Quyền được giám hộ

Bởi Trần Thu Thủy - 06/01/2020
view 587
comment-forum-solid 0

Cá nhân là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì có người giám hộ theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS).

Pháp luật hiện hành quy định như thế nào về người giám hộ? người được giám hộ? điều kiện để được làm người giám hộ?

Những người nào thuộc diện cần được giám hộ?

Những người sau đây thuộc diện cần được giám hộ:

- Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ;

- Người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ của họ đều mất năng lực hành vi dân sự; đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ;

- Người mất năng lực hành vi dân sự;

- Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Một người có thể được nhiều người cùng giám hộ hay không?

Pháp luật chỉ công nhận hai trường hợp một người có thể được nhiều người giám hộ đó là: cha, mẹ cùng giám hộ cho con hoặc ông, bà cùng giám hộ cho cháu. Các trường hợp khác pháp luật quy định một người chỉ có thể được một người giám hộ.

Người nào có thể làm người giám hộ?

Cá nhân, pháp nhân đều có thể làm người giám hộ nếu có đủ điều kiện theo quy định của BLDS.

Trường hợp người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ lựa chọn người giám hộ cho mình thì khi họ ở tình trạng cần được giám hộ, cá nhân, pháp nhân được lựa chọn là người giám hộ nếu người này đồng ý. Việc lựa chọn người giám hộ phải được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực.

Trường hợp không có người giám hộ theo lựa chọn nêu trên thì người giám hộ được xác định theo quy định của BLDS.

Cá nhân để làm người giám hộ phải đảm bảo các điều kiện nào?

Để làm người giám hộ, cá nhân phải có đủ các điều kiện sau đây:

- có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ là người từ đủ 18 tuổi trở lên, không thuộc diện mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự);

- Có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ;

- Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác;

- Không phải là người bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên.

Pháp nhân (như cơ sở trợ giúp xã hội…) để làm người giám hộ phải đảm bảm các điều kiện nào?

Để làm người giám hộ, pháp nhân phải có đủ các điều kiện sau đây:

- Có năng lực pháp luật dân sự phù hợp với việc giám hộ. Ví dụ: cơ sở trợ giúp xã hội để làm người giám hộ thì phải đảm bảo các điều kiện về thành lập, tổ chức, hoạt động theo quy định tại Nghị định số 103/2017/NĐ-CP ngày 12/9/2017 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội;

- Có điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.

Người giám hộ đương nhiên cho người chưa thành niên được xác định như thế nào?

Người giám hộ đương nhiên cho người chưa thành niên là người thân thích của người chưa thành niên, được xác định theo thứ tự sau đây:

- Thứ nhất, anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả;

- Thứ hai, anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo (nếu anh cả hoặc chị cả không đủ điều kiện làm người giám hộ), trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ;

- Thứ ba, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ (nếu không có các anh, chị).

Trường hợp không có những người nêu trên thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột của người chưa thành niên là người giám hộ.

Trường hợp không có tất cả những người thân thích trên thì cơ quan có thẩm quyền cử, chỉ định người giám hộ.

Người giám hộ đương nhiên cho người mất năng lực hành vi dân sự được xác định như thế nào?

trước hết, nếu người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ lựa chọn người giám hộ cho mình bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực thì khi họ mất năng lực hành vi dân sự, người giám hộ là người được lựa chọn nếu người này đồng ý.

Trường hợp không có người giám hộ được lựa chọn nêu trên thì người giám hộ đương nhiên cho người mất năng lực hành vi dân sự được xác định như sau:

Trường hợp vợ là người mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng là người mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ;

Trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo có đủ điều kiện làm người giám hộ là người giám hộ.

Trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.

Trường hợp không có tất cả những người thân thích trên thì cơ quan có thẩm quyền cử, chỉ định người giám hộ.

Cơ quan nhà nước nào có thẩm quyền về giám hộ?

UBND cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ hoặc người giám hộ thực hiện đăng ký giám hộ. trường hợp người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự không có người giám hộ đương nhiên thì ubnd cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ là cơ quan có thẩm quyền cử người giám hộ.

Trường hợp có tranh chấp về người giám hộ hoặc về việc cử người giám hộ thì cơ quan có thẩm quyền chỉ định người giám hộ là tòa án nhân dân. ngoài ra, trong trường hợp người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi không có người giám hộ lựa chọn theo quy định tại khoản 2 điều 48 blds thì tòa án chỉ định người giám hộ cho người này trong số những người giám hộ đương nhiên áp dụng cho người mất năng lực hành vi dân sự, nếu cũng không có những người giám hộ này thì tòa án chỉ định người giám hộ hoặc đề nghị một pháp nhân thực hiện việc giám hộ.

Việc giải quyết trong trường hợp này được thực hiện theo pháp luật tố tụng dân sự (Điều 19 Luật hộ tịch; Điều 54 BLDS).

Việc đăng ký giám hộ đương nhiên cần được thực hiện theo thủ tục như thế nào?

Thủ tục đăng ký giám hộ đã được quy định cụ thể trong pháp luật về hộ tịch. Tuy nhiên, để thuận lợi, giảm thiểu chi phí, thời gian, công sức, người yêu cầu đăng ký giám hộ nên đến cơ quan có thẩm quyền đăng ký giám hộ để có được hướng dẫn cụ thể. Trong đó, về thủ tục, người yêu cầu đăng ký giám hộ nộp tờ khai đăng ký giám hộ theo mẫu quy định, giấy tờ chứng minh điều kiện giám hộ đương nhiên theo quy định của BLDS cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp có nhiều người cùng đủ điều kiện làm giám hộ đương nhiên thì cần có văn bản thỏa thuận về việc cử một người làm giám hộ đương nhiên.

Việc cử người giám hộ được thực hiện tại UBND trong trường hợp nào?

Việc cử người giám hộ cho người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự không có người giám hộ đương nhiên do UBND cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ thực hiện.

Việc cử người giám hộ được thực hiện khi không có người giám hộ đương nhiên theo quy định của BLDS và cũng không có người giám hộ do người được giám hộ không lựa chọn khi còn có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định tại khoản 2 Điều 48 BLDS.

Việc cử người giám hộ cho người chưa thành niên từ đủ sáu tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của người này. Ngoài ra, việc cử người giám hộ cũng phải được sự đồng ý của người được cử làm người giám hộ; phải được lập thành văn bản, trong đó ghi rõ lý do cử người giám hộ, quyền, nghĩa vụ cụ thể của người giám hộ, tình trạng tài sản của người được giám hộ.

Trường hợp có tranh chấp giữa những người giám hộ hoặc cần xác định người giám hộ cho người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì thẩm quyền giải quyết đối với những trường hợp này không thuộc về UBND mà thuộc về Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật doanh nghiệp được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: info@everest.net.vn.

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
0.17930 sec| 1021.398 kb