Đăng ký nhãn hiệu - một số vấn đề cơ bản cần lưu ý

Bởi Trần Thu Thủy - 04/02/2020
view 4685
comment-forum-solid 0

Đăng ký nhãn hiệu là một vẫn đề vô cùng quan trọng, là vấn đề liên quan đến một loại tài sản vô hình của cá nhân, pháp nhân sản xuất - tài sản trí tuệ.

- Khái niệm nhãn hiệu:

Nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ (Trademark (TM); Service Mark (SM)): là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Nhãn hiệu có thể là chữ số, từ ngữ, hình ảnh, hình vẽ, hình khối (03 chiều), hoặc sự kết hợp các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc.

Nhãn hiệu - một trong các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp - một loại ‘tài sản vô hình’ của cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh (hàng hóa) hoặc cung ứng (dịch vụ), được  bảo hộ bằng việc đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.

- Nội dung của nhãn hiệu:

Nhãn hiệu hàng hóa gắn vào sản phẩm, bao bì sản phẩm để phân biệt sản phẩm cùng loại của các cơ sở sản xuất khác nhau. Nhãn hiệu dịch vụ gắn vào phương tiện dịch vụ để phân biệt dịch vụ cùng loại của các cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác nhau.

Nhãn hiệu hàng hóa thông thường bao gồm các yếu tố: Một là, chữ có khả năng phát âm, có nghĩa hoặc không có nghĩa, trình bày dưới dạng chữ viết, chữ in hoặc chữ được viết cách điệu; Hai là, hình vẽ, ảnh chụp; Ba là, chữ hoặc tập hợp các chữ kết hợp với hình vẽ, ảnh chụp.

- Yêu cầu đối với nhãn hiệu:

Một nhãn hiệu được công nhận và bảo hộ khi đáp ứng các yêu cầu cơ bản: Một là, khả năng phân biệt nếu được tạo thành từ một hoặc một số yếu tố dễ nhận biết, dễ ghi nhớ hoặc từ nhiều yếu tố kết hợp thành một tổng thể dễ nhận biết, dễ ghi nhớ; Hai là, không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ; Ba là, không trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu hàng hóa được coi là nổi tiếng, tên thương mại của người khác đang sử dụng, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp đã được bảo hộ.

- Sự cần thiết của việc đăng ký nhãn hiệu:

Tổ chức, cá nhân thể hiện tồn tại trước hết có khả năng phân biệt (dễ nhận biết, dễ ghi nhớ) với tổ chức, cá nhân khác. Một trong yếu tố để phân biệt tổ chức, cá nhân này với tổ chức cá nhân khác được đó là nhãn hiệu (dấu hiệu) riêng của tổ chức, cá nhân đó. Thực tế, nhiều thương hiệu (tài sản vô hình) được định giá lớn hơn rất nhiều so với tài sản hữu hình mà tổ chức đó đang có.

Đăng ký nhãn hiệu là hoạt động pháp lý xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu. Hay nói cách khác, một tổ chức, cá nhân muốn nhãn hiệu (rộng hơn là thương hiệu) của mình được bảo vệ thì cần đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thông qua thủ tục đăng ký thương hiệu, quyền sở hữu của tổ chức, cá nhân đối với nhãn hiệu đó được công nhận.

Sau khi được cấp văn bằng bảo hộ (nhãn hiệu), tổ chức, cá nhân có thể thực hiện các giao dịch liên quan đến nhãn hiệu đó hợp pháp: có quyền sử dụng, định đoạt nhãn hiệu của mình như: chuyển giao, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, góp vốn… bằng quyền sở hữu trí tuệ.

Xem thêm tại: Môt số lợi ích của việc đăng ký nhãn hiệu

- Nhãn hiệu khác với thương hiệu:

Thương hiệu (brand): là tên gọi, thuật ngữ, thiết kế, hình tượng hoặc các dấu hiệu khác giúp phân biệt một tổ chức hoặc một sản phẩm với đối thủ trong mắt của người tiêu dùng. Các dấu hiệu có thể là: những ký hiệu, biểu trưng (logo); thiết kế như kiểu dáng của chai Coca-Cola, phần lưới chắn các khe hút gió ở mũi xe ô tô BMW, Mercedes...; từ ngữ mang tính khẩu hiệu (slogan),... được gắn vào bao bì sản phẩm, mác sản phẩm; hay bản thân sản phẩm. Một thương hiệu có thể có nhiều nhãn hiệu khác nhau, nhưng không phải tất cả thương hiệu đều có cùng nhãn hiệu. Ví dụ: thương hiệu Ford (ô tô), có rất nhiều nhãn hiệu như: Everest, Ranger, Mondeo…

Có hai khía cạnh gắn với thương hiệu: tâm lý và trải nghiệm. Trải nghiệm về một thương hiệu - là tổng hợp tất cả những gì người tiêu dùng cảm nhận được khi tiếp xúc với sản phẩm mang thương hiệu đó. Khía cạnh tâm lý, hoặc hình ảnh của một thương hiệu, là một kiến tạo biểu tượng được tạo ra trong tâm trí người tiêu dùng và gợi lên tất cả những thông tin và trông đợi gắn với sản phẩm hoặc dịch vụ có thương hiệu đó. Thương hiệu (nổi tiếng) theo thời gian, nhưng nhãn hiệu thì thay đổi theo những yếu tố tác động bên ngoài nhất định như thị hiếu người tiêu dùng.

Xem thêm tại: Phân biệt thương hiệu và nhãn hiệu

- Nhãn hiệu khác với Logo:

Biểu trưng hay logo (vắn tắt của từ logotype, tiếng Anh): là một yếu tố đồ họa gồm ký hiệu, chữ biểu thị, biểu tượng, hình tượng... kết hợp với cách thức thể hiện nó tạo thành: một nhãn hiệu hay thương hiệu, hình ảnh đại diện cho một công ty hay các tổ chức phi thương mại, hình ảnh biểu thị một sự kiện, một cuộc thi, một phong trào hay một cá nhân nào đó. Ví dụ: nhìn thấy biểu trưng (logo) Quả táo cắn dở, chúng ta nghĩ đến Tập đoàn công nghệ Apple, nhãn hiệu Apple, thương hiệu Apple trong lĩnh vực điện thoại thông minh, laptop…

Biểu trưng (logo) được chủ thể công nhận ngay sau khi nó được thiết kế xong và mặc nhiên có bản quyền (quyền tác giả). Nhãn hiệu công nhận sau khi hoàn thủ tục đăng ký (đăng ký nhãn hiệu).

- Nhãn hiệu khác với tên thương mại:

Tên thương mại (tradename): là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.

Tên thương mại (gồm chữ, chữ số) có khả năng phân biệt nếu đáp ứng điều kiện: chứa thành phần tên riêng, trừ trường hợp đã được biết đến rộng rãi do sử dụng; không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại mà người khác đã sử dụng trước trong cùng lĩnh vực, khu vực kinh doanh; đồng thời không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác hoặc với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày tên thương mại đó được sử dụng.

Nhiều tổ chức, cá nhân đăng ký nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với tên thương mại của mình.

xem thêm tại: Phân biệt nhãn hiệu với tên thương mại

- Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu:

Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, gồm: (i) Mẫu nhãn hiệu; (ii) Tờ khai nộp đơn đăng ký nhãn hiệu; (iii) Giấy ủy quyền; (iv) Tài liệu xác nhận được phép sử dụng các dấu hiệu đặc biệt (nếu có); (v) Tài liệu xác nhận quyền đăng ký nhãn hiệu; (vi) Tài liệu xác nhận thụ hưởng quyền đăng ký từ người khác; (vii) Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận; (viii) Chứng từ nộp lệ phí.

Hồ sơ và đăng ký nhãn hiệu Quốc tế theo Nghị định thư Madird, gồm: (i) Đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu, phải được làm bằng tiếng Anh và tiếng Pháp; (ii)  Tờ khai theo mẫu; (iii) Mẫu nhãn hiệu, thông thường là 09 mẫu kích thước 80 x 80 mm; (iv) Giấy uỷ quyền; (v) Các tài liệu liên quan, nếu cần; (vi) Bản sao có công chứng Giấy chứng nhận nhãn hiệu hoặc Đơn đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam; (vii) Điều kiện để nộp đơn ra nước ngoài là đã nộp đơn tại Việt Nam hoặc có Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam.

- Quy trình đăng ký nhãn hiệu:

Quy trình đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam, có thể phân chia thành 06 bước: (i) Tra cứu sơ bộ khả năng đăng ký; (ii) Soạn và nộp đơn tại Cục sở hữu trí tuệ; (iii) Thẩm định hình thức đơn, thời gian 01 tháng; (iv) Công bố đơn, thời gian 02 tháng; (v) Thẩm định nội dung đơn, thời gian từ 09 đến 12 tháng; (vi) Thông báo cấp văn bằng, thời gian 01 tháng đối với trường hợp nhãn hiệu đủ điều kiện bảo hộ.

Quy trình đăng ký nhãn hiệu Quốc tế theo Nghị định thư Madird, có thể phân chia thành 05 bước: (i) Nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam hoặc có Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam; (ii) Nộp đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế  tại trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ; (iii) Đơn đăng ký được nộp cho Văn phòng quốc tế thông qua Cục Sở hữu trí tuệ. Cục Sở hữu trí tuệ có trách nhiệm chuyển đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu cho Văn phòng quốc tế; (iv) Thời hạn kết luận về khả năng bảo hộ của nhãn hiệu: 12 tháng; (v) Công bố quyết định, 01 tháng từ ngày ra quyết định.

- Dịch vụ đăng ký nhãn hiệu:

Dịch vụ pháp lý đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam và Quốc tế của Công ty Luật TNHH Everest: (i) tư vấn - hướng dẫn, đưa ra ý kiến, giúp khách hàng soạn thảo các giấy tờ liên quan; (ii) đại diện theo ủy quyền của khách hàng để thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ; (iii) hỗ trợ dịch thuật, xác nhận giấy tờ và giúp đỡ về pháp luật khác.

Với hệ thống đối tác liên quan đến dịch vụ sở hữu trí tuệ: tư vấn xây dựng thương hiệu, tư vấn doanh nghiệp, tư vấn marketing và truyền thông… Công ty Luật TNHH Everest có thể hỗ trợ khách hàng các giải pháp tổng thể.

Với mạng lưới chi nhánh, đại lý tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nha Trang, Hồ Chí Minh…, cùng với việc áp dụng công nghệ, xây dựng các gói dịch vụ pháp lý đa dạng, Công ty Luật TNHH Everest có thể đáp ứng được nhu cầu của nhiều nhóm khách hàng với chất lượng tốt, thời gian nhanh và chi phí hợp lý.

Bài viết được thực hiện bởi: Luật sư Bùi Thị Phượng - Phòng Sở hữu trí tuệ - Công ty Luật TNHH Everest.


Liên hệ với Công ty Luật TNHH Everest để được tư vấn chi tiết:

  1. Trụ sở: Tầng 04 Tòa nhà Times, 35 Lê Văn Lương, Thanh Xuân, Hà Nội
  2. Chi nhánh Hà Nội: Tầng 02, Tòa nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
  3. Chi nhánh Quảng Ninh: Khu tái định cư xã Đoàn Kết, Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh
  4. Điện thoại: 024-66 527 527 - Tổng đài tư vấn: 1900 6198 - E-mail: info@everest.org.vn.


TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
0.39231 sec| 1046.656 kb