Đại diện theo pháp luật được quy định như thế nào?

Bởi Trần Thu Thủy - 05/01/2020
view 404
comment-forum-solid 0

Đại diện là gì?

Pháp luật Việt Nam đã quy định rất cụ thể về đại diện theo pháp luật, căn cứ vào Điều 134 Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực từ ngày 01/01/2017, theo đó, đại diện theo pháp luật có thể là cá nhân cũng có thể là một tổ chức pháp nhân, những người này đóng vai trò, trách nhiệm nhân danh quyền, lợi ích của những cá nhân, pháp nhân khác và hoạt động vì lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân đó, thực hiện xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Cá nhân, pháp nhân đại diện được gọi chung là người đại diện, cá nhân, pháp nhân giao quyền được gọi chung là người được đại diện.

Người đại diện phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập, thực hiện.

Vì người đại diện là cá nhân, pháp nhân nên điều kiện tiên quyết để được làm người đại diện là cần phải đáp ứng điều kiện có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, đầy đủ năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật, và phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập, thực hiện.

Đối với người đại diện theo pháp luật là pháp nhân thì pháp nhân này có thể là một công ty, một doanh nghiệp, tổ chức xã hội…

Hình thức phát sinh quan hệ đại diện theo pháp luật

Dựa trên tình hình thực tế, khi phát sinh một quan hệ đại diện thì quan hệ này sẽ được xác lập thông qua hai hình thức:

Hình thức thứ nhất là hình thức đại diện do pháp luật quy định. Ví dụ cụ thể cho trường hợp này như sau: Công ty Trách nhiệm hữu hạn A đăng kí kinh doanh hợp pháp, theo thông tin đăng ký kinh doanh ban đầu, B là người đại diện theo pháp luật của công ty mà công ty A đăng kí trong Giấy phép đăng kí kinh doanh tại Sở kế hoạch và đầu tư. Trường hợp này thuộc diện đại diện theo quy định của pháp luật.

Hình thức thứ hai là hình thức đại diện khi có sự ủy quyền từ cá nhân, pháp nhân này sang cá nhân, pháp nhân khác. Cũng với ví dụ trên, nếu như B-người đại diện theo pháp luật của công ty vì một lí do nào đó không thể trực tiếp thực hiện một công việc cần có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, thì B có thể ủy quyền sang cho C thay mặt mình thực hiện công việc đó trong một thời hạn nhất định thì C sẽ thuộc trường hợp đại diện theo ủy quyền.

Các trường hợp đại diện theo pháp luật

Đại diện theo pháp luật của cá nhân

Đại diện theo pháp luật của cá nhân được quy định tại Điều 136 Bộ luật Dân sự 2015: Trường hợp con chưa thành niên thì cha, mẹ là người đại diện theo pháp luật.  Đối với người được giám hộ thì người giám hộ là người đại diện theo pháp luật. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định. Đại diện theo pháp luật là người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện quy định tại 2 trường hợp trên. Đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì người đại diện theo pháp luật là người được Tòa án chỉ định.

Đại diện theo pháp luật của pháp nhân

Đại diện theo pháp luật của pháp nhân được quy định tại Điều 137 Bộ luật Dân sự 2015, gồm: Người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ; Người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật; Người do Tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Tòa án.

Một pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật và mỗi người đại diện có quyền đại diện cho pháp nhân theo quy định tại Điều 140 và Điều 141 của Bộ luật Dân sự 2015.

Hậu quả pháp lý của hành vi đại diện theo pháp luật

Người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với người thứ ba phải phù hợp với phạm vi đại diện. Việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện.

Người đại diện theo pháp luật có quyền xác lập, thực hiện hành vi cần thiết để đạt được mục đích của việc đại diện.

Trường hợp người đại diện theo pháp luật biết hoặc phải biết việc xác lập hành vi đại diện là do bị nhầm lẫn, bị lừa dối, bị đe dọa, cưỡng ép mà vẫn xác lập, thực hiện hành vi thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện, trừ trường hợp người được đại diện biết hoặc phải biết về việc này mà không phản đối.

Thời hạn đại diện theo pháp luật

Đại diện theo pháp luật chấm dứt khi: Người được đại diện là cá nhân đã thành niên hoặc năng lực hành vi dân sự đã được khôi phục;  Người được đại diện là cá nhân chết;  Người được đại diện là pháp nhân chấm dứt tồn tại; Có các căn cứ khác theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan.

 Phạm vi đại diện

Một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Người đại diện phải thông báo cho bên giao dịch biết về phạm vi đại diện của mình.

Những trường hợp không được phép làm người đại diện

Điều này được thể hiện rõ trong quy định của pháp luật tại Điều 75 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và Nghị quyết 03/2012/NQ – HĐTP ban hành ngày 03 tháng 12  năm 2012 ( có hiệu lực từ ngày 01 tháng 07 năm 2013) tại Điều 22 cụ thể như sau:

Tại Điều 75 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 pháp luật quy định những trường hợp không được làm người đại diện bao gồm những người sau: Nếu người đại diện cũng chính là người đóng vai trò là đương sự đang tham gia cùng một vụ án đối với người được đại diện mà quyền mà khi này có thể xác định rõ quyền và lợi ích hợp pháp của họ đối lập nhau; Nếu người đại diện theo pháp luật đó đang đại diện cho một đương sự khác đang tham gia quá trình tố tụng dân sự mà quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đó đối nghịch với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện tại cùng một vụ án nhất định.

Quy định vừa nêu trên được áp dụng đối với đại diện theo ủy quyền trong lĩnh vực tố tụng dân sự.

Thêm vào đó, pháp luật cũng quy định đối với cán bộ, công chức công tác, làm việc trong ngành Tòa án, Công an, Kiểm sát thì không được làm người đại diện trong lĩnh vực tố tụng dân sự, ngoại trừ trường hợp họ tham gia với tư cách đại diện cho chính mình khi tham gia tố tụng.

Tại Điều 22 Nghị quyết 03/2012/NQ – HĐTP pháp luật quy định: Theo như pháp luật đã quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 75 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 về mặt nguyên tắc, người đang giữ vai trò là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự cho một đương sự, thì người đó không được phép đồng thời giữ vai trò làm người đại diện theo pháp luật cho một đương sự khác trong cùng một vụ án, trong vụ án này, quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự này đối nghịch với nhau.

Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 3 Điều 75 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 pháp luật cũng thể hiện quy định cán bộ, công chức công tác, làm việc, phục vụ trong ngành Tòa án, Công an, Kiểm sát chỉ được làm người đại diện khi họ là người đại diện theo pháp luật cho chính cơ quan họ công tác, làm việc hoặc là người đại diện theo ủy quyền do cơ quan của họ ủy quyền; hoặc khi họ là người đại diện theo pháp luật của đương sự trong vụ án theo tố tụng dân sự.

Khuyến nghị của công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006198, E-mail: info@luatviet.net.vn, info@everest.net.vn.

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
0.34554 sec| 1014.727 kb