Bộ Luật Dân sự quy định như thế nào về quyền hưởng dụng?

Bởi Trần Thu Thủy - 05/01/2020
view 519
comment-forum-solid 0
Bộ luật Dân sự năm 2015 đã bổ sung chế định về quyền khác đối với tài sản. Một trong các nội dung mới được ghi nhận tại quyền khác đối với tài sản đó là quyền hưởng dụng.

 Quyền hưởng dụng là gì?

Theo Điều 257 của Bộ luật dân sự năm 2015, quyền hưởng dụng là quyền của chủ thể được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác trong một thời hạn nhất định.

Trong đó, hoa lợi là sản vật tự nhiên mà tài sản mang lại (ví dụ như tài sản là một con trâu, khi trâu sinh ra nghé thì nghé chính là hoa lợi). Lợi tức là các khoản lợi thu được từ việc khai thác tài sản (ví dụ tài sản là một căn hộ, lợi tức sẽ là số tiền nhận được từ việc cho thuê căn hộ đó hàng tháng).

Như vậy, người có quyền hưởng dụng là người có quyền sử dụng và quyền hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản đó. Quyền định đoạt vẫn thuộc về chủ sở hữu tài sản. Việc khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức chỉ diễn ra trong một thời hạn nhất định, do thỏa thuận hoặc do hành vi pháp lý đơn phương của chủ thể. Chủ thể quyền hưởng dụng có thể tự mình sử dụng tài sản và thu hoa lợi, lợi tức từ tài sản đó hoặc có thể chuyển giao quyền này cho người khác nhưng không có quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu.

Căn cứ xác lập quyền hưởng dụng

Căn cứ xác lập quyền hưởng dụng được ghi nhận tại Điều 258 BLDS 2015 như sau: Quyền hưởng dụng được xác lập theo quy định của luật, theo thỏa thuận hoặc theo di chúc.

Căn cứ xác lập quyền hưởng dụng là những sự kiện xảy ra trên thực tế mà theo quy định của pháp luật thì quyền hưởng dụng được xác lập trên tài sản của người khác cho một chủ thể nhất định. Điều luật trên xác định quyền hưởng dụng được xác lập theo các căn cứ sau đây:

Thứ nhất, quyền hưởng dụng xác lập theo quy định của luật: Là trường hợp luật quy định cho một chủ thể trong những điều kiện nhất định có quyền hưởng dụng đối với tài sản của người khác.

Thứ hai, quyền hưởng dụng xác lập theo thỏa thuận của các bên: Thỏa thuận này phải là tự nguyện, không vi phạm điều cấm của pháp luật và không vi phạm đạo đức xã hội.

Thứ ba, quyền hưởng dụng xác lập theo di chúc: Di chúc là sự thể hiện ý chí của bên lập di chúc thể hiện ý nguyện cuối cùng về việc sử dụng và định đoạt tài sản của mình sau khi qua đời. Theo đó người lập di chúc có thể định đoạt tài sản cho một người thừa kế và để lại quyền hưởng dụng tài sản cho một người khác.

Hiệu lực của quyền hưởng dụng

Căn cứ Điều 259 Bộ luật dân sự năm 2015, thời điểm phát sinh hiệu lực quyền hưởng dụng bao gồm:

Thứ nhất, thời điểm phát sinh từ thời điểm nhận chuyển giao tài sản: đây là thời điểm thực tế người có quyền hưởng dụng được tiến hành các hoạt động khai thác, sử dụng tài sản của chủ sở hữu.

Thứ hai, thời điểm phát sinh theo thỏa thuận của các bên: trường hợp này, sự thỏa thuận phụ thuộc vào ý chí của các bên, thường là phụ thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện cho tiện lợi của các bên.

Thứ ba, theo quy định của pháp luật.

Thời hạn của quyền hưởng dụng

Thời hạn của quyền hưởng dụng được ghi nhận tại Điều 260 Bộ luật dân sự năm 2015, cụ thể theo từng chủ thể:

Nếu chủ thể là cá nhân, thời hạn của quyền hưởng dụng do các bên thỏa thuận hoặc do luật quy định nhưng tối đa đến hết cuộc đời của người hưởng dụng đầu tiên. Nếu người có quyền hưởng dụng cho chủ thể khác thực hiện quyền hưởng dụng tài sản thì thời hạn của quyền hưởng dụng đối với tài sản là hết cuộc đời người có quyền hưởng dụng đầu tiên, nếu người hưởng dụng đầu tiên qua đời, quyền hưởng dụng chấm dứt.

Nếu chủ thể là pháp nhân, thời hạn của quyền hưởng dụng là đến khi pháp nhân chấm dứt tồn tại (phá sản, giải thể, …) nhưng tối đa là 30 năm.

Chủ thể quyền hưởng dụng

Chủ thể quyền hưởng dụng bao gồm: Chủ sở hữu tài sản, người mà theo quy định của pháp luật đã giao quyền hưởng dụng và người hưởng dụng.

Các trường hợp chấm dứt quyền hưởng dụng

Theo quy định tại Điều 265 Bộ luật dân sự năm 2015, quyền hưởng dụng chấm dứt trong các trường hợp sau:

“ Điều 265. Chấm dứt quyền hưởng dụng

Quyền hưởng dụng chấm dứt trong trường hợp sau đây:

  1. Thời hạn của quyền hưởng dụng đã hết.
  2. Theo thỏa thuận của các bên.
  3. Người hưởng dụng trở thành chủ sở hữu tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng.
  4. Người hưởng dụng từ bỏ hoặc không thực hiện quyền hưởng dụng trong thời hạn do luật quy định.
  5. Tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng không còn.
  6. Theo quyết định của Tòa án.
  7. Căn cứ khác theo quy định của luật.”

Như vậy, quyền hưởng dụng là một trong các quyền khác đối với tài sản mới được công nhận tại Bộ luật Dân sự năm 2015. Việc ghi nhận quyền hưởng dụng có vai trò quan trọng trong việc tạo cơ sở pháp lý giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn và đảm bảo tốt hơn cho tài sản trong giao lưu dân sự.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật dân sự được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: info@everest.net.vn.

 

 

 

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
1.33573 sec| 1006.773 kb