Đăng ký bản quyền tác giả - Những lưu ý cơ bản

Bởi Nguyễn Thị Ngân - 28/02/2020
view 1967
comment-forum-solid 0

Ngày này việc đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ là vô cùng phổ biến, dù vô tình hay cố ý cũng đều mang lại rất nhiều khó khăn cho tác giả và chủ sở hữu. Vì vậy việc đăng ký bản quyền tác giả cho các tác phẩm là rất quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho tác giả và tác phẩm.

Quyền tác giả - hiểu thế nào

Quyền tác giả (còn gọi là “tác quyền” hoặc “bản quyền”): là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Quyền tác giả có hai nội hàm chính quyền nhân thân và quyền tài sản.

Quyền nhân thân (gắn liền với mỗi cá nhân). Quyền nhân thân không thể chuyển giao, gồm: đặt tên cho tác phẩm; đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng. Quyền nhân thân có thể chuyển giao, gồm: công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào.

đăng ký bản quyền tác giả Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900.6198

Quyền tài sản: làm tác phẩm phái sinh; Biểu diễn tác phẩm trước công chúng; Sao chép tác phẩm; phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm; Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử…; cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính…

Ngoài ra, còn có khái niệm quyền liên quan đến quyền tác giả, đó là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa. Ví dụ: bài hát (tác phẩm) của một tác giả được diễn viên, ca sĩ, nhạc công, vũ công (không phải là tác giả)… trình bày; Tổ chức phát sóng (truyền hình, phát thanh) sử dụng tác phẩm đã công bố để phát sóng…; Đơn vị khác nhập khẩu, phân phối bản ghi âm ghi hình này đến công chúng…

Đăng ký bản quyền tác giả không bắt buộc. Quyền tác giả đối với một tác phẩm phát sinh tại thời điểm tác phẩm sáng tạo được thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định, không phân biệt tác phẩm đã công bố hoặc chưa công bố, đã đăng ký bảo hộ hoặc chưa đăng ký bảo hộ.

Vì sao việc bảo hộ quyền tác giả là cần thiết

Đăng ký bản quyền tác giả hay còn gọi là bảo hộ bản quyền tác giả. Việc đăng ký này sẽ đảm bảo cho người sáng tạo ra tác phẩm chống lại các hành vi sử dụng trái phép tác phẩm như: Sao chép, ăn trộm, xuyên tạc, lạm dụng tác phẩm đó. Để tạo ra một tác phẩm có giá trị và sáng tạo, đòi hỏi phải có sự lao động trí óc, trí tuệ, bỏ rất nhiều thời gian và tiền bạc. Việc đăng ký bản quyền tác giả là sự chứng nhận cho sự sáng tạo của con người, bằng việc trao cho tác giả các phần thưởng xứng đáng, động viên tinh thần làm việc cho người sáng tạo.

Tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả

Tác phẩm được bảo vệ bởi quyền tác giả là các loại hình tác phẩm được sáng tạo ra bằng lao động trí tuệ của chủ sở hữu mà không sao chép từ tác phẩm của người khác.

Các loại hình tác phẩm được bảo hộ bao gồm: các tác phẩm văn học, khoa học, giáo trình; bài giảng, bài phát biểu; tác phẩm báo chí; tác phẩm âm nhạc; tác phẩm sân khấu; tác phẩm điện ảnh; tác phẩm mỹ thuật ứng dụng (logo, nhãn hiệu,…); tác phẩm nhiếp ảnh; tác phẩm kiến trúc; chương trình máy tính và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác, được đánh dấu sự hiện diện của các tác phẩm trên một vật định hình cụ thể.

Ví dụ: bức tranh X trở thành tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả khi họa sĩ thể hiện bức tranh đó dưới dạng là các đường nét và màu sắc trên giấy. Việc vẽ bức tranh này trên giấy là một hình thức cụ thể mà mọi người đều có khả năng nhìn thấy được. Vì vậy, bức tranh đó trở thành một tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả.

Tác phẩm không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả

Để tránh sự độc quyền của tác giả, ảnh hưởng đến lợi ích chung của xã hội, pháp luật quy định các tác phẩm không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả.

Đó là các loại văn bản cần được phổ biến nhanh, rộng rãi trong toàn xã hội, bao gồm: Tin tức thời sự thuần tuý đưa tin; Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó; Quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu.

Ngoại lệ, dù tin tức thời sự thuần túy đưa tin không phải là tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả, song các thông tin có yếu tố bình luận, ý kiến cá nhân hay chứa ý kiến riêng của tác giả có thể được bảo hộ.

Ai là người có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả

Tổ chức, cá nhân có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm và chủ sở hữu quyền tác giả. Trong đó, chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân nắm giữ một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản thuộc quyền tác giả, bao gồm: tác giả; các đồng tác giả; tổ chức, cá nhân giao nhiệm vụ cho tác giả hoặc giao kết hợp đồng với tác giả; người thừa kế; người được chuyển giao quyền; nhà nước. Ví dụ: ông B ký hợp đồng với họa sĩ A để vẽ bức tranh X. Như vậy, ông B là chủ sở hữu quyền tác giả còn họa sĩ A là tác giả.

Một số hành vi điển hình xâm phạm quyền tác giả

Hiện nay, trong xã hội, tồn tại một số hành vi điển hình xâm phạm quyền tác giả như: mạo danh tác giả; công bố, phân phố tác phẩm mà không được phép của tác giả; sử dụng tác phẩm mà không được phép; nhân bản hoặc truyền đạt tác phẩm trên các phương tiện truyền thông, mạng không được phép; làm tác phẩm phái sinh mà không được phép. Ví dụ: họa sĩ C vẽ lại bức tranh X của họa sĩ A mà không xin phép họa sĩ A thì hành vi này của họa sĩ C đã xâm phạm quyền sao chép tác phẩm thuộc quyền tác giả.

Hồ sơ đăng ký quyền tác giả

Thông thường, 01 (một) bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả gồm 02 (hai) loại giấy tờ chính: Một là, tờ khai đăng ký quyền tác giả theo mẫu; hai là, 02 (hai) bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả. Ngoài ra, tùy từng trường hợp cụ thể, bộ hồ sơ phải có thêm các loại giấy tờ sau: (1) Giấy ủy quyền, nếu người nộp hồ sơ là người được ủy quyền; (2) Tài liệu chứng minh quyền nộp hồ sơ, nếu người nộp hồ sơ thụ hưởng quyền đó của người khác do được thừa kế, chuyển gia, kế thừa; (3) Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả; (4) Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả thuộc sở hữu chung. Lưu ý, đối với những tác phẩm có đặc thù riêng như tranh, tượng, tượng đài, phù điêu, tranh hoành tráng gắn với công trình kiến trúc; tác phẩm có kích thước quá lớn, cồng kềnh bản sao tác phẩm đăng ký được thay thế bằng ảnh chụp không gian ba chiều.

Tuy nhiên, tại Công ty Luật TNHH Everest, chúng tôi sẽ chuẩn bị cho Qúy khách hàng toàn bộ tài liệu cần thiết qua dịch vụ đăng ký quyền tác giả. Qúy khách hàng chỉ cần cung cấp cho chúng tôi các tài liệu gồm: (1) 02 (hai) bản sao công chứng Chứng minh thư nhân dân/Thẻ căn cước công dân của tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả; (2) 01 (một) bản sao công chứng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (nếu chủ sở hữu là tổ chức).

Thủ tục đăng ký quyền tác giả

Tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác hoặc gửi qua đường bưu điện nộp 01 (một) bộ hồ sơ tại Cục Bản quyền tác giả. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, Cục Bản quyền tác giả có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho người nộp hồ sơ. Trong trường hợp từ chối thì Cục Bản quyền tác giả phải thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ.

Quy trình tại Công ty Luật TNHH Everest qua dịch vụ đăng ký quyền tác giả gồm 05 (năm) bước: (1) Qúy khách hàng cung cấp thông tin, tài liệu như trên cho Công ty Luật TNHH Everest và ký hợp đồng dịch vụ, giấy ủy quyền; (2) Công ty Luật TNHH Everest tiến hành soạn thảo hồ sơ và chuyển tới Qúy khách hàng để ký; (3) Qúy khách hàng chuyển lại hồ sơ cho Công ty Luật TNHH Everest; (4) Công ty Luật TNHH Everest đại diện nộp hồ sơ tại Cục Bản quyền tác giả; (5) Sau 15-20 ngày, nhận kết quả trả lại Quý khách hàng và thanh lý hợp đồng dịch vụ.

Thời hạn bảo hộ quyền tác giả

Với các quyền nhân thân của tác giả đối với tác phẩm gồm: đặt tên, đứng tên và bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm được bảo hộ vô thời hạn. Với các quyền tài sản và quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm, các tác phẩm được công bố lần đầu tiên có thời hạn bảo hộ là 50 năm kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên. 

Tác phẩm khuyết danh chỉ được bảo hộ khi thông tin về tác giả xuất hiện, thời hạn bảo hộ là suốt đời của tác giả và 50 năm sau năm mà tác giả chết. Thời điểm chấm dứt bảo hộ tính vào lúc 24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ quyền tác giả.

Ví dụ: ngày 02/02/2020, họa sĩ A công bố bức tranh X. Thời hạn chấm dứt bảo hộ các quyền tài sản và quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm vào lúc 24 giờ ngày 31/12/2095.

Trường hợp được sử dụng tác phẩm không phải xin phép

Pháp luật quy định các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố mà không cần phải xin phép, trả tiền cho tác giả. Nhìn chung, tất cả các hành vi này đều sử dụng tác phẩm đã công bố mà đều không vì mục đích thương mại mà vì mục đích phát triển văn hóa - xã hội chung, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận tri thức cho người nhân.

Đồng thời, những hành vi này cũng không gây tổn hại gì đến tác giả, tác phẩm và quyền tác giả với tác phẩm. Bên cạnh đó, để có thể sử dụng tác phẩm mà không cần phải xin phép, trả tiền thù lao, người sử dụng còn phải thỏa mãn 2 điều kiện khác: (1) Tác phẩm đã được công bố; (2) Tôn trọng tác giả và quyền tác giả; việc tác phẩm khi được sử dụng phải được ghi rõ nguồn gốc xuất xứ và thông tin tác giả. Ví dụ: sinh viên D photo một bản giáo trình Y nhăm mục đích nghiên cứu khoa học của cá nhân. Nếu nhằm mục đích khác ngoài mục đích nghiên cứu khoa học (đọc để biết, học trên trường…) thì sinh viên D phải xin phép tác giả.

Liên hệ công ty Luật TNHH Everest để được tư vấn chi tiết

  1. Trụ sở: Tầng 04 Tòa nhà Times, 35 Lê Văn Lương, Thanh Xuân, Hà Nội.
  2. Chi nhánh Hà Nội: TT06A, HC - Golden city, Số 319 Đường Hồng Tiến, Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội.
  3. Chi nhánh Quảng Ninh: Khu tái định cư xã Đoàn Kết, Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
  4. Chi nhánh Hồ Chí Minh: Tầng 04 Khu B, Tòa nhà Indochina Park, Số 04 Nguyễn Đình Chiểu, Q1, HCM.
  5. Điện thoại: 024-66 527 527 – Tổng đài tư vấn: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

Nguyễn Thị Ngân

Nguyễn Thị Ngân

https://everest.org.vn/chuyen-vien-nguyen-thi-ngan Chuyên viên Nguyễn Thị Ngân có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đất đai, thừa kế,... và đã tham gia thực hiện các vụ án nổi bật như: Kinh doanh thương mại, Hình sự.

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
0.22737 sec| 1062.391 kb