Chợ Kim (Đông Anh, Hà Nội): Bị hại thành bị can - ai đã ‘bảo kê’ cho những kẻ hủy hoại tài sản của tiểu thương?

view 11480
comment-forum-solid 0

Không có quyết định cưỡng chế, giải phóng mặt bằng, cũng không có thông báo của cơ quan có thẩm quyền, nhưng ngày 23/01/2019, Công ty TNHH dịch vụ thương mại tổng hợp Việt Anh - gọi tắt: “Công ty Việt Anh” - đã đưa 40 đối tượng trang bị súng bắn đạn cao su, hơi cay, áo giáp, dùi cui, bộ đàm, khóa số 8, lá chắn gắn chữ Security… giao ‘nhiệm vụ’ “ngăn chặn, khống chế và xử lý các trường hợp gây rối, tấn công hoặc các hoạt động phá hoại khác…” tại Chợ Kim (xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, Hà Nội).

Người của Công ty Việt Anh sau đó đã đổ cát chặn đường, hàn rào chắn bằng sắt và tôn chắn đường đi lại của tiểu thương đang kinh doanh tại Chợ Kim, tiếp đó phá hoại lều, lán của các tiểu thương đang kinh doanh tại Chợ Kim.

[video width="1920" height="1080" mp4="https://phaptri.vn/wp-content/uploads/2022/01/190123-Cho-Kim-2.mp4"][/video]

 

- Công ty Việt Anh ‘phá hoại tài sản’ thì ‘vô can’ - tiểu thương 'bị phá hoại tài sản', mất kế sinh nhai thì ‘vô tù’?

Các tài liệu chứng cứ trong hồ sơ vụ án thể hiện: sáng ngày 23/01/2019, 40 đối tượng trang bị súng bắn đạn cao su, hơi cay, áo giáp, dùi cui, bộ đàm, khóa số 8, lá chắn gắn chữ Security… trao ‘nhiệm vụ’: “ngăn chặn, khống chế và xử lý các trường hợp gây rối, tấn công hoặc các hoạt động phá hoại khác…” (Bút lục 970) - bất ngờ áp chế, đổ cát chặn đường vào Chợ Kim, dùng máy xúc ủi phá hủy lều, lán của các tiểu thương đang kinh doanh tại Chợ Kim.

Tại thời điểm diễn ra sự việc, có mặt các lãnh đạo của chính quyền xã Xuân Nộn, Công an huyện Đông Anh. Thế nhưng, các tiểu thương tại chợ Kim không nhận được bất cứ thông báo hay quyết định cưỡng chế nào từ Chính quyền (trong ngày 23/01/2019, cũng như thời điểm trước đó). 

Nhóm người của Công ty Việt Anh sau đó tiếp tục dùng máy xúc ủi phá hủy lều, lán của các tiểu thương đang kinh doanh tại Chợ Kim. Các tiểu thương ngăn chặn bằng việc yêu cầu nhóm người này dừng ngay những hành động phá hoại, cản trở hoạt động kinh doanh, buôn bán. Thế nhưng, nhóm người này không ngừng lại, tiếp tục dùng xe xúc ủi san gạt đổ các lều, lán. Hậu quả là, nhiều hàng hóa của các tiểu thương để bên trong không kịp di chuyển, bị hư hỏng. Một số tiểu thương trong quá trình bảo vệ tài sản thì bị xây xát.

Các tiểu thương phải tự phòng vệ: dùng xẻng xúc cát lấy đường đi, phá dỡ hàng rào chắn bằng sắt và tôn chắn đường đi lại vào Chợ Kim.

Bất ngờ hơn, ngày 15/11/2019, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Đông Anh ra Quyết định khởi tố vụ án (03 tội danh): “Cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản và gây rối trật tự công cộng xảy ra ngày 23/01/2019 tại chợ Kim, xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội”.

Tiếp đó, cơ quan này ra quyết định khởi tố bị can đối với 16 (mười sáu) bị can: Đỗ Thị Minh, Trần Thị Dân, Nguyễn Thị Thu Hiền, Nguyễn Thị Lân, Nguyễn Thị Mận, Lê Thị Nhung, Đoàn Thị Kim Hạnh, Nguyễn Thị Liên, Lê Thị Nhi, Lê Thị Tùng, Nguyễn Thị Hồng Thái, Phạm Thị Nhung, Trương Thị Út, Dương Thị Hồng, Hoàng Thị Quyên và Đào Văn Huyền về tội danh “gây rối trật tự công cộng” (Điểm b Khoản 2 Điều 318 Bộ luật hình sự- đều là các tiểu thương kinh doanh tại Chợ Kim - tội danh “gây rối trật tự công cộng” (Điều 318 Bộ luật hình sự).

Đến ngày 06/10/2021, các bị can: Nguyễn Thị Thu Hiền, Đỗ Thị Minh, Trần Thị Dân bị bắt tạm giam, các bị can còn lại bị cấm đi khỏi nơi cư trú.

[video width="1280" height="720" mp4="https://phaptri.vn/wp-content/uploads/2022/01/VTV-2016.09.21-Xe-thit-dat-cho-bien-ki-ot-thanh-biet-thu-1.mp4"][/video]

- Hành vi có dấu hiệu khủng bố, hủy hoại tài sản của nhóm người Công ty Việt Anh:

Xem xét lại hồ sơ pháp lý của Công ty Việt Anh thì thấy rằng: hành vi đổ cát chặn đường, hàn rào chắn bằng sắt và tôn chặn đường đi lại vào Chợ Kim (cũ), dùng máy xúc ủi phá hủy lều, lán của các tiểu thương - là hành động bất hợp pháp của nhóm người thuộc Công ty Việt Anh, cụ thể:

Ngày 16/10/2013, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có Quyết định số 6251/QĐ-UBND “thu hồi diện tích 8.354 m2 đất, tại Chợ Kim, xã Xuân Nộn giao cho “Công ty Việt Anh” thuê để thực hiện “Dự án Chợ Kim”.

Ngày 28/9/2014, Ủy ban nhân dân huyện Đông Anh có Biên bản bàn giao tạm thời “diện tích 8.354 m2 đất, tại xã Xuân Nộn huyện Đông Anh cho Công ty TNHH dịch vụ thương mại tổng hợp Việt Anh để thực hiện Dự án Xây dựng khu Chợ Kim, xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh” (Bút lục 887).

Ngày 15/10/2018, Tổ công tác QĐ 1779 – Ủy ban nhân dân huyện Đông Anh có Kế hoạch số 05/KH-TCT về việc “di chuyển các hộ kinh doanh vào chợ tạm và rào chắn ranh giới chợ để triển khai thi công Chợ Kim xã Xuân Nộn”.

Hợp đồng cung cấp dịch vụ bảo vệ số 004/HĐ-DVBV/2019 (Bút lục 970) có nội dung về nhiệm vụ và trách nhiệm của Công ty Cổ phần dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp KTC Việt Nam: (1) Đảm bảo an ninh trật tự cho cán bộ nhân viên của Công ty Việt Anh thực hiện thi công vông trình trong suốt thời gian thực hiện Hợp đồng. Ngăn chặn, khống chế và xử lý các trường hợp gây rối, tấn công hoặc các hoạt động phá hoại khác đối với sự kiện; (2) Khống chế, trục xuất ra khỏi khu vực thi công đối với các đối tượng quá khích theo yêu cầu của Công ty Việt Anh; (3) Kiểm soát các đối tượng ra/vào khu vực bảo vệ...

  • Với căn cứ pháp lý nêu trên, thấy rằng:

Tại thời điểm ngày 23/01/2019, Chợ Kim (cũ) đang được các tiểu thương sử dụng, kinh doanh bình thường (hợp pháp). Các yêu cầu của Chính quyền huyện Đông Anh về việc “di chuyển các hộ kinh doanh vào Chợ tạm và rào chắn ranh giới chợ” chưa được hộ kinh doanh đồng thuận. Điều này cho nguyên do từ việc các hộ kinh doanh cho rằng: hồ sơ ‘xã hội hóa chợ’ bị ‘phù phép’ dẫn đến tài sản và quyền lợi hợp pháp của hàng trăm tiểu thương bị tước đoạt.

Trong vụ án này, người dân chưa (tự nguyện) thực hiện yêu cầu ban giao mặt bằng để triển khai thi công Chợ Kim (mới), Ủy ban nhân dân huyện Đông Anh cần thực hiện đúng, đủ quy trình về bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Luật Đất đai năm 2013, Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2014, được sửa đổi, bổ sung bởi: Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.

  • Kết luận thanh tra số 1071-KL-TTTP-P3 ngày 18/3/2020 của Thanh tra thành phố Hà Nội ghi nhận:

“… hiện nay các hộ tiểu thương chưa chuyển lên khu cầu Chợ và bàn giao mặt bằng để nhà đầu tư khởi công xây dựng khu chợ chính theo quy hoạt được duyệt…” (trang 10).

“Ngày 25/08/2011, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cấp Giấy Chứng nhận đầu tư số 01121001021 cho Công ty TNHH dịch vụ thương mại tổng hợp Việt Anh và Công ty TNHH dịch vụ thương mại tổng hợp Việt Anh thực hiện Dự án xây dựng Chợ Kim và gia hạn tiến độ thực hiện Dự án đến quý IV năm 2014. Sau khi hết hạn tiến độ, Chủ đầu từ chưa làm thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhân đầu tư theo quy định…” (trang 20).

Đặc biệt, Kế hoạch số 05/KH-TCT (không phải Quyết định) không phải là căn cứ pháp lý đầy đủ để tổ chức, cá nhân có thể thực hiện: đổ cát chặn đường, hàn rào chắn bằng sắt và tôn chặn đường đi lại vào Chợ Kim (cũ), dùng máy xúc ủi phá hủy lều, lán của các tiểu thương. Nói cách khác, đây là hành động bất hợp pháp.

  • Cáo trạng số 05/CT-VKSĐA, ngày 24/12/2021 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Đông Anh ghi nhận:

“Khoảng 8 giờ 30 phút ngày 23/01/2019, Công ty Việt Anh tổ chức triển khai tập kết vật liệu xây dựng để thi công hạng mục bể nước lưu trữ phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy…” (bản chất là: đổ cát chặn đường chính vào Chợ Kim), “… thực hiện san lấp mặt bằng, phá dỡ lều quán trong chợ cũ…” (bản chất là: cố ý làm hư hỏng tài sản của các tiểu thương), “… và thuê lực lượng bảo vệ để đảm bảo giữ gìn an ninh trật tự tại nơi thi công”, (bản chất là: nhằm khủng bố, uy hiếp tinh thần các tiểu thương - trách nhiệm giữ gìn an ninh trật tự tại nơi thi công trước hết thuộc lực lượng Công an nhân dân).

“Đối với Công ty Việt Anh xác định có một phần lỗi trong vụ án, khi mới chỉ có biên bản bàn giao tạm thời diện tích 8.354 m2 đất cho công ty Việt Anh được thực hiện vào ngày 08/08/2014, nhưng Công ty Việt Anh đã ban hành thông báo, thuê công ty vệ sĩ, tiến hành rào tôn toàn bộ Chợ Kim không cho tiểu thương buôn bán là không đúng quy định của pháp luật, gây bức xúc cho các tiểu thương đang kinh doanh, buôn bán tại Chợ Kim” (trang 7).

Bút lục số 1078 – Biên bản ghi lời khai của ông Ngô Huy Tập (Công an viên xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh): “Khi tôi đứng ngoài quan sát thì tôi biết việc vệ sĩ, xe ô tô đổ cát và lập hàng rào tại Cổng chợ phía Đông là do Công ty Việt Anh, địa chỉ tại Chợ Kim, Đông Anh, Hà Nội thực hiện. Ngoài ra người dân xung quanh khu chợ cùng với tiểu thương xung quanh chợ rất bức xúc về sự việc trên”.

Bút lục số 1098 – Biên bản ghi lời khai của ông Nguyễn Đức Đoàn (Công an xã Xuân Nộn): “… tại đây có lực lượng bảo vệ của Công ty Việt Anh đang đứng dàn hàng ngang chặn cổng chợ này, không cho các bà con là tiểu thương Chợ Kim ra vào…”.

Bút lục 1101 – Biên bản ghi lời khai của ông Phạm Đức Diễn (Công an xã Xuân Nộn): “Theo tôi được biết thì đây là sự mâu thuẫn, tranh chấp của bà con tiểu thương Chợ Kim với Công ty Việt Anh về việc xây dựng chợ mới và phá dỡ chợ cũ”.

  • Dấu hiệu của hành vi khủng bố:

Với việc một pháp nhân dân sự (Công ty Việt Anh) thực hiện hành động trái pháp luật nghiêm trọng, gây thiệt hại về tài sản, cản trở quyền tự do đi lại, tự do kinh doanh của các tiểu thương, gây bức xúc, hoang mang cho công luận - có dấu hiệu của tội khủng bố:

Điều 299 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (Bộ luật Hình sự) quy định về tội khủng bố: “1- Người nào nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng mà xâm phạm tính mạng của người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình” (Khoản 1).

Từ điển tiếng Việt (Nhà xuất bản Hồng Đức - năm 2019): Khủng bố: “dùng bạo lực làm cho khiếp sợ để nhằm khuất phục (khủng bố tinh thần)” - trang 651.

Đến thời điểm ngày 23/01/2019, chưa có quyết định về việc giải phóng mặt bằng, hoặc cưỡng chế thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đặc biệt, tài sản và quyền tài sản của các tiểu thương tại Chợ Kim chưa được giải quyết đúng thủ tục, trình tự quy định. Đồng thời, vào thời điểm ngày 23/01/2019, không có quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc dừng hoạt động Chợ Kim. Như vậy, hoạt động của các tiểu thương tại Chợ Kim thời điểm này là bình thường và hợp pháp (cũng như trước và sau thời điểm ngày 23/01/2019) - Không một tổ chức, cá nhân nào có thể xâm phạm.

Thế nhưng, nhóm người của Công ty Việt Anh đã chủ động chuẩn bị sẵn lực lượng tới 40 người được trang bị súng bắn đạn cao su, hơi cay, áo giáp, dùi cui, bộ đàm, khóa số 8, lá chắn gắn chữ Security và các thiết bị khác - mục đích để áp chế các tiểu thương. Tiếp đó, nhóm người này đã thực hiện các hành động: đổ cát chặn đường, hàn rào chắn bằng sắt và tôn chặn đường đi lại vào Chợ Kim (cũ), dùng máy xúc ủi phá hủy lều, lán của các tiểu thương - rất rõ ràng: hoạt động phá hoại, gây tổn thất cho cộng đồng, để tác động vào tâm lý đối phương gây hoang mang khiếp sợ.

[video width="1280" height="720" mp4="https://phaptri.vn/wp-content/uploads/2021/10/Hon-180-tieu-thuong-cho-Kim-khong-chap-thuan-vao-cho-moi-VTV.VN_.mp4"][/video]

  • Dấu hiệu của hành vi ‘hủy hoại tài sản’:

Các luật sư lưu ý, giả thiết nếu phải giải phóng mặt bằng hoặc phá dỡ công trình xây dựng trái phép, thì cơ quan chức năng vẫn phải căn cứ quy định của pháp luật hành chính và pháp luật đất đai, để thực hiện đúng.

Nhưng trong vụ án: “Cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản và gây rối trật tự công cộng xảy ra ngày 23/01/2019 tại chợ Kim, Xuân Nộn, Đông Anh, Hà Nội”, các tiểu thương không nhận được bất cứ thông báo hay quyết định cưỡng chế, giải phóng mặt bằng từ cơ quan có thẩm quyền vào ngày 23/01/2019.

Thực tế, nhóm ‘khủng bố’ - người của Công ty Việt Anh - phá hỏng lán và tài sản của các tiểu thương Chợ Kim không có thẩm quyền cưỡng chế, phá dỡ công trình, cũng không được giao nhiệm vụ (công vụ). Nghĩa là, cần xác định đây là những hành vi bất hợp pháp, dấu hiệu tội phạm được quy định tại Bộ luật hình sự: Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 178), Tội khủng bố (Điều 299).

Việc phá hoại tài sản của nhóm khủng bố là bất hợp pháp và thực tế đã gây thiệt hại cho các tiểu thương. 

  • Các bị can bị buộc tội "gây rối trật tự công cộng" - không khách quan:

Quan điểm của các luật sư bào chữa: hành động chống trả của các tiểu thương chợ Kim phù hợp với quy định phòng vệ chính đáng - Điều 22 Bộ luật hình sự: “Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm”. Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Đông Anh buộc tội các bị can “gây rối trật tự công cộng” là không phù hợp với sự thật khách quan. Cụ thể, đối chiếu với hành vi của các bị can trong vụ án ngày 23/01/2019, thì thấy:

Thứ nhất, nhóm khủng bố đã phá hỏng lán và tài sản của các tiểu thương tại Chợ Kim - không thuộc trường hợp được pháp luật cho phép. Như vậy, nhóm người này đã xâm hại những lợi ích cần phải bảo vệ, rõ ràng là có tính chất nguy hiểm cho xã hội, cần được ngăn chặn ngay tức khắc.

Thứ hai, hành vi chống trả của các tiểu thương, như: hô hoán, yêu cầu những nhóm khủng bố chấm dứt hành vi bất hợp pháp, sau đó mới tăng dần mức độ - dùng rau, củ, quả ném về phía nhóm ‘khủng bố’, xúc đống cát chặn trước cổng Chợ Kim để lấy đường đi... không chỉ nhằm gạt bỏ sự đe dọa, đẩy lùi sự tấn công, mà còn có thể tích cực chống lại sự xâm hại.

Thứ ba, hành vi chống trả của các tiểu thương là tương xứng với hành vi xâm hại của nhóm khủng bố, phá hoại tài sản, không có sự chênh lệch quá đáng giữa hành vi phòng vệ với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại. 

[video width="1280" height="720" mp4="https://phaptri.vn/wp-content/uploads/2022/01/VTV-2016.09.22-Thu-hoi-13-ki-ot-xay-trai-phep-tai-cho-Kim-Dong-Anh-1.mp4"][/video]

- Không xử lý sai phạm của nhóm đối tượng thuộc Công ty Việt Anh - dấu hiệu của hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp:

Tại thời điểm ngày 23/01/2019, Chợ Kim (cũ) đang được các tiểu thương sử dụng, kinh doanh bình thường (hợp pháp).

Hồ sơ vụ án đã thể hiện rõ: Ủy ban nhân dân huyện Đông Anh và các cơ quan chức năng chưa thực hiện quy trình tại Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

  • Dấu hiệu của hành vi "không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội":

Đặc biệt, Kế hoạch số 05/KH-TCT (không phải Quyết định) không phải là căn cứ pháp lý đầy đủ để tổ chức, cá nhân có thể thực hiện: đổ cát chặn đường, hàn rào chắn bằng sắt và tôn chặn đường đi lại vào Chợ Kim (cũ), dùng máy xúc ủi phá hủy lều, lán của các tiểu thương.

Cáo trạng số 05/CT-VKSĐA nêu nội dung: “Đối với Công ty Việt Anh xác định có một phần lỗi trong vụ án, khi mới chỉ có “Biên bản bàn giao tạm thời diện tích 8.354 m2 đất cho Công ty Việt Anh được thực hiện vào ngày 08/08/2014”, nhưng Công ty Việt Anh đã ban hành thông báo, thuê công ty vệ sĩ, tiến hành rào tôn toàn bộ Chợ Kim không cho tiểu thương buôn bán là không đúng quy định của pháp luật, gây ảnh hưởng gây bức xúc cho các tiểu thương đang kinh doanh, buôn bán tại Chợ Kim”.

Thế nhưng, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đông Anh không khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với những cá nhân (thuộc Công ty Việt Anh) đã thực hiện hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (quy định tại Điều 137 Bộ luật Hình sự).

Quy định tại Điều 369 Bộ luật Hình sự năm 2015: hành vi không khởi tố vụ án, khởi tố bị can khi biết rõ là có tội thì có thể bị truy cứu về Tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội: “1- Người nào có thẩm quyền mà không truy cứu trách nhiệm hình sự người mà mình biết rõ là có tội, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. 2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: (a) Không truy cứu trách nhiệm hình sự người thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng; (b) Đối với 02 người đến 05 người; (c) Người không bị truy cứu trách nhiệm hình sự bỏ trốn hoặc thực hiện hành vi cản trở điều tra, truy tố, xét xử hoặc tiếp tục thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng; (d) Dẫn đến việc người không bị truy cứu trách nhiệm hình sự trả thù người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị hại, nhân chứng; (đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. 3- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm: (a) Đối với 05 người trở lên; (b) Không truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. (c) Người không bị truy cứu trách nhiệm hình sự tiếp tục thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; (d) Làm người bị hại tự sát....

  • Dấu hiệu của hành vi "lợi dụng chức vụ, quyền hạn giam, giữ người trái pháp luật":

Một là, trong vụ án nêu trên, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Đông Anh ra Lệnh bắt (bị can) để tạm giam đối với: Đỗ Thị Minh, Trần Thị Dân, Nguyễn Thị Thu Hiền. 02 bị cáo là Trần Thị Dân, Nguyễn Thị Thu Hiền sau khi nhận tội thì được thay đổi biện pháp ngăn chặn. Bị cáo Đỗ Thị Minh tiếp tục bị tạm giam.

Các luật sư bào chữa nhận thấy, việc bắt tạm giam nêu trên không có căn cứ quy định tại Điều 119 Bộ luật tố tụng hình sự. Cụ thể, bị can, bị cáo có thể bị áp dụng biện pháp tạm giạm theo trong các trường hợp: đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm; không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can; bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn; tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội; có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.

Các bị can Đỗ Thị Minh, Trần Thị Dân, Nguyễn Thị Thu Hiền không thuộc bất kỳ trường hợp nào theo quy định tại Khoản 2 Điều 119 Bộ luật tố tụng hình sự.

Các luật sư lưu ý đến nguyên tắc suy đoán vô tội: “Điều 13. Suy đoán vô tội: Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”. Điểm h Khoản 2 Điều 61 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về quyền của bị cáo: “Bị cáo có quyền: … h) Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”.

Hai là, quy định tại Điều 125 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định về hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn: “1- Mọi biện pháp ngăn chặn đang áp dụng phải được hủy bỏ khi thuộc một trong các trường hợp: (a) Quyết định không khởi tố vụ án hình sự; (b) Đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án; (c) Đình chỉ điều tra đối với bị can, đình chỉ vụ án đối với bị can; d) Bị cáo được Tòa án tuyên không có tội, miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt, hình phạt tù nhưng được hưởng án treo hoặc hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ. 2- Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hủy bỏ biện pháp ngăn chặn khi thấy không còn cần thiết hoặc có thể thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác”.

Liên quan đến mâu thuẫn kéo dài giữa Chủ đầu tư (Công ty Việt Anh) và các tiểu thương kinh doanh tại Chợ Kim, các cơ quan báo chí uy tín, như: Đài truyền hình Việt nam - VTV, Báo Nhân dân, Báo Thanh tra, Báo người đại biểu nhân dân, Báo Hà Nội mới… đã từng đăng tải nhiều bài viết phản ánh: quá trình “xã hội hóa” chợ Kim không công khai, minh bạch, giả mạo chữ ký của các tiểu thương; quy trình tổ chức đấu thầu chợ Kim có nhiều sai sót nghiêm trọng:

- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900.6198, E-mail: info@everest.org.vn.

Luật sư Phạm Ngọc Minh

Luật sư Phạm Ngọc Minh

https://everest.org.vn/luat-su-pham-ngoc-minh/ Luật sư Phạm Ngọc Minh - CEO Công ty Luật TNHH Everest. Luật sư Minh có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật.

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
1.20851 sec| 1145.82 kb