Vụ án "tranh chấp quyền sử dụng đất Lâm nghiệp" (Bắc Giang): Biến ‘có’ thành ‘không’, biến ‘thật’ thành ‘giả’, Hội đồng xét xử quá tài!

view 6249
comment-forum-solid 0

Nguyên đơn và bị đơn cùng mua chung (nhận chuyển nhượng) diện tích đất lâm nghiệp 01 hecta. Tài liệu chứng cứ của vụ án cho thấy việc mua chung là có thật. Người chuyển nhượng đất nhận đủ tiền (có giấy biên nhận số tiền 23.000.000 đồng), giao đủ diện tích đất và không có ý kiến gì khác. Sau 15 năm sử dụng ổn định, nguyên đơn muốn ‘độc chiếm’ toàn bộ thửa đất, đã khởi kiện bị đơn, tạo ra tranh chấp.

Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang sau nhiều năm 'ngâm cứu' hồ sơ, mới đưa vụ án ra xét xử, nhưng nhận định trái ngược hoàn toàn với chứng cứ có trong hồ sơ vụ án: “không nêu ra được chứng cứ chứng minh việc mua chung và trả tiền”, cuối cùng không kết luận được hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp (thật) là hợp pháp hay không hợp pháp.

Các Luật sư của Công ty Luật TNHH Everest đã chỉ ra Lời khai của nguyên đơn và một số nhân chứng gian dối, ‘thô thiển’, nhưng lại được Hội đồng xét xử dùng làm căn cứ bác chứng cứ xác thực khác, kiểu ‘cò gỗ mổ cò thật’, từ đó tuyên Bản án hết sức mơ hồ, không chỉ sai lệch bản chất vụ án, mà nguy cơ gây bất ổn trật tự xã hội và niềm tin vào công lý.

Luật sư Nguyễn Duy Hội - Công ty Luật TNHH Everest, Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Bản chất của vụ án: nguyên đơn, bị đơn cùng nhận chuyển nhượng (chung) thửa đất lâm nghiệp diện tích 01 hecta. Sau 15 năm sử dụng ổn định, không có tranh chấp, nguyên đơn 'thay đổi', muốn ‘độc chiếm’ toàn bộ thửa đất.

Trong vụ án: “tranh chấp quyền sử dụng đất lâm nghiệp, yêu cầu hủy hợp đồng dân sự, yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, đã được Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang xét xử sơ thẩm (Bản án số 01/2019/DS-ST ngày 12/08/2019), được Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội thụ lý, giải quyết theo thủ tục phúc thẩm, ông Dương Văn Hiến (thường trú tại phường Trần Phú, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) là nguyên đơn, ông Nguyễn Trọng Lý (thường trú tại thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) là bị đơn.

Nguyên đơn Dương Văn Hiến trình bày: Tháng 02/1996, ông Dương Văn Hiến có nhu cầu sản xuất cây con giống, trồng cây phủ xanh đất trống đồi núi trọc, ông làm đơn xin mua đất đồi làm vườn, được địa phương cho phép ông đã góp tiền xây dựng địa phương 200.000 đồng, nộp lệ phí đất trồng rừng là 2.000.000 đồng. Thực tế, ông Dương Văn Hiến nhận chuyển nhượng 10.120 m2 đất đồi núi Hệ từ bà Nguyễn Thị Tính.

Ngày 08/02/1996, ông Dương Văn Hiến ký với Uỷ ban nhân dân xã Song Mai một (01) bản hợp đồng “Hợp đồng giao đất trồng rừng” số 02/HĐ-TR ngày 08/02/1996. Nội dung Ủy ban nhân dân xã Song Mai nhất trí giao cho ông Hiến 10.120 m2 đất đồi núi Hệ.

Sau khi hoàn thiện các thủ tục, ông quảng cáo tìm người hợp tác nên có nói với ông Nguyễn Trọng Lý và các gia đình là hội viên làm vườn ở các tỉnh, các huyện mà ông biết. Ông Nguyễn Trọng Lý có ý định muốn làm cùng do vậy ông Dương Văn Hiến đã cho ông Nguyễn Trọng Lý xem “Hợp đồng giao đất trồng rừng” số 02/HĐ-TR ngày 08/02/1996 (Bản đánh máy chữ có 03 dòng chữ viết tay của cán bộ địa chính Trần Thanh Hồng) và một số giấy tờ văn bản liên quan. Tuy nhiên, Dự án “Vườn Hòa Bình - Việt Mỹ” không thực hiện, từ năm 1997 đến 2011, ông Dương Văn Hiến không gặp ông Nguyễn Trọng Lý. Sau khi biết ông Nguyễn Trọng Lý tự ý kê khai để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với ½ diện tích đất mà ông Dương Văn Hiến được giao, ông Dương Văn Hiến không đồng ý. Do vậy năm 2011, ông Dương Văn Hiến kiện ông Nguyễn Trọng Lý lên Ủy ban nhân dân xã Song Mai. Hai bên không thỏa thuận và đàm phán, hòa giải được. Năm 2012, ông Dương Văn Hiến gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân thành phố Bắc Giang.

Bị đơn Nguyễn Trọng Lý trình bày - trái ngược hoàn toàn: Năm 1996, do có quan hệ cùng quê và là bạn học, nên ông Dương Văn Hiến có rủ ông Nguyễn Trọng Lý mua chung một mảnh đất đồi, lúc đó ông Dương Văn Hiến không đủ tiền mua cả mảnh đất đồi. Ông Dương Văn Hiến có nói với ông Nguyễn Trọng Lý: đất này là đồi rừng của gia đình ông Nguyễn Văn Đoàn và bà Nguyễn Thị Tính ở xã Song Mai, thị xã Bắc Giang, nhưng ông Nguyễn Văn Đoàn đang đi tù ở Thanh Hóa và đất này Mỹ sẽ xây dựng “Vườn Hòa Bình - Việt Mỹ”. Ông Nguyễn Trọng Lý đã đồng ý mua chung mảnh đất trị giá 24.000.000 đồng, mỗi người chịu một nửa. Ông Nguyễn Trọng Lý đưa tiền cho ông Dương Văn Hiến thành 05 đợt, tổng số tiền là 12.000.000 đồng. Để phân chia giáp ranh ông Nguyễn Trọng Lý đã thuê người đào hào, mua dứa, cành vải và thuê ô tô chở xuống cho ông Dương Văn Hiến. Đồng thời ông Dương Văn Hiến đã gửi các giấy tờ về đất cho ông Nguyễn Trọng Lý bao gồm: “Hợp đồng giao đất trồng rừng” số 02/HĐ-TR ngày 08/02/1996 (Bản đánh máy vi tính, ghi rõ nội dung: “... giao cho ông Dương Văn Hiến và ông Nguyễn Trọng Lý 10.120 m2...” - bị đơn đã giao bản hợp đồng này cho Tòa án), thư viết tay của ông Dương Văn Hiến và ảnh kèm theo, sơ đồ mặt bằng “Vườn Hòa Bình - Việt Mỹ” và các giấy tờ tài liệu khác.

Năm 2007, vợ của ông Nguyễn Trọng Lý là bà Nguyễn Thị Nền nhiêu lần đến gặp yêu cầu ông Dương Văn Hiến làm “Sổ đỏ” (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp). Lúc đó, ông Dương Văn Hiến không ở nhà. Bà Nguyễn Thị Nền đã đem hợp đồng đi làm “Sổ đỏ” đối với một nửa (½) phần đất. Ngày 27/07/2007, Ủy ban nhân dân thành phố Bắc Giang cấp giấy chứng nhận số AL 024240 với diện tích đất là 5.338,9 m2 tại thửa đất số 816, tờ bản đồ số 06 cho vợ chồng ông Nguyễn Trọng Lý và bà Nguyễn Thị Nền - địa chỉ thửa đất tại Thôn Phúc Bé, xã Song Mai, thành phố Bắc Giang. Ông Nguyễn Trọng Lý và bà Nguyễn Thị Nền đã sử dụng ổn định đất cho đến ngày xảy ra khiếu kiện của ông Dương Văn Hiến.

Điểm chung trong lời khai của nguyên đơn (Dương Văn Hiến) và bị đơn (Nguyễn Trọng Lý) trong vụ án này: Thửa đất lâm nghiệp (đồi núi Hệ) diện tích 01 hecta (làm tròn) có nguồn gốc nhận chuyển nhượng từ bà Nguyễn Thị Tính (vợ) và ông Nguyễn Văn Đoàn (chồng).

Tuy nhiên, nguyên đơn Dương Văn Hiến phủ nhận: có mua chung với bị đơn Nguyễn Trọng Lý 01 hecta đất lâm nghiệp (đồi núi Hệ). Ngược lại, bị đơn Nguyễn Trọng Lý khẳng định đã mua chung 01 hecta đất lâm nghiệp (đồi núi Hệ) với nguyên đơn Dương Văn Hiến, do đó có quyền sử dụng một nửa (½) thửa đất lâm nghiệp 01 hecta này, sau đó bị đơn đã hoàn thiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2007.

Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang

  • Để xác định lời khai của ai là chính xác, cần xem xét các chứng cứ:

Về các chứng cứ văn bản (tài liệu đọc được nội dung): Giấy viết tay của nguyên đơn (Dương Văn Hiến, “Hợp đồng giao đất trồng rừng” số 02/HĐ-TR ngày 08/02/1996, có nội dung ghi rõ nội dung “... giao cho ông Dương Văn Hiến và ông Nguyễn Trọng Lý 10.120 m2  đất đồi núi Hệ... ” (chúng tôi sẽ phân tích chi tiết Bản hợp đồng này tại phần sau).

Lời khai của những người làm chứng - những người chứng kiến nguyên đơn Dương Văn Hiến, bị đơn Nguyễn Trọng Lý sử dụng đất đã sử dụng đất trong suốt 15 năm (từ năm 1996 - thời điểm nhận chuyển nhượng, đến năm 2011 - thời điểm tranh chấp):

(1) Người làm chứng ông Nguyễn Văn Hồ - có đất giáp ranh: “Diện tích đất nêu trên là của ông Dương Văn Hiến và ông Nguyễn Trọng Lý mua chung… ông Nguyễn Văn Hồ được ông Nguyễn Trọng Lý cho xem một số giấy biên nhận giao tiền giữa ông Dương Văn Hiến và ông Nguyễn Trọng Lý...”.

(2) Người làm chứng là ông Tống Hồng Khanh - có đất giáp ranh: “... Ông Dương Văn Hiến và ông Nguyễn Trọng Lý có thuê ông trồng cây, đào giếng, tân tạo san mặt bằng, ông Nguyễn Trọng Lý là người thanh toán tiền công cho ông Tống Hồng Khanh... được ông Nguyễn Trọng Lý cho xem một số giấy biên nhận tiền giữa ông Dương Văn Hiến và ông Nguyễn Trọng Lý".

(3) Bà Nguyễn Thị Tính (là người sử dụng quyền sử dụng hợp pháp 10.012 m2 trước khi chuyển nhượng): “… ông Dương Văn Hiến có trao đổi về việc mua hộ cho ông Nguyễn Trọng Lý (ở Lục Ngạn) và yêu cầu bà Nguyễn Thị Tính làm thủ tục giấy tờ chuyển nhượng cho ông Dương Văn Hiến để đến nhà ông Nguyễn Trọng Lý lấy tiền...”. Bà Nguyễn Thị Tính khẳng định: "ngày 18/01/1996, tôi có chuyển nhượng cho ông Dương Văn Hiến… 01 hecta thuộc đồi núi Hệ… đã nhận trước 12.000.000 đồng…, ngày 18/02/1996, tôi đã nhận đủ tiền là 23.000.000 đồng… ngày 18/02/1996,… đã hoàn chỉnh hồ sơ có sự giám sát của Ủy ban nhân dân xã Song Mai…".

Trong hồ sơ vụ án còn nhiều nhiều tài liệu, chứng cứ là lời khai của người làm chứng khác, thể hiện: đã có một hợp đồng mua (nhận chuyển nhượng) chung, mà bên mua (nhận chuyển nhượng) là nguyên đơn Dương Văn Hiến và bị đơn Nguyễn Trọng Lý.

Quan điểm của các Luật sư Công ty Luật TNNHH Everest - bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn Nguyễn Trọng Lý - lưu ý nguyên tắc: “Trong quá trình xét xử, mọi tài liệu, chứng cứ phải được xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện, công khai, trừ trường hợp không được công khai... Tòa án... căn cứ vào kết quả tranh tụng để ra bản án...” (Điều 24 Bộ luật tố tụng dân sự):

- Với chứng cứ là văn bản, có thể xác định: đã có hợp đồng mua bán (chuyển nhượng) chung quyền sử dụng đất lâm nghiệp "đồi núi Hệ". Bên mua (bên nhận chuyển nhượng) là ông Dương Văn Hiến (nguyên đơn) và ông Nguyễn Trọng Lý (bị đơn). Bên bán (bên chuyển nhượng) là bà Nguyễn Thị Tính (vợ) và Nguyễn Văn Đoàn (chồng) - đã nhận đủ tiền, đã bàn giao đất và không có ý kiến nào khác.

- Sự việc mua bán (chuyển nhượng) và sử dụng đất lâm nghiệp diễn ra công khai, liên tục trong suốt 15 năm (từ năm 1996 - thời điểm nhận chuyển nhượng, đến năm 2011 - thời điểm tranh chấp), có sự chứng kiến và xác nhận của rất nhiều người làm chứng. Nguyên đơn Dương Văn Hiến luôn  phủ nhận hợp đồng mua  bán (chuyển nhượng) chung này, nhưng điều đó chỉ thể hiện nguyên đơn Dương Văn Hiến đã khai gian dối.

- Bản án sơ thẩm kết luận: (1) "... căn cứ các chứng cứ thu thập được xác định nguồn gốc thửa đất tranh chấp giữa ông Dương Văn Hiến (nguyên đơn) với ông Nguyễn Trọng Lý bà Nguyễn Thị Nền (bị  đơn) là do ông Dương Văn Hiến nhận chuyển nhượng từ vợ chồng ông Nguyễn Văn Đoàn và bà Nguyễn Thị Tính...", thế nhưng Bản án 'lờ' đi lời khai của bà Nguyễn Thị Tính: "... mua hộ cho ông Nguyễn Trọng Lý (ở Lục Ngạn) và yêu cầu bà Nguyễn Thị Tính làm thủ tục giấy tờ chuyển nhượng cho ông Dương Văn Hiến để đến nhà ông Nguyễn Trọng Lý lấy tiền..."; Tiếp theo kết luận: (2) “không nêu ra được chứng cứ chứng minh việc mua chung và trả tiền” - , không có sức thuyết phục, ‘có’ đã biến thành ‘không’, ‘thật’ đã biến thành ‘giả’ chỉ thể hiện sự không khách quan vô tư của Hội đồng xét xử.

Hai bản hợp đồng giao đất trồng rừng số 02/HĐ-TR ngày 08/02/1996

Hai bản “Hợp đồng giao đất trồng rừng” số 02/HĐ-TR cùng ngày 08/02/1996 đều 'giả tạo', nhưng là chứng cứ quan trọng chứng minh sự việc: nguyên đơn và bị đơn cùng mua (nhận chuyển nhượng) chung thửa đất lâm nghiệp.

Trong hồ sơ vụ án tồn tại song song hai (02) bản “Hợp đồng giao đất trồng rừng” số 02/HĐ-TR cùng ngày 08/02/1996 cùng có chữ ký của nguyên đơn Dương Văn Hiến, đại diện của Ủy ban nhân dân xã Song Mai và chữ ký của hai Trưởng thôn. Điều khác biệt (duy nhất) của hai bản hợp đồng này là, một bản đánh máy vi tính có nội dung “... giao cho ông Dương Văn Hiến và ông Nguyễn Trọng Lý 10.120 m2  đất đồi núi Hệ... ”, còn một bản đánh máy chữ thì không có dòng chữ này. Tại đơn khởi kiện nguyên đơn Dương Văn Hiến yêu cầu Tòa án: hủy bản “Hợp đồng giao đất trồng rừng” số 02/HĐ-TR cùng ngày 08/02/1996 có nội dung “... giao cho ông Dương Văn Hiến và ông Nguyễn Trọng Lý 10.120 m2  đất đồi núi Hệ... ”, công nhận giá trị của bản hợp đồng còn lại.

  • Vì sao có hai bản hợp đồng cùng ngày, nhưng có nội dung khác nhau, chúng ta xem xét các lời khai của người làm chứng:

Người làm chứng là ông Nguyễn Văn Hải tại thời điểm tháng 02/1996 là Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Song Mai - đại diện Ủy ban nhân dân xã Song Mai ký và đóng dấu vào các bản hợp đồng - đã khai: “... tôi đại diện cho Ủy ban nhân dân xã Song Mai ký hợp đồng (Hợp đồng giao đất trồng rừng” số 02/HĐ-TR ngày 08/02/1996”). Bên nhận thầu là ông Dương Văn Hiến... Kèm theo hợp đồng có sơ đồ mặt bằng thửa đất trồng rừng của ông Dương Văn Hiến tại núi Hệ... Việc Ủy ban nhân dân giao đất cho ông Nguyễn Văn Đoàn bà Nguyễn Thị Tính cũng có văn bản, giấy tờ theo quy định pháp luật lưu ở Ủy ban nhân dân xã Song Mai".

Lời khai của ông Nguyễn Văn Hải về nội dung này về cơ bản phù hợp với lời khai của các người làm chứng khác. Như vậy, lời khai này theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự được coi là chứng cứ. Với chứng cứ này có thể khẳng định: "Hợp đồng giao đất trồng rừng” số 02/HĐ-TR ngày 08/02/1996 là có thật.

Tuy nhiên, đây lại là hợp đồng giả tạo, bởi bản chất Ủy ban nhân dân xã Song Mai khi đó không phải là cơ quan có thẩm quyền quản lý 10.000  m2 đất đồi núi Hệ, bởi diện tích đất lâm nghiệp này đang do ông Nguyễn Văn Đoàn (chồng) cùng bà Nguyễn Thị Tính (vợ) sử dụng (hợp pháp). Và nếu không phải là cơ quan có thẩm quyền quản lý 10.000 m2 đất đồi núi Hệ thì Ủy ban nhân dân xã Song Mai không thể “giao đất trồng rừng” cho ông Dương Văn Hiến và ông Nguyễn Trọng Lý.

Do đó, quan điểm của các Luật sư của Công ty Luật TNHH Everest: các bản "Hợp đồng giao đất trồng rừng” số 02/HĐ-TR ngày 08/02/1996 chỉ có giá trị xác nhận việc chuyển nhượng thửa đất lâm nghiệp 10.000 m2 đất đồi núi Hệ từ người sử dụng cũ  ông Nguyễn Văn Đoàn (chồng) cùng bà Nguyễn Thị Tính (vợ) sang cho người sử dụng mới ông Dương Văn Hiến và ông Nguyễn Trọng Lý. "Hợp đồng giao đất trồng rừng” số 02/HĐ-TR ngày 08/02/1996 (cả hai bản) cần thiết phải tuyên bố vô hiệu (do giả tạo) - mà không phải hủy hợp đồng như bản án sơ thẩm đã tuyên.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho ông nguyễn Trọng Lý và bà Nguyễn Thị Nền

Hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho bị đơn - không thể hiện đúng bản chất vụ án và ‘phá vỡ’ sự ổn định của quan hệ dân sự.

Tại yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Dương Văn Hiến còn đề nghị Tòa án hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp (số AL 024240 ngày 27/7/2007)  do Ủy ban nhân dân thành phố Bắc Giang cấp cho bị đơn Nguyễn Trọng Lý.

  • Để xem yêu cầu này của nguyên đơn có căn cứ hay không, hãy cùng xem xét các chứng cứ:

Hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với ½ thửa đất lâm nghiệp “đồi núi Hệ” của ông Nguyễn Trọng Lý và Nguyễn Thị Nền gồm: (i) Đơn mẫu số 6a/ĐK ngày 08/09/2005; (ii) Tờ tự khai về nguồn gốc sử dụng đất lâm nghiệp của gia đình ngày 08/09/2005; (iii) Biên bản xác định ranh giới, mốc giới thửa đất theo hiện trạng sử dụng đất ngày 08/09/2005; (iv) Hợp đồng giao đất trồng rừng số 02/HĐ-TR ngày 08/02/1996; (v) Đơn xin mua đất đồi làm vườn ngày 02/02/1996; Biên nhận ngày 18/01/1996; (vi) Giấy chuyển nhượng đồi núi trọc ngày 02/02/1996; (vii) Biên bản bàn giao đất rừng ngày 08/02/1996; (viii) Sơ đồ mặt bằng thửa đất trồng rừng của ông Dương Văn Hiến tại núi Hệ.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Phó trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường thành phố Bắc Giang (đại diện theo ủy quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Bắc Giang) tham gia tố tụng - trình bày quan điểm: “Ngày 27/07/2007 Ủy ban nhân dân thành phố Bắc Giang cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho bà Nguyễn Thị Nền, ông Nguyễn Trọng Lý, cấp đúng trình tự, thủ tục quy định theo Luật đất đai năm 2003 và Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ”.

Như vậy, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Trọng Lý và bà Nguyễn Thị Nền là phù hợp với quy định pháp luật và được công nhận.

Tuy nhiên, khi nhận định về tính hợp pháp của bộ hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông Nguyễn Trọng Lý, bà Nguyễn Thị Nền, Hội đồng xét xử sơ thẩm cho rằng: “không có hồ sơ đất, không có chữ ký giáp ranh của các hộ liền kề, không thể hiện kích thước các cạnh của thửa đất nên hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông Nguyễn Trọng Lý. Bút lục 202 (trang 02) thể hiện sơ đồ, mốc giới thửa đất được Ủy ban nhân dân xã (ông Thân Trọng Ninh), cán bộ đo đạc (ông Nguyễn Văn Đặng) và cán bộ địa chính (ông Trần Hồng) ký xác nhận...".

Có thể thấy, nhận định này cùa Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm hoàn toàn không căn cứ trên quy định của pháp luật tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận. Bởi: theo quy định pháp luật đất đai, tại thời điểm ông Nguyễn Trọng Lý được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, biên bản xác nhận ranh giới, mốc giới thửa đất sử dụng không phải là giấy tờ bắt buộc bởi đây là đất lâm nghiệp, giấy tờ này áp dụng đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ở không có giấy tờ (Mục 2.I Chương 3 Thông tư số 1990/2001/TT-TCĐC của Tổng cục địa chính ngày 30/11/2001 hướng dẫn thủ tục đăng ký đất đai, lập hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Tại Biên bản bàn giao mặt bằng ngày 08/02/1996 đã thể hiện vị trí thửa đất có các cạnh giáp ranh cụ thể: “Phía Bắc giáp mương nước cánh đồng thuộc thôn Nhân Lễ; Phía Tây giáp đường đi vào khu đồi ông Đành; Phía Nam giáp đồi ông Thông trồng cây; Phía Đông giáp đồi và đất ở ông Hồ”. Ủy ban nhân dân xã Song Mai tại Văn bản thể hiện quan điểm: Do tại thời điểm đó, đo đạc bằng thủ công do vậy không thể hiện kích thước, tuy nhiên ranh giới thửa đất không thay đổi các hộ đều có hàng rào, lạch nước ở giữa.

Vậy thì, không thể căn cứ việc hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không có chữ ký giáp ranh của các hộ liền kề, không thể hiện kích thước các cạnh của thửa đất để hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất  đã cấp cho hộ gia đình ông Nguyễn Trọng Lý.

Việc Tòa án cấp sơ thẩm quyết định hủy Giấy chứng quyền sử dụng đất  số AL 024240 ngày 27/07/2007 do Ủy ban nhân dân thành phố Bắc Giang cấp cho ông Nguyễn Trọng Lý và bà Nguyễn Thị Nền không có căn cứ, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông Nguyễn Trọng Lý và bà Nguyễn Thị Nền (bị đơn).

Lời kết: Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang ngày 12/08/2019 quyết định: (i) Hủy 02 bản hợp đồng giao đất trồng rừng số 02/HĐ-TR ngày 08/02/1996 (01 bản đánh máy chữ và 01 bản đánh đánh máy vi tính) (ii) Hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất AL 024240 ngày 27/07/2007 do Ủy ban nhân dân thành phố Bắc Giang cấp cho ông Nguyễn Trọng Lý và bà Nguyễn Thị Nền (iii) Tạm giao cho ông Dương Văn Hiến diện tích 5603,6 m2 quản lý sử dụng, thể hiện rằng: Bản án (1) dài 'loằng ngoằng' tới 20 trang, chưa giải quyết đúng vấn đề chính; (2) 'lập lờ' khi không kết luận, xác định được ai là có quyền sử dụng đối với diện tích đất lâm nghiệp 10.120 m2 (đo lại diện tích thực tế còn 5603,6 m2); (3) 'Cán cân công lý' đã bị 'lệch' khi nhận định "chưa có căn cứ xác nhận thuộc quyền sử dụng của ông Dương Văn Hiến...", nhưng quyết định: “... giao ông Dương Văn Hiến diện tích 5603,6 m2 quản lý sử dụng..." - không dựa trên căn cứ pháp lý nào.

Xem thêm:

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  • Bài viết trong lĩnh vực pháp luật dân sự được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  • Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  • Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

Luật sư Nguyễn Duy Hội

Luật sư Nguyễn Duy Hội

Luật sư Nguyễn Duy Hội là tác giả, cố vấn chuyên môn cho các bài viết tư vấn pháp luật tại website phaptri.vn

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
0.57996 sec| 1108.328 kb