Khái niệm công lý trong pháp luật được hiểu như thế nào?

Bởi Nguyễn Trọng An - 17/12/2019
view 1719
comment-forum-solid 0

Trong suốt chiều dài lịch sử của nhân loại, khái niệm “công lý” đã được nhiều nhà tư tưởng đề cập đến. Khái niệm “công lý” được xác định dựa trên nhiều khía cạnh, góc độ tiếp cận khác nhau, thể hiện những khác biệt giữa các nền văn hóa khác nhau, giữa các thời điểm lịch sử tư tưởng nhà nước và pháp luật khác nhau.

- Khái niệm công lý theo quan điểm của các nhà tư tưởng

Trong thời hiện đại, công lý đã được phân tích một cách chi tiết bởi nhà triết học chính trị hàng đầu của Mỹ J. Rawls đề cập đến trong cuốn Một lý thuyết về Công lý của ông, theo đó: “công lý là cái đặc tính đầu tiên của các thể chế xã hội, cũng như công lý là đặc tính của hệ tư tưởng”.

J. Rawls coi công lý như là công bằng (justice as fairness), là niềm tin của pháp luật, là hạt nhân của đạo đức và là điều kiện tiên quyết của xã hội công dân… Do vậy, theo ông, “trong một xã hội công bằng thì sự bình đẳng về các quyền công dân và các quyền tự do đối với tất cả mọi người là không thể thay đổi; những quyền được công lý đảm bảo thì không thể đem ra mặc cả về chính trị hay những tính toán về lợi ích xã hội". Trong cuốn từ điển Luật Black, “công lý” đã được định nghĩa là “sự công bằng và hợp lý, với ba ý niệm cơ bản: sự nhấn mạnh về tầm quan trọng cá nhân, yêu cầu các cá nhân phải được đối xử một cách phù hợp, không thiên vị và bình đẳng”.

- Khái niệm công lý theo quy định của pháp luật

Ở Việt Nam, khái niệm công lý đã được nhắc đến trong một số công trình nghiên cứu gần đây của một số tác giả như: Nguyễn Đăng Dung (Tòa án Việt Nam trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền) ; Nguyễn Văn Hiển (Bàn về hệ thống pháp luật), Viện khoa học pháp lý Bộ Tư pháp (Đề tài nghiên cứu cấp cơ sở “Mối quan hệ giữa pháp luật và công lý – Lý luận và thực tiễn”), Vũ Công Giao (Tiếp cận công lý và các nguyên lý của nhà nước pháp quyền) …

Bên cạnh đó, về khía cạnh ngôn ngữ, khái niệm công lý cũng đã xuất hiện trong một số từ điển, ví dụ như: “Công lý là lẽ phải, lẽ công bằng, phù hợp với pháp luật đương thời, không thiên lệch, không tư vị. Chế độ nào cũng coi tòa án là tượng trưng cho công lý, là cơ quan công lý của chế độ ấy”. Hay công lý là “sự công bằng hay chính nghĩa, sự đúng đắn, lẽ phải. Thường được dùng trong đời sống pháp lý và đặc biệt là trong hoạt động tư pháp”; “Công lý là sự nhận biết đúng đắn và tôn trọng theo lẽ phải các quyền lợi ích chính đáng của mọi người”..

Luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Trong lĩnh vực tư pháp, công lý và bảo vệ công lý được xác định là một trong những mục tiêu cơ bản của Chiến lược cải cách tư pháp của Việt Nam đến năm 2020  (Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 06 năm 2005 của Bộ Chính trị). Cụ thể, Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020  đã nêu rõ việc: “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao”. Cùng với đó, trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra những biện pháp nhằm đảm bảo cơ sở chính trị cho hoạt động cải cách tư pháp để từ đó xây dựng cơ quan tư pháp phải thật sự là chỗ dựa vững chắc trong hoạt động bảo vệ công lý và quyền con người cho nhân dân. Cụ thể, về mục đích và lộ trình thực hiện, Văn kiện xác định: “Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, từng bước hiện đại; bảo vệ pháp luật, công lý, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân. Phân định rành mạch thẩm quyền quản lý hành chính với trách nhiệm, quyền hạn tư pháp trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan tư pháp”.

Như vậy, khái niệm công lý trong Chiến lược cải cách tư pháp và Văn kiện Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam mang tính chất là công lý trong lĩnh vực tư pháp, thể hiện qua việc xét xử bằng các thủ tục tố tụng công bằng, hợp pháp, nhằm bảo vệ lợi ích của nhân dân và của xã hội. Dự thảo Hiến pháp năm 1992 (Sửa đổi) của Uỷ ban Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 đã dự kiến bổ sung, làm sáng tỏ nhiệm vụ của Toà án nhân dân trước yêu cầu bảo vệ công lý: “Toà án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Quy định này sau đó đã được thể hiện trong Hiến pháp năm 2013 (Khoản 3 Điều 102).

Có thể thấy, trước yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, công lý và bảo vệ công lý đã trở thành một trong những mục tiêu cơ bản, xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Đảng và Nhà nước ta, được xem như là một giá trị tiến bộ xã hội nhân văn, bền vững được toàn xã hội thừa nhận và hướng tới.

Như vậy, dù có nhiều quan niệm về công lý trên thế giới cũng như ở Việt Nam, nhưng xét cho cùng thì công lý có thể được hiểu là việc bảo đảm sự công bằng, bình đẳng giữa con người với con người đối với các quyền và lợi ích hợp pháp của họ, người này không được phép làm phương hại đến các quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, nếu có sự vi phạm về quyền và lợi ích hợp pháp của người khác thì người đó sẽ phải chịu trách nhiệm và trả giá cho những phương hại mà mình đã gây ra.

Trích dẫn: "Mối quan hệ giữa công lý và quyền con người" - Tác giả: ThS. Hoàng Thị Bích Ngọc (Tạp chí Nhân lực Khoa học Xã hội, số 12/2018)

- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

Nguyễn Trọng An

Nguyễn Trọng An

Nguyễn Trọng An là content editor tại website phaptri.vn

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
2.41679 sec| 1016.336 kb