” tại trang 01 và trang 04 không phải của bị cáo Vũ Văn Cấp. Bị cáo Vũ Văn Cấp đã chỉ đích danh điều tra viên Trần Văn Dũng và cán bộ điều tra Nguyễn Tuấn Vũ – Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lục Nam – đã giả mạo chữ ký, chữ viết của mình và có đơn. Xem thêm: Chữ ký của bị cáo Vũ Văn Cấp bị giả mạo?

Công ty Luật TNHH Everest đã có Công văn số 132/2019/CV-EVER gửi Cục Điều tra – Viện kiểm sát nhân dân tối cao “báo tin về hành vi xâm phạm các hoạt động tư pháp” của điều tra viên và cán bộ điều tra Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an huyện Lục Nam. Công văn này đồng thời đã được Công ty Luật TNHH Everest gửi đến Bộ Công an, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang và Công an tỉnh Bắc Giang.

  • Luật sư tham gia bào chữa tại phiên tòa sơ thẩm và phiên tòa phúc thẩm

Phiên tòa sơ thẩm và phiên tòa phúc thẩm đã không được đảm bảo. Cụ thể, Hội đồng xét xử hai cấp (cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm) đã bác bỏ toàn bộ những lời khai có lợi cho ông Vũ Văn Cấp.

Bên cạnh đó, trong suốt quá trình tranh tụng, Luật sư bào chữa và ông Vũ Văn Cấp đã trình bày các căn cứ pháp luật và đối đáp toàn bộ những nhận định mang tính chủ quan, suy diễn theo hướng bị cáo có tội của đại diện Viện kiểm sát thực hiện quyền công tố, tuy nhiên Hội đồng xét xử hoàn toàn không căn cứ vào quá trình tranh tụng mà tuyên một bản án hầu hết dựa vào quan điểm của đại diện Viện kiểm sát.

Chúng tôi cho rằng có nhiều vấn đề trong việc quy định pháp luật khi chính bản thân người có đất để bảo vệ quyền lợi của mình mà từ bị hại lại trở thành bị cáo, trong khi đó người được cho là 'bị hại' (ông Vũ Xuân Mơ) lại không bị xử lý gì.

Bên cạnh đó, một bản án không dựa vào những căn cứ mà bị cáo, Luật sư đưa ra, thể hiện sự bất hợp lý và không đảm nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

Trần Thu Hoài

Trần Thu Hoài

https://everest.org.vn/chuyen-vien-tran-thu-hoai "Chuyên viên Trần Thị Thu Hoài tham gia Công ty Luật TNHH Everest từ năm 2020 đến nay. Các vụ án nổi bật Chuyên viên Trần Thị Thu Hoài đã trực tiếp tham gia và hỗ trợ: Thu hồi đất nông nghiệp của các hộ dân tại Cát Hải, Hải Phòng. "

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
1.37349 sec| 1098.688 kb