Có phải xin phép tác giả khi làm tác phẩm phái sinh? 

view 1630
comment-forum-solid 0
Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh là hành vi xâm phạm quyền tác giả.

Câu hỏi tư vấn: Tôi làm việc ở một công ty sách. Năm 2011 tôi có thực hiện biên soạn một cuốn sách tuyển tập tất cả tác phẩm truyện tình cảm được yêu thích của giới trẻ hiện nay. Cuốn sách dự kiến được phát hành vào tháng 9/2012. Những truyện được in trong cuốn sách này sẽ được giữ nguyên như bản gốc, không hề bị chỉnh sửa hay biên soạn lại. Tôi làm như vậy có phải xin phép tác giả không?

Những quy đinh pháp luật sở hữu trí tuệ hiện hành về tác phẩm phái sinh

Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 (gọi tắt là Luật SHTT) quy định:

- "Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn" (khoản 8 Điều 4)

- "Tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ theo quy định tại khoản 1 Điều này nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh" (khoản 2 Điều 14).

-“1.Quyền tài sản bao gồm các quyền: Làm tác phẩm phái sinh; Biểu diễn tác phẩm trước công chúng; Sao chép tác phẩm; Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm; Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác; Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính”

  1. Các quyền quy định tại khoản 1 Điều này do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện theo quy định của Luật này.
  2. Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 3 Điều 19 của Luật này phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả” (Điều 20).

- “Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh, trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 của Luật này” (khoản 7 Điều 28).

Việc làm tác phẩm phái sinh mà ở đây là sưa tầm tuyển chọn truyện là quyền của tác giả truyện. Vì vậy, khi sưu tầm truyện để làm sách chị cần phải xin phép tác giả truyện trước khi sử dụng trong cuốn sách của mình đối với những tác phẩm truyện còn thời hạn bảo hộ. Thời hạn bảo hộ quyền tác giả theo luật sở hữu trí tuệ Việt Nam là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm sau khi tác giả mất. Với các tác phẩm hết thời bạn bảo hộ thì chị được quyền sử dụng mà không cần xin phép.

Mối quan hệ về quyền nhân thân giữa tác giả tác phẩm gốc và tác giả tác phẩm phái sinh

Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm gốc là một trong những quyền nhân thân không thể chuyển giao, nó tồn tại vĩnh viễn và luôn luôn thuộc về tác giả tác phẩm gốc. Trong khi đó, quyền cho làm tác phẩm phái sinh lại thuộc nhóm quyền tài sản và có thể không thuộc về tác giả nếu tác giả không đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả. Như vậy, trong trường hợp tác giả không đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm thì quyền cho làm tác phẩm phái sinh độc lập với quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm gốc.

Thực tiễn, có thể xảy ra tình trạng xâm phạm quyền “bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm gốc "trong quá trình hình thành tác phẩm phái sinh (như đã nêu ở trên về vụ Kiến nghị xử phạt tác giả và nhà sản xuất Album “Chat với Mozart” về hành vi xâm phạm quyền tác giả), mà cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả đã giải quyết nhưng giải pháp được đưa ra còn thiếu tính thuyết phục. Tình trạng này diễn ra nhiều nhất trong quá trình hình thành tác phẩm phái sinh thuộc lĩnh vực âm nhạc, nhất là âm nhạc truyền thống là loại hình tác phẩm khó xác định tác giả, bởi vậy cũng khó xác định người có quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm âm nhạc truyền thống - tác phẩm gốc.

Giải pháp đối với vấn đề này là: không coi việc viết thêm lời vào bản nhạc không lời (khi không có sự đồng ý của tác giả tác phẩm gốc) là sáng tạo nên tác phẩm phái sinh, còn trong trường hợp có sự đồng ý của tác giả tác phẩm gốc thì tác phẩm mới là tác phẩm đồng tác giả chứ không phải là tác phẩm phái sinh. Việc này được coi là tương đương với trường hợp phổ nhạc cho một bài thơ thì bài hát (bao gồm phần nhạc và lời thơ) là tác phẩm đồng tác giả chứ không phải là tác phẩm phái sinh.

Những bất cập khi tác phẩm phái sinh là bản dịch là từ tác phẩm gốc

Khi áp dụng các quy định pháp luật nêu trên vào thực tiễn bảo hộ quyền tác giả đặc biệt là đối với tác phẩm phái sinh, để không phương hại đến quyền tác giả của tác phẩm gốc - Đây là một vấn đề phức tạp vì ranh giới giữa việc sáng tạo ra tác phẩm phái sinh với việc xâm phạm quyền tác giả của tác phẩm gốc, ranh giới giữa việc sử dụng tự do tác phẩm với việc xâm phạm quyền tác giả của tác phẩm gốc… trong nhiều trường hợp là khó xác định. Dưới đây là một số bất cập khi dịch sách từ tác phẩm gốc:

Thứ nhất, dịch không khéo sẽ phạm luật

Theo Công ước Berne, tác phẩm hết thời hạn bảo hộ quyền tác giả sau 50 năm hoặc 70 năm (tùy theo quy định cụ thể của từng quốc gia), kể từ ngày tác giả mất. Tuy nhiên, các đơn vị phát hành đừng lầm tưởng rằng hết thời hạn bảo hộ thì muốn làm gì thì làm.

Ls Nguyễn Bích Phượng – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Thực tế, Công ước Berne lẫn Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam quy định tác phẩm dịch được coi là tác phẩm phái sinh từ tác phẩm gốc. Luật này cũng quy định tác phẩm phái sinh sẽ được bảo hộ nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.

Tuy nhiên, tác phẩm dịch phải tuân thủ theo tác phẩm gốc. Với những tác phẩm hết thời hạn tác quyền là chỉ hết phần quyền tài sản (tức các đơn vị phát hành sách trong nước không cần trả phí tác quyền cho tác giả) nhưng quyền nhân thân vẫn phải đảm bảo. Ví dụ, không được xuyên tạc, cắt xén tác phẩm, đảm bảo toàn vẹn tác phẩm, phải ghi tên tác giả… là bảo đảm quyền nhân thân.

Các nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách trong nước khi không trả phí tác quyền và ồ ạt xuất bản sách hết thời hạn tác quyền phải chú trọng việc chọn lựa tác phẩm dịch tốt, không sai để tránh vi phạm quyền nhân thân của tác giả.

Thứ hai, tác phẩm phái sinh tác quyền thuộc ai?

Tác quyền tác phẩm gốc thì không khó để thực thi nhưng với tác quyền tác phẩm phái sinh vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau.

Khi tác phẩm hết thời hạn bảo hộ tác quyền dành cho tác giả (tác phẩm gốc) thì dịch giả mới có quyền. Và dịch giả cũng có quyền như tác giả gốc theo Berne (sau 50 năm hoặc 70 năm kể từ ngày dịch giả mất). Còn với tác phẩm còn quyền tác giả thì về cơ bản dịch giả không có quyền gì hết. Tác phẩm dịch lúc đó chỉ là tác phẩm phái sinh được tác giả gốc cho phép đơn vị mua bản quyền chuyển ngữ. Lúc này, đơn vị nắm được bản quyền phát hành sách trong nước lẫn dịch giả chỉ là người “làm thuê” cho tác giả gốc. Tác giả gốc mới là người nắm bản quyền chính thức bản dịch chứ không phải dịch giả.

Một số tác giả gốc chỉ cho đơn vị nhượng quyền được làm sở hữu quyền trong thời gian nhất định. Và trong thời gian nhượng quyền, bản quyền của tác phẩm tiếng Việt vẫn thuộc về tác giả gốc, dịch giả chỉ là người chuyển ngữ.

Ngược lại, một số ý kiến lại cho rằng “dịch giả giống người nặn tượng, 100 người nặn tượng có tượng đẹp, tượng xấu nhưng 100 người đó đều là tác giả của mỗi tác phẩm của họ”. Quan điểm này cho thấy, công sức người dịch cũng là công lao động nên họ có quyền sở hữu bản dịch. “Nếu tác giả gốc mất thì tác phẩm dịch vẫn còn được bảo hộ của dịch giả, ngay cả người họa sĩ thiết kế bìa, biên tập viên… vẫn còn quyền”.

Dù còn tranh cãi xung quanh việc tác quyền tác phẩm phái sinh nhưng quan trọng nhất, với tác phẩm dịch là phải đảm bảo được sự toàn vẹn của tác phẩm trong quá trình chuyển ngữ. Khi tác phẩm gốc đã hết thời hạn bảo hộ quyền tài sản trong quyền tác giả thì việc vi phạm quyền nhân thân cơ quan quản lý rất khó thẩm tra. Thế nhưng các nhà làm sách hãy chú ý, chưa cần đến cơ quan quản lý, chính độc giả sẽ là người phát hiện ra những sai sót. Độc giả bây giờ rất nhiều người đọc tác phẩm gốc và so sánh với bản dịch. Thế nên, không phải không trả phí tác quyền thì muốn làm gì thì làm.

Thứ ba, dịch thuật văn học là phục tùng hay sáng tạo?

Buổi tọa đàm với chủ đề “Dịch thuật trong thực tế xuất bản” (diễn ra vào ngày 08/05/2013 tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội) tiếp tục đặt ra thực tế lựa chọn của dịch giả trước vấn đề dịch thuật: Tôn trọng tuyệt đối văn bản của tác giả hay sáng tạo để phù hợp với văn hóa tiếp nhận của bạn đọc bản địa. Đó có lẽ cũng là vấn đề mấu chốt liên quan đến những tranh cãi chưa có hồi kết về một số câu trong cuốn Những thứ họ mang (nguyên tác The things they carried - Tim O’Brien) với bản dịch của Trần Tiễn Cao Đăng, do Nhã Nam liên kết cùng NXB Văn học xuất bản.

Một diễn giả chứng minh việc dịch thuật đang được công chúng rất quan tâm bằng lập luận công chúng còn chịu chê các bản dịch tức là họ còn chịu khó đọc. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một thực tế, không phải công chúng nào ở nước ta khi chỉ trích về một cuốn sách dịch chưa đúng, thậm chí là dung tục cũng đều đã đọc qua tác phẩm. Có bạn đọc bày tỏ phản ứng của mình đơn giản chỉ bằng một trích dẫn trên mạng từ một bạn đọc khác vô tình “vấp phải sạn”.

Ngay cả đến dịch giả lão làng Lê Hồng Sâm thừa nhận kể cả các bậc tiền bối trước kia cũng có sai sót trong các bản dịch của mình, dù đôi khi chỉ sót một chữ nhưng cũng cho thấy việc dịch không thể có được một sản phẩm tuyệt đối.

Thông thường, khi đánh giá một bản dịch thường có ba cấp độ: Chính xác và hay; chính xác nhưng không hay; hay nhưng không chính xác. Ba cấp độ này có thể cùng tồn tại trong một bản dịch.

Chia sẻ quan điểm của một học giả người Đức rằng dịch thuật là “nghệ thuật của sự chính xác”. Dịch giả Trịnh Lữ lại cho rằng một bản dịch đúng, dịch chính xác chỉ nên dành cho những lớp đào tạo, dịch văn bản hành chính, pháp luật… mà thôi. Nhiều người đọc đòi hỏi chất lượng tác phẩm dịch phải cao, nhiều khi độc giả đòi hỏi cao quá mức. Nhưng họ quên mất tác phẩm dịch còn mang văn phong, cảm thụ của người dịch.

So sánh dịch giả như một nghệ nhân, dịch giả Lương Việt Dũng tự nhận mình cũng có những lỗi sai trong văn bản dịch nhưng đó không phải là sai do thái độ thiếu cẩn trọng mà vì bản thân người dịch không sinh ra, không thấm đẫm văn hóa, ngôn ngữ bản địa của người viết nên không chuyển tải được một cách đầy đủ ý người viết

Dịch giả Đặng Thị Hạnh cùng với việc mong mỏi độc giả không nên quá hoang mang hoặc cực đoan và quay lưng với bản dịch, nên có cái nhìn tác phẩm trong toàn bộ tổng thể, không nên chỉ vì một vài tiểu tiết mà phủ nhận công sức dịch giả

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật sở hữu trí tuệ được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: info@everest.net.vn.

Luật sư Nguyễn Bích Phượng

Luật sư Nguyễn Bích Phượng

https://everest.org.vn/luat-su-nguyen-bich-phuong/ Luật sư Nguyễn Bích Phượng có 4 năm kinh nghiệm làm việc tại Công ty Luật TNHH Everest: Xử lý các vụ án liên quan đến tranh chấp về thừa kế, hôn nhân- gia đình, dân sự, lao động, doanh nghiệp.

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
2.07274 sec| 1053.086 kb