Kiến nghị giải quyết vướng mắc về quyền thừa kế của cháu, chắt

Bởi Trần Thu Thủy - 16/12/2019
view 535
comment-forum-solid 0

Nội dung bài viết [Ẩn]

Bộ luật dân sự (BLDS) năm 2015 được đánh giá là hoàn thiện, trong đó có chế định thừa kế và nhiều nội dung mới được luật hóa, từng bước đáp ứng yêu cầu của xã hội. Tuy nhiên, qua một thời gian đi vào cuộc sống đã cho thấy vẫn còn một số vướng mắc, bất cập, chẳng hạn như quy định về quyền thừa kế thế vị của cháu và chắt.

Quy định của pháp luật

Theo quy định tại điều 652 BLDS năm 2015 thì: “Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống”.

Với quy định trên, nếu hiểu theo câu chữ của điều luật thì khi cha hoặc mẹ của cháu hoặc chắt không được quyền hưởng di sản của ông, bà hoặc cụ do có một trong các hành vi được nêu tại khoản 1 Điều 621 BLDS năm 2015 sẽ kéo theo cháu hoặc chắt cũng không thể được thay thế vị trí của cha mẹ để hưởng di sản của ông, bà hoặc cụ.

Theo giải đáp tại tiểu mục 4 Mục II Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 của TANDTC thì: Thừa kế thế vị được hiểu là hưởng thay và đối tượng hưởng thay đã được quy định rõ là “phần di sản của cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống”. Trường hợp một người đã không được quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của BLDS năm 2015, như bị kết án về hành vi ngược đãi nghiêm trọng người cha thì họ sẽ không được hưởng di sản của người cha. Do vậy, nếu họ còn sống khi cha chết thì họ cũng không được hưởng di sản thừa kế nên không có “phần được hưởng nếu còn sống” để cho người khác hưởng thế vị. Như vậy, cha mẹ của cháu hoặc chắt phải là người được quyền hưởng di sản thì cháu hoặc chắt mới được hưởng thế vị thay cha, mẹ khi cha, mẹ chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản.

Dưới góc độ nghiên cứu khoa học, vẫn còn nhiều tác giả có quan điểm không thống nhất với cách lý giải nêu trên[3], với lý do nhằm bảo vệ quyền hưởng di sản của cháu và chắt khi: (1) bản thân họ không bị Tòa án tước quyền hưởng di sản và (2) không bị người để lại di sản truất quyền hưởng di sản và (3) họ có năng lực pháp luật để thừa hưởng di sản hoặc (4) trường hợp cháu và chắt chưa thành niên hoặc đã thành niên mà không có khả năng lao động. Do vậy, theo tác giả pháp luật cũng nên cho họ được hưởng thừa kế thế vị, mặc dù cha mẹ của họ trước khi chết đã rơi vào một trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 621 BLDS năm 2015.

Luật sư tư vấn pháp luật Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 19006198

Kiến nghị

Trường hợp cha hoặc mẹ của cháu hoặc chắt có một trong các hành vi vi phạm được nêu tại khoản 1 điều 621 BLDS năm 2015 thì cháu hoặc chắt là người không có lỗi và cũng không phải chịu trách nhiệm đối với hành vi do cha, mẹ của họ gây ra. Mặt khác, trách nhiệm hình sự chỉ được áp dụng đối với những người có hành vi phạm tội, tức là “chỉ người nào phạm một tội đã được BLHS quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự”, do vậy các cháu hoặc chắt của người để lại di sản không có nghĩa vụ gánh chịu những hành vi độc lập của cha mẹ gây ra trong quan hệ cụ thể này. Ngoài ra, về phương diện lý luận và thực tiễn, không có quyền hưởng di sản là một chế tài được áp dụng đối với riêng người có lỗi. Do vậy, quyền thừa kế thế vị của cháu hoặc chắt không thể bị pháp luật tước bỏ khi mà giữa cha, mẹ và các con hoàn toàn chịu trách nhiệm hình sự với tư cách cá nhân và hành vi của họ lại hoàn toàn độc lập với nhau. Cho nên, nếu chỉ hiểu một cách máy móc là cha hoặc mẹ của cháu khi còn sống không có quyền hưởng di sản, thì cháu cũng không có quyền hưởng thừa kế thế vị nếu cha, mẹ của cháu chết trước hoặc chết cùng với ông, bà thì đó là điều hết sức bất công, đã sa vào tình trạng “quýt làm, cam chịu”, không phù hợp với xu hướng chung của pháp luật hiện đại và trái với truyền thống, tập quán, quan niệm về thừa kế trong nhân dân.

Do vậy, thiết nghĩ để đảm bảo quyền, lợi ích của các cháu của người để lại di sản, đặc biệt là trường hợp cháu và chắt là người chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng không có khả năng lao động. Cho nên, BLDS cần quy định bổ sung trường hợp cháu và chắt vẫn được hưởng thừa kế thế vị trong trường hợp cha hoặc mẹ của cháu và chắt khi còn sống đã bị kết án về một trong các hành vi theo quy định tại khoản 1 Điều 621 BLDS năm 2015. Mặt khác, để bảo vệ quyền được hưởng di sản của cháu và chắt khi bản thân họ không bị Tòa án tước quyền và cũng không bị người để lại di sản truất quyền hưởng di sản, nhưng do họ không có khả năng lao động để tự nuôi sống bản thân mình, thì pháp luật cũng nên cho họ hưởng thừa kế thế vị thay cho cha mẹ họ bị truất hoặc bị tước quyền khi còn sống nhưng chết trước người để lại di sản để cháu được thừa kế di sản của ông bà, chắt được hưởng di sản của các cụ (tương tự như quy định tại Điều 644 BLDS năm 2015 về trường hợp những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc), trừ trường hợp khi chính con, cháu của họ cũng có một trong các hành vi vi phạm được nêu tại khoản 1 Điều 621 BLDS năm 2015.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực hình sự (nêu trên) được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.net.vn.

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
1.28213 sec| 1002.961 kb