Hiểu thế nào là bảo đảm tranh tụng trong tố tụng dân sự

view 563
comment-forum-solid 0

Cải cách tư pháp là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình xây dựng nước ta trở thành một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trong lĩnh vực tố tụng dân sự, cải cách tư pháp quan tâm đến nhiều vấn đề trong đó có việc thực hiện quyền tranh tụng trong xét xử. Pháp luật cũng có quy định cụ thể về nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong tố tụng dân sự.

Luật sư Trần Đình Thanh – Công ty Luật TNHH Everest, Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900.6198

- Khái niệm nguyên tắc bảo đảm tranh tụng

Tranh tụng được hiểu là hoạt động tố tụng được thực hiện bởi các bên tham gia tố tụng, có quyền bình đẳng với nhau trong việc thu thập, đưa ra chứng cứ để bảo vệ các quan điểm và lợi ích của mình, phản bác lại quan điểm và lợi ích của phía đối lập.

Trong từ điển Tiếng Việt thì “bảo đảm” là “làm cho chắc chắn thực hiện được, giữ gìn được hoặc có đầy đủ những gì cần thiết”. Có thể cho rằng bảo đảm tranh tụng trong tố tụng dân sự là bảo đảm các điều kiện cần thiết làm cho các chủ thể tranh tụng chắc chắn thực hiện được quyền tranh tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trước Tòa án.

Nguyên tắc của tố tụng dân sự được xác định là những tư tưởng chỉ đạo, biểu thị đặc trưng của tố tụng dân sự, được quy định trong pháp luật làm nền tảng cho các hoạt động tố tụng dân sự. Nguyên tắc thường được thể hiện dưới hình thức các quy phạm pháp luật.

Dựa theo các lớp nghĩa trên, có thể đưa ra khái niệm cụ thể về nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong tố tụng dân sự như sau: "Nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong tố tụng dân sự là một trong những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự, thể hiện quan điểm có tính định hướng của Nhà nước trong việc xác định trách nhiệm của Tòa án trong việc bảo đảm được các điều kiện cần thiết làm cho các chủ thể tranh tụng thực hiện được quyền tranh tụng trong suốt quá trình tố tụng dân sự, bao gồm việc đưa ra chứng cứ, trao đổi chứng cứ, lý lẽ, căn cứ pháp lý để chứng minh, biện luận cho yêu cầu của đương sự trước Tòa án . Tòa án căn cứ vào kết quả tranh tụng để quyết định về việc giải quyết vụ án dân sự."

- Nội dung nguyên tắc bảo đảm tranh tụng

Căn cứ theo Điều 24 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong tố tụng được quy định cụ thể như sau:

“1. Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện quyền tranh tụng trong xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của Bộ luật này.

2. Đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền thu thập, giao nộp tài liệu, chứng cứ kể từ khi Tòa án thụ lý vụ án dân sự và có nghĩa vụ thông báo cho nhau các tài liệu, chứng cứ đã giao nộp; trình bày, đối đáp, phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng để bảo vệ yêu cầu, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc bác bỏ yêu cầu của người khác theo quy định của Bộ luật này.

3. Trong quá trình xét xử, mọi tài liệu; chứng cứ phải được xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện, công khai, trừ trường hợp không được công khai theo quy định tại Khoản 2 Điều 109 của Bộ luật này. Tòa án điều hành việc tranh tụng, hỏi những vấn đề chưa rõ và căn cứ vào kết quả tranh tụng để ra bản án, quyết định.”

Thứ nhất, các chủ thể tham gia tranh tụng có quyền tranh tụng trong suốt quá trình Tòa án giải quyết vụ án dân sự kể từ khi đương sự có yêu cầu và Tòa án thụ lí đến khi xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm.

Cụ thể hơn, các bên đương sự được đảm bảo thực hiện các quyền sau:

  • Có quyền đưa ra yêu cầu;
  • Có quyền và nghĩa vụ thu thập, cung cấp chứng cứ, chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình;
  • Có quyền yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức đang lưu trữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ đó cho mình để giao nộp cho Tòa án;
  • Có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc các biện pháp cần thiết để bảo toàn chứng cứ trong trường hợp chứng cứ đang bị tiêu hủy, có nguy cơ tiêu hủy hoặc sau này khó có thể thu thập được;
  • Có quyền đề nghị Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ của vụ việc mà tự mình không thể thực hiện được;
  • Đề nghị Tòa án ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ đó;
  • Đề nghị Tòa án triệu tập người làm chứng, trưng cầu giám định, quyết định việc định giá tài sản;
  • Có quyền được biết, trao đổi và ghi chép,sao chụp tài liệu, chứng cứ do các đương sự khác xuất trình hoặc do Tòa án thu thập;
  • Có quyền tham gia phiên tòa;
  • Có quyền trình bày về các yêu cầu và chứng cứ chứng minh cho yêu cầu;
  • Có quyền hỏi những người tham gia tố tụng khác; tranh luận về chứng cứ, trình bày quan điểm, lập luận của mình về các tình tiết của vụ án;
  • Có quyền bác bỏ những lập luận của các đương sự khác, đưa ra quan điểm của mình về hướng giải quyết vụ án;
  • Được đối chất với nhau hoặc với người làm chứng;
  • Có quyền kháng cáo bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật để yêu cầu Tòa án cấp trên xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm;
  • Có quyền đề nghị người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

Thứ hai, các chủ thể tham gia tranh tụng được bình đẳng trong việc thực hiện quyền tranh tụng, theo đó các bên đương sự được bình đẳng về quyền và nghĩa vụ tố tụng dân sự và bình đẳng về trách nhiệm pháp lý.

Nội dung này thể hiện các chủ thể tranh tụng không chỉ có các quyền tranh tụng mà họ được pháp luật thừa nhận bình đẳng khi thực hiện quyền tranh tụng của mình. Sự bình đẳng này được thể hiện trên hai khía cạnh: họ bình đẳng về quyền và nghĩa vụ tố tụng dân sự và họ bình đẳng về trách nhiệm pháp lý của mình. Nội dung này thể hiện tính cân bằng của pháp luật trong việc đảm bảo việc thực hiện tranh tụng trong xét xử.

Thứ ba, Tòa án có trách nhiệm áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật tạo điều kiện cho các chủ thể tranh tụng thực hiện quyền tranh tụng để ra bản án, quyết định đúng pháp luật.

Tòa án với tư cách là chủ thể dẫn dắt hoạt động tranh tụng trong tố tụng có trách nhiệm tôn trọng quyền tranh tụng của các bên đương sự, cơ quan này phải đảm bảo cho đương sự và những người tham gia tố tụng khác hiểu và đáp ứng đủ điều kiện thực hiện quyền tranh tụng theo quy định của pháp luật. Mọi đương sự đều phải được Tòa án triệu tập hợp lệ để thực hiện quyền tranh tụng. Tòa án phải đảm bảo cho các đương sự được bình đằng trong thực hiện quyền tranh tụng. Tòa án chỉ được đưa ra phán quyết dựa vào những chứng cứ, lý lẽ, căn cứ pháp lý đã được hỏi, tranh luận công khai tại Tòa án.

- Ý nghĩa của nguyên tắc bảo đảm tranh tụng

Thứ nhất, bảo đảm tranh tụng tạo ra cơ sở để các bên đương sự bảo vệ quyền và lợi ích của mình trước Tòa án. Theo phương thức tranh tụng để giải quyết vụ án, các đương sự đều có cơ sở trình bày, đưa ra các luận điểm chứng minh cho quyền lợi hợp pháp của mình cũng như phản biện lại quan điểm phía bên kia để làm rõ sự thật khách quan vụ án. Kết quả tranh tụng là cơ sở để Tòa án xác định giải quyết vụ án nên đương sự phải nỗ lực hết sức xây dựng hệ thống cơ sở lập luận tranh tụng vững vàng, tạo tiền đề chắc chắn khi tham gia hoạt động tố tụng.

Thứ hai, bảo đảm tranh tụng góp phần đảm bảo cho bản án, quyết định của Tòa án tuyên là có căn cứ và hợp pháp. Với vai trò làm rõ sự thật khách quan của vụ án, tranh tụng là cơ sở để Tòa án giải quyết được các yêu cầu của các đương sự, từ đó đưa ra quyết định cuối cùng đáp ứng hoàn toàn các quy định của pháp luật, đảm bảo công lý, công bằng trong xét xử.

Xem thêm:

– Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật tố tụng được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

Luật sư Trần Đình Thanh

Luật sư Trần Đình Thanh

http://phaptri.vn Luật sư Trần Đình Thanh là tác giả, cố vấn chuyên môn cho các bài viết tư vấn pháp luật tại website phaptri.vn

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
0.55209 sec| 1042.883 kb