Quy định của pháp luật về hòa giải tranh chấp đất đai

view 1539
comment-forum-solid 0

Nhà nước khuyến khích các bên hòa giải thông qua 02 hình thức: Tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở. Đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất thì hòa giải tại cơ sở là thủ tục bắt buộc để tiến hành khởi kiện vụ án.

Luật sư Trần Đình Thanh - Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn pháp luật: 19006198

Không bắt buộc các bên tự hòa giải tranh chấp đất đai

Theo khoản 1 Điều 202 Luật Đất đai năm 2013 khi các bên xảy ra tranh chấp thì: Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở. Theo đó, Nhà nước khuyến khích các bên hòa giải thông qua 02 hình thức: Tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở. Khi các bên có đề nghị được hòa giải tại cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác.

Hòa giải tại cấp xã là thủ tục bắt buộc để tiến hành khởi kiện vụ án

Điểm b Khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự quy định về trường hợp chưa đủ điều kiện khởi kiện theo quy định pháp luật, được hướng dẫn bởi Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án.

"2. Đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất mà chưa được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Điều 202 Luật đất đai năm 2013 thì được xác định là chưa có đủ điều kiện khởi kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Đối với tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất như: tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,... thì thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp không phải là điều kiện khởi kiện vụ án".

Theo đó, khi các bên tranh chấp đất đai liên quan đến ai là người có quyền sử dụng đất, nếu muốn khởi kiện ra Tòa án thì các bên phải tiến hành hòa giải tranh chấp đất đai. Luật không có quy định về việc hòa giải thành hay không thành, do đó, kết quả hòa giải tại cơ sở không phải là điều kiện cần để Tòa án thụ lý vụ án.

Theo khoản 2 Điều 202 Luật Đất đai 2013 khi mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải. Như vậy, ủy ban nhân dân cấp xã không tự hòa giải mà các bên phải có đơn yêu cầu về việc đề nghị hòa giải tranh chấp đất đai. Luật đất đai và các văn bản hướng dẫn không có mẫu đơn đề nghị hòa giải tranh chấp đất đai. Theo quan điểm của tác giả, đơn hòa giải tranh chấp đất đai phải có những nội dung chính sau: (1) kính gửi: Ủy ban nhân dân xã có thẩm quyền giải quyết; (2) Thông tin người đề nghị hòa giải; (3) Thông tin thửa đất có tranh chấp; (4) Nội dung tranh chấp;...

Thành phần Hội đồng hòa giải

Thành phần Hội đồng hòa giải gồm: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân là Chủ tịch Hội đồng; Đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn; Tổ trưởng tổ dân phố đối với khu vực đô thị; trưởng thôn, ấp đối với khu vực nông thôn; Đại diện của một số hộ dân sinh sống lâu đời tại xã, phường, thị trấn biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất đó; Cán bộ địa chính, cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn...

Tùy từng trường hợp cụ thể, có thể mời đại diện Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Việc hòa giải chỉ được tiến hành khi các bên tranh chấp đều có mặt. Trường hợp một trong các bên tranh chấp vắng mặt đến lần thứ hai thì được coi là việc hòa giải không thành

Kết quả hòa giải

Hòa giải tranh chấp đất đai ở ủy ban nhân dân cấp xã sẽ xảy tra một trong hai trường hợp:

Trường hợp 1: Hòa giải thành

Hòa giải thành (kết thúc tranh chấp đất đai). Nếu có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì UBND cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường. Phòng Tài nguyên và Môi trường trình UBND cấp huyện quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Sổ đỏ cho hộ gia đình, cá nhân.

Trường hợp 2: Hòa giải không thành.

Hòa giải không thành nếu muốn giải quyết việc tranh chấp thì theo 02 hướng sau: Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai 2013 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai thì đương sự chỉ được lựa chọn 1 trong 2 hình thức giải quyết sau:

Cách 1: Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc cấp tỉnh (tùy thuộc vào chủ thể tranh chấp)

Cách 2. Khởi kiện tại Tòa án nhân dân (theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự).

Lưu ý: Thời gian hòa giải tại ủy ban nhân dân cấp xã: Không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.

Biên bản hòa giải

Biên bản hòa giải phải có các thông tin sau: Thời gian và địa điểm tiến hành hòa giải; Thành phần tham dự hòa giải; Tóm tắt nội dung tranh chấp thể hiện rõ về nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất đang tranh chấp, nguyên nhân phát sinh tranh chấp (theo kết quả xác minh, tìm hiểu); Ý kiến của Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai; Những nội dung đã được các bên tranh chấp thỏa thuận, không thỏa thuận.

Khi nhận biên bản thì phải chú ý xem có đủ nội dung trên hay không? Vì trên thực tế giải quyết tranh chấp đất đai, nếu biên bản hòa giải tranh chấp đất đai tại cấp xã mà ghi thiếu thông tin thì có thể bị trả lại đơn yêu cầu khi yêu cầu Chủ tịch ủy ban nhân cấp huyện, cấp tỉnh giải quyết hoặc sẽ bị Tòa án trả lại đơn khi khởi kiện.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật đất đai được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.net.vn.

Luật sư Trần Đình Thanh

Luật sư Trần Đình Thanh

http://phaptri.vn Luật sư Trần Đình Thanh là tác giả, cố vấn chuyên môn cho các bài viết tư vấn pháp luật tại website phaptri.vn

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
1.60199 sec| 1017.914 kb