Thu hồi đất sạt lở tại Quảng Ninh: Dự án kinh tế ‘núp danh’ Dự án xã hội, ai ‘được’, ai ‘mất’?

Bởi Trần Thu Thủy - 02/12/2019
view 11917
comment-forum-solid 0

Bản chất thật sự của “Dự án thu hồi các thửa đất sạt lở, vị trí nguy hiểm không thể ở, đe dọa tính mạng con người và tài sản của các hộ gia đình, cá nhân tại phường Hà Phong, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh do Công ty Cổ phần Than Hà Tu - Vinacomin làm chủ đầu tư” (gọi tắt là “Dự án thu hồi các thửa đất sạt lở… tại phường Hà Phong”) hướng tới mục tiêu kinh tế, nhưng lại được khoác chiếc áo mỹ miều: ‘bảo vệ tính mạng con người và tài sản của công dân’.

Với câu hỏi: “Có hay không đất sạt lở ‘… nguy hiểm không thể ở, đe dọa tính mạng con người và tài sản…’ như tên gọi của Dự án?”, anh Vũ Bá Quang và chị Vũ Thị Thanh (01/29 hộ gia đình thuộc diện điều chỉnh Dự án) trả lời: “Đây chỉ là câu chuyện được dàn dựng [!?]”. Với “địa thế vàng” “tọa sơn, ngọa thủy” và minh chứng là nhiều hộ gia đình, cá nhân đã sinh sống ổn định suốt gần 50 năm tại Tổ 30 khu 4A phường Hà Phong, không có một sự cố nghiêm trọng nào xảy ra, thì không thể có khả năng ‘nguy hiểm không thể ở, đe dọa tính mạng con người’ [?!].

Hệ lụy của “Dự án thu hồi các thửa đất sạt lở… tại phường Hà Phong” đã rõ: sau 03 năm khu tái định cư của Dự án không có người ở, những hộ gia đình như ông Vũ Bá Quy, Vũ Bá Quang, Vũ Như Báu… vẫn trong cảnh màn trời chiếu đất; Tổn thất của Chủ đầu tư - Công ty Cổ phần Than Hà Tu - Vinacomin: sau khi đã giải ngân nhiều chục tỷ đồng, Dự án nay “án binh bất động”; Thành phố Hạ Long sẽ tiếp tục đối diện với khiếu kiện kéo dài, tốn kém tiền thuế của dân, niềm tin vào công lý bị sói mòn.

‘Túp lều xơ xác’ - hệ lụy của Dự án… dang dở

Đêm đông, khu dân cư tại Tổ 30 khu 4A phường Hà Phong, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) chìm trong một màu đen thẫm với ngổn ngang đát đá và đổ vỡ. Nơi ở của gia đình anh Vũ Bá Quang và chị Vũ Thị Thanh chỉ còn là một căn lều tạm - dựng trên nền căn biệt thự ba tầng vừa bị Ủy ban nhân dân phường Hà Phong phá dỡ trong sáng ngày 30/11/2017 - độc có mái bạt che nắng mưa, không có vách quây xung quanh, gió lạnh thổi tứ phía.

Trong túp lều xơ xác, bà mẹ trẻ (chị Vũ Thị Thanh, ảnh) ôm ba đứa con nhỏ, run rẩy bên đống lửa, gió đông lạnh thấu xương. Thấy có người đến thăm, chị khóc nấc lên vì tủi hận.

Cúi xuống nhìn xuống ba đứa trẻ đang cố nép mình vào lòng mẹ để tránh cái lạnh cắt da, cắt thịt, chị Vũ Thị Thanh nghẹn ngào, kể trong nước mắt: “Cháu lớn nhà tôi năm nay đang học lớp một… Thời gian này cháu đi học không có sách vở gì… Về nhà, cháu hỏi mà tôi không biết trả lời cháu thế nào… Có những lúc, cháu ngây thơ hỏi: Mẹ ơi, nhà mình đang xây nhà à,… Mẹ ơi, nhà mình đang ở như thế sao lại đập đi,.. Tôi chỉ biết cố cầm nước mắt mà cũng chẳng biết giải thích thế nào cho cháu hiểu,..” .

Quệt nước mắt, bà mẹ trẻ thân hình mảnh khảnh, tiều tụy giọng nghẹn ngào kể về nỗi cùng cực của gia đình…

Tường thuật ngày 14/12/2017 (nêu trên) của Báo điện tử Người đưa tin (Chuyên trang Khoẻ 365) phần nào đã lược tả những tổn thương, mất mát, của những người bị thu hồi đất tại “Dự án thu hồi các thửa đất sạt lở, vị trí nguy hiểm không thể ở… tại phường Hà Phong”.

Lưu ý rằng: sau 03 năm kể từ ngày nhận được quyết định cưỡng chế thu hồi đất, có hộ gia đình như anh Vũ Bá Quang và chị Vũ Thị Thanh đang tiếp tục chịu cảnh ‘màn trời chiếu đất’, tạm cư trong ‘túp lều xơ xác’.

Dự án ‘biến’ hộ gia đình anh Vũ Bá Quang từ ‘nhà cao, cửa rộng’ thành ‘màn trời, chiếu đất’

‘Dàn dựng’ câu chuyện ‘đất sạt lở’, ‘mượn gió bẻ măng’ để… chiếm đất

Anh Vũ Bá Quang và chị Vũ Thị Thanh (01/29 hộ gia đình thuộc diện điều chỉnh Dự án) khẳng định: “Nói thu hồi các thửa đất sạt lở, vị trí nguy hiểm không thể ở, đe dọa tính mạng con người và tài sản chỉ là cái cớ. Đây chỉ là câu chuyện được dàn dựng (!?)”. Với “địa thế vàng” và minh chứng là nhiều hộ gia đình, cá nhân đã sinh sống ổn định suốt gần 50 năm, không có một sự cố nghiêm trọng nào xảy ra, thì không thể có nguy hiểm không thể ở, đe dọa tính mạng con người. Công ty Cổ phần Than Hà Tu - Vinacomin lập ra “Dự án thu hồi các thửa đất sạt lở, vị trí nguy hiểm không thể ở… tại phường Hà Phong” mục tiêu nhằm làm chiếm đất mở rộng Mỏ than - lợi ích rất lớn. Thế nhưng họ không muốn đàm phán, trả giá sòng phẳng với người mất đất, mà dùng thủ đoạn ‘lấy thịt đè người’ để chiếm đất.

Tài liệu của Công ty Luật TNHH Everest thu thập, chứng minh cho nhận định này của anh Vũ Bá Quang và chị Vũ Thị Thanh: Những hộ dân đầu tiên sinh sống ở khu vực Tổ 30 khu 4A phường Hà Phong, thành phố Hạ Long (năm tại khoảng giữa khai trường Mỏ than Hà Tu và Mỏ than Núi Béo) vào khoảng năm 1960, chưa bao giờ bị sạt lở.

Khoảng năm 1998, cả gia đình ông Vũ Bá Quy và bà Nguyễn Thị Liền chuyển đến, mua thửa đất diện tích 500m2 xây nhà, sinh sống tại khu vực Tổ 30 khu 4A phường Hà Phong, thành phố Hạ Long. Địa thế đất ở đây cao ráo, chắc chắn, ở ngang lưng đồi, phía dưới là Suối Lộ Phong, hiền hòa.

Công việc kinh doanh ổn định, ông Vũ Bá Quy và bà Nguyễn Thị Liền đã quyết định mua thêm nhà và đất cho các con sát ngay nhà mình: nhà đất gia đình anh Vũ Đình Mão và Vũ Thị Trang (con rể và con gái) rộng 500m2 mua năm 2004, nhà đất của gia đình anh Vũ Bá Quang và chị Vũ Thị Thanh (con trai và con dâu) rộng 709m2 mua năm 2010, nhà đất của gia đình anh Vũ Như Báu chị Vũ Thị Chung Anh (con rể và con gái) rộng 443m2 được mua năm 2014.

Năm 2014, anh Vũ Bá Quang và chị Vũ Thị Thanh quyết định phá bỏ căn nhà cũ, xây lại căn biệt thự 03 tầng. Căn biệt thự rất chắc chắn, thế “tọa sơn, vọng thủy” - tiêu chuẩn vàng trong phong thủy - lưng dựa vào núi đá, mặt hướng về Suối Lộ Phong.

Khu vực Tổ 30 khu 4A phường Hà Phong, thành phố Hạ Long nằm đoạn giữa khai trường Mỏ Than Núi Béo và Than Hà Tu. Hiện tượng sạt lở đã từng xảy ra vào năm 2015, tuy nhiên phải khẳng định rằng, hiện tượng sạt lở không phải do thiên tai, cũng không có nguyên nhân nào khác ngoài hệ lụy từ việc Công ty Cổ phần Than Hà Tu - Vinacomin làm đường, khai thác than.

Đỉnh điểm vào khoảng tháng 07/2015, tại Quảng Ninh xảy ra trận mưa lũ lịch sử. Tại khu vực Tổ 30, khu 4A phường Hà Phong, thành phố Hạ Long, lượng đất đá tích tụ dưới chân đường (ngang đồi) – trong quá trình xây dựng con đường vận chuyển than từ “khai trường mỏ than Hà Tu sang mỏ than Núi Béo” – đã bị trôi theo mưa lũ, dẫn đến sạt lở, ảnh hưởng đến một số hộ dân Tổ 30, khu 4A phường Hà Phong, thành phố Hạ Long. Trong năm 2015, các cơ quan chức năng đã kết luận: nguyên nhân dẫn đến sạt lở (nêu trên) là do việc xây dựng con đường vận chuyển than của Công ty Cổ phần Than Hà Tu - Vinancomin.

Ngày 30/06/2016, nhận trách nhiệm, Công ty Cổ phần Than Hà Tu - Vinancomin đã có Công văn số 772/VHTC-ĐM về việc lập phương án hỗ trợ bồi thường, hỗ trợ 14 hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở khi thực hiện con đường vận chuyển than. Số tiền bồi thường sau đó cũng đã được Công ty Cổ phần Than Hà Tu - Vinancomin chi trả cho 14 hộ gia đình, cá nhân bị thiệt hại. Thế nhưng, thay vì yêu cầu Công ty Cổ phần Than Hà Tu - Vinancomin hoàn thiện phương án đảm bảo an toàn của các hộ dân nằm dưới khu vực khai thác (nêu trên), Ủy ban nhân dân thành phố Hạ Long chấp thuận để Công ty Cổ phần Than Hà Tu - Vinancomin lập: “Dự án thu hồi các thửa đất sạt lở… tại phường Hà Phong”.

Luật sư Phạm Ngọc Minh - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900.6198

Dự án kinh tế ‘núp danh’ Dự án xã hội, ai ‘được’, ai ‘mất’?

Tổn thất của người bị thu hồi đất: “Dự án thu hồi các thửa đất sạt lở… tại phường Hà Phong” đến nay dang dở. Như vậy, người ‘mất’ thứ nhất chính là các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất. Thực tế, sau 03 năm triển khai, khu tái định cư của “Dự án thu hồi các thửa đất sạt lở… tại phường Hà Phong” không có người ở, bởi hạ tầng không đồng bộ. Có những những hộ gia đình như ông Vũ Bá Quy, Vũ Bá Quang, Vũ Như Báu… vẫn trong cảnh ‘màn trời chiếu đất’. Họ không thống nhất được phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư với thành phố Hạ Long, nhưng đã bị cưỡng chế thu hồi đất. Thiệt hại của người bị thu hồi đất sẽ không dừng lại ở đó. Bởi, không biết đến khi nào thành phố Hạ Long giải quyết dứt điểm vụ việc; Người dân không thể an cư lạc nghiệp; Và: chi phí khiếu kiện thì không hề nhỏ.

Tổn thất của chủ đầu tư: Công ty Cổ phần Than Hà Tu - Vinacomin (Chủ đầu tư): sau khi đã giải ngân nhiều chục tỷ đồng, Dự án đến nay “án binh bất động”, chắc chắn thiệt hại không nhỏ. Đây hệ quả của tư duy làm việc ‘chộp gật’, ‘lấy thịt đè người’. Được biết, trữ lượng than tại khu vực Tổ 30 khu 4A phường Hà Phong. Nếu kế hoạch mở rộng mỏ than thành công, lợi ích mà Công ty Cổ phần Than Hà Tu - Vinacomin thu lại không nhỏ. Thế nhưng họ không muốn chia sẻ lợi ích này với người khác. Nhân sự kiện sạt lở do làm con đường công vụ từ khai trường Mỏ than Hà Tu và Mỏ than Núi Béo (lỗi do thi công ẩu), Công ty Cổ phần Than Hà Tu - Vinacomin lại dàn dựng ra câu chuyện sạt lở đất nguy hiểm đến tính mạng con người…, rồi lập ra: “Dự án thu hồi các thửa đất sạt lở… tại phường Hà Phong”, tuyên bố không hưởng lợi gì. Liệu rằng, các cổ đông, có tin tưởng và chấp nhận để Công ty Cổ phần Than Hà Tu - Vinacomin, bỏ ra hàng chục tỷ (có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng) để làm từ thiện được hay không?

Tổn thất của Nhà nước: Thành phố Hạ Long sẽ tiếp tục đối diện với khiếu kiện kéo dài, tốn kém tiền thuế của dân và niềm tin vào công lý bị sói mòn. Chỉ nhìn hoàn cảnh hiện này của người bị thu hồi đất (nêu trên) thì thấy rõ: Công ty Cổ phần Than Hà Tu - Vinacomin đã ‘Dàn dựng’ câu chuyện ‘đất sạt lở’, ‘mượn gió bẻ măng’ để chiếm đất. Việc này không thể thiếu trách nhiệm của chính quyền thành phố Hạ Long.

Ủy ban nhân dân thành phố Hạ Long tuyên bố: họ đã làm đúng pháp luật và khoác lên “Dự án thu hồi các thửa đất sạt lở… tại phường Hà Phong” ‘chiếc áo’ mỹ miều: ‘bảo vệ tính mạng con người và tài sản của công dân’, nhưng kết quả, người dân đang ‘Nhà cao, Cửa rộng’ trở thành “Màn trời, Chiếu đất, nghĩa là, ‘Nói một đằng, Làm một nẻo’. Trong cuộc chiến pháp lý, bằng cách nào đó, Ủy ban nhân dân thành phố Hạ Long (bị đơn) đã thắng được một vài vụ kiện hành chính (nguyên đơn là người bị thu hồi đất). Thế nhưng, lãnh đạo thành phố Hạ Long nên nhớ rằng: những người biết rõ bản chất thực sự vụ án sẽ không bao giờ coi phán quyết của Tòa án (nhân danh Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) là công bằng.

Mất niềm tin là mất nhiều thứ. Cuộc chiến pháp lý còn kéo dài. Vụ việc Thủ Thiêm kéo dài 20 năm là minh chứng.

Bài viết thực hiện bởi: Luật sư Phạm Ngọc Minh - Công ty Luật TNHH Everest - đơn vị bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của một số hộ gia đình thuộc “Dự án thu hồi các thửa đất sạt lở… tại phường Hà Phong”.

Một số bài viết liên quan đến vụ việc:

  1. Thu hồi đất sạt lở tại Quảng Ninh: Nhiều ‘điểm mờ’ pháp lý không có câu trả lời thỏa đáng
  2. Thu hồi đất sạt lở tại Quảng Ninh: Có “cài đặt” “lợi ích nhóm” trong Quyết định số 1357/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh?
  3. Thu hồi đất sạt lở tại Quảng Ninh: Công dân tổ chức họp báo, sự thật được ‘phơi bày’ trước 30 phóng viên
  4. Thu hồi đất sạt lở tại Quảng Ninh: thu ‘đất ở’, thu luôn ‘đất nông nghiệp’
  5. Thu hồi đất sạt lở tại Quảng Ninh: ông Vũ Bá Quang có đủ cơ sở pháp lý

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.net.vn.

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
1.02154 sec| 1049.195 kb