Chế độ chính trị qua các bản hiến pháp Việt Nam

Bởi Trần Thu Thủy - 18/12/2019
view 1718
comment-forum-solid 0
Chế độ chính trị, với tư cách là một chế định của ngành luật Hiến pháp, là tập hợp của các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ chính trị cơ bản và quan trọng nhất, đó là quan hệ giữa các giai cấp, dân tộc, quốc gia và các nhóm xã hội khác nhau xoay quanh một vấn đề trung tâm là giành, giữ và sử dụng quyền lực nhà nước.

Chế độ chính trị theo Hiến pháp 1946

Hiến pháp 1946 khẳng định Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà là nhà nước do nhân dân lập ra. Hình thức chính thể cộng hoà, hình thức cấu trúc là nhà nước đơn nhất. Tất cả quyền bính trong nước thuộc về nhân dân. Nhân dân thực hiện quyền quyết định những việc quan trọng nhất của đất nước, những công việc khác được trao cho Nghị viện nhân dân và Hội đồng nhân dân là cơ quan đại diện của nhân dân quyết định. Hiến pháp chưa quy định việc áp dụng một Đảng duy nhất trong hệ thống chính trị.

Chế độ chính trị theo Hiến pháp 1959

Hiến pháp 1959 khẳng định Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là nhà nước độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, áp dụng hình thức chính thể cộng hòa, hình thức cấu trúc nhà nước là đơn nhất. Nhà nước do nhân dân lập ra. Nhân dân sử dụng quyền lực thông qua Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp. Tuy nhiên, từ thời kỳ này Quốc hội có quyền lập Hiến và tự quyết định những công việc quan trọng nhất của đất nước. Hiến pháp khẳng định trong lời nói đầu: "nhà nước ta là nhà nước do giai cấp công nhân lãnh đạo".

Chế độ chính trị theo Hiến pháp 1980

Hiến pháp năm 1980 tiếp tục khẳng định nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam do nhân dân lập ra, hình thức chính thể là cộng hoà XHCN, hình thức cấu trúc là nhà nước đơn nhất, khẳng định nhà nước ta là nhà nước chuyên chính vô sản. Quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân sử dụng quyền lực thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Quốc hội có quyền lập Hiến và tự quyết định những công việc quan trọng nhất của đất nước. Hiến pháp năm 1980 quy định rõ về hệ thống chính trị, khẳng định sự tồn tại duy nhất một Đảng trong hệ thống chính trị, Đảng cộng sản là lực lượng lãnh đạo xã hội, các tổ chức chính trị - xã hội góp phần thực hiện quyền lực nhà nước.

Chế độ chính trị theo Hiến pháp 1992

Hiến pháp 1992 khẳng định Nhà nước Cộng hòa XNCH Việt Nam là sự phát triển kế tiếp của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trước đây, hình thức chính thể cộng hòa, hình thức cấu trúc đơn nhất. Nhà nước do dân lập ra, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Nhân dân thực hiện quyền lực trực tiếp đối với một số công việc nhất định, và thực hiện gián tiếp quyền lực thông qua các cơ quan đại diện của mình là Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Quốc hội có quyền lập Hiến và tự quyết định những công việc quan trọng nhất của đất nước. Hiến pháp 1992 quy định rõ về các bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị và vị trí của từng bộ phận cấu thành ấy. Theo đó, Nhà nước là lực lượng trung tâm để thực hiện quyền lực do nhân dân giao phó, Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và cả xã hội trong quá trình thực hiện, các tổ chức chính trị - xã hội có chức năng hỗ trợ, phối hợp với các cơ quan nhà nước khi thực hiện quyền lực.

Luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 19006198

Sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và toàn thể xã hội là tất yếu và chưa thể thay thế trong giai đoạn hiện nay. Bởi lẽ, Đảng có công rất lớn đối với sự hình thành và phát triển của Nhà nước hiện nay, Đảng có nhiều ưu việt hơn so với các lực lượng khác trong xã hội để đảm nhận vai trò lãnh đạo, đồng thời sự lãnh đạo của Đảng đã là quá trình liên tục từ khi Nhà nước thành lập đến nay.

Chế độ chính trị theo Hiến pháp 2013

Hiến pháp 2013 tiếp tục khẳng định Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam áp dụng hình thức chính thể cộng hòa, hình thức cấu trúc đơn nhất. Hiến pháp 2013 nhấn mạnh vai trò là chủ đất nước của Nhân dân. Nhà nước Cộng hòa XHCN là nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nhà nước do Nhân dân lập ra, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân. Nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình bằng hình thức trực tiếp và gián tiếp thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các cơ quan khác của nhà nước. Quốc hội không còn là cơ quan duy nhất có quyền lập Hiến và tự quyết định những công việc quan trọng nhất của đất nước. Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân. Các Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân có thể bị bãi nhiệm khi không còn sự tín nhiệm của Nhân dân.

Hiến pháp 2013 quy định rõ về hệ thống chính trị và các bộ phận cấu thành. Trong hệ thống chính trị của nước ta: Đảng Cộng sản Việt Nam giữ vai trò lãnh đạo; Nhà nước Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là trung tâm thực hiện quyền lực; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên đóng vai trò hỗ trợ, phối hợp với các cơ quan nhà nước khi thực hiện quyền lực.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực hình sự (nêu trên) được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.net.vn.

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
0.57749 sec| 998.68 kb