Di sản dùng vào việc thờ cúng được pháp luật quy định như thế nào ?

view 399
comment-forum-solid 0

Phong tục thờ cúng tổ tiên đã là một nét đẹp trong văn hóa Á Đông nói chung và của người Việt Nam nói riêng. Ở Việt Nam, việc thờ cúng tổ tiên có một ý nghĩa hết sức to lớn, đây không những chỉ là việc thờ cúng đơn thuần mà còn mang giá trị nhân văn, lưu giữ truyền thống, sum họp gia đình,… Chính vì những ý nghĩa to lớn như vậy mà pháp luật dân sự nước ta có riêng một chế định về thừa kế và quy định riêng về di sản dùng vào việc thờ cúng.

Luật sư Trần Đình Thanh - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900.6198

Văn hóa thờ cúng của người Việt Nam

Thờ cúng nói chung và thờ cúng tổ tiên nói riêng là một hiện tượng xã hội đã xuất hiện từ xa xưa và tồn tại ở nhiều cộng đồng dân cư trên thế giới. Nguồn gốc hình thành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên có thể xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau:

(i) Yếu tố kinh tế xã hội: Với sự ra đời của chế độ thị tộc phụ hệ làm cho trình độ sản xuất của xã hội ngày càng cao, dẫn đến của cải trong xã hội ngày càng nhiều và phát sinh yêu cầu thừa kế tài sản. Ở Việt Nam, nền kinh tế tiểu nông tự cung tự cấp tồn tại lâu đời là cơ sở cho sự hình thành và phát triển của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Lối sống gắn bó với gia đình khiến cho việc thờ cúng tổ tiên ở mỗi gia đình được chú ý đặc biệt

(ii) Yếu tố tâm lý: Trình độ nhận thức, khả năng tư duy của con người là yếu tố quan trọng dẫn đến sự hình thành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Trong quan niệm của người Việt, thế giới sau khi chết là có tồn tại (sống gửi, thác về), người Việt còn có cách gọi cái chết bằng cái tên khác như quy tiên, về cõi suối vàng,… hàm ý người chết vẫn có mối liên hệ nào đó với thế giới của người sống, từ đó xuất hiện cơ sở của việc thờ cúng.

(iii) Đặc tính trong phương thức xử sự xã hội của người Việt: Người Việt Nam nói riêng hay người Đông Á nói chung trong xử sự luôn duy tình, khác với Phương Tây khi họ hay duy lý. Điều này được biểu hiện trong đời sống hàng ngày của người Việt, khi chúng ta cho rằng dù có đi đâu, làm gì thì chúng ta luôn được phù hộ bởi các bậc tiền nhân đã khuất, vì thế chúng ta thực hiện tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trước hết là để bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên, sau đó là bày tỏ mong muốn đường phù hộ, dẫn lối để mọi việc suôn sẻ trong cuộc sống.

Không chỉ có mỗi người Kinh (Việt) có phong tục thờ cúng tổ tiên mà rất nhiều các dân tộc khác trên đất nước Việt Nam có tập quán thờ cúng, có thể lấy ví dụ như: Người Tày ở Cao Bằng: thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng duy nhất của người Tày, để duy trì sự liên tục của thờ cúng tổ tiên thì trong nhà người Tày nào cũng có bàn thờ tổ tiên đặt ở gian giữa, nơi trang trọng nhất nhà. Người Mường ở Phú Thọ, Hòa Bình; người Nùng ở Móng Cái; Người Thái ở Điện Biên, Lai Châu, Sơn La đều có phong tục thờ cúng tổ tiên giống người Kinh. Các dân tộc ở Tây Nguyên chỉ thờ cúng người chết trong một khoảng thời gian nhất định, sau đó dần quên lãng người đó. Người Việt Nam theo đạo Công giáo tuy không lập bàn thờ tổ tiên nhưng vào dịp giỗ những người đã khuất, họ vẫn làm cỗ và cầu nguyện cho người đã khuất.

Xem thêm: Có chia thừa kế đối với di sản dùng vào việc thờ cúng?

Thế nào là di sản dùng vào việc thờ cúng

Tài sản thờ cúng là tất cả tài sản được dùng vào việc thờ cúng bao gồm cả những tài sản mà người để lại di chúc chỉ định dùng vào việc thờ cúng và cả những tài sản không thuộc quyền sở hữu của người để lại di chúc (tài sản có từ trước được truyền từ đời này qua đời khác) và tài sản do người đang sống chủ động dùng vào việc thờ cúng tổ tiên.

Có thể phân loại các tài sản thờ cúng như sau:

(i) Tài sản dùng vào việc thờ cúng là bất động sản

(ii) Tài sản dùng vào việc thờ cúng là động sản

(iii) Tài sản dùng vào việc thờ cúng là tiền, giấy tờ có giá

Tại Bộ luật Dân sự năm 2015 không đưa ra khái niệm nào về di sản dùng vào việc thờ cúng, tuy nhiên xâu chuỗi với thực tiễn và nội dung của chế định thừa kế theo di chúc, có thể đưa ra khái niệm sau: Di sản dùng vào việc thờ cúng là tài sản hợp pháp của người lập di chúc để lại cho người thừa kế để dùng vào việc cúng giỗ người lập di chúc và tổ tiên của người đó.

Mối quan hệ giữa di sản thừa kế và di sản dùng vào việc thờ cúng

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì di sản thừa kế và di sản thờ cúng có mối quan hệ mật thiết với nhau. Di sản thờ cúng có nguồn gốc xuất phát từ di sản thừa kế. Chỉ khi có di sản thừa kế thì mới có di sản thờ cúng, bởi di sản thờ cúng là phần di sản do người lập di chúc chỉ định ra trong khối tài sản của mình. Do đó, việc xác định di sản thừa kế là rất quan trọng bởi sau đó mới có thể xác định được phần di sản được dùng vào việc thờ cúng.

Phần di sản được dùng vào việc thờ cúng mặc dù phụ thuộc vào sự tồn tại của di sản thừa kế nhưng nó lại có sự tồn tại độc lập hoàn toàn với các phần di sản khác trong khối di sản thừa kế như phần di sản chia thừa kế hay di tặng. Với phần di sản thừa kế, phần này sẽ được chia theo di chúc và sau đó sẽ trở thành phần tài sản thuộc quyền sở hữu của những người thừa kế theo di chúc hoặc những người thừa kế không phụ thuộc nội dung di chúc. Phần di sản dùng để di tặng được dành riêng để đi tặng cho đối tượng nhất định đã được xác định rõ trong di chúc. Còn phần tài sản là di sản dùng cho việc thờ cúng sẽ được bảo toàn và không được phép chia cho bất cứ chủ thể nào khác.

Tuy nhiên trong trường hợp người để lại di sản thờ cúng có nghĩa vụ tài sản với bên thứ ba mà phần di sản thừa kế của người đó không đủ để thực hiện nghĩa vụ tài sản với người này thì phần di sản dùng vào việc thờ cúng sẽ được sử dụng để thực hiện nghĩa vụ tài sản của người lập di chúc.

Tương tự như vậy, phần di sản dùng để thờ cúng không thể được bảo toàn trong trường hợp người lập di chúc để lại di sản dùng vào việc thờ cúng có nghĩa vụ cấp dưỡng. Khi đó, nếu phần di sản thừa kế của người lập di chúc không đủ để thực hiện trách nhiệm cấp dưỡng thì phải dùng đến phần di sản dùng vào việc thờ cúng.

Do vậy, nội dung tại Khoản 2 Điều 645 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định: "Trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng."

Xem thêm: Nghĩa vụ trả nợ tiền vay trích từ di sản?

Quy định của pháp luật về di sản dùng vào việc thờ cúng

Phần di sản dùng vào việc thờ cúng

Pháp luật đã quy định rõ ràng người lập di chúc có quyền dành phần di sản dùng vào việc thờ cúng hoàn toàn phù hợp với thực tiễn xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề cần trao đổi ở đây là quy định về cụm từ "một phần di sản”. Đây là cụm từ ước lượng chung chung, không mang tính định lượng. Thế nên, khi trong Bộ luật Dân sự hiện hành quy định về cụm từ “ một phần di sản” gây ra nhiều ý kiến tranh luận về việc như thế nào là một phần di sản.

Điều 645 Bộ luật Dân sự năm 2015 không quy định riêng để xác định di sản thờ cúng chiếm tỷ lệ như thế nào trong tổng khối di sản hay toàn bộ khối di sản đều có thể sử dụng cho việc thờ cúng. Nguyên tắc cho vấn đề này được phân bố trong các quy định khác, cụ thể là người để lại di sản không được dùng toàn bộ di sản cho việc thờ cúng mà chỉ được dành một phần trong số đó. 

Việc quy định chỉ dành một phần di sản để thờ cúng như quy định hiện nay đang mang một số hạn chế như sau:

Thứ nhất, chưa định lượng tỷ lệ tối đa phần di sản được dùng vào việc thờ cúng. Điều này cho thấy Bộ luật Dân sự năm 2015 đang không rõ ràng, khiến cho pháp luật khó thể áp dụng được trên thực tế. Xét trên khía cạnh kỹ thuật lập pháp, khi đã xác định di sản dùng cho việc thờ cúng chỉ chiếm một phần chứ không phải toàn bộ thì cần xác định rõ là di sản dùng cho việc thờ cúng chiếm bao nhiêu phần trong khối di sản. Nếu đem vào thực tiễn tố tụng xét xử sẽ gây khó dễ cho Tòa án khi họ không hề có căn cứ pháp lý, án lệ hay tập quán nào để đưa ra phán quyết. 

Thứ hại, quy định giới hạn di sản dùng cho việc thờ cúng khiến cho sự tự do định đoạt của người chết thiếu đi sự tôn trọng đối với họ. Bởi vốn dĩ chủ sở hữu có quyền định đoạt với tài sản của mình, mặc dù Nhà nước có thể hạn chế quyền định đoạt của chủ sở hữu nếu quy định vào Luật nhưng cần lý do chính đáng, thuyết phục.

Người quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng

Khoản 1 Điều 645 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định người quản lý di sản dùng cho việc thờ cúng là người do người để lại di sản chỉ định trong di chúc. Nếu người lập di chúc không chỉ rõ ai là người quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng thì những người thừa kế sẽ cử người quản lý di sản dùng cho việc thờ cúng.

Điều 645 Bộ luật Dân sự năm 2015 không nêu rõ quyền và nghĩa vụ của người quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng mà chỉ quy định chung chung, hướng đến việc dành quyền cho những người thừa kế của người để lại di sản quyết định các vấn đề liên quan đến người quản lý di sản thờ cúng: “nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác để quản lý thờ cúng.” 

Việc xác định quyền của của người quản lý di sản thờ cúng nhằm giải quyết vấn đề thời gian, công sức, chi phí vật chất bỏ ra để thực hiện việc quản lý di sản thờ cúng đó. Xem xét đến nghĩa vụ của người quản lý di sản thờ cúng là cơ sở để xác định người quản lý di sản thờ cúng được hưởng những lợi ích nhất định nào cũng như họ cần phải làm những gì trong quá trình thực hiện quản lý di sản thờ cúng.

Nhìn về mặt thực tế, người quản lý di sản thờ cúng có những quyền sau đây: quyền chiếm hữu và sử dụng các tài sản dùng cho việc thờ cúng; có quyền sinh sống trong nhà, canh tác đất đai, thu về hoa lợi; có quyền khởi kiện đòi lại các tài sản bị chiếm giữ bất hợp pháp…

Người quản lý di sản thờ cúng cũng có những nghĩa vụ như là: nghĩa vụ thực hiện việc thờ cúng và nghĩa vụ quản trị tài sản thừa kế.

Chấm dứt việc dùng di sản thờ cúng

Khoản 1 Điều 645 Bộ luật Dân sự năm 2015 có đưa ra trường hợp duy nhất về chấm dứt việc dùng một phần di sản dùng vào việc thờ cúng: Trong trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.” 

Để tìm hiểu về những dịch vụ pháp lý liên quan đến lĩnh vực dân sự của chúng tôi, vui lòng truy cập: Dịch vụ Dân sự

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật dân sự được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

Luật sư Trần Đình Thanh

Luật sư Trần Đình Thanh

http://phaptri.vn Luật sư Trần Đình Thanh là tác giả, cố vấn chuyên môn cho các bài viết tư vấn pháp luật tại website phaptri.vn

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
1.44759 sec| 1063.352 kb