Nội dung bài viết [Ẩn]
Để gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, chủ văn bằng bảo hộ phải nộp lệ phí gia hạn hiệu lực. Vậy chi phí gia hạn giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu là bao nhiêu?
Bài tư vấn pháp luật doanh nghiệp được thực hiện bởi: Luật gia Nguyễn Đức Anh – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Theo khoản 6 Điều 93 Luật sở hữu trí tuệ, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần mười năm.
Để được gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, trong vòng 06 tháng tính đến ngày Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hết hiệu lực chủ Văn bằng phải nộp đơn yêu cầu gia hạn. Đơn yêu cầu gia hạn có thể được nộp muộn nhưng không quá 06 tháng kể từ ngày Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hết hiệu lực và chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu phải nộp thêm lệ phí gia hạn hiệu lực muộn.
Hồ sơ yêu cầu gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu gồm: Tờ khai yêu cầu gia hạn hiệu lực Văn bằng bảo hộ(theo mẫu 02-GH/DTVB tại Phụ lục C của Thông tư 01); Bản gốc VBBH (trường hợp yêu cầu ghi nhận việc gia hạn vào VBBH); Giấy ủy quyền (trường hợp nộp yêu cầu thông qua đại diện); Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ; Tài liệu khác (nếu cần).
Cục Sở hữu trí tuệ xem xét đơn yêu cầu gia hạn trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận đơn. Trường hợp đơn không có thiếu sót, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định gia hạn, ghi nhận vào văn bằng bảo hộ, đăng bạ và công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp.
Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo dự định từ chối gia hạn, có nêu rõ lý do và ấn định thời hạn 01 tháng kể từ ngày ra thông báo để người yêu cầu sửa chữa thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối, nếu đơn yêu cầu gia hạn thuộc một trong các trường hợp sau đây: Đơn yêu cầu gia hạn không hợp lệ hoặc được nộp không đúng thủ tục quy định; Người yêu cầu gia hạn không phải là chủ văn bằng bảo hộ tương ứng.
Nếu trong thời hạn đã ấn định, người yêu cầu không sửa chữa thiếu sót hoặc sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu, không có ý kiến phản đối hoặc ý kiến phản đối không xác đáng thì Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo từ chối gia hạn.
Cục sở hữu trí tuệ ra Quyết định ghi nhận gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp hoặc Quyết định từ chối gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Cập nhật nội dung gia hạn vào bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (nếu có) và trả văn bằng cho chủ sở hữu.
Theo Thông tư số 263/2016/TT-BTC của Bộ tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp, nêu rõ mức thu gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu như sau: Lệ phí duy trì hiệu lực đối với nhãn hiệu (10 năm) cho mỗi nhóm sản phẩm/dịch vụ là 100.000 đồng; Lệ phí duy trì/gia hạn hiệu lực muộn (cho mỗi tháng nộp muộn) là 10% lệ phí duy trì/gia hạn; Phí thẩm định yêu cầu gia hạn là 160.000 đồng/ 01 văn bằng bảo hộ; Phí sử dụng văn bằng bảo hộ là 700.000 đồng/ 01 nhóm sản phẩm/dịch vụ; Phí công bố quyết định ghi nhận gia hạn nhãn hiệu là 120.000 đồng/ 01 đơn gia hạn; Phí đăng bạ gia hạn nhãn hiệu là 120.000 đồng/ 01 văn bằng bảo hộ.
Ngoài phí, lệ phí nhà nước phải nộp khoảng 1.200.000 đồng/nhãn hiệu/nhóm, Chủ sở hữu Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu còn phải trả thêm phí dịch vụ gia hạn giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu là 1.200.000 đồng/nhãn hiệu.
Thời gian hoàn tất thực hiện công việc gia hạn: khoảng 06 tháng.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm