Quy định về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự

view 831
comment-forum-solid 0

Quy định người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong tố tụng dân sự là sự kết tinh của quyền con người, quyền công dân hay cụ thể hơn là quyền được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong tố tụng dân sự. Vậy người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự gồm những ai? Pháp luật xác định quyền và nghĩa vụ của họ như thế nào? Bài viết sau đây sẽ giải đáp những vấn đề nêu trên.

Luật sư Trần Đình Thanh - Công ty Luật TNHH Everest, Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900.6198

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là gì ?

Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 75 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, khái niệm về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được xác định như sau: “Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là người tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự”.

Cụ thể hơn, khi đánh giá và làm rõ từng khái niệm, có thể xác định như sau:

(i) “Đương sự trong tố tụng dân sự”, được định nghĩa “là người đưa ra hoặc người chống lại người đưa ra vụ kiện”, như vậy có thể hiểu, đương sự là người tham gia tố tụng dân sự có quyền và nghĩa vụ liên quan đến quá trình giải quyết vụ việc dân sự.

(ii) “Bảo vệ” được hiểu là “dùng lí lẽ để bênh vực, giữ vững ý kiến, quan điểm”.

(iii) “Quyền và lợi ích hợp pháp” ở đây được hiểu là những quyền và lợi ích đúng với pháp luật của cá nhân, cơ quan, tổ chức phát sinh từ những quan pháp luật hệ dân sự theo nghĩa rộng.

Như vậy, quyền và lợi ích hợp pháp được đề cập đến trong khái niệm nêu trong quy định pháp luật là những điều do các bên trong quan hệ pháp luật dân sự thoả thuận hoặc pháp luật công nhận và bảo đảm thực hiện theo quy định của pháp luật có lợi cho các đương sự.

Đặc điểm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự

(i) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong tố tụng dân sự là người thông thạo, am hiểu pháp luật.

(ii) Mục đích tham gia của họ nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự mình bảo vệ. 

(iii) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là người do đương sự chọn.

(iv) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được trao nhiều nhiệm vụ và quyền hạn khi tham gia tố tụng.

Vai trò người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự

Đối với đương sự họ bảo vệ trước Tòa án: Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự giúp đương sự nhận thức đúng quyền, nghĩa vụ của mình và bảo vệ các quyền và lợi ích đó trước Tòa án khi có sự vi phạm. 

Đối với việc giải quyết vụ việc dân sự của Tòa án: Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có lợi thế am hiểu pháp luật, vì vậy, việc tham gia tố tụng của họ giúp cho quá trình giải quyết vụ việc được nhanh chóng, bảo vệ được lợi ích của đương sự. Không những thế, với sự tham gia này, quá trình xét xử vụ án của Tòa án được công minh hơn, làm cho những người tiến hành tố tụng sẽ thận trọng và làm việc đúng pháp luật hơn trong quá trình giải quyết.

Điều kiện tham gia tố tụng của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 75 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, để tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, chủ thể cần phải thoả mãn đủ hai điều kiện: khi có yêu cầu của đương sự và được Toà án làm thủ tục đăng ký. 

Đối với điều kiện “có yêu cầu của đương sự”: Không ai có thể mặc nhiên trở thành người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự mà không có sự đồng ý bằng “yêu cầu của họ”. Yêu cầu của đương sự được hiểu là khi đương sự lập văn bản có nội dung thể hiện ý chí của bản thân về việc cho một người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự. 

Đối với điều kiện “được Toà án làm thủ tục đăng ký": Trước đây, luật quy định phải được “Toà án chấp nhận” thể hiện thông quan việc cấp giấy chứng nhận. Điều này dẫn đến thực tế khi áp dụng là, quyền được nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự bị phụ thuộc vào quyết định chấp nhận hay không của Toà án, gây cản trở cho việc đảm bảo thực hiện quyền của đương sự. Khác với việc Toà án cấp giấy chứng nhận, việc đương sự làm thủ tục đăng ký không phụ thuộc vào ý kiến chủ quan của Toà án. Nếu như Toà án từ chối thì phải thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do từ chối. Từ đó nâng cao quyền tự quyết định, tự định đoạt của đương sự, hạn chế sự làm quyền, không khách quan khi thực thi pháp luật của Toà án.

Ai có thể trở thành người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự

Luật sư

Ở Việt Nam, để trở thành luật sư cần đáp ứng được điều kiện sau:

(i) Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khỏe bảo đảm hành nghề luật sư thì có thể trở thành luật sư;

(ii) Chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập một Đoàn luật sư nếu muốn được hành nghề luật sư.

Việc đương sự nhờ luật sư tham gia tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình là tốt nhất vì người trở thành luật sư phải đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về đào tạo, kỹ năng hành nghề cũng như những phẩm chất nghề nghiệp

Trợ giúp viên pháp lý hoặc người tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý

Trợ giúp viên pháp lý là một chức danh ở Việt Nam dùng để chỉ về những người thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý. Họ là viên chức nhà nước và làm việc tại Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước. Để trở thành Trợ giúp viên pháp lý, người đó phải đáp ứng được những tiêu chuẩn sau: Có phẩm chất đạo đức tốt; Có trình độ cử nhân luật trở lên; Đã được đào tạo nghề luật sư hoặc được miễn đào tạo nghề luật sư; Đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư hoặc tập sự trợ giúp pháp lý; Có sức khỏe bảo đảm thực hiện trợ giúp pháp lý; Không đang trong thời gian bị xử lý kỷ luật.

Người tham gia trợ giúp pháp lý có thể là Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước theo hợp đồng; Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo phân công cảu tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý; Tư vấn viên pháp luật có 02 năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật trở lên làm việc tại tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý; Cộng tác viên trợ giúp pháp lý.

Trợ giúp pháp lý có giới hạn đối tượng được trợ giúp, bao gồm: Người có công với cách mạng;  Người thuộc hộ nghèo; Trẻ em; Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khan; Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo; Những trường hợp có khó khăn về tài chính bao gồm: Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ, Người nhiễm chất độc da cam, Người cao tuổi, Người khuyết tật, Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự, Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình, Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người, Người nhiễm HIV.

Đại diện của tổ chức đại diện tập thể lao động

Theo pháp luật về lao động, tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở là Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở. Đối với những tranh chấp, yêu cầu lao động được liệt kê tại Điều 32, 33 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, đại diện Ban chấp hành công đoàn sẽ là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động tham gia tốt tụng dân sự.

Công dân Việt Nam

Công dân Việt Nam muốn trở thành người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì phải có 3 đủ điều kiện:

(i) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

(ii) Không có án tích hoặc đã được xóa án tích, không thuộc trường hợp đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

(iii) Không phải là cán bộ, công chức ngành Tòa án, Kiểm sát, Công an.

Đây là quy định “mở” của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 nhằm tạo điều kiện cho những công dân Việt Nam có hiểu biết pháp luật, mặc dù không có chức danh tư pháp vẫn có thể tham gia tố tụng với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự nhằm bảo đảm quyền lợi cho các đương sự.

Để tìm hiểu và sử dụng dịch vụ luật sư cá nhân tranh tụng với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, xin vui lòng tham khảo bài viết dưới đây: Bảng phí dịch vụ Luật sư cá nhân - tranh tụng Công ty Luật TNHH Everest

Quyền của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự

Giai đoạn trước khi mở phiên tòa, phiên họp

Trong giai đoạn tố tụng trước khi mở phiên tòa, phiên họp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được trao những quyền sau:

(i) Quyền thu thập và cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án; quyền nghiên cứu hồ sơ vụ án và được ghi chép, sao chụp tài liệu cần thiết, trừ tài liệu tại khoản 2 Điều 109 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.

(ii) Quyền tham gia phiên họp, phiên hòa giải, phiên họp, phiên tòa vụ việc dân sự. 

(iii) Quyền thay mặt đương sự yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng khác. 

Giai đoạn tại phiên tòa, phiên họp

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự lần lượt trình bày các yêu cầu của đương sự mình bảo vệ và chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó, sau đó đương sự bổ sung ý kiến. Trong quá trình hỏi, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp có quyền đặt các câu hỏi để làm rõ các vấn đề của vụ án. Trong quá trình tranh tụng người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự sẽ được trình bày theo quan điểm của mình trước, sau đó đương sự sẽ bổ sung.

Giai đoạn sau khi kết thúc phiên tòa phiên họp sơ thẩm, phúc thẩm

Nếu người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự nhờ bảo vệ từ Tòa án cấp sơ thẩm thì tùy thuộc và diễn biến của phiên tòa mà người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự có thể giúp đương sự kháng cáo ngay khi Tòa sơ thẩm tuyên án. Nếu sau phiên tòa sơ thẩm, đương sự mới nhờ bảo vệ thì người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự cần nghiên cứu lại hồ sơ vụ án.

Giai đoạn tham gia phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm

Trong nhiều trường hợp, khi Tòa án triệu tập đương sự, người tham gia tố tụng tham gia phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm thì người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vẫn có quyền được tham gia để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Nghĩa vụ của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong quá trình tham gia tố tụng phải đảm bảo thực hiện những nghĩa vụ như sau:

Thứ nhất, trợ giúp đương sự về mặt pháp lý

Khi nhận nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự thì luật sư, trợ giúp viên pháp lý, người làm công tác trợ giúp pháp lý hay người khác được Toà án chấp nhận có trách nhiệm giúp đương sự về mặt pháp luật bằng việc: tư vấn cho đương sự và tham gia tranh luận tại phiên toà; giải thích để đương sự nhận thức được quyền, nghĩa vụ của mình trong vụ việc; thay mặt đương sự nhận giấy tờ, văn bản tố tụng mà Toà án tống đạt nếu được đương sự uỷ quyền.

Thứ hai, có mặt theo giấy triệu tập của Toà án, chấp hành quyết định của Toà án trong quá trình Toà án giải quyết vụ việc

Việc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có mặt tại phiên toà là rất quan trọng bởi các hoạt động tố tụng chủ yếu diễn ra tại phiên toà. Việc vắng mặt của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của đương sự cũng như kết quả giải quyết vụ án cho nên họ cần phải thể hiện tinh thần trách nhiệm của mình bằng việc thực hiện nghĩa vụ trên.

Thứ ba, tôn trọng Toà án, chấp hành nghiêm chỉnh nội quy phiên toà

Thái độ này được thể hiện qua các việc như: giao tiếp đúng mực, không lăng mạ, đe doạ hay hành hung người tiến hành tố tụng; đứng dậy khi hội đồng xét xử vào phòng xử án và khi tuyên án; giữ gìn trật tự; không được dùng từ ngữ thiếu văn hoá để chỉ trích hội đồng xét xử khi không đồng tình với phát quyết của hội đồng xét xử hay với những người tham gia tố tụng khác v.v. Chấp hành nghiêm chỉnh nội quy phiên toà không những thể hiện sự tôn trọng với Toà án mà còn tạo môi trường xét xử trang nghiêm, ổn định, giúp quá trình xét xử diễn ra thuận lợi.

Thứ tư, tuân thủ pháp luật trong tố tụng dân sự

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp sử dụng pháp luật là công cụ chủ yếu để bảo vệ quyền lợi cho đương sự và muốn cho lợi ích của đương sự được đảm bảo thì họ phải bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp không được chỉ quan tâm tới lợi ích của khách hàng mà bất chấp công lý, bất chấp pháp luật; thiếu sự cộng tác, gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng trong việc giải quyết vụ án. Nếu trong quá trình giải quyết vụ án, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vi phạm các nghĩa vụ nêu trên thì có thể bị xử lý theo quy định tại các Điều 489 đến 496 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015

Xem thêm: Hiểu thế nào là bảo đảm tranh tụng trong tố tụng dân sự

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật dân sự được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

Luật sư Trần Đình Thanh

Luật sư Trần Đình Thanh

http://phaptri.vn Luật sư Trần Đình Thanh là tác giả, cố vấn chuyên môn cho các bài viết tư vấn pháp luật tại website phaptri.vn

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
0.73520 sec| 1095.313 kb