Vụ án hủy hoại cây trên đất của mình tại Lục Nam (Bắc Giang): 'chỉ hươu nói ngựa', còn gì là công lý!

view 19117
comment-forum-solid 0

Trong vụ án hình sự “Hủy hoại tài sản” xảy ra ngày 21/03/2018 tại thôn Yên Thiện, xã Bảo Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, các cơ quan tư pháp của huyện Lục Nam: Cơ quan cảnh sát điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án đều chung kết luận: 15 cây đào, 17 cây bưởi 'bị hủy hoại' được trồng trên phần diện tích đất của ông Vũ Xuân Mơ "đã đổi cho gia đình ông Cấp, bà Duyệt"

Như kết luận nêu trên nghĩa là, 15 cây đào, 17 cây bưởi là tài sản hợp pháp của ông Vũ Xuân Mơ, đã bị ông Vũ Văn Cấp hủy hoại. Thế nhưng chứng cứ đã thu thập đầy đủ trong hồ sơ vụ án thể hiện bản chất khác biệt hoàn toàn: ông Vũ Xuân Mơ đã lấn chiếm trái phép thửa đất 240 m2 của ông Vũ Văn Cấp. Nói cách khác, ông Vũ Văn Cấp - bị cáo - nhưng thực sự là 'bị hại' - bị ông Vũ Xuân Mơ chiếm đất.

Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

'Chỉ hươu nói ngựa' - ‘biến’ đất của ông Vũ Văn Cấp thành đất của ông Vũ Xuân Mơ:

Bản Kết luận điều tra vụ án hình sự đề nghị truy tố số 88 ngày 09/10/2019 của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Lục Nam, sau đó là Bản Cáo trạng số 93/CT-VKS ngày 08/11/2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Lục Nam và Bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Lục Nam số 96/2019/HS_ST ngày 29/11/2019, kết luận: “Tại Năm 2009, gia đình: ông Vũ Xuân Mơ... và gia đình Vũ Văn Cấp..., gia đình bà Vũ Thị Duyệt... có thỏa thuận bằng lời nói với nhau về việc đổi đất nông nghiệp để thuận tiện cho việc canh tác. Theo đó, gia đình ông Cấp và gia đình bà Duyệt được sử dụng diện tích đất của gia đình ông Mơ ở 'xứ đồng khu lò gạch' thuộc thôn Yên Thiện, xã Bảo Sơn, huyện Lục Nam, còn gia đình ông Mơ được sử dụng diện tích đất của ông Cấp ở sát vườn của gia đình ông Mơ. Sau khi đổi ruộng cho gia đình ông Cấp, bà Duyệt, đến cuối năm 2009 gia đình ông Mơ đã đào ao, đổ đất lên phần diện tích đất của gia đình mình và đổ đất tạo thành vườn rồi trồng cây đào, cây bưởi lên phần diện tích đất đã đổi cho gia đình ông Cấp, bà Duyệt... (Bút lục: 162-171; 184; 190; 256; 267-271)”.

Nếu đúng kết luận của các cơ quan này, nghĩa là 15 cây đào, 17 cây bưởi 'bị hủy hoại' đã được trồng (hợp pháp) trên diện tích đất thuộc quyền sử dụng của ông Vũ Xuân Mơ (đổi cho ông Vũ Văn Cấp, bà Vũ Thị Duyệt). Thế nhưng, hồ sơ địa chính và các chứng cứ đã được thu thập trong hồ sơ vụ án, thể hiện bản chất sự việc 'đổi đất' không phải như vậy.

Các chứng cứ này thể hiện rằng: thửa đất - địa điểm xảy ra vụ án - rộng khoảng 360 m2, thực chất gồm 02 thửa đất liền kề nhau, trong đó có 01 thửa đất (diện tích 120 m2) được ông Vũ Văn Cấp và ông Vũ Xuân Mơ thỏa thuận đổi cho nhau, nhưng 01 thửa đất còn lại (diện tích 240 m2) hoàn toàn do ông Vũ Xuân Mơ chiếm - không có sự đồng ý cho sử dụng từ ông Vũ Văn Cấp.

Thửa đất thứ nhất: diện tích 120 mđất nông nghiệp trồng lúa (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông Vũ Văn Cấp) được ông Vũ Văn Cấp đổi cho ông Vũ Xuân Mơ một thửa đất trồng lúa có diện tích tương đương (hai thửa đất đổi chỉ cách nhau 200m và đều thuộc “xứ đồng khu lò gạch”). Theo ông Vũ Văn Cấp, thời hạn đổi thửa đất này là 02 năm từ đầu năm 2012 đến hết năm 2013. Còn theo ông Vũ Xuân Mơ, thì thời hạn đổi lâu dài và từ năm 2009. Tuy nhiên, hợp đồng đổi đất không được các bên lập thành văn bản. Ông Vũ Văn Cấp đã nhiều lần yêu cầu ông Vũ Xuân Mơ trả, nhưng ông Vũ Xuân Mơ không thực hiện cho đến nay.

Thửa đất thứ hai: có diện tích 240 m gọi là đất “hoang ruộng” (trồng lúa). Hồ sơ địa chính lưu tại Ủy ban nhân dân xã Bảo Sơn và thôn Yên Thiện thể hiện rõ: thửa đất này thuộc quản lý của Ủy ban nhân dân xã Bảo Sơn, không nằm trong quỹ đất nông nghiệp chia cho hộ gia đình, cá nhân theo Nghị định số 64-CP. Ủy ban nhân dân xã Bảo Sơn giao lại cho thôn Yên Thiện, thôn Yên Thiện giao cho  ông Vũ Văn Cấp sử dụng phải nộp sản về quỹ của thôn Yên Thiện. Sổ kế toán của thôn Yên Thiện thể hiện rõ: ông Vũ Văn Cấp nộp sản đầy đủ từ năm 1992 cho tới nay. Đối với thửa đất này, ông Vũ Văn Cấp chưa bao giờ giao cho ông Vũ Xuân Mơ sử dụng.

Theo ông Vũ Văn Cấp, sau khi thỏa thuận đổi ruộng (120 m đất nông nghiệp - thửa thứ nhất) thì vợ ông Vũ Văn Cấp bị ung thư. Hai vợ chồng thường xuyên ở Hà Nội điều trị bệnh. Khi về nhà, đã thấy ông Vũ Xuân Mơ đào ao, đổ đất lên cả hai thửa đất (120 m2 và 240 m2). Nghĩa là, ông Vũ Xuân Mơ đã lấn chiếm trái phép toàn bộ diện tích 240 m2 - hoàn toàn không có sự đồng ý của ông Vũ Văn Cấp.

Biên bản hòa giải ngày 04/05/2018, tại Ủy ban nhân dân xã Bảo Sơn, về nội dung này, ông Vũ Xuân Mơ trình bày: “… năm 2009 tôi có đổi 120 m với ông Cấp, đồng thời cùng năm này tôi đổi với anh Còi (Vũ Văn Giản) con bà Duyệt diện tích 240 m2 …”. Có nghĩa rằng, chính ông Vũ Xuân Mơ thừa nhận: không có sự việc đổi 240 m ruộng với ông Vũ Văn Cấp. Nội dung này nhiều lần được ông Vũ Xuân Mơ xác nhận lại, như tại Biên bản hòa giải ngày 12/07/2018  tại Ủy ban nhân dân xã Bảo Sơn, tại các phiên tòa sơ thẩm các ngày 22, 28 và 29/11/2019.

Thực tế có sự việc, ông Vũ Xuân Mơ đổi ruộng cho bà Vũ Thị Duyệt - là chị ruột của ông Vũ Văn Cấp (hoặc anh Vũ Văn Giản - tức Còi) hay không: Sau khi ông Vũ Văn Cấp đổi cho ông Vũ Xuân Mơ (thửa đất diện tích 120 m đất nông nghiệp trồng lúa), thì ông Vũ Văn Cấp cho bà Vũ Thị Duyệt mượn thửa đất này để canh tác. Hồ sơ vụ án hủy hoại tài sản và hồ sơ địa chính của xã Bảo Sơn cho thấy: bà Vũ Thị Duyệt và anh Vũ Văn Giản (tức Còi) không có ruộng tại “xứ đồng khu lò gạch”. Nếu đã không có ruộng tại “xứ đồng khu lò gạch” thì bà Vũ Thị Duyệt và anh Vũ Văn Giản (tức Còi) lấy đâu ra ruộng đổi cho ông Vũ Xuân Mơ [?!].

Như vậy, nội dung, “gia đình ông Vũ Xuân Mơ,… gia đình Vũ Văn Cấp, … gia đình bà Vũ Thị Duyệt, thỏa thuận bằng lời nói với nhau về việc đổi đất nông nghiệp để thuận tiện cho việc canh tác” - như tại Bản Kết luận điều tra vụ án hình sự đề nghị truy tố số 88 ngày 09/10/2019 của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Lục Nam, Bản Cáo trạng số 93/CT-VKS ngày 08/11/2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Lục Nam và Bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Lục Nam số 96/2019/HS_ST ngày 29/11/2019, là sai lệch hoàn toàn bản chất sự việc.

Lưu ý: đối chiếu với sơ đồ thửa đất thì thấy, trong số 15 cây đào, 17 cây bưởi 'bị hủy hoại' thì: 08 (tám) cây trong vụ án trồng tại thửa đất thứ nhất (120 m), còn lại 24 (hai mươi tư) cây được trồng tại thửa đất thứ hai (240 m).


Sơ đồ thửa đất và 15 cây đào, 17 cây bưởi do Cơ quan Cảnh sát sát điều tra lập tháng 03/2018 (trái), Luật sư Công ty Luật TNHH Everest đo đạc tháng 02/2020 (phải).

Dấu hiệu hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp: truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội

Các Luật sư: Phạm Ngọc Minh, Nguyễn Duy Hội, Nguyễn Thị Yến - Công ty Luật TNHH Everest cho rằng: Ngoài kết luận 'chỉ hươu nói ngựa' (nêu trên), các luật sư của Công ty Luật TNHH Everest bào chữa cho bị cáo Vũ Văn Cấp trong vụ án này còn chỉ ra: các kết luận của cơ quan tố tụng trái với thực tế khách quan, trái với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, cho thấy: đây là vụ án oan sai; Và: sai sót không phải do nghiệp vụ, mà có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp: truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội (tội phạm quy định tại Điều 368 Bộ luật Hình sự năm 2015):

1) Bản Kết luận điều tra vụ án hình sự đề nghị truy tố số 88, Bản Cáo trạng số 93/CT-VKS và Bản án hình sự sơ thẩm số 96/2019/HS_ST đều kết luận: “… quá trình khám nghiệm hiện trường xác định tổng số cây trên diện tích vườn của gia đình ông Mơ bị chặt phá thiệt hại 100% là 32 cây, trong đó có 15 cây đào và 17 cây bưởi…”.  Thế nhưng kết luận này trái ngược hoàn toàn với thực tế khách quan: Ảnh chụp cây bị chặt (hủy hoại) đến ngày 08/05/2018 (Bút lục từ số 78 đến số 83) đều thể hiện cây còn tươi tốt [!]. Nghĩa là các cây đào, cây bưởi 'bị hủy hoại' - trong vụ án này - đều ‘còn sống’ cho đến khi được thực nghiệm hiện trường vào ngày 08/05/2018 (hai tháng sau). Tới ngày 20/02/2020 (02 năm xảy ra vụ án), khi các luật sư cùng ông Vũ Văn Cấp kiểm tra lại hiện trường, cho thấy: cây số 05, số 08 và số 14 còn sống [!?].

Ngày 20/02/2020, các luật sư cùng ông Vũ Văn Cấp kiểm tra hiện trường, vẫn thấy cây số 05, số 08 và số 14 vẫn còn sống

2) Tài sản ‘bị hủy hoại’ (cây bưởi, cây đào) trong vụ án không được hình thành từ lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp: đào, bưởi thuộc loại cây lâu năm nhưng đã được trồng trái pháp luật trên đất trồng lúa (trồng cây hàng năm). Trưởng thôn Yên Thiện đã từng có ý kiến không đồng ý cho ông Vũ Xuân Mơ, bà Trần Thị Toan trồng bưởi, đào trên đất trồng lúa.

3) Tài sản bị hủy hoại không được giám định: Cơ quan tiến hành tố tụng đã không trưng cầu giám định để xác định chính xác loại (bưởi, đào) làm căn cứ định giá cây. Thực tế, có những loại (bưởi, đào) có giá trị cao, có những loại giá trị thấp, thậm chí có loại không có giá trị. Các luật sư nêu giả thuyết, hoàn toàn có khả năng nhầm lẫn giữa loài cây khác (khác loài nhưng cùng chi, họ) với loài cây: đào, bưởi. Xem thêm: Xanh mặt vì… bưởi da xanh.

4) Không có căn cứ chứng minh: con dao của bị cáo Vũ Văn Cấp chặt toàn bộ 15 cây đào, 17 cây bưởi. Bị cáo Vũ Văn Cấp chỉ xác nhận chặt khoảng 06 đến 08 cây. Kết luận giám định chỉ thể hiện con dao của bị cáo Vũ Văn Cấp chỉ chặt 06 cây, còn lại không xác định chính xác các cây khác có bị chặt bởi con dao của bị cáo Vũ Văn Cấp hay không.

5) Không có chứng cứ chứng minh: bị cáo Vũ Văn Cấp chặt toàn bộ 32 cây, đây chỉ là suy đoán của điều tra viên, kiểm sát viên và hội đồng xét xử sơ thẩm. Trong khi đó, hiện trường vụ án không được bảo vệ đúng quy định trong khoảng thời gian 04 giờ. Thời điểm bị cáo Vũ Văn Cấp khai chặt cây xong và về nhà vào lúc 08h30 phút, khoảng 09h30 cơ quan chức năng mới có mặt. Tới 11h00 xác định có 29 cây bị chặt, nhưng tới 14h30 xác định có 32 cây bị chặt trong đó có những cây đường kính lớn tới 15 cm. Bị cáo Vũ Văn Cấp đặt ra câu hỏi: ai đã cố tình chặt cây để vu khống Vũ Văn Cấp phạm tội.

6) Việc định giá tài sản có nhiều bất thường. Kết quả định giá lần thứ nhất vào ngày 30/03/2018 - giá trị tài sản ‘bị hủy hoại’ định giá là: 2.227.700 đồng, nhưng kết quả định giá lần thứ hai vào ngày 10/06/2019 và lần thứ ba vào ngày 22/08/2019 cho kết quả khác biệt hoàn toàn giá trị định giá ban đầu, lần lượt là: 17.885.000 đồng17.938.000 đồng (gấp hơn 08 lần lần định giá lần thứ nhất).

Ngày 20/02/2020, Luật sư Phạm Ngọc Minh kiểm tra hiện trường, vẫn thấy cây số 05 và số 08 còn sống và phát triển tốt

7) Hội đồng định giá định giá bằng phương pháp xác định giá thị trường. Nhưng thực tế, tại địa điểm xảy ra vụ án (xã Bảo Sơn) và thời điểm tháng 03/2018 không có ai bán cây bưởi (loại lấy quả) đã trồng trên 03 năm, đây cũng không phải thời điểm bán đào (cây, hoặc cành) do đã qua Tết nguyên đán hơn 01 tháng. Hội đồng định giá xác định giá cây bán trên thị trường - theo mẫu lấy tại thị trấn Đồi Ngô và thành phố Bắc Giang - khác xa so với thời điểm và địa điểm xảy ra vụ án. Xem thêm: Yêu cầu triệu tập hai Phó Giám đốc Sở Tài chính Bắc Giang!

8) Thái độ côn đồ của Vũ Văn Hoàng, Vũ Văn Hậu (con của bị hại Vũ Xuân Mơ, Trần Thị Toan): nhân chứng Vũ Thị Duyệt và một số nhân chứng khác đã xác nhận nhìn thấy khoảng thời gian từ 09h00 đến 09h30 cùng ngày 21/03/2019, Vũ Văn Hoàng, Vũ Văn Hậu cầm dao với ‘dọa’ sẽ đánh, chém bị cáo Vũ Văn Cấp tại khu vực xảy ra vụ án. Vũ Văn Hoàng, Vũ Văn Hậu cũng nhiều lần nhắn tin trên mạng xã hội, và công khai lời nói, cử chỉ dọa ‘giết’ các luật sư bào chữa cho bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm, dọa giết người nhà bị cáo Vũ Văn Cấp.

9) Bị cáo Vũ Văn Cấp khẳng định Biên bản ghi lời khai ngày 16/08/2018 gồm 04 (bốn) trang - đánh số Bút lục số 263 và 264 - chữ ký “Cấp” và dòng chữ viết “Vũ Văn Cấp” tại trang 01 và trang 04 không phải của bị cáo Vũ Văn Cấp. Bị cáo Vũ Văn Cấp đã chỉ đích danh điều tra viên Trần Văn Dũng và cán bộ điều tra Nguyễn Tuấn Vũ - Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lục Nam - đã giả mạo chữ ký, chữ viết của mình và có đơn. Xem thêm: Chữ ký của bị cáo Vũ Văn Cấp bị giả mạo?


Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.net.vn.

Luật sư Phạm Ngọc Minh

Luật sư Phạm Ngọc Minh

https://everest.org.vn/luat-su-pham-ngoc-minh/ Luật sư Phạm Ngọc Minh - CEO Công ty Luật TNHH Everest. Luật sư Minh có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật.

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
0.25196 sec| 1073.5 kb