Phân biệt khám xét hành chính và khám xét hình sự

Bởi Trần Thu Thủy - 11/01/2020
view 504
comment-forum-solid 0

Khám xét (khám người, đồ vật, chỗ ở, chỗ làm việc) có thể tiến hành theo trình tự hành chính hoặc trình tự tố tụng hình sự.

Hai trình tự này có một số điểm khác nhau cơ bản.

Về căn cứ

Khám xét theo thủ tục hành chính được thực hiện khi có căn cứ cho rằng người vi phạm cất giấu trong người đồ vật, tài liệu, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính hoặc địa điểm đó có cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (điều 127, 128 và Điều 129 Luật Xử lý vi phạm hành chính).

Khám xét theo trình tự tố tụng hình sự là việc khám xét người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định trong người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, dữ liệu điện tử, tài liệu khác có liên quan đến vụ án.

Người có quyền ra lệnh

Những người sau đây có thẩm quyền quyết định khám xét theo thủ tục hành chính:

- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã, Trưởng Công an phường; Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát trật tự, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt...

- Thủ trưởng đơn vị cảnh sát cơ động từ cấp đại đội trở lên, Trạm trưởng Trạm công an cửa khẩu; Hạt trưởng Hạt kiểm lâm, Đội trưởng Đội kiểm lâm cơ động,...

- Chi cục trưởng Chi cục Hải quan, Đội trưởng Đội kiểm soát thuộc Cục Hải quan, Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu và Hải đội trưởng Hải đội kiểm soát trên biển thuộc Cục điều tra chống buôn lậu Tổng cục hải quan; Đội trưởng Đội quản lý thị trường... (khoản 1 Điều 123 Luật Xử lý vi phạm hành chính).

Tuy nhiên, trong trường hợp nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là chỗ ở thì những chủ thể nói trên đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định.

Những người sau có quyền quyết định việc khám xét theo trình tự hình sự: Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp (trường hợp này, lệnh khám phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành); Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp; Chánh án, Phó chánh án Tòa án nhân dân và Chánh án, Phó chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử (điều 194 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015).

Một số chủ thể khác thuộc lực lượng bộ đội biên phòng, hải quan, kiểm lâm, kiểm ngư... được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quy định tại khoản 2 Điều 35 Bộ luật Tố tụng hình sự cũng có quyền ra lệnh khám xét nhưng phải được Viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn trước khi thi hành.

Trong trường hợp khẩn cấp, những người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 110 của Bộ luật này cũng có quyền ra lệnh khám xét, bao gồm: Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp; Thủ trưởng đơn vị độc lập cấp trung đoàn và tương đương, Đồn trưởng Đồn biên phòng, Chỉ huy trưởng Biên phòng Cửa khẩu cảng,...; người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng.

Tuy nhiên, trong thời hạn 24 giờ kể từ khi khám xét xong, người ra lệnh khám xét phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ việc, vụ án.

Khám xét khẩn cấp

Việc này được thực hiện trong những trường hợp sau:

a) Có đủ căn cứ để xác định người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

b) Người cùng thực hiện tội phạm hoặc bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt nhìn thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn;

c) Có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở hoặc nơi làm việc hoặc trên phương tiện của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.

Việc khám xét dù theo trình tự hành chính hay tố tụng hình sự thì về cơ bản cũng phải tuân thủ một số nguyên tắc sau:

- Trước khi khám phải thông báo hoặc đọc lệnh cho đối tượng bị khám biết.

- Đối với khám người thì nam khám nam, nữ khám nữ.

- Đối với khám phương tiện, nơi ở, nơi làm việc) thì phải có mặt người chủ sở hữu hoặc người quản lý và có người chứng kiến. Trường hợp không có chủ sở hữu hoặc người quản lý thì việc khám vẫn được tiến hành nhưng phải có đại diện chính quyền và hai người chứng kiến.

- Không được khám vào ban đêm, trừ trường hợp khẩn cấp hoặc việc khám đang được thực hiện mà chưa kết thúc nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.

- Việc khám phải được lập thành biên bản theo luật định.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật dân sự được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: info@everest.net.vn.

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
1.37628 sec| 998.672 kb