'Cho vay nóng, nhận tiền ngay trong ngày, không cần tài sản thế chấp'...là những khẩu hiệu quen thuộc của nhiều đối tượng thực hiện 'cho vay nặng lãi'. Việc cho vay bất chấp điều kiện, diễn ra nhanh chóng nhưng luôn kèm theo những hậu quả không lường. Tùy mức độ vi phạm, việc cho vay với lãi suất cao có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự, cấu thành "Tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự'.
Bài viết được thực hiện bởi: Chuyên viên Nguyễn Thị Ngân - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về mức lãi suất: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.”
Như vậy, các bên được quyền tự do thỏa thuận mức lãi suất nhưng phải đảm bảo không được vượt quá 20%/năm, tương đương không quá 1.666%/tháng. Về nguyên tắc, mức lãi suất vượt quá là không có hiệu lực pháp luật.
Tuy nhiên, nhiều người có kinh tế khó khăn, trình độ thấp, thiếu hiểu biết thường dễ dàng chấp nhận mức lãi suất 'trên trời' của các đối tượng cho vay nặng lãi đưa ra mà không có bất kỳ sự nghi ngờ, biện pháp ngăn chặn nào.
Về thủ tục cho vay: Thông thường, thủ tục vay và cho vay rất đơn giản, có thể có hoặc không có tài sản thế chấp. Người vay chỉ cần cung cấp một số loại giấy tờ tùy thân cơ bản: chứng minh nhân dân, căn cước công dân, giấy phép lái xe và các loại giấy tờ, bằng cấp của cá nhân… để cầm cố, thế chấp vay tiền.
Về hình thức cho vay: Hoạt động cho vay được thể hiện bằng hợp đồng, thậm chí không có hợp đồng trong đó, bên cho vay thường chuẩn bị sẵn bản hợp đồng với nội dung giả tạo để che giấu việc cho vay nặng lãi, mức lãi suất bất hợp pháp.
Về cách thức cho vay: Người cho vay thường cho vay bất chấp số tiền, mục đích vay. Số tiền cho vay có thể từ 1.000.000 đồng triệu đồng với lãi suất từ 50.000 đồng/ngày...Giao dịch này có thể thực hiện qua app (ứng dụng trên Internet), website, thỏa thuận ngầm,...
Điểm d Khoản 3 Điều 11 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định: "Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong những hành vi ...Cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay".
Do đó, người nào cho vay tiền với lãi suất từ 30%/năm trở lên có thể bị xử phạt hành chính bằng hình thức phạt tiền, từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.
Thực tế cho thấy, xử lý vi phạm hành chính hành vi này không dễ dàng. Theo quy định, chỉ trường hợp cho vay có cầm cố tài sản mới thuộc đối tượng vi phạm. Đối với giao dịch cho vay không cầm cố tài sản mà mức lãi suất vượt quá ngưỡng cho phép thì vẫn không thể xử phạt bằng chế tài này.
Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi năm 2017 quy định về Tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự như sau: “1- Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với “lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất” quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. 2- Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên” thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. 3- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Như vậy, đối tượng cho vay với mức lãi suất từ 100%/năm, tương đương 8,33%/tháng hoặc 0,27%/ngày có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự.
Trong đó, khoản tiền thu lợi bất chính được hiểu là số tiền lãi thu được sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất theo quy định của Bộ luật dân sự. Nếu hoạt động cho vay nhiều người thì khoản tiền thu lợi bất chính được tính là tổng số tiền lãi mà người phạm tội thu được của tất cả những người vay, nếu hành vi cho vay lãi nặng được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian.
Trường hợp người trung gian thực hiện hành vi tư vấn, môi giới... hoặc có hành vi khác tham gia vào quá trình cho vay lãi nặng, đòi nợ (như dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc, góp vốn ...) mà biết rõ để thực hiện việc cho vay lãi nặng nhưng vẫn thực hiện thì có thể bị xử lý hình sự với vai trò là đồng phạm trong vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm