Vụ án: “Tranh chấp quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất” tại Gia Lâm (Hà Nội): giám đốc thẩm 'chồng' giám đốc thẩm - 'đúng thành sai', 'sai thành đúng'!

view 3586
comment-forum-solid 0

Hồ sơ vụ án “Tranh chấp quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất” tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, thể hiện: Cụ Nguyễn Ngọc Dương sử dụng nhà và đất từ năm 1984, có nguồn gốc do bố mẹ để lại ổn định, liên tục, không có tranh chấp cho đến khi chết năm 2004, tổng cộng là 20 năm. Thế nhưng Tòa án cấp phúc thẩm (Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội), kết luận: cụ Dương chỉ có quyền sở hữu căn nhà xây trên đất, mà không có quyền sử dụng đất.

Tòa án cấp phúc thẩm kết luận: ông Nguyễn Ngọc Chiến, cùng vợ là bà Nguyễn Thị Hương có quyền sử dụng dụng toàn bộ diện tích đất 191 m2, bởi được thừa kế của của ông nội, bà nội, đến bố đẻ mẹ đẻ, mặc dù không có bất cứ tài liệu, chứng cứ nào trong hồ sơ vụ án thể hiện ông nội, bà nội, bố đẻ, mẹ đẻ có di chúc để lại tài sản cho ông Chiến. Hài hước hơn, Tòa án cấp phúc thẩm nhận định: khi ông Nguyễn Ngọc Chiến, cùng vợ là bà Nguyễn Thị Hương kê khai và được cấp Giấy chứng nhận (năm 2005) thì cụ Dương không không khiếu nại gì (trong khi cụ Dương chết năm 2004). Ghi chú: tên các đương sự đã được thay đổi.

Những kết luận và quyết định phi lý của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội bị Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao kháng nghị; Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao quyết định hủy Bản án phúc thẩm. Thế nhưng, Quyết định giám đốc thẩm này bị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị giám đốc thẩm, theo hướng chấp nhận quyết định của bản án phúc thẩm (Giám đốc thẩm của Giám đốc thẩm) - gợi nhớ lại phát biểu của Nguyên Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trịnh Hồng Dương tại Quốc hội: “án dân sự, xử sao cũng được”.

Luật sư đất đai - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

- Quyền sử dụng đối với thửa đất 191 m2 đất (tranh chấp) tại xóm 6, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, được xác lập căn cứ quy định tại Khoản 4 Điều 50 Luật đất đai năm 2003, 03 người có quyền sử dụng đất, nhưng Tòa án phán quyết: chỉ  có 02 người.

Hồ sơ vụ án thể hiện tình tiết, sự kiện rõ ràng, đã được Tòa án các cấp thẩm định và thể hiện trong các bản án (sơ thẩm, phúc thẩm), các quyết định giám đốc thẩm:

Thửa đất là đối tượng tranh chấp trong vụ án: “tranh chấp quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất” có nguồn gốc: “sinh thời cố Nguyễn Ngọc Trường và cố Đào Thị Chinh tạo dựng được ngôi nhà 05 gian tranh tre vách đất trên thửa đất diện tích 191 m2, nay thuộc thửa số 54, tờ bản đồ số 15, tại xóm 6, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội để ở…”. Ngôi nhà của các cố để lại không còn - sụp đổ hoàn toàn năm 1971. “Cố Trường chết năm 1947, cố Chinh chết năm 1940. Cả hai khi chết đều không để lại di chúc”.

Cố Trường và cố Chinh có 06 người con chung. Con trai trưởng là cụ Nguyễn Ngọc Linh (chết năm 1940), con út là cụ Nguyễn Ngọc Dương (chết năm 2004). Cụ Linh có con trưởng là cụ Nguyễn Ngọc Anh, cụ Anh có con trưởng là ông Nguyễn Ngọc Chiến. Cụ Dương có con là ông Nguyễn Ngọc Quang.

Cụ Dương cùng vợ là cụ Nguyễn Thị Uyên (chết năm 1985) sử dụng ổn định thửa đất 191 m2 từ năm 1984, xây dựng trên đất ngôi nhà 04 gian, 01 dĩ, để ở và làm nghề bốc thuốc. Nhà và đất nêu trên không có tranh chấp cho đến lúc cụ Dương chết (năm 2004).

Năm 1989, ông Nguyễn Văn Chiến cùng vợ là bà Nguyễn Thị Minh Hương bắt đầu sử dụng đất. Ông Chiến, bà Hương đến ở cùng cụ Dương trên ở ngôi nhà tại thửa đất 191 m2 nêu trên (ông Chiến, bà Hương ở tại 01 gian nhà và 01 dĩ phía giáp ngoài mặt đường, cụ Dương ở tại ba (03) gian phía trong và gian thờ. Bà Hương thì cho rằng, bắt đầu sử dụng thửa đất nêu trên từ năm 1985, sau khi cưới ông Chiến. Năm 2003, ông Chiến, bà Hương đã làm 01 nhà mái bằng 2,5 tầng diện tích 66,7 m2/sàn trên thửa đất. Khi ông Chiến, bà Hương xin xây nhà riêng, cụ Dương đã đồng ý.

Năm 2005, ông Chiến, bà Hương làm thủ tục tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở đối với thửa đất 191 m2, kê khai là “đất thổ cư của bố mẹ ông Chiến cho ông Chiến từ năm 1975 không có giấy tờ” và đã được Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Quyết định số 1368/QĐ-UB ngày 30/12/2005. Bà Hương cho rằng: “Hồ sơ được cấp đúng trình tự, thủ tục quy định tại khoản 2 Điều 19 Quyết định số 23/2005/QĐ-UB ngày 18/02/2005 của UBND thành phố Hà Nội quy định về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Năm 2012, bà Hương phá dỡ 03 gian nhà chính để ki-ốt nữa cho người thuê 04 ki-ốt. Các nguyên đơn trong đó có ông Quân quyết định khởi kiện, buộc bà Hương phải trả lại cho các nguyên đơn quyền sử dụng đất để các nguyên đơn có điều kiện xây lại ngôi nhà thờ mà bố, mẹ các nguyên đơn (cụ Dương, cụ Uyên) đã xây từ năm 1984.

- Nguyên đơn (chú) kiện bị đơn (cháu dâu), bởi nhà thờ tổ tiên bị phá để xây... toilet.

Giải thích về nguyên do nguyên đơn (chú) khởi kiện, bởi bị đơn (cháu dâu) ra tòa án: nguyên đơn cho rằng, không còn cách giải quyết nào khác.

Suốt 20 năm qua, nguyên đơn cùng các con cháu vẫn đi - về cúng, giỗ tổ tiên, ông bà tại căn nhà trên thửa 191 m2 tại xóm 6, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Sau khi bố, mẹ (cụ Dương, cụ Uyên) qua đời, các nguyên đơn đặt thêm bài vị của bố mẹ các nguyên đơn tại đây. Hàng năm, các nguyên đơn vẫn thường xuyên đi về thắp hương thờ cúng tại ngôi nhà này.

Năm 2006, thông cảm với hoàn cảnh mẹ góa, con côi, nguyên đơn đã đồng ý cho bà Hương dỡ gian buồng để xây 02 ki-ốt cho thuê lấy thêm tiền nuôi các cháu. Còn 03 gian nhà ngoài vẫn giữ nguyên như cũ. Năm 2012, sau khi phá dỡ 03 gian nhà chính bà Hương còn cho xây thêm 02 ki-ốt nữa (tổng cộng là 04 ki-ốt) và xây toilet dành cho người thuê 04 ki-ốt. Tệ hại hơn là, vị trí toilet bà đặt đúng vào vị trí gian thờ mà trước đây ông nội (cố Trường) đã đặt bàn thờ tổ tiên, bố (cụ Dương) đặt bàn thờ cố Trường, cố Chinh (cũng là là ông nội, bà nội của nguyên đơn đồng thời là cụ của ông Chiến - chồng bà Hương). Các nguyên đơn đặt bàn thờ cụ Dương (là bố mẹ các nguyên đơn) thuộc gian giữa trong 03 gian nhà chính còn lại trước khi bị bà Hương phá.

Cuối cùng, nguyên đơn chỉ yêu cầu: buộc bà Hương phải trả lại cho các nguyên đơn quyền sử dụng đất để các nguyên đơn có điều kiện xây lại ngôi nhà thờ mà bố, mẹ các nguyên đơn (cụ Dương, cụ Uyên) đã xây từ năm 1984.

Cho đến nay vụ án trải qua 08 năm, giải quyết, xét xử ở bốn (04) cấp: sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm (cấp cao và tối cao). Nguyên đơn nay đã già yếu (đều trên 70 tuổi) khẩn thiết đề nghị Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao xem xét, giải quyết vụ án thấu tình đạt lý để các nguyên đơn có điều kiện khôi phục lại nhà thờ của bố mẹ các nguyên đơn để lại.

Luật sư Phạm Ngọc Minh - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

- Quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm số 34/2020/KN-DS ngày 10/6/2020 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao: 'đúng thành sai', 'sai thành đúng'.

Công ty Luật TNHH Everest sau khi nhận ủy quyền của khách hàng đã có Công văn số 103/2020/KN-EVER kiến nghị tới: Ông Nguyễn Hòa Bình - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Ông Lê Minh Trí - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại nội dung Quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm số 34/2020/KN-DS ngày 10/6/2020 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (do bà Nguyễn Thị Thúy Hiền Phó chánh án ký thay) kháng nghị Quyết định giám đốc thẩm số 109/2017/DS-GĐT ngày 23/10/2017 của Ủy ban Thẩm phán tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội.

  • Tại thời điểm năm 1980-1993 (cụ Dương, cụ Uyên sử dụng đất năm 1984, ông Chiến và bà Hương sử dụng đất năm 1989), pháp luật Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chỉ công nhận nhà ở, tư liệu sinh hoạt, những công cụ sản xuất là tài sản, nhưng không công nhận quyền sử dụng đất là tài sản, đồng thời quyền sử dụng đất không được xác định là di sản thừa kế.

Cụ thể là:

- Hiến pháp năm 1980: “Đất đai, rừng núi, sông hồ… đều thuộc sở hữu toàn dân” (Điều 19); “… Những tập thể và cá nhân đang sử dụng đất đai được tiếp tục sử dụng và hưởng kết quả lao động của mình theo quy định của pháp luật” (Điều 20); “Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu của công dân về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, những công cụ sản xuất dùng trong những trường hợp được phép lao động riêng lẻ. Pháp luật bảo hộ quyền thừa kế tài sản của công dân” (Điều 27); “Công dân có quyền có nhà ở…” (Điều 62).

- Luật đất đai năm 1987: “Người được thừa kế nhà ở hoặc người chưa có chỗ ở, khi được người khác chuyển nhượng nhà để ở, sau khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận quyền sở hữu đối với nhà ở, thì được quyền sử dụng đất ở có ngôi nhà đó” (Điều 17).

- Pháp lệnh thừa kế năm 1991: “1- Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong khối tài sản chung với người khác, quyền về tài sản do người chết để lại. Tài sản gồm có tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, các thu nhập hợp pháp” (Điều 4).

(ii) Từ ngày 15/10/1993, quyền sử dụng đất mới được pháp luật công nhận là tài sản và được thừa kế. Cụ thể là:

- Luật đất đai năm 1993: “1- Nhà nước bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. 2- Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp quyền sử dụng đất” (Điều 3); “Cá nhân, thành viên của hộ gia đình được giao đất nông nghiệp trồng cây lâu năm, đất lâm nghiệp để trồng rừng, đất ở, sau khi chết, quyền sử dụng đất của họ được để lại cho những người thừa kế theo quy định của pháp luật thừa kế” (Khoản 3 Điều 76).

- Bộ luật dân sự năm 1995: “Quyền sử dụng đất cũng thuộc di sản thừa kế và được để lại thừa kế theo quy định tại Phần thứ năm của Bộ luật này” (Khoản 2 Điều 637); “Thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế” (Điều 648).

  • Thời điểm ông Chiến, bà Hương thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2005: áp dụng theo quy định của Luật đất đai năm 2003 (có hiệu lực ngày 01/07/2004).

Đối chiếu với quy định này, thì: cụ Dương, ông Chiến và bà Hương sẽ đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đang thực tế sử dụng: Cụ Dương được cấp Giấy chứng nhận với một phần thửa đất 191 m2 có 04 gian và 01 dĩ, cộng với một phần sân chung; ông Chiến và bà Hương được cấp Giấy chứng nhận với một phần thửa đất 191 m2 có căn nhà 2,5 tầng và một phần sân chung.

Cụ thể: Khoản 4 Điều 50 Luật đất đai năm 2003: “Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 15 tháng 10 năm 1993, nay được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt đối với nơi đã có quy hoạch sử dụng đất thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất”.

Việc cơ quan có thẩm quyền (Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm, Ủy ban nhân dân xã Ninh Hiệp) xác định và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Chiến, bà Hương căn cứ Điểm c Khoản 1 Điều 50 Luật đất đai năm 2003 “Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất…” là không chính xác, bởi: không có di chúc từ cố Trường, cố Chinh, cụ Linh, cụ Anh (về nội dung này, chúng tôi sẽ phân tích chi tiết nội dung này tại phần sau).

Cụ Dương (bố của nguyên đơn) chết không để lại di chúc, nhưng các nguyên đơn đã thống nhất sử dụng phần đất thuộc quyền sử dụng của cụ Dương làm nơi thờ cúng tổ tiên, ông bà (cố Trường, cố Chinh), bố mẹ (cụ Dương, cụ Uyên). Thỏa thuận nêu trên không trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

Luật sư cho rằng: những điểm cần làm rõ trong quá trình giám đốc thẩm, đặc biệt là nhận định tại Bản án phúc thẩm số 230/2016/DS-PT ngày 28/12/2016 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và tại Quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm số 34/2020/KN-DS ngày 10/6/2020 của Tòa án nhân dân tối cao.

  • Đối với nội dung: các bên không chứng minh được cố Nguyễn Ngọc Trường và cố Đào Thị Chinh để lại diện tích đất cho con cả là cụ Nguyễn Ngọc Linh hay cho con út là cụ Nguyễn Ngọc Dương - là đúng với quy định của pháp luật dân sự và đất đai.

Nhận định tại Bản án phúc thẩm số 230/2016/DS-PT ngày 28/12/2016 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội: “… bà Nguyễn Thị Minh Hương cho rằng nhà đất tại Xóm 6, xã Ninh Hiệp nơi gia đình bà đang ở và đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đúng là của cụ Trường, cụ Chinh. Theo phong tục tập quán địa phương khi cụ Trường, cụ Chinh chế để lại cho con trưởng là Nguyễn Ngọc Linh. Cụ Linh chết để lại cho con trưởng là ông Nguyễn Ngọc Chiến (chết năm 2006) - chồng bà Hương - để thờ cúng tổ tiên… Kháng cáo của bà Hương có cơ sở để chấp nhận” - là hoàn toàn không chính xác và không có căn cứ pháp lý. Bởi:

- Việc thừa kế di sản (nếu có) phải tuân theo chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chính sách đất đai và pháp luật Việt Nam không có quy định: người chết chỉ để lại di sản thừa kế cho con trưởng.

Tại Quyết định giám đốc thẩm số 109/2017/DS-GĐT ngày 23/10/2017 của Ủy ban Thẩm phán tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, đã nhận định: “… Tuy nhiên, các bên đương sự đều không xuất trình được tài liệu, chứng cứ chứng minh cố Trường và cố Chinh để lại diện tích đất cho con cả là cụ Linh hay cho con út là cụ Dương”.

Đối chiếu với các quy định tại Chương VII Bộ luật tố tụng dân sự (các điều từ Điều 91 đến Điều 110), các bên (nguyên đơn, bị đơn) có ý kiến khác nhau, nhưng ngoài lời khai các bên đều không có tài liệu, chứng cứ chứng minh: “cố Trường và cố Chinh để lại diện tích đất cho con cả là cụ Linh hay cho con út là cụ Dương”.

Do đó, các luật sư thấy rằng: nhận định của Ủy ban Thẩm phán tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội tại Quyết định giám đốc thẩm số 109/2017/DS-GĐT ngày 23/10/2017 là chính xác. Nghĩa là, cố Trường và cố Chinh không có di chúc để lại diện tích đất cho các con (con cả là cụ Linh hoặc cho con út là cụ Dụ) - là hoàn toàn chính xác.

  • Nhận định tại Quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm số 34/2020/KN-DS ngày 10/6/2020 của Tòa án nhân dân tối cao: “cụ Dương không khiếu nại việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” - hoàn toàn vô lý.

Thực tế là: cụ Dương chết ngày 14/07/2004, còn Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp sau đó một năm (năm 2005). Các nguyên đơn không ai biết cho đến thời điểm xảy ra tranh chấp năm 2012, gia đình các nguyên đơn đã có đơn kiện năm 2012. Năm 2014, em gái của ông Chiến cũng có đơn kiện đề nghị hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho gia đình ông Chiến - do chưa đảm bảo đúng quy định của pháp luật về đất đai.

  • Đối với nội dung: “Tòa án cấp sơ thẩm lại xác định diện tích đất nêu trên là di sản của vợ chồng cố Trường đã hết thời hiệu chia thừa kế, xác định căn nhà 04 gian, 01 dĩ là di sản của vợ chồng cụ Dương, từ đó chấp nhận yêu cầu đòi quyền sử dụng của các nguyên đơn là không đúng quy định...” - là không chính xác.

Quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm số 34/2020/KN-DS ngày 10/6/2020 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (do Phó Chánh án Nguyễn Thị Thúy Hiền ký thay) viện dẫn đến Tiểu mục 1.1, Tiểu mục 1.2 của Mục 1 Phần 2 Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/08/2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Nhưng cần xác định rằng, Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng quy định của pháp luật về thời hiệu khởi kiện liên quan tới thừa kế, theo quy định tại “Khoản 1 Điều 36 Pháp lệnh Thừa kế năm 1990, Điều 648 của Bộ luật dân sự (năm 1995)”. Thời hiệu khởi kiện (thừa kế): “1- Trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế, người thừa kế có quyền khởi kiện để yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác. 2- Trong thời hạn ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế, cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại, thanh toán các khoản chi từ di sản… 4- Đối với các việc thừa kế đã mở trước ngày ban hành Pháp lệnh này thì thời hạn quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này được tính từ ngày công bố Pháp lệnh này” (Điều 36 Pháp lệnh thừa kế năm 1990). Nghĩa là, thời hiệu mở thừa kế (nếu có) tính từ ngày 10/09/1990, đến hết ngày 09/09/2000 là hết hiệu lực. Tài sản là di sản của cố Trường và cố Chinh (nếu còn) đến ngày 10/09/2000 mà không khởi kiện để yêu cầu chia di sản thì hết thời hiệu khởi kiện chia thừa kế.

Riêng về tài sản (di sản) của cố Trường và cố Chinh, chúng tôi thấy rằng: “nhà 05 gian tranh tre vách đất”… “đã bị sụp đổ hoàn toàn từ năm 1971”. Còn lại “tường bao, sân lát gạch, cổng gạch, 02 cánh cổng bằng gỗ…” còn tồn tại đến năm 1984, khi cụ Dương xây nhà mới (04 gian, 01 dĩ). Hiện có xác nhận của Trưởng thôn và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất.

Về quyền sử dụng 191 m2 - thửa đất tranh chấp: tại thời điểm cụ Dương và cụ Uyên sử dụng ổn định (năm 1984), ông Chiến và bà Hương sử dụng ổn định (năm 1989) thì đều không được xác định là tài sản theo quy định của Hiến pháp năm 1980, Luật đất đai năm 1987, Pháp lệnh thừa kế năm 1990. Tuy nhiên, cụ Dương, ông Chiến và bà Hương đã sử dụng ổn định đất trước thời điểm 15/10/1993 và qua thời điểm 01/07/2004 (cụ Dương chết ngày 14/07/2004, ông Chiến chết ngày 2006). Do đó, cụ Dương, ông Chiến và bà Hương xác lập quyền sử dụng đất phải căn cứ vào Khoản 4 Điều 50 Luật đất đai năm 2003 (phân tích trên). Như vậy, khi cụ Dương chết, tài sản (di sản) của cụ Dương để lại một phần diện tích thửa đất 191 m2 (căn nhà 04 gian, 01 dĩ và một phần sân chung) sẽ phải được xác định là di sản để chia thừa kế.

Do đó, nhận định trong Quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm số 34/2020/KN-DS ngày 10/6/2020 của Tòa án nhân dân tối cao: xác định căn nhà 04 gian, 01 dĩ là di sản của vợ chồng cụ Dương, từ đó chấp nhận yêu cầu đòi quyền sử dụng của các nguyên đơn là không đúng quy định...” , từ đó đề nghị “giữ nguyên Bản án phúc thẩm số 230/2016/DS-PT ngày 28/12/2016 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội”, là không chính xác.

- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

Luật sư Phạm Ngọc Minh

Luật sư Phạm Ngọc Minh

https://everest.org.vn/luat-su-pham-ngoc-minh/ Luật sư Phạm Ngọc Minh - CEO Công ty Luật TNHH Everest. Luật sư Minh có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật.

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
0.25756 sec| 1123.961 kb