Nội dung bài viết [Ẩn]
Trong thời gian gần đây hoạt động từ thiện của các nghệ sĩ đang là vấn đề nóng được quan tâm. Xoay quanh vấn đề đó, hiện nay đang có nhiều hiểu lầm về trách nhiệm của những người làm từ thiện. Hãy cùng chúng tôi làm rõ những vấn đề về trách nhiệm của người làm từ thiện trong bài viết sau:
Bài viết được thực hiện bởi: Chuyên viên Huỳnh Thu Hương – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Nghị định số 64/2008/NĐ-CP quy định về vấn đề vấn đề kêu gọi từ thiện như sau:
"Không một đơn vị, tổ chức, cá nhân nào có quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ, ngoài những tổ chức được pháp luật cho phép, bao gồm những tổ chức sau: Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và các cấp ở địa phương; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Báo, đài của Trung ương, địa phương; các quỹ xã hội, quỹ từ thiện được thành lập, hoạt động theo quy định,..."
Như vậy nếu đối chiếu quy định này với các hoạt động từ thiện hiện nay thì nhiều người đang làm trái với quy định tại Nghị định số 64/2008/NĐ-CP. Tuy nhiên những hành vi đó lại không vi phạm quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Căn cứ tại điều 562 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định như sau: "Các cá nhân, tổ chức có thể ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện một công việc nhất định."
Chính vì thế ta có thể hiểu đó bao gồm cả việc từ thiện. Với quy định này thì các tổ chức, cá nhân có thể tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận nhưng không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội về vấn đề làm từ thiện.
Mặc dù hiện nay Nghị định số 64/2008/NĐ-CP và Bộ luật Dân sự năm 2015 đều đang có hiệu lực và chưa có sự thống nhất với nhau nhưng việc thực hiện theo luật gần nhất là phù hợp.
Như vậy, mọi cá nhân, tổ chức có thể nhận ủy quyền, nhận tiền để làm từ thiện nếu họ có đầy đủ năng lực hành vi dân sự hoặc có tư cách pháp nhân.
Như đã phân tích ở trên, mối quan hệ giữa người làm từ thiện và người ủng hộ để hợp pháp thì phải là mối quan hệ ủy quyền trong một giao dịch dân sự.
Căn cứ theo Khoản 4 điều 565 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì người làm từ thiện (bên được ủy quyền) có thể giữ bí mật về toàn bộ thông tin, bao gồm cả số tiền từ thiện với những người không liên quan trong giao dịch dân sự này. Tuy nhiên, nếu người ủng hộ yêu cầu thì người làm từ thiện sẽ có nghĩa vụ công khai.
Nếu không trao hết số tiền ủng hộ, người làm từ thiện không được phép giữ lại số tiền để làm việc từ thiện khác. Căn cứ theo khoản 1 Điều 565 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì người được ủy quyền (người làm từ thiện) phải thực hiện công việc theo ủy quyền. Quy định này có nghĩa là, họ phải trao đủ tiền ủng hộ của người ủng hộ cho đúng người cần giúp đỡ như thỏa thuận.
Căn cứ theo khoản 2 điều 568 Bộ luật Dân sự 2015 người ủng hộ có quyền yêu cầu người làm từ thiện giao lại tài sản nếu họ sử dụng tiền không đúng mục đích.
Vì là giao dịch dân sự nên sẽ tôn trọng quyền tự định đoạt của hai bên, do đó người làm từ thiện có thể giữ lại số tiền để làm việc từ thiện khác nếu không trao hết số tiền ủng hộ khi được sự đồng ý của người ủng hộ.
Vấn đề này đã được quy định cụ thể tại khoản 2 điều 351 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan, được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong điều kiện và khả năng cho phép nhưng không thể tiên liệu và khắc phục được như việc lũ lụt, động đất, núi lửa, chiến tranh,...
Do đó, hành vi nhận tiền ủng hộ nhưng không thực hiện vì lý do bất khả kháng không phải là hành vi vi phạm pháp luật. Nhưng người làm từ thiện phải báo cáo tình hình này cho những người ủng hộ.
Căn cứ theo Khoản 1 điều 568 Bộ luật Dân sự 2015 thì bên ủy quyền có quyền: "Yêu cầu bên được ủy quyền thông báo đầy đủ về việc thực hiện công việc ủy quyền."
Chính vì thế, người làm từ thiện chỉ có nghĩa vụ phải báo cáo với những người ủng hộ và cũng chỉ có những người ủng hộ mới có quyền yêu cầu người làm từ thiện báo cáo công việc từ thiện của họ, cũng như yêu cầu người làm từ thiện sao kê, giải trình thu chi.
Quyền lên tiếng trên mạng xã hội được xuất phát từ quyền tự do ngôn luận của mỗi cá nhân được hiến định tại Hiến pháp năm 2013.
Tuy nhiên, việc chỉ trích người khác trên mạng xã hội cần phải đảm bảo nguyên tắc tôn trọng quyền nhân thân, danh dự, uy tín, nhân phẩm, không đưa những thông tin sai sự thật mang tính chất vu khống, bôi nhọ, làm nhục người khác.
Trường hợp nghi ngờ việc từ thiện không minh bạch, người ủng hộ tiền có quyền yêu cầu làm rõ. Nếu người làm từ thiện không thực hiện được thì có thể coi đó là hành vi vi phạm hợp đồng ủy quyền, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người ủng hộ tiền.
Điều 186 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại tòa có thẩm quyền để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Theo đó, người ủng hộ hoàn toàn có thể khởi kiện người làm từ thiện nếu việc làm này không minh bạch.
Về xử phạt, bất kỳ ai có cử chỉ, lời nói, hành vi bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người làm từ thiện trên mạng xã hội đều bị xử phạt hành chính từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng, theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Trường hợp xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, người vi phạm sẽ bị phạt cảnh cáo, phạt tiền 10-30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm về tội Làm nhục người khác, theo điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Nếu cố tình bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người làm từ thiện, người vi phạm sẽ bị phạt tiền 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm về tội Vu khống, theo điều 156 Bộ luật Hình sự 2015.
Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về những kiến thức pháp luật bổ ích, hãy truy cập: Pháp trị.vn
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm