Tách bạch chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc (Tổng giám đốc), nên hay không?

Bởi Trần Thu Thủy - 12/12/2019
view 1232
comment-forum-solid 0

Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định rõ ràng và tách bạch giữa hai chức danh: Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc (Tổng giám đốc).

Tương quan trách nhiệm, quyền hạn giữa Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) và Giám đốc (Tổng giám đốc) thế nào (?), Ai có nhiều quyền hơn (?), Vì sao nhiều công ty cổ phần có quy mô ngàn tỷ Chủ tịch HĐQT kiêm nhiệm chức danh Giám đốc (?).

Luật sư tư vấn pháp luật doanh nghiệp – Tổng đài tư vấn (24/7): 1900.6198

Một ví dụ cụ thể "vênh" giữa Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc: Tại công ty cổ phần, nhân viên do Tổng giám đốc tuyển dụng, ký hợp đồng lao động, nhưng khi vào làm việc thì Chủ tịch HĐQT không chấp nhận, lý do của vị Chủ tịch này đưa ra là hợp đồng lao động mà Tổng giám đốc giao kết với người lao động không có giá trị, HĐQT không ủy quyền cho Tổng giám đốc ký hợp đồng lao động (Chủ tịch HĐQT là người đại diện theo pháp luật của Công ty). Sở dĩ vậy là vì hội đồng quản trị chưa có nghị quyết cho ký hoặc chưa ủy quyền cho Tổng giám đốc ký. Vậy câu hỏi được đặt ra là:

Thứ nhất, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc (Giám đốc) tại Luật Doanh nghiệp.

Chủ tịch Hội đồng quản trị:

Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định về HĐQT: "HĐQT thông qua quyết định bằng biểu quyết tại cuộc họp, lấy ý kiến bằng văn bản hoặc hình thức khác do Điều lệ công ty quy định. Mỗi thành viên Hội đồng quản trị có một phiếu biểu quyết" (khoản 3 Điều 149).

Luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng quy định về quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch HĐQT như sau: "(a) Lập chương trình, kế hoạch hoạt động của HĐQT; (b) Chuẩn bị chương trình, nội dung, tài liệu phục vụ cuộc họp; triệu tập và chủ tọa cuộc họp HĐQT; (c) Tổ chức việc thông qua nghị quyết của HĐQT; (d) Giám sát quá trình tổ chức thực hiện các nghị quyết của HĐQT; (đ) Chủ tọa cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, cuộc họp HĐQT; (e) Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty" (khoản 1 Điều 152).

Như vậy, Chủ tịch HĐQT có quyền và nghĩa vụ chuẩn bị chương trình, nội dung, tài liệu họp HĐQT; triệu tập và chủ tọa các cuộc họp HĐQT, và tham gia ý kiến như mọi thành viên khác trong HĐQT. Khi biểu quyết, Chủ tịch HĐQT cũng chỉ có một phiếu biểu quyết duy nhất như mỗi thành viên HĐQT khác, mà không phải nhiều hơn. Chỉ khi nào hai bên có số phiếu biểu quyết bằng nhau mà trái ý nhau thì bên nào có phiếu của Chủ tịch HĐQT mới có giá trị quyết định.

Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, dù Nghị quyết HĐQT thường do Chủ tịch HĐQT ký, nhưng chữ ký này thay mặt HĐQT chứ không phải dưới tư cách cá nhân Chủ tịch HĐQT. Chủ tịch HĐQT chỉ có thẩm quyền chung trong việc điều hành hoạt động của HĐQT và làm chủ tọa họp ĐHĐCĐ, mà không tham gia trực tiếp vào hoạt động điều hành doanh nghiệp, trừ khi vị này kiêm nhiệm vào hoạt động điều hành doanh nghiệp kiêm nhiệm Giám đốc (hoặc Tổng giám đốc).

Giám đốc (Tổng giám đốc):

Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định về Tổng giám đốc trong công ty cổ phần như sau: "1- HĐQT bổ nhiệm một người trong số họ hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. 2- Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty; chịu sự giám sát của HĐQT; chịu trách nhiệm trước HĐQT và trước pháp luật về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao. Nhiệm kỳ của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc không quá 05 năm; có thể được bổ nhiệm lại với số nhiệm kỳ không hạn chế" (khoản 1, khoản 2 Điều 157).

Như vậy, trong công ty cổ phần Giám đốc (Tổng giám đốc) được bổ nhiệm từ các thành viên của HĐQT hoặc Giám đốc (Tổng giám đốc) có thể được thuê người khác. Giám đốc (Tổng giám đốc) quyết định các vấn đề liên quan đến công việc kinh doanh hàng ngày của công ty mà không cần phải có quyết định của HĐQT. Giám đốc (Tổng giám đốc) phải điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty theo đúng quy định của pháp luật, Điều lệ công ty, hợp đồng lao động ký với công ty và nghị quyết của HĐQT Trường hợp điều hành trái với quy định này mà gây thiệt hại cho công ty thì Giám đốc hoặc Tổng giám đốc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và phải bồi thường thiệt hại cho công ty.

Thực tế các doanh nghiệp cho thấy, Giám đốc (Tổng giám đốc) thường phụ thuộc vào các cổ đông lớn trong doanh nghiệp và vì vậy họ thường điều hành công ty phục vụ lợi ích của các chủ sở hữu lớn này. Lợi ích của các chủ sở hữu lớn và lợi ích doanh nghiệp (trong đó có cả lợi ích của các chủ sở hữu nhỏ) đôi khi không đồng nhất. Điều này làm lệch lạc quá trình thực hiện các nghị quyết của các chủ sở hữu nói chung và gây thiệt hại cho các chủ sở hữu nhỏ.

Thứ hai, vai trò của Chủ tịch HĐQT và Giám đốc (Tổng giám đốc) trong công ty cổ phần.

Chủ tịch HĐQT chịu trách nhiệm dẫn dắt HĐQT, đảm bảo tính hiệu quả của HĐQT ở tất cả mọi góc độ, lịch trình hoạt động. Chủ tịch HĐQT đóng vai trò chính trong việc cung cấp thông tin cho các thành viên HĐQT một cách chính xác và kịp thời và đảm bảo việc truyền thông đến các cổ đông một cách hiệu quả. Chủ tịch HĐQT cũng chính là người tổ chức đánh giá thường xuyên kết quả/hiệu quả làm việc của HĐQT, các thành viên HĐQT và Giám đốc (Tổng giám đốc) hoặc Ban điều hành. Trách nhiệm của Chủ tịch HĐQT là xây dựng một cơ chế hoạt động hiệu quả cho các thành viên HĐQT độc lập nhằm giúp họ có thể đóng góp nhiều nhất cho công ty, là đảm bảo mối quan hệ tốt đẹp giữa các thành viên, đặc biệt là giữa những thành viên HĐQT điều hành và thành viên HĐQT độc lập.

Chủ tịch là người động viên, hỗ trợ Giám đốc (Tổng giám đốc) và Ban điều hành nhằm giúp họ thực hiện tốt các chiến lược và kế hoạch đã vạch ra nhằm thỏa mãn các cổ đông. Hiển nhiên công việc của Chủ tịch HĐQT cũng bao gồm công tác giám sát và phản biện nhưng theo chiều hướng tích cực chứ không phải là tạo ra những rào cản.

Giám đốc (Tổng giám đốc) đóng một vai trò quan trọng, trung tâm trong quá trình thực hiện việc quản lý, điều hành công ty. Chủ sở hữu và Hội đồng quản trị ra các quyết định trong quá trình quản lý, các quyết định này muốn đi vào thực tế cần phải được Giám đốc (Tổng giám đốc) tổ chức thực hiện. Các quy chế nội bộ phải tạo được cơ chế điều hành trung tâm của Giám đốc (Tổng giám đốc). Hội đồng quản trị và các cổ đông, thành viên góp vốn tuy là chủ sở hữu và ban hành các quyết định quan trọng nhất của doanh nghiệp nhưng không vì thế mà chỉ đạo công việc hàng ngày trong doanh nghiệp, toàn bộ các quyết định điều hành phải thông qua Giám đốc (Tổng giám đốc).

Luật gia Nguyễn Thị Hoài Thương - Phòng tư vấn doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn 1900 6198, tổng hợp.

– Khuyến nghị của công ty luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật tố tụng được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
0.19503 sec| 1023.672 kb