Nội dung bài viết [Ẩn]
Thực tế hiện nay, người dân thường thực hiện các giao dịch cho vay tiền chỉ bằng lời nói hoặc văn bản nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do vậy, khi các bên thực hiện các giao dịch vay tiền nên lập các hợp đồng vay tiền. Vậy khi soạn thảo hợp đồng vay tiền cần lưu ý những gì?
Bài tư vấn được thực hiện bởi: Luật sư Nguyễn Thị Yến - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Theo từ điển tiếng Việt, vay có nghĩa là nhận tiền hay vật có giá trị của người khác để sử dụng trong khoảng thời gian, sau khi hết khoảng thời gian đã thỏa thuận thì phải trả lại phần tiền hoặc vật có giá trị tương đương kèm theo là phần lãi (nếu có). Những thỏa thuận của bên vay và bên cho vay chính là cơ sở để phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên cũng như hình thành nên một hợp đồng cho vay.
Về mặt pháp lý, Điều 463 Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định: "Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định".
Như vậy có thể hiểu hợp đồng vay tiền là sự thỏa thuận giữa bên vay và bên cho vay, theo đó, bên cho vay giao tiền cho bên vay, đến thời hạn đã thỏa thuận, bên vay có nghĩa vụ hoàn trả cho bên vay số tiền đã vay, cùng lãi theo thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định cụ thể.
Hợp đồng vay tiền là một giao dịch dân sự, do vậy hợp đồng vay tiền phải đáp ứng các điều kiện có hiệu lực của một giao dịch dân sự. Cụ thể, hợp đồng vay tiền có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau:
Thứ nhất, các bên tham gia giao dịch có năng lực dân sự và năng lực hành vi dân sự phù hợp với hợp đồng vay tiền được xác lập.
Đối với cá nhân, người xác lập, thực hiện hợp đồng vay tài sản phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ: Đó là người từ đủ 18 tuổi trở lên, không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, không mất năng lực hành vi dân sự. Người chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi không bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự cũng có thể tự mình xác lập và thực hiện hợp đồng nếu có tài sản riêng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Đối với pháp nhân, hợp đồng vay tiền phải được xác lập, thực hiện thông qua người đại diện hợp pháp của pháp nhân (người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền).
Thứ hai, mục đích và nội dung của hợp đồng vay tiền không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội.
Hợp đồng vay tiền có mục đích và nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội thì hợp đồng đó vô hiệu.
Thứ ba, người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện.
Hợp đồng vay tiền phải được ký kết dựa trên sự tự nguyện, ý chí chủ quan của các bên tham gia. Nếu hợp đồng được xác lập không dựa trên ý chí tự nguyện của một trong các bên thì hợp đồng đó vô hiệu. Như người tham gia giao dịch bị lừa dối, đe dọa, người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.
Điều 119 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về hình thức của giao dịch dân sự, theo đó hợp đồng vay tiền có thể được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.
Tuy nhiên, để giao dịch vay tiền có giá trị pháp lý cao và hạn chế các tranh chấp xảy ra trong tương lai, các bên nên thiết lập các hợp đồng vay tiền bằng văn bản.
Pháp luật không bắt buộc hợp đồng vay tài sản phải có công chứng, chứng thực. Tuy nhiên, để đảm bảo tính pháp lý hợp đồng vay tiền của mình thì các bên nên lập thành văn bản và ký công chứng tại Phòng công chứng của Ủy ban nhân dân địa phương hoặc Văn phòng công chứng. Trường hợp có tranh chấp xảy ra thì hợp đồng cho vay tiền này sẽ có giá trị pháp lý như một chứng cứ để yêu cầu khởi kiện tại Tòa án.
(i) Giao tài sản cho bên vay đầy đủ, đúng chất lượng, số lượng vào thời điểm và địa điểm đã thỏa thuận.
(ii) Bồi thường thiệt hại cho bên vay, nếu bên cho vay biết tài sản không bảo đảm chất lượng mà không báo cho bên vay biết, trừ trường hợp bên vay biết mà vẫn nhận tài sản đó.
(iii) Không được yêu cầu bên vay trả lại tài sản trước thời hạn, trừ trường hợp quy định tại Điều 470 của Bộ luật dân sự năm 2015 hoặc luật khác có liên quan quy định khác.
(i) Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
(ii) Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
(iii) Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015 trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
(iv) Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:
a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015;
b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định về lãi suất như sau: “1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. 2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ”.
Như vậy, lãi suất vay tiền là do chính các bên thỏa thuận, nếu vay có lãi thì lãi suất thỏa thuận không được quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Trường hợp lãi suất do các bên thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá bị vô hiệu (quá 20%/năm).
Theo quy định tại Điều 429 Bộ luật Dân sự năm 2015, thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Vậy đối với hợp đồng vay tiền đã quá ba năm, người cho vay có mất quyền đòi nợ gốc và tiền lãi không?
Điều 23 Nghị quyết 03/2012/Q-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định: “b) Đối với tranh chấp về quyền sở hữu tài sản, về đòi lại tài sản, đòi lại quyền sử dụng đất do người khác quản lý, chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện. Ví dụ 1: Ngày 01-01-2008, A cho B vay 500 triệu đồng, thời hạn vay là 1 năm. Đến ngày 01-01-2009, B không trả tiền gốc và tiền lãi. Đến ngày 03-4-2011, A khởi kiện yêu cầu buộc B trả lại khoản tiền gốc và tiền lãi. Đối với yêu cầu thanh toán khoản tiền lãi thì Tòa án không giải quyết vì đã hết thời hiệu khởi kiện. Đối với yêu cầu thanh toán khoản tiền gốc thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện, Tòa án thụ lý giải quyết theo thủ tục chung”.
Có thể hiểu, đồi với khoản tiền lãi, đây là khoản tiền phát sinh từ hợp đồng vay tiền, do vậy thời hiệu khởi kiện đối với yêu cầu trả tiền lãi trong trường hợp quá 03 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, người cho vay sẽ không được quyền đòi tiền lãi.
Đối với tiền gốc, đây được xem là yêu cầu khởi kiện đòi lại tài sản thông qua giao dịch dân sự, do đó theo Điều 23 Nghị quyết 03/2012/Q-HĐTP, người cho vay vẫn có quyền khởi kiện yêu cầu bên cho vay trả tiền gốc.
Khi bên vay vay quá nhiều tiền mà không trả được số tiền đã vay cho bên cho vay, bên cho vay sẽ xem xét và ghi rất nhiều giấy nợ. Cuối cùng, sẽ dẫn đến những loại giấy tờ cầm nhà cửa, đất đai để tương ứng với số tiền mà bên vay đã nợ. Nếu bên vay không hoàn trả số tiền đúng quy định, thì bên cho vay có quyền khởi kiện, yêu cầu Tòa án giải quyết. Lúc này, bên phía bên vay hoàn toàn bất lợi. Chính vì vậy, người vay cần phải xem xét kỹ lưỡng, tránh ký kết những loại giấy tờ khác. Ngoài ra, phải xem xét kĩ hợp đồng vay tiền.
Khi vay cần phải xác định rõ rằng, bên vay là vợ hoặc chồng hay đại diện vợ hoặc chồng đứng ra vay. Thông thường rất khó xác định là vợ hoặc chồng có sử dụng chung hay là riêng số tiền vay đó. Nên để trách khó khăn, vướng mắc khi phát sinh tranh chấp xảy ra thì cần phải xác định rõ ai là chủ thể vay, có liên đới giữa vợ và chồng hay không,...cần có sự thỏa thuận chung giữa vợ và chồng các bên.
Khi thực hiện bất cứ cuộc giao dịch, ký kết hợp đồng nào cần phải đảm bảo có bên thứ ba. Nên lựa chọn bên thứ ba là người đáng tin tưởng, để giúp bảo vệ sự thật.
Xem thêm: Mẫu hợp đồng vay tiền mới nhất
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm