Xác định thiệt hại làm căn cứ bồi thường

Bởi Trần Thu Hoài - 06/09/2021
view 237
comment-forum-solid 0

Thiệt hại là điều kiện đầu tiên làm phát sinh nghĩa vụ bồi thường. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho các bạn những thông tin về Xác định thiệt hại làm căn cứ bồi thường

Xác định thiệt hại làm căn cứ bồi thường Để có đáp án nhanh nhất trong lĩnh vực pháp luật dân sự, gọi Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm

Điều 589 Bộ luật dân sự năm 2015 đã ban hành quy định về thiệt hại do tài sản bị xâm hại được bồi thường bao gồm tài sản sau đây:

“bị mất, bị huỷ hoại hoặc làm hư hỏng”, “lợi ích đi đôi với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút”, “chi phí hợp lí để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại”.

Như vậy, thiệt hại về tài sản bao gồm các thiệt hại trực tiếp nhằm phục hồi lại tình trạng tài sản ban đầu của người bị thiệt hại và thiệt hại gián tiếp liên quan đến vấn đề khai thác và sử dụng tài sản trong thời gian từ khi xảy ra thiệt hại đến khi bồi thường. Thiệt hại về tài sản có thể tính toán được thành một số tiền nhất định bao gồm các khoản được liệt kê sau:

Thiệt hại trực tiếp bao gồm:

(i) Thiệt hại do mất mát tài sản (tính theo tình trạng tài sản, thời giá thị trường tại thời điểm tài sản bị mất);

(ii) Tài sản bị huỷ hoại là những tài sản không thể phục hồi được như ban đấu; tài sản bị hư hỏng là những chi phí hợp lí, cần thiết trong việc phục hồi tài sản, bảo đảm tính năng sử dụng như trước khi xảy ra thiệt hại;

(iii) Những chi phí phải bỏ ra bao gồm chi phí để ngăn chặn, hạn chế tối đa những thiệt hại hoặc khắc phục thiệt hại.

Thiệt hại gián tiếp bao gồm:

(i) Lợi ích đi đôi với khai thác tài sản (trong thời gian sửa chữa, khắc phục thiệt hại không thể khai thác tài sản).

(ii) Những lợi ích chắc chắn thu được nếu không có thiệt hại xảy ra và những chi phí cần thiết trong việc hạn chế thiệt hại.

Việc bồi thường thiệt hại trực tiếp về tài sản có thể thực hiện bằng các cách sau: bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc nào đó được quy định, về nguyên tắc chung, các bên có thể thoả thuận cách thức, mức độ bồi thường với nhau như: sửa chữa hư hỏng, thay thế bằng một tài sản khác có giá trị tương đương với tài sản bị thiệt hại. Nếu không thể bồi thường được bằng hiện vật thì trị giá tài sản để bồi thường. Khi trị giá tài sản sẽ căn cứ theo giá trị hiện nay trên thị trường của loại tài sản đó có tính đến khấu hao tài sản do đã sử dụng tài sản.

Để có cái nhìn tổng quát hơn, mời bạn đọc tham khảo Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm

Sức khỏe và vấn đề khó có thể xác định chính xác bằng một khoản tiền. Vì vậy, việc bồi thường thiệt hại về sức khoẻ thực chất có ý nghĩa là đền bù một phần thiệt hại về vật chất, tạo điều kiện cho nạn nhân hay gia đình họ khắc phục khó khăn do tai nạn gây nên và trong một số trường hợp có ý nghĩa là một trợ cấp cho nạn nhân, gia đình nạn nhân.

Xác định thiệt hại về sức khoẻ bao gồm:

(i) Chi phí hợp lí cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và các chức năng bị mất, bị giảm sút (tiền thuốc, tiền viện phí và các dịch vụ chữa bệnh khác, tiền bồi dưỡng, tiền tàu xe đi viện, tiền thay thế các bộ phận giả nếu có). Nếu do yêu cầu chăm sóc nạn nhân thì chi phí trực tiếp cho người phải chăm sóc nạn nhân sẽ dựa theo yêu cầu của cơ sở chữa bệnh.

(ii) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không nằm trong mức ổn định và không thể xác định được thì sẽ tiến hành áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

(iii) Chi phí hợp lí và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại đã mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lí cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

(iv) Thu nhập bị giảm sút là khoản chênh lệch giữa thu nhập trước khi xảy ra tai nạn và sau khi thực hiện điều trị. Những thu nhập này phải là những thu nhập thường xuyên và hợp pháp thực tế;

(v) Tổn thất về tinh thần mà nạn nhân phải gánh chịu là một khái niệm trừu tượng. Hiện tại không có mẫu số chung cho tất cả mọi người và không thể tính được thành tiền một cách chính xác. Việc xác định tổn thất tinh thần khi sức khoẻ bị xâm hại phụ thuộc vào từng cá nhân của người bị thiệt hại (tình trạng gia đình, độ tuổi, nghề nghiệp, mức độ thiệt hại và cả bộ phận nào của cơ thể bị thiệt hại...). Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần sẽ phụ thuộc vào thoả thuận giữa các bên; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khoẻ bị xâm phạm không quá 50 lần mức tháng lương cơ sở do Nhà nước đã quy định.

Xem thêm về So sánh bồi thường thiệt hại trong và ngoài hợp đồng

Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm

Tính mạng là vô giá và không thể tính thành tiền. Vì vậy, bồi thường thiệt hại về tính mạng thực chất là bồi thường vật chất phải bỏ ra liên quan đến cái chết của người bị thiệt hại. Những chi phí phải bỏ ra bao gồm:

(i) Những chi phí hợp lí cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc nạn nhân trước khi chết, chi phí hợp lí cho việc mai táng phù hợp với phong tục, tập quán của nạn nhân.

(ii) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người chết có nghĩa vụ phải cấp dưỡng (con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động...).

(iii) Một khoản tiền khác nhằm bù đắp tổn thất về mặt tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần sẽ phụ thuộc vào sự thảo thuận giữa các bên; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá 100 lần mức tháng lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm

Thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là vấn đề không thể xác định. Thực chất là xác định những tổn thất về vật chất do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm... nhằm phục hồi tình trạng ban đầu của người bị xâm hại. Những chi phí đó bao gồm:

(i) Những chi phí phải chi trả và thu nhập bị mất (thu nhập chứng cứ, thời gian phải bỏ ra để khiếu nại, đăng báo cải chính...).

(ii) Người xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp những tổn thất về mặt tinh thần mà người bị xâm phạm phải gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần phụ thuộc vào các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá 10 lần mức tháng lương cơ sở do Nhà nước quy định.

 Xem thêm thông tin tại Pháp trị - Kiến thức dân sự

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật dân sự được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn

Trần Thu Hoài

Trần Thu Hoài

https://everest.org.vn/chuyen-vien-tran-thu-hoai "Chuyên viên Trần Thị Thu Hoài tham gia Công ty Luật TNHH Everest từ năm 2020 đến nay. Các vụ án nổi bật Chuyên viên Trần Thị Thu Hoài đã trực tiếp tham gia và hỗ trợ: Thu hồi đất nông nghiệp của các hộ dân tại Cát Hải, Hải Phòng. "

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
0.19844 sec| 1045.813 kb