Nghĩa vụ giữ bí mật thông tin khách hàng của Luật sư - Cần lưu ý gì?

Bởi Trần Thu Hoài - 22/06/2021
view 1226
comment-forum-solid 0

Giữ bí mật thông tin khách hàng là trong hoạt động nghề nghiệp sư là nghĩa vụ mà Luật sư phải thực hiện, theo đó Luật sư sẽ giữ kín, không tiết lộ thông tin liên quan đến khách hàng cho bất kỳ người nào khác trừ trường hợp được khách hàng đồng ý hoặc trong các trường hợp do pháp luật quy định. Trường hợp Luật sư tiết lộ thông tin khách hàng, tùy mức độ vi phạm mà có thể bị xử lý kỷ luật hoặc chịu trách nhiệm pháp lý.

Bài viết được thực hiện bởi: Luật gia Trần Thị Thu Hoài - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Khái niệm giữ bí mật thông tin khách hàng

Nghề Luật sư là nghề hoạt động dựa trên sự uy tín của Luật sư. Một trong những quy tắc mà Luật sư cần tuân thủ trong quá trình hành nghề là giữ bí mật thông tin khách hàng.

Thông tin về khách hàng là những tin tức, thông tin mà khách hàng truyền đạt cho Luật sư trong quá trình Luật sư và khách hàng tiếp xúc, trao đổi, hoặc những thông tin mà Luật sư biết được, thu thập được trong quá trình Luật sư giải quyết vụ việc của khách hàng. Thông tin khách hàng bao gồm các thông tin về: Nhân thân khách hàng, thông tin về bí mật đời tư khách hàng, thông tin về vụ việc mà khách hàng đề nghị Luật sư giải quyết.

Giữ bí mật thông tin khách hàng là trong hoạt động nghề nghiệp sư là nghĩa vụ mà Luật sư phải thực hiện, theo đó Luật sư sẽ giữ kín, không tiết lộ thông tin liên quan đến khách hàng cho bất kỳ người nào khác trừ trường hợp được khách hàng đồng ý hoặc trong các trường hợp do pháp luật quy định

Cơ sở của việc giữ bí mật thông tin khách hàng

Quy định về giữ bí mật thông tin khách hàng được quy định từ rất sớm. Pháp lệnh tổ chức luật sư số 2A-LCT/HĐNN ngày 18/12/1987 của Hội đồng Nhà Nước đã quy định luật sư có nghĩa vụ: “Không được tiết lộ những bí mật mà mình biết được trong khi làm nhiệm vụ giúp đỡ pháp lý”. Hiện nay quy định về giữ bí mật thông tin khách hàng được quy định trong 2 văn văn bản sau:

  • Luật Luật sư năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2012

Điểm c khoản 1 Điều 9 Luật Luật sư năm 2006, nghiêm cấm Luật sư thực hiện hành vi: “Tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác”.

Đồng thời, Điều 25 Luật Luật sư năm 2006 còn quy định về “Bí mật thông tin” như sau:

"1. Luật sư không được tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác. 2. Luật sư không được sử dụng thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. 3. Tổ chức hành nghề luật sư có trách nhiệm bảo đảm các nhân viên trong tổ chức hành nghề không tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng của mình".

Như vậy, vấn đề giữ bí mật thông về khách hàng của luật sư là vấn đề mang tính pháp lý, được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật. Đây là  nghĩa vụ pháp lý của luật sư trong quá trình hành nghề.

  • Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của Luật sư Việt Nam

Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam được ban hành kèm theo Quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ ngày 13/12/2019 của Hội đồng luật sư toàn quốc. Tại Quy tắc 7 quy định về “Giữ bí mật thông tin”: "7.1. Luật sư có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng khi thực hiện dịch vụ pháp lý và sau khi đã kết thúc dịch vụ đó, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý hoặc theo quy định của pháp luật. 7.2. Luật sư có trách nhiệm yêu cầu các đồng nghiệp có liên quan và nhân viên trong tổ chức hành nghề của mình cam kết không tiết lộ những bí mật thông tin mà họ biết được và luật sư có trách nhiệm giải thích rõ nếu tiết lộ thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật".

Như vậy, việc giữ bí mật thông tin về khách hàng của Luật sư Việt Nam hiện nay dựa trên cơ sở pháp lý là Luật Luật sư năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2012 và Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của Luật sư. Trên cơ sở pháp lý, việc giữ bí mật thông tin về khách hàng là nghĩa vụ pháp lý của luật sư.

Giới hạn của luật sư trong việc giữ bí mật thông tin về khách hàng

  • Giới hạn về những thông tin khách hàng mà Luật sư phải giữ bí mật 

Có phải bất kỳ thông tin nào của khách hàng Luật sư cũng cần phải giữ bí mật? Những thông tin nào của khách hàng mà Luật sư không có nghĩa vụ phải giữ bí mật.

Khoản 1 Điều 25 Luật Luật sư năm 2006 quy định: “Luật sư không được tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề".

Luật Luật sư đã chỉ ra những thông tin khách hàng mà Luật sư cần giữ bí mật: Thông tin về vụ, việc, về khách hàng. Luật sư và khách hàng có thể thỏa thuận về những thông tin về khách hàng cần được bảo mật, loại thông tin gì và những thông tin không bắt buộc phải giữ nó mật. Trường hợp giữa khách hàng và Luật sư không có thỏa thuận, cần phải hiểu rằng các thông tin về vụ, việc, thông tin về khách hàng Luật sư có nghĩa vụ bảo mật tuyệt đối, cho dù đó là thông tin do khách hàng cung cấp hay thông tin do Luật sư thu thập được.

  • Giới hạn về thời gian giữ bí mật thông tin khách hàng

Quy tắc 7 quy định về “Giữ bí mật thông tin”: "7.1. Luật sư có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng khi thực hiện dịch vụ pháp lý và sau khi đã kết thúc dịch vụ đó, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý hoặc theo quy định của pháp luật.

Như vậy Luật sư có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin khách hàng trong quá trình cung cấp dịch vụ pháp lý và ngay cả sau khi kết thúc. Tuy nhiên, Luật sư không có nghĩa vụ phải giữ bí mật thông tin khách hàng nếu đó là những thông tin Luật sư biết được sau khi kết thúc vụ việc hoặc những thông tin không liên quan đến việc giải quyết vụ án.

  • Giới hạn về đối tượng giữ bí mật thông tin cá nhân

Khoản 3 Điều 25 Luật Luật sư năm 2006 quy định: "3. Tổ chức hành nghề luật sư có trách nhiệm bảo đảm các nhân viên trong tổ chức hành nghề không tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng của mình". 

Quy tắc 7.2 quy định: "7.2. Luật sư có trách nhiệm yêu cầu các đồng nghiệp có liên quan và nhân viên trong tổ chức hành nghề của mình cam kết không tiết lộ những bí mật thông tin mà họ biết được và luật sư có trách nhiệm giải thích rõ nếu tiết lộ thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật".

Không chỉ Luật sư là người giữ bí mật thông tin khách hàng, các Luật sư, nhân viên trong tổ chức hành nghề Luật sư cũng phải giữ bí mật thông tin khách hàng nếu họ biết được. Trường hợp tổ chức hành nghề Luật sư, nhân viên tiết lộ thông tin khách hàng sẽ phảo chịu trách nhiệm trước pháp luật. Bởi lẽ. tổ chức hành nghề luật sư là một tổ chức, nhiều người, khách hàng không phải là khách hàng của riêng luật sư mà là khách hàng của tổ chức hành nghề luật sư đó. Do vậy, nếu nhân viên trong tổ chức hành nghề luật sư tiết lộ thông tin về khách hàng sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.

Trường hợp Luật sư được tiết lộ thông tin khách hàng

Khoản 1 Điều 25 Luật Luật sư năm 2006 còn quy định về “Bí mật thông tin” như sau: "1. Luật sư không được tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác.

Như vậy có hai trường hợp Luật sư được tiết lộ thông tin khách hàng:

  • Khách hàng đồng ý bằng văn bản: Khi được khách hàng đồng ý, Luật sư có thể tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng tuy nhiên phải được thực hiện bằng văn bản;
  • Các trường hợp khác do pháp luật quy định

Trách nhiệm của Luật sư khi vi phạm quy định về giữ bí mật thông tin khách hàng

Trách nhiệm kỷ luật

Trách nhiệm kỉ luật là trách nhiệm pháp lý áp dụng đối với Luật sư do vi phạm kỉ luật, vi phạm quy tắc hay nghĩa vụ trong hoạt động hành nghề Luật sư

Điều 85 Luật Luật sư năm 2006 quy định về xử lý kỷ luật với Luật sư trong trường hợp Luật sư vi phạm quy định của Luật này, Điều lệ, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư và quy định khác của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà có hình thức cụ thể.

Các hình thức xử lý kỷ luật bao gồm: (1) Khiển trách; (2) Cảnh cáo; (3) Tạm đình chỉ tư cách thành viên Đoàn luật sư từ sáu tháng đến hai mươi bốn tháng; (4) Xoá tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư.

Việc xem xét quyết định kỷ luật luật sư thuộc thẩm quyền của Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư theo đề nghị của Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của Đoàn luật sư.

Trong trường hợp Luật sư bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xoá tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư thì Đoàn luật sư phải thông báo bằng văn bản với Sở Tư pháp và đề nghị Bộ Tư pháp thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư, đề nghị tổ chức luật sư toàn quốc thu hồi Thẻ luật sư.

Trách nhiệm dân sự

Trường hợp Luật sư tiết lộ thông tin khách hàng dẫn đến xâm phạm quyền và lợi ích của khách hàng, khách hàng có thể yêu cầu Luật sư bồi thường thiệt hại. Cụ thể được quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015.

Trách nhiệm hành chính

Khoản 7 Điều 6 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định: "7. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: c) Tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác".

Trách nhiệm hình sự

Trách nhiệm hình sự là trách nhiệm pháp lý nghiêm khắc nhất đối với hành vi vi phạm pháp luật. Trường hợp luật sư vi phạm về nghĩa vụ giữ bí mật thông tin về khách hàng mà đủ yếu tố cấu thành tội phạm được quy định trong Bộ luật hình sự năm 2015 thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định.

Khoản 3 Điều 19 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: "3. Người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Ðiều này trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện mà người bào chữa biết được khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này".

Xem thêm:

– Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật tố tụng được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

Trần Thu Hoài

Trần Thu Hoài

https://everest.org.vn/chuyen-vien-tran-thu-hoai "Chuyên viên Trần Thị Thu Hoài tham gia Công ty Luật TNHH Everest từ năm 2020 đến nay. Các vụ án nổi bật Chuyên viên Trần Thị Thu Hoài đã trực tiếp tham gia và hỗ trợ: Thu hồi đất nông nghiệp của các hộ dân tại Cát Hải, Hải Phòng. "

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
0.85741 sec| 1076.172 kb